Gia đình của nghệ sĩ hài Quang Thắng - cùng nghe "anh mũi to" tâm sự về vợ con

Đời tư của các nghệ sĩ luôn là điều mà công chúng tò mò, quan tâm. Tìm hiểu về gia đình của nghệ sĩ hài Quang Thắng - cùng nghe "anh mũi to" tâm sự về vợ con hạnh phúc nhé


Quang Thắng và ngôi nhà có ba 'công chúa'

"Chấm" vợ từ khi nàng học lớp 10, bảy năm sau, chàng diễn viên hài mới đón được nàng về dinh. Quang Thắng tâm sự với VnExpress về niềm hạnh phúc bên hai cô con gái nhỏ và người vợ xinh đẹp, nết na.

- Vân Dung và anh mở màn cho loạt phim sitcom "Những người độc thân vui vẻ". Anh đánh giá thế nào về bộ phim này?

- Tôi vinh dự được đóng những cảnh đầu tiên của phim do đạo diễn Đỗ Thanh Hải dàn dựng. Đây là bộ phim sản xuất công phu, thu tiếng trực tiếp tại trường quay, đòi hỏi diễn viên phải có khả năng diễn xuất tốt mà không được lặp lại hình ảnh của chính mình. Diễn viên không được "tố" quá lên như trong Gặp nhau cuối tuần bởi đây là phim truyền hình. Vì thế, khi mới nhập vai, có một số cảnh tôi phải diễn lại nhiều lần mới hợp với ý đồ đạo diễn.

- Anh thu xếp công việc ra sao khi đóng phim này, bởi các diễn viên phải ăn ở tại chỗ hàng tháng để làm phim?

- Hôm khai mạc phim trường Những người độc thân vui vẻ, tôi tranh thủ về Hải Phòng từ sáng sớm thăm vợ con và giải quyết một số việc cá nhân để đến 9h có mặt tại trường quay. Từ trước đến nay chưa có phim nào mà diễn viên được tạo điều kiện tốt về chỗ ăn, ở lại không phải lo trang phục diễn như phim này. Hơn nữa không phải ai cũng được mời đóng nên khi nhận vai, tôi phải gác lại một số hợp đồng diễn khác.

Diễn viên Quang Thắng. Ảnh: amnhac.net.

Anh nói gì về mối tình kéo dài tới 7 năm mới cưới của hai vợ chồng?

- Vợ tôi tên là Cao Thanh Hải, đang làm ở thư viện Hải Phòng. Hồi Hải mới là nữ sinh lớp 10, tôi đã "chấm" rồi. Khi đó cơ quan tôi ở gần nhà nàng nên có điều kiện để gần gũi, tán tỉnh. Hai năm đầu mới quen nhau, tôi nhát lắm, chẳng dám thổ lộ tình cảm với nàng. Mãi đến khi Hải học đến lớp 12, tôi mới ngỏ lời yêu, nhưng cũng chỉ dám nhấm nháy bằng mắt chứ có nói nên lời đâu. Vậy mà nàng hiểu ý tôi và nhận lời yêu. Nhưng phải đợi 5 năm sau khi Hải tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, chúng tôi mới làm đám cưới, vợ tôi kém tôi 11 tuổi. Không phải là nịnh vợ nhưng tôi thấy cô ấy là một phụ nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết.

- Vợ anh vừa sinh thêm một bé gái, anh cảm thấy sao?

- Tôi không nặng nề chuyện sinh con trai hay gái. Tôi thấy con nào cũng quý, con cái là của trời cho, mình nuôi dạy chúng sao cho tốt là được. Con gái lớn của tôi là Phạm Cao Thanh Huyền được 5 tuổi. Con gái thứ hai Phạm Cao Huyền Nhi, mới 9 tháng tuổi nhưng trộm vía ngoan và dễ thương lắm. Mỗi khi thấy tôi về thì công chúa bé nhoẻn miệng cười rất xinh, còn công chúa lớn thì ôm chặt lấy bố. Với tôi, hai con gái như hai thiên thần bé nhỏ, đáng yêu.

- Các cụ thường bảo sinh con một bề mà là con gái thì rất giàu hoặc thăng quan tiến chức nhanh. Bản thân anh thì sao?

- Không biết người khác thế nào chứ tôi thì chưa thấy giàu. Mà suốt ngày phải lang thang đi diễn hết tỉnh này đến tỉnh khác, thường xuyên phải xa vợ con. Nhiều lúc thấy buồn nhưng vì công việc nên đành phải chịu thôi chứ kiếm được nhiều tiền ai chẳng thích. Tôi cố gắng làm việc để vợ con không phải sống quá cực khổ chứ ham hố làm gì, quan trọng là gia đình được sống hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, thế là đủ.

Quang Thắng và vợ trong ngày cưới. Ảnh nghệ sĩ cung cấp.

Anh đi diễn xa nhà, không có điều kiện chăm sóc em bé mới sinh, vợ anh nói sao?

- Khi yêu nhau, cô ấy đã biết tôi là diễn viên và đi công tác như cơm bữa nên đã quen và thông cảm với chồng. Tuy nhiên, chắc nhiều lúc cũng thấy tủi thân vì phải một mình chăm con nhỏ. Dù vậy, cô ấy không than trách vì biết là tôi bận việc, nên chỉ đùa ví mình là hòn vọng phu quanh năm suốt tháng ngồi ngóng chồng.

Có những thời gian tôi đi diễn ở nước ngoài tới gần ba tháng mới về, hoặc diễn trong nước thì cả tháng về Hải Phòng một lần. Ban ngày mình cuốn vào công việc thì không sao, nhưng khi đêm xuống mà ở một mình trong phòng thì nhớ vợ con vô cùng.

- Anh có dự định gì trong thời gian tới?

- Thời gian này, tôi đang tham gia vào bộ phim Gió qua phố Hiến của đạo diễn Vũ Minh Trí, đang quay ở huyện Đông Anh (Hà Nội) và Tây Mỗ (Từ Liêm) nên rất bận, phải chạy đi chạy lại liên tục. Đến tháng 12, làm chương trình Gặp nhau cuối năm. Từ giờ đến Tết Nguyên đán, công việc ngập đầu. 



Quang Thắng: Vân Dung khôn lắm, đếm tiền phồng cả lưỡi

Nghệ sĩ Quang Thắng khiến người nghe không khỏi bật cười khi miêu tả về người bạn thân thiết trong nghề "Vân Dung khôn lắm, nó toàn giấu nghề, có bao giờ cho tôi biết đâu, toàn cái gì thừa thãi thì nó đưa cho tôi, cái gì ngon ngọt là nó giành về nó hết ấy mà".

Miêu tả ngắn gọn công việc của mình trong những ngày chạy chương trình cho Tết?

Nói dễ hiểu nhất là các con tôi chắc quên cả mặt bố rồi, vì một tháng nay tôi không về nhà, trên xe toàn quần áo bẩn sau một tháng chạy hết chương trình nọ đến chương trình kia, những ngày gần Tết là những ngày công việc bận rộn nhất.
Táo kinh tế Quang Thắng
Nhưng đến những ngày Tết tôi thường dành trọn thời gian cho gia đình, chỉ chạy sô sau ngày  mùng 4 hoặc đến mùng 6 mới bắt đầu chạy sô. Mình vất vả làm cả năm rồi, cả năm có mấy ngày Tết phải ở nhà với vợ con chứ. Ngày Tết cũng có hoa đào, bánh chưng, có gà, có nem… không khí những ngày Tết đến xuân về lúc nào cũng ấm cúng.

Là nghệ sĩ hài, luôn mang lại tiếng cười cho mọi người, chắc nhiều người muốn nhờ anh xông đất đầu năm?
Cũng nhiều người mời, nhưng tôi không dám nhận lời, vì nếu mình xông đất cho họ thì thiệt cho mình một chút, vì may mắn sẽ về hết nhà họ thì sao (cười)

Có cái Tết nào đã đi qua mà anh vẫn còn nhớ mãi vì một điều đặc biệt gì đó?

Đó là vào năm 2002, khi đó hai vợ chồng mới có  em bé đầu lòng. Khi đó tôi vẫn đang học đạo diễn trong trường Sân khấu điện ảnh, vợ sinh em bé ở nhà, tôi nhớ con đến mất ăn mất ngủ. Lần đầu làm bố nó có cái gì đó hồi hộp, bâng khuâng lắm, chỉ mong nhanh nhanh học xong để về với con.
Gia đình hạnh phúc của nghệ sĩ Quang Thắng 
Hồi ấy được nghỉ một, hai tuần sao mà cảm thấy nhanh thế. Mà ngày ấy lại kín sô, chạy sô cùng anh Quốc Khánh, cùng Vân Dung xong là háo hức về nhà với vợ con.

Anh có định hướng cho các con theo con đường nghệ thuật?


Không, không bao giờ tôi hướng cho con cái theo nghề nghệ thuật, nghệ thuật bạc lắm.

Nghe anh nói, có vẻ, con đường nghệ thuật không hào nhoáng như người ta thường nghĩ?

Cứ nghề diễn viên là vất vả đã, không ai nói được nghề diễn viên là sung sướng bao giờ, người ta chỉ thấy ánh hào quang trên sân khấu chứ thực sự nó vất vả cực nhọc vô cùng.

Người ta thấy đấy, áo xanh áo đỏ áo vàng trên sân khấu láng bóng, thực ra là khi khi tấm màn nhung khép lại, phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền, thì chán lắm.

Mà tôi đã hứa không bao giờ nói đến chuyện tiền nong với báo chí nữa. Vợ tôi cứ hay bảo tôi, mình là người đàn ông, suốt ngày nói đến cơm áo gạo tiền nó không ra đàn ông, rồi người ta lại này nọ, nhưng tôi thấy nó là thực tế, nên cứ phải nói ra.
"Con Dung khôn lắm, nó đếm tiền phồng cả lưỡi" 
Lúc nào cũng mắng Vân Dung đếm tiền phồng cả lưỡi cơ mà, nghĩa là phải có tiền để mà đếm chứ?

Dung thì khác, Dung thì khôn hơn, nhanh hơn, là phụ nữ được yêu chiều hơn. Dung còn đi buôn bán nhà đất được, tôi thì không buôn bán gì, chỉ trông chờ đồng lương biểu diễn thôi. Đấy, ví dụ thế, nó lúc nào chả đếm tiền phồng lưỡi ra (cười).


Chơi thân thiết vậy mà không học được tí nghề nào của chị Vân Dung sao?

Nó khôn lắm, nó toàn giấu nghề, có bao giờ cho tôi biết đâu, toàn cái gì thừa thãi thì nó đưa cho tôi, cái gì ngon ngọt là nó giành về nó hết ấy mà. Tính mình thì xuề xòa, chịu chả buôn bán được (cười).

Vất vả là thế, đã có khi nào anh cảm thấy chật vật với nghề, phải suy nghĩ lăn tăn về nó?

Có nhiều chứ, nhất là khi mới bắt đầu vào nghề. Năm 1989 bắt đầu vào nghề, đến năm 1992, 1993 thấy chật vật khó khăn, cuộc sống chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, mình đã cố gắng vượt qua mà vẫn không chèo chống nổi, cũng đã định bỏ nghề đi buôn rồi, mà rồi cuối cùng vì mê ánh đèn sân khấu quá mà lại quay lại làm cho đến bây giờ.

Là người nghệ sĩ hài luôn mang lại tiếng cười cho khán giả, có khi nào dù gặp chuyện buồn của bản thân nhưng khi gặp người ngoài phải cố tỏ ra vui vẻ không?

Nhiều chứ, vì mình là diễn viên hài, có những cái buồn không thể nói ra được, nhất là những cái buồn riêng tư mà mình buộc phải nén vào bên trong, để khi gặp khán giả vẫn cười tươi như hoa, phải lấy xã giao.

Ví dụ bố nghệ sĩ Quốc Khánh mất, tối anh vẫn phải đi diễn, người ta can là bố mới mất không đi nữa, nhưng anh không thể không đi vì nhận lời với người ta rồi. Khán giả người ta có cần biết đâu, người ta chỉ cần biết hôm nay nghệ sĩ Quốc Khánh sẽ diễn ở sân khấu này, đấy là những sự hy sinh cho nghệ thuật mà không phải ai cũng hiểu.

Trên sân khấu phải diễn, có khi nào ngoài đời anh cũng phải diễn như vậy không?

Tôi thì tôi không thích như vậy, bởi vì tôi diễn ở sân khấu nhiều rồi, không thích ra ngoài đời còn phải diễn thêm. Sân khấu là sân khấu, gia đình là gia đình, ngoài cuộc sống là ngoài cuộc sống, tôi không thích ba cái nó lẫn vào nhau.

Đến giờ phút này, Táo quân có phải vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh?

Có lẽ cái mặt mình vốn dĩ nó ngồ ngộ, nhìn đã thấy hài hài nên tôi tin mỗi vai diễn đều để lại ấn tượng nhất định trong lòng khán giả. Còn Táo quân, đã là cả một chặng hành trình dài mà mỗi người nghệ sĩ tham gia đều không thể nào quên. Nó đồng thời là một trong những vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi.

Xin cảm ơn nghệ sĩ Quang Thắng!



Quang Thắng dành hết vướng bận cho... vợ

"Mình chẳng bao giờ giấu tuổi, chẳng sợ già. Nghĩ về tiền ít thôi, càng nghĩ mặt mũi càng nhăn nheo, càng già, càng xấu. Đó cũng là bí quyết trẻ lâu của Quang Thắng".

Trước khi đến với kịch, Quang Thắng đã đóng phim rất nhiều. Thế nhưng ở địa hạt này không những mãi lẹt đẹt, ít người biết đến mà ngay cả mơ ước một lần được đóng vai đẹp trai để hẹn hò, yêu đương các người đẹp cũng chưa bao giờ thực hiện được. Phải đến khi chuyển sang sân khấu kịch, anh mới vụt sáng trở thành một “ông sao” luôn khiến khán giả phải cười nghiêng ngả.

Nghệ sĩ Quang Thắng

Sống vui như “anh Hai Sài Gòn”

Đã xem anh diễn và tiếp xúc với anh ngoài đời, hẳn nhiều người ngạc nhiên về anh lắm?

Thắng đơn giản lắm, dù ở đâu đi nữa thì quan trọng nhất mình phải là mình đã. Quang Thắng là Quang Thắng. Khi đã lên sân khấu thì mình phải gác lại những chuyện của cá nhân - nằm ngoài sân khấu, để tập trung hết mình vào vở diễn. Ngược lại, khi ra đường, bụi bặm, ồn ào, mình lại phải giấu cái diễn của sân khấu đi.

Anh dung hòa Quang Thắng- trên sâu khấu và Quang Thắng- ngoài đời như thế nào?

Dễ lắm. Sống vô tư, cười nhiều vào! Mình chẳng bao giờ giấu tuổi, chẳng sợ già. Nghĩ về tiền ít thôi, càng nghĩ mặt mũi càng nhăn nheo, càng già, càng xấu. Đó cũng là bí quyết trẻ lâu của Quang Thắng. Diễn viên hài luôn mong muốn đem lại cho khán giả những nụ cười sáng khoải, dí dỏm, nên ở ngoài đời cũng vậy. Lúc nào mình cũng quan niệm, mình cười với mọi người để nhận lại những nụ cười từ mọi người.

Với vốn liếng khôi hài như thế, chắc anh phải khéo ăn khéo nói lắm và chẳng bao giờ làm người khác phật lòng?

Mình là dân Hải Phòng mà, chém to kho mặn quen rồi (cười). Đùa chút thôi, chứ Quang Thắng lúc nào cũng là Quang Thắng cả. Chỉ khác nhau ở chỗ, lúc nào cần mềm mỏng thì mềm mỏng, lúc nào cần cứng rắn thì mình cứng rắn. Tùy vào tình huống, tùy vào cơn giận dữ. Đã có lần mình đã túm cổ oánh nhau rồi thôi nhưng cũng mau nguội. Tóm lại mình là người sống nhiệt tình, thẳng thắn, vô tư, sống vui như "anh Hai Sài Gòn" vậy.

Anh phát hiện ra mình có năng khiếu hài hước từ lúc nào?

Ngày nhỏ Quang Thắng đã nhí nha nhí nhố, thích làm trò, diễn tuồng rồi. Nhớ ngày trước Quang Thắng thích làm diễn viên điện ảnh lắm, cứ mong được đóng các vai yêu đương, hẹn hò cùng các người đẹp kiểu như Lý Hùng (với Diễm Hương, Việt Trinh), Lê Công Tuấn Anh (với Thu Hà, Thủy Tiên) thời đó. Nhưng khổ nỗi, chẳng bao giờ được đóng vai đẹp trai, vì có đẹp trai gì đâu, huống chi là đóng cặp với người đẹp. Cứ bước lên sân khấu là khán giả không nhịn được cười. Chắc vì mũi to, bây giờ mũi to cũng thành “thương hiệu” rồi. Thế là mình nghĩ, chắc mình có duyên với hài hơn. "Mèo lại hoàn mèo"- Quang Thắng đóng hài đến tận bây giờ.

Không dám nghĩ đưa các em lên “tầm cao mới”

Ngoài những biên kịch, đạo diễn, diễn viên đã xác lập được tên tuổi, anh có kỳ vọng ở thế hệ trẻ nhiều không?

Quả thật thế hệ trẻ chưa làm được điều này. Lâu lắm khán giả mới thấy một Thành Trung và Xuân Bắc, như một bước đột phá vậy. Cuộc thi đi tìm Vua hài đất Việt vẫn cứ ráo riết và khẩn trương nhưng vẫn chưa tìm những người có tài như mong muốn của khán giả. Vì nhiều bạn trẻ lao vào nghệ thuật theo kiểu muối xổi. Mà muối xổi thì chán lắm, chưa đủ chua - cay - mặn- ngọt.

Với kinh nghiệm của mình, theo anh, một diễn viên hài, đặc biệt là diễn viên trẻ cần những điều gì?

Diễn viên hài cần trau dồi nhiều lắm, không những là năng khiếu, kiến thức, mà còn phải có ý thức nghề nghiệp thật cao nữa. Nhất là đam mê, chịu khó, chịu cực. Mỗi ngày, anh ta phải trau dồi cho mình vốn sống, đam mê, trải nghiệm, phải đọc thật nhiều và vốn sống thật nhiều. Hơn nữa, diễn viên hài trước hết là người có duyên. Duyên với cuộc sống, duyên với nghề, duyên với từng vai diễn.

Theo quan sát và đánh giá hiện nay, hài kịch dành cho thiếu nhi, (thậm chí những sân chơi thiếu nhi khác) đã và chưa làm được điều gì?

Gần đây, Quang Thắng và Vân Dung đang tập trung cho kế hoạch kịch thiếu nhi. Sắp tới, đoàn sẽ lôi kéo thêm Tự Long và Xuân Bắc nữa. Nhưng làm kịch thiếu nhi khó lắm, còn khó hơn làm kịch cho người lớn nhiều. Vì mình phải là thiếu nhi, phải làm thiếu nhi, phải hết sức trẻ con, hồn nhiên, các em mới hiểu và thích. Làm sao mà áp đặt những tư tưởng, suy nghĩ giáo điều của người lớn vào các em chứ!

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Tuổi thơ của các em như trang giấy trắng vậy. Các vở kịch mà Quang Thắng và đồng nghiệp tham gia, kết thúc cũng chỉ biết khuyên các em chăm học, ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời thầy cô, bố mẹ, mà thôi. Quang Thắng nghĩ, mang đến tiếng cười thoải mái, sảng khoái đã là thành công rồi, chứ mình không dám nghĩ tới việc sẽ đưa các em lên "tầm cao mới" hay "uốn nắn" các em gì cả.

Anh rất nặng lòng với mảng đề tài này?

Tất nhiên rồi. Mình có con mình biết, nhìn con mình mang sách vở đã thấy thương lắm rồi. Có khi phải tính đến nước cho nó mượn cái va - ly của mấy cô... tiếp viên hàng không, để mà kéo sách vở đi, sức đâu mà vác trên vai được. Chương trình Gặp nhau cuối tuần nói rồi đấy, chúng phải mang 12 kg sách vở (là nói theo cách của Gặp nhau cuối tuần). Không hiểu sao, việc học của các em bây giờ căng thẳng quá. Giáo dục "càng cải cách càng bế tắc"(?!). Ngày trước, học như chơi vậy, nhẹ nhàng như không. Còn bây giờ, lớp 2, lớp 3 đã học thêm, sách vở chất cả núi.

“Đọc” kịch bản bằng tâm thế của khán giả

Có vẻ nền hài kịch hiện nay ở hai miền Nam- Bắc vẫn chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng và còn nhiều điều khác biệt?

Mình không thích sự so sánh lắm. Vì đây là văn hóa vùng miền, và tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của từng miền thôi. Có thể, người Bắc khó tính hơn. Không những là cười, mà họ còn đòi hỏi những cái khó hơn, thâm thúy hơn, chua cay hơn. Còn người miền Nam dễ tính hơn. Chẳng hạn, họ chỉ cần vui vẻ, thoải mái, những nụ cười sảng khoái sau mỗi ngày lao động cực nhọc.

Quang Thắng cùng vợ và con gái

Tuy nhiên, có nhiều điều hài kịch phía Bắc không làm được nhưng nhiều điều hài kịch miền Nam đã làm được. Sân khấu miền Nam vẫn sáng đèn hằng đêm và chật cứng khán giả đến xem. Trong khi đó, sân khấu ngoài Bắc ngay cả khi tắt đèn để biểu diễn, ghế vẫn còn trống.

Bỏ lại hết vướng bận đời thường cho... vợ

"Nghệ sỹ nghèo lắm, không ai sống được bằng nghề của mình cả. Nếu vợ mình không hy sinh nhiều như thế, cứ đi diễn là điện thoại bảo về đi, về đi thì làm sao có được Quang Thắng như ngày hôm nay. Cô ấy thiệt thòi nhiều, mọi sự dạy dỗ, chăm sóc con cái, công việc gia đình, cô ấy đều gánh hết. Cô ấy chu toàn hết, Quang Thắng bước lên sân khấu bỏ lại hết những vướng bận đời thường cho vợ...".

(Nghệ sỹ hài Quang Thắng)

Có những vở kịch, người ta lôi kéo cả các chân dài vào để lấy tiếng, trong khi vai diễn của “chân dài” chưa đạt đến độ chín cần thiết, nhiều khi còn làm lỗi nhịp. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Điều này Quang Thắng cũng không phê phán hay bình luận. Vì bản thân họ, tất nhiên làm gì cũng có mục đích, có thể họ muốn thu hút khán giả hơn. Họ biết được khán giả đang yêu mến, quan tâm đến chân dài đó, anh chàng đó và có thể bán được vé. Đây cũng là một cách làm thông minh. Nhưng khán giả công bằng và quan trọng lắm. Quang Thắng thấy nhiều lúc khán giả, người ta phê bình, chê mình, mình buồn lắm. Nhưng vì thế mình xem lại kỹ càng, để biết mình đúng hay sai, và càng phải làm cho hay hơn.

Những vở hài kịch mượn yếu tố văn học dân gian đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, đồng thời nó đã tạo nên những hình tượng diễn viên hài độc đáo. Tuy nhiên, những nhân vật: Cả Ngố, Râu quặp, Siêu nịnh, Tửu sắc, Lý toét xử kiện vẫn còn khá ít. Có phải vì những nhà làm kịch chưa chú trọng thích đáng?

Khi làm kịch, biên kịch, đạo diễn luôn ưu tiên và nhìn được những mặt ưu việt của văn hóa, văn học dân gian. Nhưng số lượng kịch bản hay chưa có nhiều. Trong khi, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một lớn và một cao. Nếu có kịch bản hay thì chắc chắn những người làm kịch sẽ không làm phụ lòng mong mỏi của khán giả bao giờ cả. Những vở kịch mang màu sắc hiện đại thì dồi dào hơn. Hầu hết, những tệ nạn xã hội, những thói xấu, quan tham, hối lộ, đút lót, chạy chọt, nịnh nọt đều được vận dụng và khai thác rất thành công.

Để đọc và hiểu kịch bản văn học, chẳng có bí kíp nào cả. Mình cứ mang tâm thế của khán giả, đọc nó một cách thoải mái nhất, dễ hiểu nhất. Chứ chẳng bao giờ Quang Thắng đọc với cảm nhận bằng đôi mắt của một nhà phê - bình lý luận sân khấu hòng tìm ra những cái khiếm khuyết. Lại càng không đọc theo cách của một nhà viết kịch, của một đạo diễn, thậm chí là của một diễn viên.

Xin cảm ơn anh!


Thông tin về diễn viên hài Chiến Thắng
Thông tin về diễn viên hài Quang Thắng
Thu Thuỷ ca sĩ
Thông tin về diễn viên hài Minh Vượng
Thông tin về diễn viên hài Vân Dung


(St)