Gia đình của nghệ sĩ hài Minh Vượng - nghe chị kể về bố mẹ và không lấy chồng

Cùng đến với gia đình của nghệ sĩ hài Minh Vượng để nghe chị kể chuyện về bố mẹ và không lấy chồng cũng như những ước mơ của một người phụ nữ khao khát hạnh phúc gia đình


Nghệ sỹ ưu tú Minh Vượng: Vượt qua những cú sốc


Tôi tần ngần đứng trước nhà của nghệ sỹ hài Minh Vượng. Ngõ nhỏ đầy cây xanh và nắng rực rỡ… Đã sắp Giáng sinh rồi, Hà Nội giữa đông thật đẹp. Ngoài phố kia, cuối năm dòng người hối hả tất bật. Trong dòng chảy cuồn cuộn của thời gian, không có ai dừng lại, chậm lại trong guồng quay ấy.

Vậy mà trước con ngõ nhỏ này, nơi có ngôi nhà nép tán cây xanh, tôi tưởng như Hà Nội xa xôi lắm ngoài kia, thời gian xa xôi lắm ngoài kia, và cánh cửa nhà Minh Vượng đang mở ra bày trước mắt tôi một nhịp sống chậm rãi, yên tĩnh và lặng lẽ.

Thì ra, trút bỏ xiêm y lòe loẹt trên sân khấu, trút bỏ những trận cười nghiêng ngả mà ngạo nghễ, chốn lặng của danh hài Minh Vượng là đây, nơi không phải tiếng cười là thứ duy nhất ngự trị. Nơi đây, Minh Vượng và người bạn thân thiết đang sống một đời sống chậm, giấu mình chìm lặng sau những náo nhiệt kia.

1. Minh Vượng vừa trải qua những cú sốc lớn về tinh thần. Những cú sốc tưởng chừng đã có thể quật ngã người phụ nữ to lớn, chân đi miệng nói, đến đâu là mang lại tiếng cười nghiêng ngả, mang lại niềm vui, sự ồn ào. Năm 2008 là năm có những sự kiện lớn trong cuộc đời của danh hài Minh Vượng.

Có thể nói đó là những sự kiện gây tác động không nhỏ trong cuộc đời của mỗi con người. Sự kiện đau buồn nhất là người mẹ thân thương của chị đã giã biệt chị cùng các con để đi về một cõi khác. Mẹ chị, người mẹ một đời yêu thương, sống chan hòa vui vẻ với làng trên xóm dưới, là trung tâm hòa giải của cả khu dân cư nơi tập thể Nhà máy Rượu Hà Nội, người luôn mang lại niềm tin, góp phần tích cực để hóa giải hết mọi rắc rối đau buồn của hàng xóm láng giềng những lúc khó khăn trắc trở.

Danh hài Minh Vượng kể về sự ra đi của bà, một sự ra đi nhẹ nhõm, kỳ lạ như một người trần đã sống ở chốn dương gian đủ để đến ngày bà hóa kiếp về trời. Buổi sáng hôm ấy, Minh Vượng nhớ như in, ngày 4/5/2008, bà đi trước một ngày Tết Đoan ngọ 5/5, ngày giết sâu bọ, bà gọi con gái đến và mở tủ ra dặn con, ngăn này nhà ai gửi tiền, ngăn kia nhà ai gửi vàng.

Vì trong khu tập thể có người sửa nhà không có chỗ cất tiền vàng bèn mang đến cho mẹ chị giữ giùm. Chỉ xong, bà kêu đói, ăn một bát hủ tiếu nhỏ. Một lúc sau uống thêm nửa cốc nước cam. Bà đi vào nhà vệ sinh và tự làm vệ sinh xong, lên giường ngồi tựa lưng xem tivi.

Bà chỉ nấc lên hai cái là đi ngay, như vừa thiếp ngủ. Em gái Minh Vượng ở trên tầng xuống không kịp thì mẹ đã đi rồi. Bà đi quá đột ngột khiến cho tất cả con cháu đều sốc và cảm thấy quá đỗi đau buồn. Con cái không một ai nghĩ là bà sẽ đi, vì thường ngày, bố mới là người yếu bệnh đau ốm suốt hai năm nay.

Lúc còn sống, bà vẫn thường nói với các con cháu như một điềm báo rằng: "Trông bố chúng mày ốm đau, bệnh tật đi hết viện nọ viện kia nhưng người chết trước là tao đấy. Rồi mà xem". Con cháu trách bà, cho rằng mẹ cứ gở mồm, thế mà điều bà nói lại đâm ra thật.

Sau khi bà mất, gia đình gọi hàng xóm đến lấy đồ gửi ở tủ của bà. Giá như không linh cảm trước được sự sống như ngọn đèn trước gió của mình, bà không nói cho con gái biết ai gửi tiền vàng, thì khi bà mất, biết đâu mà tìm đến tận người để gửi trả. Bà thọ 86 tuổi, ra đi nhẹ như một sự hóa kiếp.

2. Những ai mất mẹ rồi, mới thấu hết nỗi cô đơn của kẻ mồ côi, mới thấm thía tận cùng cái sợi dây neo đậu của mình với nguồn cội, với máu mủ ruột rà, với bậc sinh thành giờ đã bị đứt mất.

Mất đi sợi dây ràng buộc ấy, chúng ta như mất đi một bến bờ, như cái cây ngả nghiêng trước gió bão, như chùm rễ chỉ chực nhổ bật lên khỏi mặt đất bình yên. Từ đây, chúng ta sẽ phải đơn độc một mình, tự bám rễ, tự vững chãi, và gồng lên để làm một bến bờ cho những đứa con, cháu chắt của mình neo đậu.

Kiếp người luân hồi, ai cũng phải trải qua cảm giác mất mẹ mất cha. Thế nhưng, con người dù ở tuổi nào, dù lên chức mẹ chức bà hay trên đầu đã hai thứ tóc như Minh Vượng thì mồ côi mẹ vẫn là một nỗi buồn đau tang thương không gì sánh nổi.

Danh hài Minh Vượng mỗi lần đi diễn trở về, qua thăm nơi mẹ đã sống, ngồi lên chiếc giường trống trải, lạnh hơi mẹ, chị vẫn tâm niệm một điều rằng, mẹ đi xa đâu đó chưa về.

Và chị đợi, dù trong vô thức, một chút mệt mỏi đầy hy vọng… một ngày nào đó, khoảnh khắc nào đó, chị gặp lại mẹ mình trong ngôi nhà này, ở chỗ ngồi kia, trên chiếc giường xưa. Mỗi khi chị đến thăm mẹ, chị chỉ muốn nghe mẹ kể những chuyện vui, và nếu mẹ có tâm sự chuyện buồn, chị cứ gạt phắt đi, ngăn không cho mẹ kể.

Chị cứ biện lý do: "Mẹ ơi, mẹ cũng huyết áp, con cũng huyết áp, mẹ kể chuyện buồn, con cũng buồn, rồi mẹ con mình sao chịu nổi. Thôi mẹ đừng kể nữa". Mất mẹ rồi, Minh Vượng chỉ có một nỗi ân hận lớn lao nhất, rằng khi xưa, lúc mẹ còn sống, tại sao chị lại không một lần lắng nghe mẹ kể chuyện buồn.

Sao chị nỡ ích kỷ, chỉ muốn nghe chuyện vui từ mẹ, nhận niềm vui từ mẹ mà không muốn san sẻ nỗi buồn của mẹ. Người mẹ nào mà không có nhu cầu chia sẻ những muộn phiền, dù chỉ là những muộn phiền không lý do. Đó chính là ân hận lớn nhất của Minh Vượng.--PageBreak--

3. Danh hài Minh Vượng vừa trải qua một cú sốc lớn thứ hai trong năm ấy là chị vừa trải qua những ngày tháng thập tử nhất sinh với căn bệnh tiểu đường biến chứng thành viêm phổi cấp.

Hơn một tháng nằm viện, chạy chữa, ở mong manh giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chị mới thấm thía hết nhẽ những được mất thua thiệt ở đời. Chưa bao giờ, chị quý sự sống nhiều hơn đến thế. Có sức khỏe, con người có thể đi tới muôn vàn những ước mơ.

Nhưng không còn sức khỏe, con người cần gì hơn nữa ngoài sự sống. Một tháng nằm tại Khoa Phổi của Bệnh viện Thanh Nhàn, là một tháng Minh Vượng có thời gian rỗi để hồi ngẫm lại quá nửa đoạn đời của mình, những tháng ngày đã qua, những công việc đã trải, những vở kịch chị đã tập từ nụ cười đầu tiên, cái liếc mắt đầu tiên.

Thành công xen lẫn thất bại, hạnh phúc trổ mầm từ những cay đắng. Có lẽ đây cũng là lúc chị bắt đầu cho cuốn tự truyện của cuộc đời mình. Trong một buổi chiều vô thường như lúc này đây, danh hài Minh Vượng đã trải lòng với tôi bằng tất cả những nỗi rưng rưng của đời chị.

Minh Vượng kể rằng, phòng cấp cứu nơi chị nằm gần với nhà tang lễ của Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày nào cũng vậy, ít thì có 3 mà nhiều thì tới 6 đám ma tiễn 6 phận người về với thế giới bên kia.

Minh Vượng tự nghĩ, cả đời chị sống trong tiếng kèn tiếng trống trên sân khấu, và bây giờ khi ốm nằm xuống, lại ngày ngày sống trong tiếng kèn tiếng trống, chỉ khác là tiếng kèn tiếng trống nơi đây ai oán và buồn tủi, ấy vậy mà thành quen. Cái ranh giới giữa sống và chết mới mong manh vô chừng.

Hôm nào chưa thấy phía nhà tang lễ cất lên tiếng trống tiếng kèn, bệnh nhân trong phòng lại hỏi nhau, ơ kìa, hôm nay không có đám ma nào nhỉ. ở lâu, đâm nhớ riết tiếng kèn tiếng trống bên nhà tang lễ. Đám ma cũng có phận của đám ma. Người sang, kẻ hèn, người theo đạo Phật thì tiếng trống tiếng kèn nức nở ai oán.

Người theo đạo Công giáo thì có cả đoàn quân nhạc mấy chục người trống kèn lừng vang như một cuộc tiễn đưa đầy hân hoan sung sướng cái người chết kia được trở về với Chúa để bắt đầu một cuộc sống thực sự của họ. Ngày nào rỗi rãi, mấy bệnh nhân lại rủ nhau ra xem đám ma.

Mỗi một đám ma chứa đựng một phận người, người thì được đeo khăn đỏ, vinh hạnh bởi lên “chức” cụ, "tứ đại đồng đường", người thì được đeo khăn vàng, người thì cô đơn buồn tủi chỉ có dăm bảy người lưa thưa đưa tiễn. Người chết trẻ, đau khổ tột cùng, người chết già, coi như một sự hóa kiếp…

Chưa lúc nào, Minh Vượng ngẫm nghĩ về phận người nhiều hơn lúc này. Mà có đau ốm mới thấu hiểu hết nỗi cực nhọc vất vả của đội ngũ y sỹ, bác sỹ ở viện. ở ngoài đời, bao nhiêu tiếng xấu, lời thị phi kể về y sỹ, bác sỹ, nhưng có trở thành bệnh nhân, có nằm miết trong bệnh viện mới thương xót và sẻ chia với những nhọc nhằn của những người làm nghề y.

Cùng là "sỹ" như nhau nhưng môi trường của văn nghệ sỹ là môi trường của giải trí, của nhẹ nhõm và vui cười. Còn với nghề y, môi trường ấy là đau ốm, bệnh tật, là những người bệnh lúc nào cũng mong được bác sỹ thăm hỏi động viên sẻ chia, để lần nào gặp bác sỹ là lại trình bày, rên rỉ bệnh tật, là kêu la, là đòi hỏi…

Người y tá, bác sỹ phải phân thân ra trăm ngàn mảnh mới đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Danh hài Minh Vượng tâm sự, mỗi một ngày ở bệnh viện, công việc cần làm nhất là nhìn lên đôi bàn tay để tìm chỗ ven mà truyền thuốc. Một trong những “thú vui” là nghe kèn đám ma, và ngẫm nghĩ về thân phận con người.

Minh Vượng cho rằng, bệnh nhân đi viện thì có nhiều thời gian để suy ngẫm về mình, về đời nhiều hơn. Chỉ có hai bộ quần áo sọc, sau bộ quần áo bệnh nhân ấy thì con người vào đây sang hèn đều như nhau, thủ trưởng hay nhân viên đều giống nhau tất.

Minh Vượng vừa ra viện được vài ngày, cảm giác sung sướng khi được mặc bộ quần áo mình thích, được về lại nhà mình, được gặp gỡ mọi người trong cuộc sống náo nhiệt kia. Đó là một ân huệ lớn, một diễm phúc mà chị đã phải cố gắng để chiến đấu với bệnh tật.

Chưa lúc nào Minh Vượng cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống một cách mãnh liệt hơn lúc này. Có ốm đau mới biết quý trọng sự sống, có những lúc khó khăn mới biết đến tấm lòng của bạn bè. Ai là bạn thì mãi mãi là bạn, ai là bè thì cũng chỉ mãi là bè mà thôi.

Có những người ngỡ là bạn hóa ra lại không phải, có những người là bạn đồng niên đồng tuế bên nhau từ thuở hàn vi, trở thành đồng nghiệp của nhau nhưng khi Minh Vượng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh người đó không một dòng nhắn tin thăm hỏi.

Ngược lại, có những người cứ ngỡ không phải là bạn vì họ mới chỉ quen biết chị sau này, chơi với chị sau này nhưng bất kỳ những lúc nào Minh Vượng khó khăn nhất, họ bằng cách này cách khác đã tìm đến để sẻ chia.

Chị cứ nằng nặc bắt tôi nhắc đến hai người bạn lớn trong số bạn bè luôn bên cạnh chị, thương quý chị trong giới đã đành, mà chị kính trọng và vô cùng yêu quý đấy là nhà thơ Hồng Thanh Quang, Thiếu tướng Hữu Ước.

Đặc biệt là anh Ước, năm 2001, lúc biết tin Minh Vượng đột quỵ, dù bận đến thế anh đã săm sắn đến thương lo cho Minh Vượng từ viên thuốc, đến tìm bác sỹ, cho chị tiền, nhờ người đưa chị đi khám bệnh. Chỉ một tin nhắn, một lời động viên, một sự thăm hỏi lúc này thôi cũng đủ cho chị rưng rưng suốt đời, đâu có phải vật chất gì to tát hơn thế.

Giờ đây, cuộc sống như lại bắt đầu với Minh Vượng từ bước chân chị nhẹ hơn, run rẩy hơn, từ hơi thở chậm mà ngày ngày, chị và chị My, người bạn gái thân vẫn nương tựa vào nhau, níu vào nhau để bên nhau cảm nhận được hạnh phúc và vị ngọt của đời sống này.

Ngoài kia cuộc sống vẫn sôi động và náo nhiệt lắm, nhưng nơi đây, trong ngôi này, với hai người phụ nữ một thật nổi tiếng, và một thật bình dị vô danh, họ đang sống chầm chậm lại…


Minh Vượng xác định không lấy chồng từ lâu

Bị bệnh tim và khớp, nữ nghệ sĩ biết mình hầu như không còn khả năng sinh nở. Chị lại không muốn làm người khác khổ vì mình, nên quyết định không lập gia đình từ khi hơn 30 tuổi.

- Lâu không thấy chị xuất hiện trong các chương trình của truyền hình. Thời gian này chị đang làm gì?

- Tôi đang cùng lúc thực hiện rất nhiều vai trò: vừa là trợ lý đạo diễn cho NSND Lê Hùng, vừa viết kịch bản cho một số chương trình của Nhà hát. Tôi cũng đang phải dành thời gian để đi học đạo diễn ở Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh nữa. Tới đây, Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng sân khấu nhỏ cho trẻ em thì tôi sẽ xuất hiện trong vai trò là hoạt náo viên. Nói chung, vớ được cái gì là mình làm cái đấy.

- Theo chị, điều gì khiến cho “thương hiệu” Minh Vượng sống được lâu trong lòng khán giả đến vậy?

- Tôi là cầu thủ đá được rất nhiều sân, với nhiều đội hình, có lẽ vì vậy mà luôn được mời. Nhiều người bảo thế mạnh của tôi là ở cái dáng “thon thon hình vại, thoai thoải hình chum”, chính là cái duyên cho những vai hài. Ngoài ra, tôi nhận được rất nhiều lời mời quảng cáo nhưng không dám nhận. Tiền là quý nhưng cũng phải biết nói không với tiền để dành thời gian đầu tư cho sân khấu. Yêu nghề thì nghề không phụ. Bản thân tôi là người rất tôn trọng nghề và yêu quý khán giả, nên khán giả yêu quý tôi cũng chính vì điều đó.

Nghệ sĩ Minh Vượng. Ảnh: Gia Đình Xã Hội.

- Vậy thời gian nào chị dành cho riêng mình?

- Lúc nào tôi cũng thèm diễn. Bao nhiêu thời gian cũng thấy thiếu. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7h sáng và có khi kết thúc vào lúc 2-3h sáng hôm sau. Những hôm không đi diễn, tôi cũng ngủ rất muộn, vì còn tranh thủ đọc sách, làm việc...

Tôi luôn cảm thấy sân khấu mình còn thiếu rất nhiều thứ. Diễn viên của Việt Nam so với thế giới vẫn không có gì thua kém nhưng trang thiết bị của ta còn lạc hậu quá. Chỉ nói đơn giản việc đóng phim mình vẫn phải lồng tiếng, trong khi đó người ta gắn máy ghi để thu tiếng đồng bộ. Điều đó gây hiệu ứng sân khấu rất tốt. Nếu vào phòng thu thì chỉ có tiếng diễn viên, mất đi âm thanh của cuộc sống. Mà nghệ thuật thì cần sự chân thực. Nhưng lực bất tòng tâm, bố mẹ nghèo thì không thể lo cho con cái được. Cũng không dám đòi hỏi, chỉ cố để làm sao diễn cho tốt thôi.

- Trên sân khấu, nhiều khi thấy chị ăn mặc rất loè loẹt, ngoa ngôn và “đầu gấu”, vậy ngoài đời thì sao?

- Ngoài đời tôi giản dị, nhẹ nhàng, rất hài hước và nấu ăn ngon. Anh em nghệ sĩ vẫn hay tề tựu ở nhà tôi để được thưởng thức những món ăn tôi nấu.

- Nói về nghề thì Minh Vượng yêu nó đến mức độ nào?

- Có lẽ cho tôi nói tiếng cám ơn cuộc đời này đã sinh ra mình được làm người và làm nghề này. Và nếu có kiếp sau thì vẫn ước được làm người và được làm sân khấu, tuy mệt nhọc nhưng nó là nghề rất cao quý. Cứ đi đến đâu nghe thấy mọi người reo tên mình là thấy hạnh phúc rồi. Và tôi biết, mình đã không chọn sai nghề.

- Thử hình dung nếu một ngày nào đó, Minh Vượng không còn đứng trên sân khấu nữa thì cuộc sống lúc đó sẽ như thế nào?

- Cuộc sống sẽ rất buồn. Tôi đã nghĩ rằng nếu sau này về hưu, tôi sẽ vào trại dưỡng lão và sẽ kể cho mọi người ở đó những câu chuyện hài để những ngày trôi qua không vô nghĩa. Như thế là hạnh phúc lắm rồi.

- Diễn trên sân khấu hài hơn 10 năm có lẻ, còn sân khấu kịch thì cũng đã trên 30 năm, chị phản ứng với những lời khen chê như thế nào?

- Tôi quan niệm: Những người khen ta là bạn ta, những người chê ta là thày của ta.

- Có một dạo, báo chí và những người hâm mộ cứ xôn xao chuyện nghệ sĩ Minh Vượng lên xe hoa. Vậy thực hư chuyện đó thế nào?

- Thực ra, ít ai biết rằng Minh Vượng đang mang trong mình hai căn bệnh quái ác là bệnh tim và bệnh khớp. Có lúc, chân tôi sưng lên như cây chuối đến thì ra quả, mọi hoạt động cá nhân phải có người giúp đỡ. Nếu yêu và đi đến tận cùng trong tình yêu là không thể.

Hơn nữa, cho dù người ta có cảm thông với mình, yêu mình thật lòng thì bản thân mình cũng không thể đến với người ta trọn vẹn được. Lập gia đình thì phải có những đứa con và phải làm ấm lên ngôi nhà bằng những ngọn lửa, trong khi với bệnh tật hiện tại, khả năng sinh nở là rất kém. Thôi thì, bản thân mình đã khổ rồi thì đừng làm người khác khổ theo. Người ta nên biết bằng lòng với những gì mình có. Từ năm hơn 30 tuổi, tôi đã xác định là sẽ không lập gia đình chứ không phải đợi đến khi đã “đầu năm đít chơi vơi” như bây giờ.

- Nhìn chị, chắc chẳng ai nghĩ chị lại đầy ắp nỗi niềm như vậy...

- Tôi đã qua hai lần gần đất xa trời, ở ranh giới giữa cái sống và cái chết. Đó là lần phải vào viện để mổ u vào năm 1994 và lần bị đột quỵ vào năm 2001. Tôi ngộ ra một điều, còn sống ngày nào thì hãy làm điều tốt ngày ấy và hãy nhân ái hơn với mọi người. Nhưng cũng không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng. Vì thế, tôi là người rất ít đi đám cưới. Đến những chỗ đó, tôi thấy mình thật vô duyên vì ai cũng có đôi có lứa, còn mình thì chỉ có một mình... Đó là một vai khó diễn nhất trong cuộc đời tôi, mặc dù tôi đã rất nhiều lần mặc áo cưới trong phim nhưng mặc chiếc áo của chính mình thì chưa.

- Những lúc buồn chỉ có một mình, chị tự cân bằng cuộc sống của mình như thế nào?

- Tôi là người rất lạc quan yêu đời. Nếu không có sự lạc quan đó, chưa chắc tôi đã vượt qua nỗi bất hạnh mà số phận đã mang đến cho mình. Tôi nghĩ, cuộc đời ai cũng có niềm vui nỗi buồn. Đừng bao giờ cho niềm vui của mình, nỗi đau của mình là hơn người khác. So với người bị khuyết tật nói gì thì nói, mình vẫn còn may mắn hơn họ nhiều. Vì thế, mỗi lúc buồn tôi lại nghĩ đến họ, hoá ra vẫn còn nhiều người bất hạnh hơn mình, tại sao mình lại phải khổ tâm.


Nghệ sĩ Minh Vượng và 2 lần suýt lên xe hoa

Minh Vượng đã chọn sân khấu thay vì lấy chồng. Nghệ sĩ Minh Vượng lần đầu tiết lộ về những trắc trở trong cuộc sống riêng cùng những sở thích riêng chị có.

NSƯT Minh Vượng hẹn tôi ở quán càphê trên đường Thể Giao. Vẫn bộ quần áo rộng thùng thình, với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười như pháo nổ, chị bảo: "Chắc em ngạc nhiên lắm khi chị hẹn em ở quán này, nó hơi tuềnh toàng nhưng chị lại thích. Chị thích những gì đơn giản, chị ngại vào những quán cà phê cửa kính lắm".

Bao nhiêu năm, Minh Vượng vẫn vậy, vẫn là một "người đàn bà cười". Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự vui vẻ đó, cuộc đời của chị giống với câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.

Chờ 2 năm mới được nhận vai

Minh Vượng sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ, anh chị em đều làm công nhân trong nhà máy rượu. Căn nhà thời ấu thơ của Minh Vượng ở khu lao động nghèo Lương Yên B. Nhà gần sân bóng nên nơi đây thường xuyên diễn ra Chèo, Tuồng, Cải lương. Nghệ thuật đã thấm vào máu thịt anh chị em Minh Vượng từ thơ ấu, nhưng lớn lên, chỉ mỗi mình chị theo nghề "xướng ca vô loài".

Từng là học sinh "cá biệt" ngày học cấp 1 vì luôn không thuộc bài, "chuyên gia" đi học muộn nhưng lên tới cấp 2, Minh Vượng thay đổi hẳn tính cách, biết quan tâm chăm sóc các em, học hành tiến bộ và đặc biệt rất giỏi môn Văn.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng với ngoại hình "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum", phải chờ tới 2 năm Minh Vượng mới có vai diễn đầu đời. Ở tuổi 22 nhưng Minh Vượng lại phải hóa thân thành cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi". Vai diễn đầy thử thách với một diễn viên trẻ như Minh Vượng, nhưng bằng niềm đang mê nghề nghiệp, nghiên cứu kỹ kịch bản, vai diễn của chị được đánh giá rất cao.

2 lần suýt lên xe hoa

Cho tới bây giờ, Minh Vượng không nhớ nổi chị đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu số phận nhưng chị bảo: "Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đời diễn viên của chị như Kép tư bền, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. Trót yêu và đắm đuối với nghề rồi, biết sao được". Hóa thân vào nhiều vai diễn, người hâm mộ cũng nhiều, bạn bè thân thiết yêu mến chị cũng không ít, nhưng cho tới giờ Minh Vượng vẫn cô đơn lẻ bóng.


Chị kể đã có hai lần chị suýt lên xe hoa đó là vào năm 1992, chị đã "thương thầm nhớ trộm" một người đàn ông ở Viện Khoa học. Tưởng rằng hạnh phúc dù muộn màng sẽ mỉm cười với chị. Ai ngờ, bố mẹ anh chỉ đồng ý cho hai người đến với nhau nếu Minh Vượng bỏ nghề để về quản lý cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc của gia đình. Tình yêu sân khấu đã không cho phép Minh Vượng từ bỏ nên chị lặng lẽ rút lui.

Lần thứ 2 vào năm 1996, khi ấy Minh Vượng và người đàn ông làm nghề lái xe tải đã có thời gian 3 năm gắn bó bên nhau. Nhưng cũng như lần trước, bố mẹ người yêu cũng bắt Minh Vượng bỏ nghề để về làm chủ một hệ thống cửa hàng hoa tươi trên phố Ngọc Hà của gia đình. Ngày đó, vì quá yêu anh, chị đã có ý định bỏ diễn. Nhưng rồi gần đến ngày cưới lại đổi ý. Chị sợ một ngày nào đó không được khóc cười trên sân khấu. Chị sợ công việc nhàm chán hàng ngày sau đống hoa tươi. Chị nhớ sân khấu đến nao lòng, đến... ốm.

Rồi khi khỏi ốm, chị hiểu rằng mình cần gì. Mối tình thứ 2 lại trôi qua.

"Những người đàn ông đến với mình đều thích tiếng cười mình mang lại cho họ, nhưng họ lại không muốn mình mang lại tiếng cười cho người khác. Như thế thật ích kỷ. Sau cú sốc hôn nhân này, mình đã khóa chặt cánh cửa trái tim và vứt chìa khóa đi. Số mình đã vậy rồi mình chấp nhận" - Minh Vượng giãi bày.

Sở thích tắm và tết tóc cho búp bê

Được biết tới nhiều với vai chính kịch nhưng khi bén duyên hài, chị lại đóng đinh với vai diễn đó, nhất là diễn hài cho trẻ nhỏ. Chị bảo, làm việc với trẻ con khiến chị trẻ ra nhiều tuổi, cứ sau đêm diễn, bọn trẻ con toàn gọi Minh Vượng bằng "chị" khiến chị vui.


Có lẽ vì thế mà Minh Vượng cũng có sở thích rất con trẻ là sưu tầm búp bê. Chị bảo, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở đâu, chị chẳng mua gì quý giá ngoài những con búpbê xinh xắn. Hàng tuần, cứ thứ 7, chủ nhật nào không phải đi diễn, chị lại đem bộ sưu tập búpbê ra tắm rửa và tết lại tóc.

"Mệt lắm chứ em, tắm cho bọn nó phải rất cẩn thận, tắm rồi lại sấy tóc cho khô, ngồi tết tỉ mỉ. Mất cả ngày trời ấy chứ. Nhưng mà vui lắm" - Minh Vượng khoe.

Cuộc sống sau cánh gà của "người đàn bà cười" thật giản dị nhưng cũng lắm chua cay. Nhiều năm nay, bệnh khớp, tim, tiểu đường đã khiến sức khỏe của chị giảm sút nhiều. Lúc nào chị cũng mang trong mình 13 loại thuốc để uống hàng ngày.

Và ngày nào, trước khi đi dạy (Minh Vượng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) chị cũng phải ăn một bát yến để lấy sức khỏe. 120.000 đồng cho 4 tiếng dạy học không đủ chị mua một bát yến, nhưng chị vui. Vui vì được làm việc, vui vì được hàng ngày bồi đắp lòng yêu sân khấu cho thế hệ trẻ.

Hỏi chị, lại một mùa xuân mới nữa đã về, chị ước gì cho mình trong năm mới, chị bảo: "Tôi chẳng ước gì, đúng là đàn bà ai cũng muốn một lần trong đời được làm vợ làm mẹ, nhưng số kiếp mình vậy, mình chấp nhận. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong mình được làm đàn bà để những gì mình chưa có trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ nhận được. Nhưng hiện tại, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để làm việc. Tôi sẽ diễn tới khi nào gối mỏi chân run, không lê được tới nhà hát nữa thì dừng".

Minh Vượng là vậy, cứ vô tư sống hết mình, làm việc hết mình. Cho đi nghĩa là sẽ nhận lại. Chị đang sống rất thanh thản hạnh phúc bên gia đình. Chị luôn tự hào vì anh em chị thuận hòa yêu thương nhau. Chị bằng lòng với những gì mình đã chọn dù nó có gập ghềnh chông gai.


Vì sao danh hài Minh Vượng không kết hôn?

Đã đi quá nửa đời người, mặc dù rất muốn có gia đình và một bầy con nhưng Minh Vượng chỉ biết ngậm ngùi hẹn đến kiếp sau.

Thời gian gần đây nghệ sĩ Minh Vượng không còn xuất hiện nhiều trên các sân khấu hài nữa khiến rất nhiều người thắc mắc không biết cuộc sống của chị hiện tại như thế nào. Gặp lại Minh Vượng ngoài đời thấy chị có vẻ trầm mặc hơn, Minh Vượng cho biết: "Tôi vẫn sống, có sao đâu, tôi vẫn đang ’sống chung với lũ’ mà.

Tôi chỉ biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều, mà tôi thì còn nhiều ý tưởng, dự dịnh, kế hoạch lắm, cho nên nếu có mong ước gì đó, tôi chỉ ước có thêm được thời gian để kịp làm những gì đang dang dở và đang mong muốn, bởi tôi biết rằng mình đang phải chạy đua với thời gian".
 
Tôi biết rằng mình đang phải chạy đua với thời gian.

Nói đến đây Minh Vượng lại tiếc: "Nếu nói về những tình cảm quá tình bạn thì tôi có rất nhiều. Hồi trẻ, nếu tôi quyết định đi đến hôn nhân, thì bây giờ đã không ở một mình". Tuy vậy, chị cũng lại ngậm ngùi ngay: "Nhưng tôi biết mình có bệnh tim, bệnh khớp, nếu có đi đến hôn nhân với ai, sẽ không mang lại được hạnh phúc thật sự cho họ (khó có con). Vợ chồng mà không có con thì bất hạnh lắm. Tôi tự nhủ rằng mình cứ chịu thiệt thòi một mình, chứ không thể làm người ta liên lụy được".

Bây giờ nhắc đến chuyện hôn nhân, Minh Vượng lại đưa ánh mắt xa xăm ao ước ở kiếp sau: "Ao ước vẫn mãi là ao ước (cười buồn). Kiếp sau ta có một người chồng và đẻ một bầy con, thôi thì những gì chưa có ở kiếp này ta dành điều ước cho kiếp sau vậy... Bây giờ tôi đã qua đỉnh đèo rồi, thôi không nói chuyện hôn nhân nữa, cứ bằng lòng với những gì đang có ".
 
Rất nhiều nghệ sĩ hài tâm sự, họ mang tiếng cười đến cho nhiều người, thì họ lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười của mình.

Có một đợt sau Tết, tình hình sức khỏe của Minh Vượng biến chuyển không tốt khiến rất nhiều khán giả yêu mến chị lo lắng nhưng hiện tại chị cho biết mọi chuyện đã biến chuyển tốt đẹp hơn rất nhiều rồi: "Như mọi người biết, tôi bị tiểu đường khá nặng, tiểu đường vào phổi làm lục phủ ngũ tạng của tôi không được tốt lắm, nhưng thời gian qua, tôi rèn luyện, tập tành, ăn uống cẩn thận, nên tình hình tốt lên rất nhiều".

Trả lời câu hỏi: "Rất nhiều nghệ sĩ hài tâm sự, họ mang tiếng cười đến cho nhiều người, thì họ lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười của mình?", Minh Vượng cho rằng: "Họ nói điều đó đúng đấy, trên đỉnh cao của hài kịch ta gặp bi kịch! Khi người nghệ sĩ tự trào phúng về mình, thì có nghĩa rằng những xa xót, đắng cay của cuộc đời họ đã được chắt lọc ra. Bạn để ý xem, tôi đố bạn tìm được gương mặt diễn viên hài nào mà... đẹp sáng láng đấy, từ ông Trịnh Thịnh, ông Phạm Bằng, ông Trịnh Mai, ông Xuân Hinh, bà Minh Vượng, ông Khánh râu... Có ai đẹp không?

Không, đúng không (cười lớn). Nhưng (vẻ mặt) có duyên và chắt chiu để mang tiếng cười đến cho mọi người. Nhưng trong cuộc sống của họ, đâu phải chỉ là tiếng cười? Có lẽ nỗi buồn nhiều hơn, bởi vì với con mắt tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, thì họ sẽ khổ hơn".



Minh Vượng yêu nhiều nhưng đổ vỡ cũng nhiều

Trên căn gác lửng, nơi lưu giữ những đồ vật nhỏ xinh, in đậm dấu ấn từng miền đất chị đặt chân, có một cô hề nhựa Minh Vượng mang về từ châu Phi. Cô hề mặc đồ lòe xòe như vừa bước ra từ sàn diễn, vậy mà gương mặt thăm thẳm cô đơn. "Mỗi lần nhìn nó, tôi như thấy thân phận chính mình", chị khẽ khàng.

- Quanh chị có bao bạn bè, người hâm mộ yêu quý chị hết lòng, sao chị vẫn buồn vậy?

- Biết vậy mà sao nỗi buồn cứ thường trực trong lòng. Tôi bây giờ sợ cả giây phút sau đêm diễn, một mình lầm lũi ra về, chỉ có chú chó trung thành luôn đợi cửa.

Tôi sợ đi đám cưới, cố cười thật to, cố quậy đám bạn thân cho ồn ã, tưng bừng mà thấy tim mình thắt lại. Tôi cũng mong ước lắm chứ một tổ ấm gia đình, một bờ vai đàn ông vững chãi cùng tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ.

Nghệ sĩ Minh Vượng. Ảnh: Thế Giới Văn Hóa.

- Đã vài lần thấy bạn bè thông báo chị sắp lên xe hoa, vậy mà đến giờ mọi việc vẫn im lìm. Tại chị kén quá hay còn lý do nào khác?

- Dễ xúc động, dễ yêu, trái tim tôi mong manh vô cùng. Chỉ một lời nói, một ánh nhìn khác lạ là tim đã loạn nhịp. Tôi yêu nhiều nhưng đổ vỡ cũng nhiều.

Chục năm trở lại đây, tôi suýt... hai lần làm cô dâu. Khổ nỗi, cả hai lần các bậc phụ huynh bên đó đều muốn tôi bỏ nghề, về chăm lo cửa hàng nhà chồng. Cũng định tặc lưỡi đồng ý cho xong, nhưng nghĩ tới cảnh phải bỏ sàn diễn, tôi ốm luôn. Những người đàn ông yêu tôi đều thích cười, sao họ lại ích kỷ tới mức không muốn tôi tiếp tục mang nụ cười tới cho người khác?

- Sức khỏe của chị hiện giờ không tốt. Bác sĩ từng khuyên chị không được xúc động cao độ, sao chị cứ để tinh thần mình bấn loạn thế?

- Tôi bị cao huyết áp, rồi còn lô bệnh tật đi kèm: tiểu đường, co thắt động mạch vành... Túi lúc nào cũng trữ sẵn 9 loại thuốc, riêng khoản này đã ngốn của tôi khối tiền đấy. Tôi còn phải kiêng khem nữa. Thèm đồ ngọt mà chẳng dám xơi. Nấu ăn hơi bị "siêu" mà lụi hụi trong bếp chán rồi cũng chỉ ngắm mọi người ăn, còn mình thì "làm thật, ăn giả".

Sau lần quỵ vừa rồi, tôi mới thấy yêu cuộc sống, thấy thèm sống biết nhường nào. Đã tưởng liệt nửa người, không cầm nổi lược chải tóc, tôi hốt hoảng vô cùng khi nghĩ có thể mình không còn được lên sân khấu. Tình cảm chân thành của bạn bè đã giúp tôi vượt qua bệnh tật, gượng đứng dậy và trở lại với sàn diễn.



Thông tin về diễn viên hài Vân Dung
Thông tin về diễn viên hài Minh Vượng
Gia đình của nghệ sĩ hài Quang Thắng
Thông tin về diễn viên hài Quang Thắng
Thông tin về diễn viên hài Chiến Thắng


(St)
nghệ sĩ minh vượng có bao nhiêu năm trong nghiệp diễn cảm ơn chị đã mang lại những tiếng cười cho chúng tôi ,
hơn 1 tháng trước - Thích (9)
Gửi hỏi đáp - bình luận