Hướng dẫn trị mụn nước cực đơn giản mà hiệu quả
Hướng dẫn hít thở trong Yoga đúng cách
BÁNH CHƯNG GÓI BẰNG LÁ CHUỐI VÀ KHUÔN TỰ CHẾ
Cách gói bánh chưng hương vị Bắc ngày Tết
Gạo nếp Bắc, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, lạt là những thành phần cần thiết để gói nên chiếc bánh chưng đậm hương vị Bắc cho gia đình bạn trong những ngày Tết.
Bánh chưng Bắc là mặt hàng được ưa chuộng nhất trong ngày Tết ở Sài Gòn, dùng để cúng ông bà, làm quà biếu hoặc để dùng cho gia đình trong ba ngày Tết. Bạn có thể dễ dàng đặt mua ở các cửa hàng đặc sản Hà Nội hoặc các chợ, siêu thị ở Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu muốn tự tay gói bánh chưng ở nhà, bạn có thể thực hiện theo cách hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu:
- Lá dong:Chọn loại lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) thì mới dễ gói, mỗi bánh chọn 4 chiếc lá. Ngâm lá vào nước cho mềm, rửa sạch hai mặt lá và để ráo nước. Dùng khăn sạch lau lá cho thật khô, cắt bớt gân lá cho lá mềm để dễ gói.
- Lạt:Lạt gói bánh chưng là loại lạt giang, mỏng, mềm và dẻo dai. Mỗi một chiếc bánh cần khoảng 2-4 chiếc lạt tuỳ bạn muốn buộc hình chữ thập (2 lạt) hay hình vuông (4 lạt) trên bánh.
- Gạo nếp: Chọn loại nếp có hạt đều, mẩy ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Loại gạo nếp nương của Điện Biên cũng rất thơm ngon. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ mà bạn thích.
- Đỗ xanh:Chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo : 2 phần đỗ.
- Thịt lợn: Chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.
Cách gói bánh:
- Lấy một chiếc mâm rộng, xếp lá một bên, lạt một bên, gạo và đỗ, nhân thịt lợn để phía trước.
- Chọn hai chiếc lá to đặt song song, sao cho mặt lá không có gân lá hướng xuống dưới. Xếp hai chiếc lá khác lên trên hai lá này theo hình chữ thập, mặt lá không có gân quay lên trên.
- Đổ một nửa gạo lên trên, cho một nửa đỗ, xếp nhân thịt lợn (hai miếng), rồi cho tiếp nửa đỗ, sau đó là nửa gạo còn lại. Cuộn lá dong lên gói bánh, sau đó bẻ hai đầu cho vuông thành, sắc cạnh. Gói tiếp bằng hai chiếc lá bên ngoài, dùng lạt buộc lại cho chắc.
- Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo, không bị thấm nước vào bên trong.
- Lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ, cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chắc, đổ ngập nước và bắt đầu luộc chừng 10 đến 14 giờ đồng hồ.
- Bánh chín, vớt ra, rửa sạch. Xếp bánh lên bàn, dùng tấp ván đặt lên trên, đè thêm một số vật nặng để bánh ráo hết nước, để lâu không bị mốc.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé!
Nguyên liệu: cho 5 bánh kích thước 12cm x 12cm
- Gạo nếp: 2kg
- Đỗ xanh khô đã cà vỏ: 500gr
- Thịt ba chỉ (hoặc sấn vai): 600gr
- Lá dong: 30 lá
- Lạt để buộc bánh
- Hành khô, hạt tiêu, muối, đường
Cách làm:
Bước 1: Đỗ xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng. Đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu rồi xóc với 1 thìa ăn cơm muối, sau đó cho vào nồi hấp, hấp chín.
Đỗ chín bở, dùng thìa tán cho thật nhuyễn, đem trộn đều đỗ với 2 thìa cà phê hạt tiêu, 2 thìa cà phê đường. Nắm đậu thành 10 nắm tròn bằng nhau.
Bước 2: Thịt đem rửa sạch rồi bỏ thịt vào ngăn đá tủ lạnh để thịt hơi cứng lại cho dễ thái, thái thịt thành những miếng dài khoảng 7cm, dày cỡ 1cm.
Ướp thịt với 1 củ hành tím băm nhuyễn, 2 thìa ăn cơm mắm, 1thìa cà pê hạt tiêu, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa ăn cơm đường. Sau đó lại cho thịt vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng để thịt ngấm gia vị.
Bước 3: Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm (chỉ cần ngâm 2 tiếng là đủ làm mềm gạo, không ngâm lâu sẽ làm gạo bị chua và bở).
Sau khi ngâm mềm thì đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Sau đó xóc gạo với 1 thìa ăn cơm muối và 1 thìa ăn cơm hạt nêm.
Bước 4: Lá dong đem ngâm nước khoảng 15 phút, rửa sạch, lau khô.
Gập lá dong làm đôi theo chiều dọc, sau đó gập làm 4 theo chiều ngang.
Cắt 1 cái lạt dài đúng bằng chiều dài cạnh trong lòng khuôn, sau đó đặt chiếc lạt lên lá, đo từ phần gập ngang của lá tới đầu lá dài đúng bằng chiếc lạt thì cắt bỏ phần lá thừa.
Mỗi chiếc bánh sẽ gấp 2 chiếc lá có mặt xanh đậm ra ngoài và 2 chiếc lá có mặt xanh nhạt ra ngoài.
Bước 5: Xếp lạt thành hình chữ thập rồi đặt khuôn lên trên.
Đặt một chiếc lá có màu xanh đậm bên ngoài vào một cạnh khuôn, mở lá ra đẩy sang cạnh khuôn bên cạnh để lá tạo thành một góc vuông.
Bẻ 2 mép lá nằm phía dưới xuống đáy khuôn rồi gập 2 mép lá này thành hình tam giác. Dùng một chiếc lá có màu xanh đậm bên ngoài khác làm tương tự với góc đối diện (góc thứ 2) nhưng không cần gập 2 mép lá nằm dưới đáy khuôn thành hình tam giác.
Dùng 2 chiếc lá có màu xanh nhạt bên ngoài làm tương tự với 2 góc còn lại như làm với góc thứ 2.
Dùng 2 chiếc lá khác không cần cắt cho vào bên trong khuôn đặt theo hình chữ thập và đặt cho mặt đậm của lá ngửa lên trên. Mục đích để tạo thêm 1 lớp lá nữa cho chắc chắn, tránh việc khi nấu bánh lâu, bánh sẽ bị xì gạo ra các góc. Mặt đậm được đặt ngửa lên trên là để mặt đậm lá sẽ tiếp xúc trưc tiếp với gạo sẽ làm cho bánh được xanh.
Bước 6: Xúc miệng bát con gạo (khoảng 200gr gạo) cho vào khuôn rồi vừa ấn vừa dàn đều gạo khắp đáy khuôn. Bóp một nắm đỗ rải đều lên trên gạo, đặt 2 miếng thịt lên trên đỗ rồi lại dùng một nắm đỗ khác rải đều cho phủ kín thịt (khi rải đỗ thì chừa lại, cách các cạnh khuôn khoảng 1,5 cm). Xúc miệng bát gạo khác rải đều xung quanh đỗ, rồi rải đều phủ kín mặt đỗ. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.
Cuối cùng gập các cạnh lá lại cho gọn, tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay và kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh lại.
Bước 7: Xếp bánh chưng vào nồi theo chiều thẳng đứng và hai mặt đẹp của bánh quay vào nhau. Đổ nước ngập mặt bánh (nếu có nồi to thì đổ nước cao hơn mặt bánh càng nhiều càng tốt, sẽ đỡ mất công canh nước cạn để thêm nước). Khi luộc bánh mà thấy nước cạn không đủ ngập bánh thì lại đổ thêm nước sôi vào cho ngập mặt bánh (nên đổ nước sôi để bánh được xanh).
Nếu đun bằng bếp ga thì đun sôi sùng sục bánh ở lửa to chừng 25-30 phút rồi vặn lửa xuống mức nhỏ nhất có thể. Luộc bánh trong khoảng 10 tiếng, sau đó vớt ra ngâm vào chậu nước lạnh (nước đun sôi để nguội), rửa cho bánh sạch nhớt ở lá. Đặt bánh lên một mặt phẳng, dùng một thứ gì đó có mặt phẳng phủ kín chỗ bánh đặt lên mặt bánh rồi dùng vật nặng đè lên trên để ép cho bánh ra bớt nước và chặt lại (không đè quá nặng sẽ làm bánh bị lòi gạo ra các góc).
Sau vài tiếng ép bánh là chúng ta đã có được những chiếc bánh chưng xanh và rất ngon do tự tay mình làm rồi đấy.
Ngoài ra, cũng có bí quyết khác để bánh luôn được xanh. Chị em có thể đem lá riềng giã nát, sau đó đổ một chút nước vào cối, khuấy đều rồi lọc lấy nước xanh. Gạo sau khi đã ngâm, đãi sạch và để ráo mình đem xóc với phần nước lá riềng vừa lọc. Cứ xóc đi xóc lại như vậy vài lần cho gạo ngấm màu xanh rồi để ráo nước, sau đó mới đem đi gói. Đảm bảo với bí quyết này Tết năm nay chị em sẽ cho “ra lò” những chiếc bánh vừa xanh vừa thơm ngon, cực kỳ ưng ý. |
Chúc các bạn thành công!
Hướng dẫn gói bánh chưng đơn giản cho Tết đoàn viên
Ai cũng biết việc tự làm bánh chưng quả là không đơn giản nhưng cũng không phải là việc quá khó hay không thể làm được. Quan trọng hơn là khi thưởng thức miếng bánh chưng do chính gia đình cùng chung tay thực hiện, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn tình cảm yêu thương thấm đượm trong từng miếng bánh. Và đẹp hơn cả là hình ảnh cả gia đình cùng nhau chung sức: em bé thì lau, rửa, cắt lá. Đàn ông thì nghiền và nắm đỗ cho thật chặt, phụ vợ gói bánh. Chị em phụ nữ thì luôn chân luôn tay chuẩn bị từng nguyên liệu, tẩm ướp nào gạo, nào đỗ, nào thịt.
Và khoảnh khắc cả nhà cùng quây quần bên nhau trông nồi bánh chưng là những giá trị tuyệt vời nhất, thứ mà cho dù bạn có bỏ rất nhiều tiền thì cũng không một hàng bánh chưng ngon nổi tiếng nào có thể cung cấp được.
Bánh chưng thường được gói theo hai cách: gói bằng tay không (gói bộ) hoặc gói theo khuôn hình vuông 20 cm x 20 cm x 7 cm. Nếu như gói bộ đòi hỏi sự khéo léo và một chút kinh nghiệm từ người gói thì gói bằng khuôn lá rất thích hợp cho những ai mới “chập chững” tập gói bánh chưng. Khuôn lá vuông vức là giải pháp hữu hiệu góp phần làm nên một chiếc bánh “vuông thành sắc cạnh”.
Nguyên liệu: (cho 1 cái bánh chưng)
Lá dong tươi: 4 lá to
Gạo nếp: 400 gr
Đỗ xanh: 150 gr
Thịt ba chỉ: 170 gr
Lạt, hạt tiêu, hành khô, và muối.
Chuẩn bị:
Lá dong: rửa thật sạch cả hai mặt lá. Dùng dao sắc nhỏ, lưỡi mỏng cắt lột bỏ bớt cuộng lá, để ráo nước.
Gạo nếp: vo sạch và ngâm ngập gạo trong nước muối nhạt khoảng 2h rồi vớt ra để ráo. Trộn gạo với một chút gia vị vừa ăn.
Đỗ xanh: đỗ đem cà vỡ, ngâm trong nước ấm từ 2 - 3 giờ cho mềm và nở. Sau đó đãi bỏ hết vỏ, để ráo nước rồi xóc cùng chút muối. Cho đỗ vào chõ đồ chín rồi dùng đũa cả hoặc thìa to đánh cho thật tơi, đều và mịn. Cuối cùng là chia ra phần đỗ từng nắm nhỏ, mỗi nắm khoảng 70 – 80 gr.
Thịt lợn: thái thành miếng to dài, mỗi miếng chừng 80 – 90 gr, tẩm ướp trong một giờ với hành củ giã nhỏ, muối, gia vị, hạt tiêu xay nhỏ.
Thực hiện:
Gập đôi lá dong. Chú ý: Gập cách sống lá khoảng 2 cm như trong hình.
Sau khi đã gập đôi thân lá theo chiều dọc, dùng tay miết đường gập cho thật phẳng phiu rồi gập tiếp theo chiều ngang của chiếc lá như trong hình.
Tạo 1 "chiếc thước" bằng đúng kích thước của bánh từ cuộng lá dong (có thể là 13 – 15 – 17 cm hoặc tuỳ theo kích thước to nhỏ của chiếc bánh mà bạn muốn làm).
Dùng "thước" đo vào giữa nếp gấp và cắt
Gấp phần trong của lá để tạo thành góc vuông và chặn bằng chiếc cốc như trong hình.
Một chiếc bánh cần có bốn góc như vậy. Tuy nhiên sẽ có hai góc đối diện bạn cần gấp sao cho một nửa phần đáy lộn vào bên trong và một nữa phần đáy ở bên ngoài.
Xếp hai góc đối diện có đáy tạo thành hai tam giác cân xuống trước, hai góc bình thường ở trên tạo thành chiếc khuôn bằng lá như hình hộp.
Xúc bát gạo nếp đầy đổ vào tâm của khuôn, dùng tay gạt đều. Chú ý dồn gạo ra tứ phía và ở giữa hơi trũng hơn một chút.
Lấy một nắm đỗ xanh bóp nhẹ và rải đều vào giữa vuông gạo đến gần hết bìa gạo.
Chọn hai miếng thịt lợn rải đều và cân vào giữa bánh, nếu muốn ăn bánh nhiều thịt nạc thì có thể thêm một chút thịt nạc vào giữa như trong hình.
Lấy tiếp một nắm đỗ xanh nữa bóp nhẹ, rải đều phủ lên trên thịt. Sau đó xúc một bát gạo nếp đổ lên trên và khỏa đều tạo thành mặt phẳng.
Gấp đồng thời hai cạnh đối xứng của khuôn lá vào. Vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông.
Gấp tiếp hai cạnh còn lại vào thành lớp trên. Vừa gấp vừa lèn chặt tay, tạo thành 2 hình tam giác nho nhỏ ở mặt trên của bánh như trong hình. Dùng lạt buộc xoắn lại để định vị.
Dùng lạt buộc ngang dọc hai bên cho chặt và tháo chiếc lạt buộc chính giữa để định vị lúc đầu ra.
Buộc từng cặp hai bánh và xếp vào nồi, đổ ngập nước, luộc từ 11 đến 12 tiếng..
Trong quá trình luộc bánh, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước sôi để đảm bảo nước luôn ngập bánh.
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra và rửa ngay bằng nước lạnh cho sạch hết nhớt. Để ráo nước và xếp bánh thành hai lớp trên một mặt phẳng nằm ngang. Dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho chắc và phẳng đều. Việc ép bánh sẽ giúp bánh để được lâu hơn, không bị mốc hay thiu do nước trong bánh đã bị ép ra hết. Bánh sẽ chắc hơn và dẻo hơn so với bánh không ép.
Lưu ý:
- Chọn mua lá dong to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Nên chuẩn bị rửa và lau khô lá trước một buổi so với buổi gói bánh.
- Khi cắt lá, nên chọn phần lá to và đẹp nhất để đo và cắt. Dùng dao mỏng lạng bớt sống lá cho lá mềm và dễ gói hơn. Tuy nhiên do phần sống lá tạo thành hình bốn cạnh vuông của chiếc bánh chưng nên chỉ nên lạng vừa phải, để bánh cứng cáp và có form chuẩn hơn
- Chọn mua gạo nếp hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ giúp bánh thơm và dẻo hơn.
- Chọn mua đỗ xanh loại còn nguyên vỏ, đã được cà vỡ sẽ thơm và bở hơn đỗ đã tách vỏ.
- Chọn thịt lợn ba chỉ vừa nạc vừa mỡ để khi chín, phần mỡ sẽ ngấm đều vào bánh, ăn sẽ thơm và ngon hơn bánh gói bằng thịt nạc.
- Để bánh xanh hơn, có thể mua lá riềng về giã hoặc xay lấy nước. Sau đó lọc lấy nước xanh của lá riềng, trộn vào gạo đã ngâm và xóc đi xóc lại vài lần cho đến khi gạo ngấm màu xanh của lá. Để ráo nước rồi mới bắt đầu gói bánh.
- Khi gói, nên quay mặt xanh hơn của lá vào trong để bánh có màu xanh mướt.
- Trải cuộng và lá dong thừa xuống kín đáy nồi và phủ lên trên bánh giúp cho bánh ít bị cháy hay bị bén nồi.
Cách gói bánh có khuôn thì bánh đều nhau hơn và gói nhanh hơn, còn gói bánh không khuôn thì bánh được gói chặt hơn do cảm nhận của đôi tay người gói dẫn đến việc điều chỉnh lực gói.
Có thể chiếc bánh bạn làm không thể đẹp bằng bánh ngoài hàng, nhưng chắc chắn là bánh của bạn sẽ ngon hơn, vì bạn hòan toàn có thể chọn được các nguyên liệu tốt nhất cho những chiếc bánh của mình, làm cẩn thận và sạch sẽ như bạn muốn và nêm nếm gia vị cho vỏ bánh và nhân bánh theo khẩu vị của chính bạn.
Chúc các bạn thành công với nồi bánh chưng và nhớ đừng quên gói cho các em bé những chiếc bánh chưng xinh xinh nhé. Những chiếc bánh ấy sẽ làm bé ngon miệng hơn hẳn những chiếc bánh bình thường và bé sẽ còn thích thú hơn nữa nếu bạn dạy bé tự gói chiếc bánh của bé đấy!
Bí quyết để bánh chưng có màu xanh
Chọn lá dong
Cần phải biết cách phân biệt lá dong nếp và lá dong tẻ. Về hình dạng lá nếp thường hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ, hai mặt trái phải có màu xanh đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó loại lá tẻ chỉ có một màu xanh ngắt, lá dẹt, dài, cuống to, lá nổi gân đậm, lá giòn, dễ rách. Gói phải loại lá này bánh sẽ không thơm. Khi chọn tốt nhất nên mua loại lá nếp, chọn được loại phình ở đuôi càng tốt. Tuyệt đối tránh mua các loại lá dong to như lá chuối.
Ở các làng quê trong những ngày này dễ bắt gặp hình ảnh trên cây cột của nhà nào cũng buộc lá dong xung quanh. Lá dong rửa hai mặt cho đến khi không còn gợn bẩn nào thì mang về buộc lên những cây cột cho ráo nước. Vài ngày sau đến khi gói bánh dân ta sẽ mang xuống tỉa tót cho vừa vặn.
Theo kinh nghiệm của người dân làng bánh chưng cổ truyền Tranh Khúc, Thường Tín, Hà Nội, để gói bánh nhanh, để được lâu, lại dễ bóc thì trước khi gói bánh, người ta sẽ xếp cứ một chiếc lá dọc lại đến một chiếc lá đặt ngang. Chiếc lá ngoài cùng cần lá hơi già, đẹp để khi luộc bánh lên lá vẫn giữ được màu xanh. Chiếc lá trong cùng là lá bánh tẻ, lá đẹp nhất. Mỗi chiếc bánh cần ít nhất 4 lá. Dù vậy, muốn bánh giữ lâu hơn thì nên gói từ 5 đến 6 chiếc.
Chọn những chiếc lá dong hơi bầu, phình ra ở cuống lá sẽ dễ gói hơi, bánh xanh hơn. Ảnh: Phan Dương. |
Chọn lạt gói bánh
Người dân ở các vùng quê nước ta thường dùng ống nứa bánh tẻ, chẻ ra rồi phơi tái làm dây buộc. Tuy nhiên chỉ nên dùng loại nứa bánh tẻ, còn nứa già sẽ giòn, dễ đứt. Để an toàn bạn nên dùng ống giang bánh tẻ làm dây buộc là chuẩn nhất.
Chọn gạo nếp
Dĩ nhiên, loại gạo gói bánh chưng ngon nhất sẽ là loại nếp cái hoa vàng Điện Biên, Hải Hậu nhưng chúng ta có thể dùng chính những hạt lúa nếp ngon từ vùng quê mình làm ra, chỉ cần chú ý đó là loại gạo nếp không pha tạp lẫn gạo tẻ.
Từng có ý kiến trước khi gói bánh nên ngâm gạo qua đêm từ 6 đến 8 tiếng nhưng theo những người dân ở làng làm bánh chưng lâu đời nhất Hà Nội - Tranh Khúc thì cách làm này không đúng. Chỉ nên đãi sạch gạo rồi ngâm trong nước lạnh khoảng nửa tiếng rồi vớt ra để ráo. Nếu ngâm nhiều qua đêm sẽ làm gạo bị chua. Đặc biệt ngâm trong nước ấm với thời gian lâu như thế sẽ làm bở mất hạt gạo.
Ở một vài làng quê nước ta hiện nay, để gạo bánh chưng xanh hơn thì người dân vẫn nhuộm gạo nếp bằng cách lấy lá riềng rửa sạch, giã nhỏ rồi vắt lấy nước. Tương truyền cách làm này sẽ khiến mùi gạo nếp thơm hơn, bánh cũng sẽ xanh từ trong ra ngoài và để cả nửa tháng không sợ chua.
Nhân bánh
Không nên dùng đậu xanh có vỏ vì sẽ dễ làm bánh dễ thiu. Thay vào đó nên dùng đậu xanh đã xát sạch bỏ. Chiếc bánh chưng ngon là ngon từ nhân bánh ngon ra. Do đó, không nên gói bánh bằng đậu sống. Lý do đơn giản vì đậu dễ bị lẫn vào gạo, chiếc bánh dễ bị tơi, không dậy vị thơm ngon. Trước khi gói bánh nên đãi sạch đậu rồi ngâm trong nước nửa tiếng, rắc thêm chút muối, mì chính vừa vặn. Lúc đậu chín cần đánh đậu thật nhuyễn.
Nhiều người thắc mắc sao bánh mình làm không ngon như bánh mua, có thể bởi vì chúng ta làm nhân ít hơn những người làm bán. Do đó, với một chiếc bánh 400g gạo (tương đương một bát ăn cơm đầy) cần 250g nhân thịt đậu. Nên mua loại thịt ba chỉ, thái vừa ăn ướp qua muối và hạt tiêu. Sau đó dùng đậu đánh nhuyễn bọc ngoài những miếng thịt rồi viên thành nắm nhân chắc.
Một số gia đình có thói quen cho hành vào bánh chưng vì nghĩ bánh sẽ ngon hơn. Tuy nhiên “bánh chưng xanh, củ hành ngày Tết” là nói đến bánh chưng đi kèm với hành kiệu muối. Việc cho hành vào bánh dễ át đi mùi thơm của đậu, hạt tiêu, bánh ngang, mất đi vị thanh vốn có. Bánh cũng mau hỏng hơn.
Nên tán nhuyễn đậu rồi bọc ngoài thịt thì khi gói nhân và gạo không bị lẫn vào nhau. Cắt chiếc bánh đẹp mắt, ăn ngon hơn. Ảnh: Phan Dương. |
Gói bánh
Có một vài lý do sau gia đình bạn không nên gói bánh bằng khuôn, đó là vì gói bánh bằng khuôn thì lá sẽ bị cắt triệt để, lớp lá dọc ngoài mỏng, 4 góc bánh bị cắt lá ghép vào nhau nên bánh dễ bị bục khi chèn ép. Những góc này cũng là nơi dễ bị mốc nhất.
Gói bánh chưng phải gói bằng mặt trái của lá (mặt sống lưng) chứ không nên gói mặt trong. Một số người vẫn bị mắc lỗi này. Lúc gói bánh cần gói chặt tay, sao cho khi bạn vỗ bánh xuống đất sẽ làm bánh càng vuông vức hơn.
Luộc bánh
Trước khi luộc bánh nên đặt một chiếc rổ nhỏ xuống đáy nồi, mục đích tránh bị khét, hạn chế nước ngấm nhiều vào bánh. Đồng thời lấy các lá bánh chưng hay các đoạn lá cắt thừa lót xuống đáy nồi và xung quanh cạnh nồi. Thời gian luộc bánh cần từ 8 đến 10 tiếng.
Anh Thắng – chủ một cơ sở bánh chưng vào dạng lâu đời nhất ở làng Tranh Khúc phân tích rằng nguyên lý luộc bánh chưng là cần độ dừng. Tức là không phải lúc nào cũng phải giữ nồi bánh chưng sôi ùng ục mà cần phải có những lúc ngừng sôi (tắt bếp hay đổ nước lạnh) vào để nước ngấm, làm bánh chín dần. Do vậy, khi luộc bánh chưng gia đình bạn cần chú ý khi bánh sôi gần hết nước sẽ lại đổ nước lạnh vào để nồi bánh ngừng sôi, bánh chín dần.
Sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra rồi đè lớp bánh nọ lên lớp bánh kia. Lấy vật nặng vừa phải đè lên để bánh ráo nước.
Bóc bánh chưng cũng cần có nghệ thuật. Nên bóc từ ngọn lá xuống phần cuống vì như thế lá sẽ không bị dính vào bánh. Việc bánh bị dính tay là điều khó tránh khỏi. Bạn có thể rửa tay ngay sau đó.