Cùng tham khảo những hướng dẫn điều trị bệnh thủy đậu và những điều cần lưu ý nhé. Thủy đậu là bệnh da liễu cấp tính thường gặp ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm và dễ lan nhanh thành dịch. Thủy đậu do virut Varicella Zoster gây ra, chủ yếu ở các bệnh nhi, người lớn ít mắc.
Bài thuốc nam trị bệnh thủy đậu
|
Thủy đậu còn gọi thủy hoa, dân gian hay gọi là bệnh trái rạ. Đây là loại bệnh truyền nhiễm thông thường, trẻ em hay mắc phải, thỉnh thoảng cũng gặp ở người lớn. Sau đây là cách phân loại bệnh và những vị thuốc nam dễ tìm để chữa trị căn bệnh này.
|
|
1. Loại nhẹ
Triệu chứng: Sốt nhẹ hoặc không sốt, chảy nước mũi, ho ít, ăn uống bình thường, các nốt đậu mọc rải rác màu hồng nhạt, ngứa nhiều.
Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt.
Bài thuốc: Lá dâu tằm tươi 30 g rửa sạch, lá tre tươi 20 g, cỏ màn chầu tươi 20 g rửa sạch thái ngắn, cam thảo đất tươi 20 g thái ngắn. Nước 1.000 ml, sắc còn 300 ml, mỗi lần uống 30-50 ml, chia uống trong ngày.
Nếu người bệnh không sốt nóng, mụn đậu mọc thưa ít, ăn ngủ, tiêu tiểu bình thường, có thể không cần uống thuốc, nên dùng nước đun sôi để nguội tắm rửa, tránh gió và điều dưỡng tốt.
2. Loại nặng
Triệu chứng: Sốt cao, buồn phiền, khát, thủy đậu mọc dày, sắc tím tối, mặt đỏ, miệng môi khô hồng, niêm mạc miệng có những nốt phỏng.
Phép chữa: Thanh nhiệt giải độc là chủ yếu.
|
|
Bài thuốc: Vỏ đậu xanh hoặc đậu xanh cả vỏ 20-30 g, rau om tươi 20 g rửa sạch, quả dành dành 16 g, kim ngân hoa 16 g, rễ cỏ tranh 12 g. Bài thuốc này nên sắc 2 lần. Lần đầu cách sắc như bài thuốc trên, lần sau đổ 600 ml nước sắc còn 200 ml, dồn lại với nước thứ nhất, cô lại còn 300 ml chia 2 lần uống trong ngày. Trẻ em tùy theo tuổi có thể dùng 1/2 liều. Dùng liên tục cho đến khi khỏi hẳn.
|
|
Chữa bệnh thủy đậu bằng Đông y
|
Vào thời gian khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, bệnh thủy đậu (varicella; chickenpox) thường xuất hiện nhiều nhất. Trong dân gian, căn bệnh này còn được gọi là phỏng dạ, bỏng rạ hoặc trái rạ.
|
|
Bệnh do vi-rút Varicella Zoster gây ra, có tính lây lan rất cao, mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, trong đó đặc biệt là trẻ em từ 1 đến 6 tuổi. Thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng không phải không có những biến chứng nặng gây nguy hại đến tính mạng. Hơn nữa, vi-rút gây bệnh thủy đậu cũng chính là thủ phạm gây bệnh giời leo (Zona), căn bệnh có thể được xem như một biến chứng muộn của thủy đậu. Bởi vậy, việc chữa trị triệt để bệnh lý này là hết sức cần thiết.
Trong đông y, thủy đậu thuộc phạm vi các chứng bệnh như thủy hoa, thủy bào, thủysang, thủy chẩn... Theo cổ nhân, bệnh phát sinh là do phong nhiệt thời độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua mũi miệng, kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong gây ảnh hưởng chủ yếu đến hai tạng phế và tỳ, và phế chủ bì mao nên tà khí trước tiên phát tiết ở ngoài da tạo nên các mụn nước trên mặt và toàn thân. Để chữa trị thủy đậu, đông y chủ yếu sử dụng thuốc theo hai hướng: biện chứng luận trị và đơn phương nghiệm phương.
Biện chứng luận trị là biện pháp chọn dùng các vị thuốc và bài thuốc trên cơ sở chứng trạng và thể bệnh cụ thể, có thể là nhiều bài thuốc khác nhau hoặc lấy một bài thuốc làm hạt nhân rồi tiến hành gia giảm tùy theo bệnh trạng. Thông thường, thủy đậu được phân ra làm hai thể bệnh là Phong nhiệt kiêm thấp và Thấp nhiệt uẩn kết.
Với thể Phong nhiệt kiêm thấp biểu hiện bằng các chứng trạng như phát sốt, sợ lạnh sợ gió, chảy nước mũi, ho húng hắng, họng sưng đau, các mụn nước hồng nhuận chứa dịch trong, ăn kém, đại tiểu tiện bình thường, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác..., cổ nhân thường dùng bài Liên kiều tán gia giảm sắc uống, gồm các vị: kim ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, bạc hà, kinh giới, lô căn, trúc diệp, ý dĩ, bản lam căn hoặc dùng bài Ngân thạch thang (kim ngân hoa, sinh thạch cao, huyền sâm, tử thảo, trạch tả, bạc hà, kinh giới).
Với thể Thấp nhiệt uẩn kết biểu hiện bằng chứng trạng như sốt cao, phiền táo, mặt đỏ môi đỏ, họng khô miệng khát, thích uống nước lạnh, tiểu tiện sẻn đỏ, các mụn nước to dày và mau có màu đỏ hoặc tím chứa dịch đặc và đục, trong niêm mạc miệng cũng mọc mụn nước dễ vỡ tạo thành các vết loét, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày và khô..., cổ nhân thường dùng bài Bạch hổ thang gia giảm sắc uống, gồm các vị: sinh thạch cao, tri mẫu, ngạnh mễ, cam thảo, bản lam căn, bồ công anh, hoàng liên, kim ngân hoa, tử hoa địa đinh, đan bì, huyền sâm hoặc dùng bài Tam nhân thang (hạnh nhân, bạch đậu khấu, xích thược, tử thảo, địa phu tử, hoạt thạch, kim ngân hoa, liên kiều, trúc diệp, hậu phác, bán hạ chế, sinh cam thảo).
Đơn phương nghiệm phương là biện pháp sử dụng các vị thuốc và bài thuốc, các kinh nghiệm dân gian độc lập hoặc phối hợp dùng chung cho tất cả các thể bệnh. Đây là cả một kho tàng hết sức phong phú, có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình như:
Uống trong: (1) Cỏ chân vịt 50g bỏ rễ và hoa, rửa sạch, phơi hay sấy khô, lấy 30g sắc uống, số còn lại đốt thành than, tán nhỏ rồi rắc và xoa vào chỗ bị bỏng rạ, mỗi ngày 1 lần, nếu mụn nước bị vỡ thì dùng nước cốt nghệ bôi lên để tránh làm mủ, hằng ngày kết hợp tắm rửa bằng nước sắc lá kinh giới hoặc vỏ cây sung. (2) Kim ngân hoa 18g, cam thảo 3g, sắc uống, dùng cho thể nhẹ. (3) Lô căn60g, dã cúc hoa 10g, sắc uống, dùng cho thể nhẹ. (4) Bản lam căn 30 - 50g, sắc uống thay trà. (5) Ma hoàng 1,5g, cam thảo 1,5g, liên kiều 4,5g, tử thảo 4,5g, tang bạch bì 4,5g, hạnh nhân 3g, kim ngân dây 10g, xích thược 9g, sắc uống. (6) Lá dâu tằm 12g, cam thảo đất 12g, rễ cây sậy 12g, lá tre 12g, bạc hà 12g, kinh giới 12g, sắc uống. (7) Kim ngân hoa 12g, rau diếp cá 12g, quả dành dành 12g, cam thảo đất 12g, rau má 12g, lá chanh 12g, sắc uống.
|
|
Dùng ngoài: (1) Rễ hải kim sa 30g, dã cúc hoa 10g, chi tử 3 g, sắc uống. (2) Sài hồ 10g, hoàng cầm 12g, xích thược 16g, hoàng bá 15g, cam thảo 6g, sắc rửa tổn thương hằng ngày. (3) Khổ sâm 20g, bèo cái 20g, đại thanh diệp 20g, quán chúng 20g, tất cả cho vào túi vải, sắc trong 10 phút với 2.000 ml nước, sau đó bỏ bã, ngâm rửa vết thương mỗi ngày 2 lần. (4) Thanh đại 60g, thạch cao 120g, hoạt thạch 120, hoàng bá 60g, tất cả sấy khô tán mịn, dùng để rắc xoa hoặc trộn với dầu vừng bôi vào các vết loét do mụn nước vỡ. (5) Xích thạch chi, lô cam thạch, thạch cao và hàn thủy thạch đã chế, lượng bằng nhau, tán thật mịn, xoa vào tổn thương, thường dùng cho trường hợp mụn nước đã hóa mủ. (6) Hoạt thạch 10g, thạch cao 10g, cam thảo 10g, tất cả tán mịn, hòa với dầu vừng, bôi vào vết loét mỗi ngày 1 lần. (7) Lá và cành hoa lựu trắng lượng vừa đủ, sắc lấy nước ngâm rửa tổn thương. (8) Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, lục nhất tán 10g, xa tiền tử 10g, tử hoa địa đinh 15g, hoàng hoa địa đinh 15g, sắc lấy nước ngâm rửa hằng ngày.
|
|
8 bài thuốc trị bệnh thủy đậu
|
|
|
Khi mắc bệnh trẻ thường phát sốt sợ lạnh, đau đầu, chảy nước mũi và ho, sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở mặt, thân, mình, tiếp theo các nốt đỏ mọng nước (phỏng rạ) như hạt đậu, nốt phỏng nước trong hoặc mủ đục mọc thưa thớt, không đều. Trẻ bị bệnh thường bứt rứt khó chịu.
Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, tuy lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày nhưng nếu để bội nhiễm sẽ dẫn đến biến chứng nhiều khi rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm gan, hoặc để lại vết sẹo vĩnh viễn trên da. Về nguyên nhân sinh bệnh, Đông y cho rằng thủy đậu là do cảm nhiễm ngoại tà, phong nhiệt bị uất kết ở cơ biểu phối hợp với dịch khí lưu hành, nên bệnh tà phát nhanh, lưu hành mạnh mang tính chất dịch tễ.
Khi trẻ mắc bệnh, điều quan trọng là phải chú ý giữ gìn vệ sinh không nên ủ kín và thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để đề phòng bội nhiễm như sốt cao, mụn phỏng lở loét. Cần cách ly trẻ để khỏi lây lan trong cộng đồng.
Điều trị chứng thủy đậu chủ yếu dùng pháp thanh nhiệt, thấu biểu, giải độc, lợi thấp. Xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng.
Bài 1: Trẻ mới mắc phát sốt, nốt đậu dịch trong suốt, xung quanh sắc nhạt, đỏ, bệnh do phong nhiệt thấp độc uất lại ở phế vệ cơ biểu dùng bạch vi 9g, thuyền thoái 3g, đạm đậu xị 5g, kim ngân hoa 6g, địa đinh thảo 6g, tang diệp 5g, bạc hà 1g, sơn chi vỏ 2g, liên kiều 6g, sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần cho trẻ khoảng 3 tuổi. Nếu nốt đậu có nước đục xung quanh màu đỏ tía cần lương huyết, giải độc gia bản lam căn 6g, bồ công anh 6g, sinh địa 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Có thể dùng liên kiều 6g, đương quy 8g, xích thược 6g, phòng phong 6g, ngưu bàng 4g, thuyền thoái 3g, mộc thông 3g, hoạt thạch 8g, cù mạch 6g, kinh giới 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 6g, sơn chi 3g, thạnh cao 6g, xa tiền tử 4g, đăng tâm 6g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2-3 lần.
Bài 3: Trường hợp trẻ sốt nhiều, nôn mửa, khát nước, buồn bực, dùng bài Khoan trung thấu độc ẩm: Cát căn 12g, tiền hồ 12g, cát cánh 12g, thanh bì 8g, chỉ xác 6g, thuyền thoái 8g, kinh giới 8g, sơn tra 8g, liên kiều 8g, mạch nha 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng thuốc cay mát để tuyên thấu, thanh nhiệt, phân lợi: Liên kiều 4g, kim ngân hoa 4g, bạc hà 4g, nhân trần 6g, xích thược 3g, đại thanh diệp 6g, sinh chi tử 3g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5: Nếu nốt đậu nhiều, vỡ loét không đóng vảy được dùng hoàng liên 8g, hoàng cầm 6g, hoàng bá 12g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 6: Trường hợp nốt đậu mọc nhiều, vỡ loét, ngứa ngáy dùng mộc thông 3g, sinh địa hoàng 6g, hoạt thạch 4g, rễ chàm mèo 6g, liên kiều 5g, chi tử sao 5g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 7: Trường hợp nốt đậu đỏ tươi, xuất hiện nhiều ở ngực, bụng rất ngứa, sốt cao, khát nước, phiền toái, bứt rứt, ăn không ngon, mệt mỏi, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khó, dùng bồ công anh 6g, địa đinh thảo 6g, hoàng cầm 5g, bạc hà 3g, mộc thông 3g, cam thảo 3g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, vỏ chi tử sao 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 10. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2-3 lần.
|
|
Bài 8: Bài thuốc dân gian thường dùng lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g. Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bã, để nguội dùng làm nước uống, bã xoa khắp người. Mỗi ngày dùng một thang trong 3-4 ngày liên tục.
|
|
Bệnh thủy đậu cần được quan tâm đúng mức
Thủy đậu là một bệnh có tính lây nhiễm rất cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy nếu trẻ em chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị thủy đậu khi tiếp xúc gần với người bệnh. Vì vậy mọi người cần tìm hiểu và có sự quan tâm đúng mức tới sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Bệnh thủy đậu còn biết với tên gọi khác là trái rạ. Tác nhân gây nên thủy đậu là virut Varicella Zoster. Đây chính là tác nhân gây ra 2 bệnh, tiên phát khi virut này tấn công vào cơ thể sẽ gây nên bệnh thủy đậu với đặc trưng là các nốt rạ và thứ phát khi virut này khu trú tại hạch rễ thần kinh gặp điều kiện thuận lợi bùng phát gây nên “Giời Leo” với đặc trưng là đau dọc theo rễ thần kinh liên sườn.
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 2 tới tháng 6 hằng năm, có thể bùng phát thành dịch lớn. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, lứa tuổi mắc nhiều nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học, đa số là trẻ từ 5 đến 13 tuổi. Bệnh lây chủ yếu qua đường không khí, tiếp xúc với dịch tiết của nốt rạ. Mặt khác, bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu.
Một điểm hết sức lưu ý đối với bệnh này là khi chưa nổi mụn nước, nghĩa là trước khi phát ban 1-2 ngày, trẻ mang siêu vi trùng thủy đậu đã có khả năng gây bệnh cho trẻ khác, và khả năng lây lan này còn kéo dài vài ngày sau khi mụn nước đã đóng vảy. Do vậy, dù cách ly trẻ bị thủy đậu là bắt buộc nhưng không hiệu quả trong phòng tránh bệnh. Điều này giải thích vì sao khi trong lớp học hoặc trường học có trẻ bị bệnh thì bệnh lây lan rất nhanh và lây dai dẳng.
Các biến chứng thường gặp của Thủy đậu
Bệnh thủy đậu không đơn giản là bệnh lành tính, nếu không chăm sóc đúng cách thì bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác. Một trong những biến chứng thường gặp của thủy đậu là nhiễm trùng nốt rạ, để lại sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ về sau. Các biến chứng khác có thể gặp của thủy đậu như nhiễm trùng mô mềm, viêm phổi… đối với mẹ mang thai bị thủy đậu sinh con ra có thể để lại các dị tật do thủy đậu gây ra, với những phụ nữ mang thai bị thủy đậu trước khi sanh 5 ngày thì gây nên hội chứng thủy đậu sơ sinh, tỷ lệ tử vong cho trẻ có thể lên tới 30% (1). Một trong những biến chứng cần lưu ý là đau do bị Zona, đây là trường hợp thủy đậu tái phát khi còn tồn lưu ở hạch rễ thần kinh.
Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Cách ngăn ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả
Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Ngay khi các nốt đậu xuất hiện cần bôi ngay Acyclovir- thuốc kháng virut đặc hiệu với bệnh thủy đậu. các tổn thương sẽ không hạn chế, giảm khả năng nhiễm trùng. Nếu bệnh nặng có thể dung Acyclovir dạng uống. Với những nốt đậu bị gãi xước cần bôi Xanh Methylene, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm se nốt, tránh bội nhiễm.
Biến chứng của thủy đậu có thể gây tử vong
Biến chứng nguy hiểm
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, thông thường bệnh thủy đậu hay gặp giai đoạn cuối đông, đầu xuân. Tuy nhiên thời điểm này, khi mới bắt đầu vào mùa đông khoa đã tiếp nhận rải rác những bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có những trẻ biến chứng, phải điều trị kéo dài.
Bệnh nhi bị biến chứng nhiễm trùng do thủy đậu được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Tú Anh
“Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây nên, tuy lành tính nhưng nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách, có thể bị nhiều biến chứng. Trong đó phải kể đến bốn biến chứng rất hay gặp, phổ biến là viêm da do bội nhiễm, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não màng não sau thủy đậu”, TS Huy nói.
Hai ca tử vong mới nhất do thủy đậu, một do bị biến chứng sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng sau thủy đậu, một bị sốt co giật, viêm não trong đó có một bác sĩ vừa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh càng cho thấy không thể chủ quan với căn bệnh này. “Bởi vốn lành tính, nhưng bệnh có tỉ lệ nhất định để lại những biến chứng nguy hiểm kể trên. Trong những biến chứng đó, biến chứng nào cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời”, TS Bùi Vũ Huy khẳng định.
Khoa Nhi BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cũng vừa điều trị khá dài ngày cho một bệnh nhi bị nhiễm trùng do thủy đậu. Bé N.N.A (15 tháng tuổi, Bắc Ninh) đến khám tại viện trong tình trạng da nhiễm trùng, có dấu hiệu sốt cao, bội nhiễm và phải nhập viện điều trị.
Đầu tiên, bé gái này chỉ xuất hiện một vài nốt phỏng trên đầu, sau đó xuất hiện dày đặc toàn thân nhưng vì không chịu được ngứa, bé gãi gây trầy xước da, vỡ các nốt phỏng, cộng thêm không được giữ vệ sinh đúng cách do mẹ bé kiêng tắm nên bị nhiễm trùng, sốt cao phải dùng cả kháng sinh phòng bội nhiễm.
“Nhiễm trùng da do thủy đậu không chỉ để lại nguy cơ vết sẹo trên da, mà từ những tổn thương này, vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập, tấn công vào cơ thể gây nhiễm trùng máu cực kỳ nguy hiểm”, TS Huy nói.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, thủy đậu, sởi là những bệnh thường lành tính với trẻ nhỏ, nhưng khi xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, nguy cơ gặp các biến chứng nhiều hơn.
Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết: “Dù chưa có điều kiện thống kê tỷ lệ gặp biến chứng ở người lớn và trẻ nhỏ, cũng chưa nghiên cứu được cơ chế rõ rệt, nhưng thực tế điều trị cho thấy, biến chứng viêm não năm ở người lớn khi bị các bệnh này nhiều hơn hẳn ở trẻ nhỏ”.
“Những tổn thương ở một cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Nếu phản ứng mãnh liệt, “chiến trường” ác liệt thì tổn thương ở cơ quan đó nặng hơn. Ở người lớn đã có một ít miễn dịch, khi gặp các tác nhân, bệnh này sẽ chiến đấu mạnh mẽ với vi-rút, gây ra tổn thương nặng nề. Trong khi đó ở trẻ em miễn dịch với các tác nhân này chưa có, sự phản ứng nhẹ nhàng nên gây thương tổn nhẹ hơn. Có thể đó là lý do khiến các ca biến chứng do các bệnh này thường chủ yếu gặp ở trẻ lớn và người lớn”, TS Hà nói thêm.
Chăm sóc và phát hiện sớm biến chứng
TS Huy cho biết, khi bị thủy đậu, quan trọng nhất là chăm sóc tại nhà và hướng dẫn phụ huynh phát hiện sớm biến chứng cho con em mình.
Việc đầu tiên là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu. Bởi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.
Vì thế, tuyệt đối không kiêng tắm cho trẻ mà tắm sạch cho trẻ bằng nước ấm, không nên tắm lâu như lúc trẻ khỏe mạnh để phòng các biến chứng khác. Cần lưu ý, khi lau, tắm cho trẻ cần phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước. Khi có nốt phỏng trợt ra thì bôi trực tiếp Xanh Methylene lên vết trợt để sát khuẩn, còn những nốt phỏng nước chưa vỡ thì không cần bôi thuốc. Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn.
Ngoài ra cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng vì ban thủy đậu có thể mọc ngay trong miệng, gây biến chứng bội nhiễm khiến trẻ đau đớn, khó ăn uống. Ngoài đánh răng, cần thường xuyên xúc miệng bằng nước sát trùng, trong trường hợp trẻ không ăn được phải đi khám để được tư vấn.
Ngoài chăm sóc da, dinh dưỡng cần chú ý phát hiện các biến chứng viêm da, viêm phổi, viêm não màng não để kịp thời điều trị. Với biến chứng viêm da, biểu hiện là phỏng nước có màu đục mủ, vết loét không khô, không đóng vảy mà có biểu hiện nhiễm trùng. Viêm phổi bệnh nhân ho, sốt trở lại, mệt mỏi nhiều hơn. Viêm não biểu hiện đau đầu, nôn có xu hướng tăng lên, trẻ chậm chạp hơn.
“Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng thuỷ đậu, kể cả trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thuỷ đậu cũng nên chủ động đi tiêm ngừa lại để phòng bệnh, tránh nguy cơ biến chứng xảy ra dù biết rằng không phải ai cũng bị biến chứng, nhưng không ai có thể chắc chắn biến chứng không rơi vào mình”, TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ khuyến cáo
Khi bị thủy đậu, biểu hiện đầu tiên của trẻ là mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, khó chịu, sau 1 – 2 ngày thì sốt và đến ngày thứ 3 xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Trên một khu vực da thường có nhiều ban, có ban mới mọc, có ban cũ. Khi ban vỡ để lại vết trợt, xước trên da, nếu không bị nhiễm trùng sẽ khỏi không để lại sẹo.
|
Bệnh Thủy Đậu ở người lớn
Cách chữa bệnh thủy đậu nhanh khỏi không để lại sẹo
Bệnh thủy đậu ở trẻ em
Tìm hiểu về bệnh thủy đậu
Làm sao để hết ngứa khi bị thủy đậu
Bé bị thủy đậu
(St)