Hiện tượng nổi mụn ở trẻ sơ sinh
Video Clip: Hiện tượng rụng tóc sau khi sinh và cách khắc phục
Hiện tượng rụng tóc sau khi sinh và cách khắc phục
Hiện tượng chuột rút khi mang thai và những mẹo hay chữa khỏi
Chuột rút khiến mẹ bầu đau đến chảy nước mắt. Tình trạng này thường xảy ra vào giai đoạn mang thai thứ hai và thứ ba.
Mẹ bầu “méo mặt” vì chuột rút khi mang thai
Mang thai 9 tháng 10 ngày quả là nỗi vất vả đối với nhiều chị em. Bên cạnh mất ngủ triền miên, cái lưng “phản chủ”, chân tay sưng tấy, các mẹ bầu còn bị chuột rút “tra tấn”. Chị Minh Lam (Tuyên Quang) chia sẻ: “Khi em mang thai cháu lớn, em thường xuyên bị chuột rút, nhất là lúc gần về sáng, hầu như ngày nào cũng vậy, cảm giác rất đau và khó chịu mặc dù em cũng đã uống canxi theo chỉ định của bác sỹ rồi. Giờ em không biết phải làm sao nữa các chị ạ”.
Cũng cùng hoàn cảnh với chị Minh Lam là chị Ngọc Trinh (Thái Bình). Chị tủm tỉm kể:“Chuột rút “đồng hành” với mình trong quá trình bầu bí đến nỗi mỗi sáng khi thấy mình kêu la chồng bật dậy như lò xo, nhưng mà theo phản xạ, bóp chân cho vợ trong lúc mắt chồng vẫn lờ đờ, xong rồi chồng lăn ra ngủ tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra. Đau mà mình vẫn buồn cười vì ông xã quá cơ”.
Vì đâu nên nỗi đau này?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra chuột rút có thể là do các cơ chân phải làm việc quá sức để nâng đỡ hết trọng lượng tăng lên trong thai kỳ của cơ thể. Tử cung ngày càng to ra làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chi dưới đến tim và những dây thần kinh từ tủy sống đến chi dưới là một trong những thủ phạm chính dẫn đến chứng chuột rút, khiến mẹ bầu đau đến chảy nước mắt.
Một số trường hợp khác có thể do thiếu hụt canxi, magie hoặc dư thừa phốt pho. Ngoài ra tuần hoàn máu kém cũng là nguyên nhân gây ra chứng vọp bẻ. Chuột rút đặc biệt thường xảy ra vào thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ.
Hạn chế vọp bẻ khi “vác ba lô ngược”
Để phòng chuột rút khi mang thai, chị em không nên đứng quá lâu hay ngồi vắt chéo chân. Khi nghỉ ngơi có thể nằm thẳng và hơi nhấc cao chân, ngón chân hướng lên phía trước để các cơ thịt ở ống chân được thoải mái, vừa hạn chế phù nề lại giảm chuột rút.
Đi bộ thường xuyên khoảng 30 – 40 phút mỗi ngày cũng góp phần “đánh bay” vọp bẻ. Ngoài ra các mẹ nên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như duỗi bàn chân về phía trước sau đó co lại rồi xoay mắt cá chân. Đứng cách tường khoảng 1 mét, rướn người về phía trước, tay bám chặt vào tường. Giữ lòng bàn chân bằng phẳng trên sàn nhà trong vòng 5 giây. Lặp lại động tác trong 5 phút, tập 3 lần/1 ngày. Đây là bài tập kéo giãn bắp chân, rất đơn giản mà lại hiệu quả.
Trước khi lên giường đi ngủ, thai phụ nên ngâm chân bằng nước ấm có pha một chút gừng và muối trong vòng 10 phút sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Khi ngủ cần đảm bảo chân ấm áp, không được để gió hoặc không khí lạnh thổi trực tiếp vào chân, đồng thời nên nằm nghiêng về bên trái để cải thiện máu lưu thông đến và đi từ bàn chân, giảm triệu chứng chuột rút. Chị em cũng có thể kê chân trên một chiếc gối cao, tránh duỗi các ngón chân về phía trước khi ngủ.
Uống đủ nước sẽ giúp máu vận chuyển oxy tới các cơ, giúp cơ vận động bình thường
Uống đủ nước sẽ giúp máu vận chuyển oxy tới các cơ, giúp cơ vận động bình thường. Từ đó ngăn được chứng chuột rút. Bên cạnh đó, chị em nên ghi danh các thực phẩm dồi dào can xi như cá, sữa, trứng, gà, đậu, rau cải, vừng, các loại giáp xác, các loại rong biển, tía tô… và các thực phẩm giàu magie như dưa lê, su su…. vào chế độ ăn của mình.
Đối phó với chuột rút như thế nào?
Khi đang ngủ ngon, đột nhiên chị em bị chuột rút, hãy cố gắng để thẳng chân, sau đó kéo gót chân, cổ chân, ngón chân lại rồi hướng lên trên. Sau đó bắt đầu xoa bóp các cơ bắp bị co rút. Nếu không làm được việc này, các mẹ nên rời giường và đi bộ quanh nhà trong vài phút.
Nếu hiện tượng chuột rút xảy ra thường xuyên đi kèm các hiện tượng sưng tấy, bầm, đau đớn ở chân thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Mặc dù rất hiếm gặp (1/2.000 bà bầu) nhưng rất có thể bạn đang mắc chứng huyết khối tĩnh mạch và cần điều trị khẩn cấp.