Hướng dẫn cách làm bánh dẻo nhân đậu xanh rộn ràng đón Tết Trung Thu

Bánh dẻo nhân ngọt là một trong những loại bánh truyền thống xuất hiện nhiều mỗi dịp Tế Trung Thu. Với công thức sau đây, sẽ hướng dẫn các bạn một cách tỉ mỉ để có thể 1 người nghiệp dư vẫn có thể làm ra được những chiếc bánh dẻo thơm ngon hảo ngọt nhé!

Nguyên liệu: Nước đường: 500g đường trắng, 500ml nước lọc, 1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh vàng.

Vỏ bánh: 700g nước đường, 370g bột bánh dẻo (bột nếp chín), 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi.

Nhân bánh: 200g đậu xanh không vỏ, 200g thịt sầu riêng, 80g đường trắng, 100g dầu ăn, 10g bột mì đa dụng + 75 ml nước lọc, 25g bột bánh dẻo. (Nếu chỉ sử dụng 1 nhân đậu xanh thì bỏ sầu riêng và bột bánh dẻo trong phần nhân, lượng dầu sử dụng là 70g)

Nấu nước đường: Cho 500gđường và 500ml nước nóng vào nồi. Khuấy cho đường tan hoàn toàn. Cho nồi nước đường lên bếp. Đun với lửa vừa cho đến khi nồi nước đường sôi lên thì cho 1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh vào. Để cho nồi nước đường sôi khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp. Sau đó đổ ra tô, để nguội hoàn toàn.

Sên nhân bánh: Bước 1: Đậu xanh vo sạch, để ráo nước. Cho đậu xanh, 80g đường và 300 ml nước vào nồi, khuấy nhẹ cho tan bớt đường. Ngâm đậu xanh khoảng 1 tiếng đồng hồ cho đậu nở. Sau 1 tiếng, cho nồi đậu xanh lên bếp, đun với lửa vừa - cao cho đến khi nồi đậu sôi lên. Dùng muỗng vớt bớt bọt. Hạ lửa vừa - nhỏ và đun đến khi đậu chín mềm (khi dùng muỗng khuấy thì đậu có thể nát được). Trong thời gian nấu, luôn dùng muỗng gỗ khuấy đều và nếu thấy nước cạn thì châm thêm nước sôi.

Lưu ý: Vì nước mau cạn và đậu rất mau cháy, vì thế nên luôn để ý nồi đậu và nhớ khuấy đều cũng như thêm nước khi cần nhé.

Bước 2: Khi đậu mềm thì tắt bếp. Để nồi đậu nguội bớt rồi cho vào máy xay sinh tố, cơ thể cho thêm khoảng 1/2 chén nước cho dễ xay. Xay cho đậu thật nhuyễn. Dùng rây lọc phần đậu vừa xay cho mịn màng. Cho phần đậu vừa lọc vào chảo chống dính.

Bước 3: Đun chỗ đậu với lửa vừa - nhỏ. Chia phần dầu ăn làm 4 phần (mỗi phần khoảng 25g) lần lượt cho vào chảo đậu xanh. Mỗi lần cho dầu ăn vào thì dùng muỗng gỗ hoặc spatula khuấy đều cho dầu hòa quyện vào đậu thì mới cho phần dầu tiếp theo vào, cứ thế làm cho hết dầu ăn. Khuấy tan bột mì và nước rồi cho vào chảo đậu xanh. Khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện. Hỗn hợp đậu lúc này vẫn còn lỏng.

Khuấy đều thêm khoảng 2 phút nữa thì cho phần sầu riêng vào. Sầu riêng sẽ dần tan và hòa quyện vào đậu.

Bước 4: Tiếp tục khuấy đều nhân từ 35-40 phút nữa, nhân sẽ đặc lại nhiều. Lúc này giảm lửa xuống mức nhỏ nhất và tiếp tục sên thêm 5 phút nữa. Cho bột bánh dẻo vào, đảo đều cho bột hòa quyện hòa toàn vào phần nhân đậu xanh - sầu riêng. Sên nhân thêm khoảng 5-10 phút nữa.

Thử viên 1 viên nhân nhỏ, nếu nhân mịn màng, dẻo mượt, và vẫn giữ được độ đứng là đạt (các bạn có thể đeo bao tay vào rồi mới vo nhân vì nhân rất nóng).

Bước 5: Để nhân nguội bớt rồi chia nhân làm 10 phần, mỗi phần khoảng 60 - 62 grams. Vo tròn các viên nhân. Dùng màng bọc thực phẩm bọc nhân lại cho khỏi bị khô trong lúc chuẩn bị vỏ bánh.

Bước 6: Cho nước cất hoa bưởi vào 700ml nước đường. Dùng muỗng khuấy tan. Cho từng muỗng bột bánh dẻo vào tô nước đường. Dùng lồng phới khuấy đều cho tan hết bột. Đợi cho bột tan hết thì mới cho muỗng bột khô tiếp theo vào. Cứ thế làm tiếp cho đến khi hỗn hợp vỏ bánh hơi đặc thì các bạn có thể thay lồng phới bằng muỗng gỗ hoặc spatula cho dễ trộn.

Lưu ý: phần bột bánh dẻo trong công thức vỏ bánh là 370 grams nhưng mình chỉ sử dụng tầm 2/3 lượng bột trên trong quá trình trộn. Vì sau khi trộn, bột sẽ nở ra và tùy vào loại bột có khả năng hút ẩm khác nhau nên các bạn tự ước lượng bột của mình đạt hay chưa bằng cách cứ cho từng muỗng bột vào bát nước đường, cứ khuấy đều mỗi lần cho bột. Đến khi hỗn hợp bột khá đặc nhưng vẫn còn dính tay và ướt là được. (dùng gần 2/3 lượng bột khô thường là đã đủ). Phần bột khô còn lại chúng mình dùng để nhồi bột ở bước tiếp theo.

Bước 7: Rắc ít một muỗng bột bánh dẻo lên thớt. Cho khối bột vỏ bánh vừa trộn lên trên bột khô. Cho một muỗng bột bánh dẻo phủ lên khối bột. Dùng tay nhồi sơ khối bột khoảng 30 giây. Dùng màng bọc thực phẩm phủ sơ lên khối bột. Để bột nghỉ khoảng 30 phút. Bột sẽ nở thêm trong quá trình nghỉ nên sẽ đặc hơn đôi chút nhưng vẫn còn rất dính tay. Dùng phần bột bánh dẻo còn lại để nhồi khối bột vỏ bánh. Thêm bột từ từ từng muỗng mỗi lần nhồi. Lăn bột thành khối dài rồi cuộn lại tròn lại (cứ nhồi theo phương pháp gấp bột/cuộn bột). Thêm bột khô mỗi lần cuộn. Cứ thế cho thêm bột bánh dẻo khô và nhồi cho đến khi khối bột vỏ bánh không dính tay nữa.

Khối bột vỏ bánh thu được tầm 1,1 ký. Các bạn chia làm 10 phần, mỗi phần khoảng 110 grams. Như vậy khối lượng vỏ bánh gần gấp đôi khối lượng nhân.

Ráp bánh: Bước 1: Xoa một ít bột khô vào 2 tay, dùng mu bàn tay ép dẹp tròn miếng bột vỏ bánh. Sau đó dùng tay nắn miếng bột sao cho phần rìa bột mỏng hơn phần giữa. Đặt viên nhân vào giữa miếng bột. Dùng tay nhẹ nhàng bao vỏ bột quanh viên nhân.

Bước 2: Túm phần mép bột kín lại. Dùng tay vo tròn viên bánh. Rải một ít bột khô lên thớt và dùng tay xoay tròn viên bánh trên thớt, Lớp bột khô bám bên ngoài viên bánh giúp bánh không bị dính vào khuôn.

Bước 3: Cho viên bánh vào khuôn. Dùng tay ấn nhẹ để bột dàn đều vào khuôn. Tạo hình bánh.

Bánh bảo quản ở nhiệt độ phòng được 4- 5 ngày, Bánh để sang ngày hôm sau sẽ trong và mềm hơn, ăn rất ngon.

Chúc các bạn thành công và có những chiếc bánh ưng ý để mang tặng hoặc nhâm nhi cùng người thân trong đêm trung thu đoàn viên nhé!