Hướng dẫn học lái xe moto hai bánh
Hướng dẫn làm mặt nạ Trung Thu đơn giản mà đẹp
Cùng tham khảo những hướng dẫn học thư pháp Việt nhé các bạn. Khi sáng tác một tác phẩm thư pháp chúng ta cần có nhưng kỹ thuật và kỹ xảo. Kỹ xảo là những xảo thuật giúp ta tạo được những đường nét trái thường, hoặc đó là những bí quyết riêng… Kỹ thuật vận bút (Bút pháp) là những kỹ thuật căn bản nhất, phổ biến nhất và quan trọng nhất cho những ai mới làm quen hay tập luyện viết thư pháp.
Những căn bản đầu tiên khi luyện tập thư pháp
Khi tập luyện tập bút pháp giúp ta từng bước làm quen được với cách diều khiển ngọn bút lông và bắt nó thể hiện theo ý mình. Có người không thông qua bút pháp nhưng vẫn viết chữ, khi đó chỉ là viết đại, viết thiếu phương pháp thiếu bài bản, đườnng nét thể hiện có khi đạt khi không vì thiếu nền tảng ban đầu, nét chữ thể hiện sẽ không chắc và mạnh mẽ. Khi viết chữ hoặc vẽ tranh thuỷ mặc đều phải lấy bút lông làm công cụ chính và đường nét là hình thức thể hiện. Khi đưa một nét hoặc chấm một chấm, nhấc bút lên khi nhanh khi chậm, chuyển hướng bút hoặc thu bút…Tất cả những sự biến hoá trong lúc vận bút gọi là bút pháp.
Bút pháp trong thư pháp Hán có các kỹ pháp căn bản sau mà theo chúng tôi có thể ứng dụng khi viết thư pháp Việt:
1. Phương Bút: Là phương pháp điều khiển ngọn bút sao cho phần khởi đầu (khởi bút) và kết thúc (thâu bút) của một nét khi di chuyển, tạo nét gấp khúc để lộ ra góccạnh rõ rệt gọi là phương bút. Khi ứng dụng bút pháp phương bút, ngọn bút phải nằm nghiên sử dụng thiên phong hành bút.
Phần khởi đầu của một nét có góc cạnh
Để bút nghiên và chạm vào mặt giấy
cạnh của ngọn bút tiếp xúc với mặt giấy và kéo sang bên phải
khi kéo sang bên phải có thể nhấc bút lên từ từ tạo một góc nhọn hoặc vẫn để bút nằm ngang tạo góc cạnh khi thâu bút
Nét cơ bản để luyện tập phương bút
2. Viên Bút: Kỹ thuật điều khiển ngọn bút sao cho phần khởi bút và thâu bút của một nét có dạng tròn và không tạo ra góc cạnh, Khi sử dụng bút pháp này thì tay phải cầm bút thẳng vuông góc với mặt giấy
Phần khời bút có dạng tròn
Chạm ngọn bút vào mặt giấy và di chuyển bút ngược lại với hướng của nét (hồi bút) tạo một cạnh tròn
Sau đó đưa bút về đúng hướng của nét muốn viết
Đặt thân bút nằm xuống mặt giấy và cán bút hơi nghiên hướng về phần kết thúc của nét và xòe ngọn bút ra cho vừa bằng với độ rộng của đường tròn vừa tạo
Kéo thẳng ngọn bút đến điểm kết thúc.
Nét cơ bản để luyện tập Viên bút
* Đối với bút pháp viên bút thâu bút thì ta không cần phải dùng kỹ thuật hồi bút, chỉ cần đưa ngọn bút đến điểm kết thúc và ngừng lại, khi đó ta nhấc bút lên, phần bụng bút sẽ tạo cho phần kết thúc của một nét có dạng tròn.
3. Lộ Phong: Là phương pháp điều khiển ngọn bút sao cho phần khời bút và thâu bút để lộ rõ phần nhọn của bút. Ứng dụng nhiều trong các nét móc. (lộ là thể hiện ra, phong nghĩa là ngọn bút)
Phần khởi bút của một nét có dạng nhọn, Đưa ngọn bút di chuyển theo hướng của nét và chàm từ từ và đều đặn vào mặt giấy sẽ tạo một nét nhọn tự nhiên từ nhỏ đến lớn và ngược lại cho phần thâu bút, rút bút từ từ và đều khỏi mặt giấy.
Nét cơ bản để luyện tập lộ phong
4. Tàng Phong: Là phương pháp điều khiển ngọn bút sao giấu đi phần nhọn của ngọn bút, khi viết phải hồi bút như viên bút nhưng nét tạo ra không tròn mà hơi có góc cạnh. Đây là Bút pháp khó nhất, khi viết hoàn chỉn nét tàng phong sẽ giống như chữ Nhất của Trung Hoa mà ai muốn kuyện tập thư pháp phải khổ luyện rất lâu. Ứng ụng tàng phong vào những nét sổ nét ngang thì trông nét sẽ đầy đặn mạnh mẽ và uy lực.
Phần khởi bút của nét không để lộ phần nhọn của ngọn bút và tạo ra gó cạnh cho nét đặt ngọn bút chạm nhẹ vào mặt giấy
Hồi bút theo hướng ngược lại của nét và đưa bút lên cao dùng ngọn bút tạo một cạnh tròn vừa đủ, đừng để cạnh tròn quá dài
Đặt cạnh bút nằm xuống mặt giấy theo hướng xéo và nhấn mạnh, khi đặt cạnh bút nằm xuống, chú ý không rút bút thấp xuống dưới nét
Khi đặt cạnh bút nằm xuống mặt giấy và nhấn mạnh thì phần bụng bút sẽ tạo ra một cạnh tròn khác và kéo cạnh bút sang phải, hơi nhấc nhẹ bút cho dễ di chuyển đồng thời tạo phần khởi bút to hơn bần hành bút.
kéo cạnh bút sang bên phải
đến điểm thâu bút, nét có thể ngang hoặc có thể hơi gợn cong.
Đưa bút đến điểm thâu bút,
giữ cạnh bút nằm xéo tạo một đường xéo phần cuối nét
Rút cạnh bút đứng lên từ từ và chỉ còn ngọn bút tiếp xúc với mặt giấy, sau đó hối bút xuống dưới và ngược trở lại hướng khởi bút
Kết thúc nét và tạo phần thâu bút to hơn phần hành bút
Nét cơ bản để tập tàng phong, nét tàng phong có thể ngang theo hình mẫu hoặc hơi gợn cong
5. Trung Phong: Là phương pháp điều khiển bút sao cho đầu ngọn bút khi di chuyển luôn nằm ở vị trí giữa nét, mực toả đều ra hai bên. Lưu ý phải giữ bút ở tư thế đứng mới thực hiện được kỹ pháp này. Trong quá trình viết chữ, có những nét cong nét vòng hoặc nét lượn… cần phải giữ bút đứng, ngọn bút tiếp xúc nhẹ nhành với mặt giấy ở phần ngọn bút nên ta cần ứng dụng và luyện tập trung phong.
(Trung là chính giữa)
Bút vuông góc với mặt giấy
Nét cơ bản để luyện trung phong.
*lưu ý, khi luyện tập nét này thì phải dùng viên bút khởi bút, sau đó di chuyển ngọn bút theo chiều ngang và khi chuyển bút xuống dưới cần xoay nhẹ bút.
6. Thiên Phong: Là phương pháp điều khiển bút mà ngọn bút và cán bút được giữ nghiên.Phần cạnh bút sẽ tiếp xúc với mặt giấy để tạo ra đường nét. Nét bút được chia ra làm hai phần, phần được tạo ra từ ngọn bút và phần được tạo từ bụng bút. Cho nên độ mực của hai bên sẽ không đều, bên nhiều bên ít.
(thiên nghĩa là nghiên về một bên)
Bút được giữ nghiên và cạnh bút tiếp xúc với mặt giấy.
Nét cơ bản để luyện tập thiên phong
Chú ý: dùng phương bút khởi bút, giữ cạnh bút tiếp xúc với mặt giấy và thực hiện hết nét đến khi hế mực
7. Đề và Án: Còn được gọi là nhả và nhấn. Đề là nâng ngọn bút lên khi sắp dừng một chữ hoặc chuyển bút sang một nét mới. Án là ấn bút xuống để tạo trọng tâm hoặc do thế bút.
Đề và án là hai hoạt động linh hoạt và liên tục khi vận bút, để tạo nét to nét nhỏ, độ dày mỏng đậm nhạt cho chữ.
8. Chuyển và Chiết: Chuyển là di động ngọn bút trên mặt giấy, khi chuyển bút chỉ chuyển cánh tay, ngón tay cầm bút và cán bút cố định. Bút đang di chuyển phải đổi hướng để tạo thành góc gọi là chiết.
9. Đốn và Tổn: Ngưng bút mà hơi ấn xuống gọi là đốn. Bút đang di chuyển mà hơi ấn xuống gọi là tổn.
10. Xoay bút: Trong khi vận bút di chuyển các ngón tay giữ thân bút sao cho bút xoay nhẹ, kết hợp khi di chuyển bút để tạo nét chấm tròn. Trong trường hợp ngọn bút bị tưa nhẹ ra không nhọn thì ta có thể chuyển hướng và xoay bút sao cho ngọn bút túm lạit hật nhọn.
11. Liên bút: Là kỹ pháp được dùng nhiều trong phong thể và biến thể, các nét được liên kết với nhau liên tục, đôi khi ta viết một chữ hoặc nhiều chữ chỉ với một nét bút (Một nét bút chỉ được tính là liên kết các ký tự chính trong chữ, phần dấu có thể thêm bởi một nét riêng). Có chữ ta viết luôn cả phần dấu và ký tự chính chỉ với một nét. Khi liên bút kết nối giữa các nét sẽ có những nét thừa ( không phải là nét chính của chữ) nét này phải được viết thật nhỏ không được phép to bằng nét chính.
Bút pháp là nền tảng để ta sáng tạo chữ viết, không nhất thiết phải ứng dụng tất cả bút pháp vào sáng tác, có thể có những kỹ xảo khác nhưng khi luyện tập hoặc giảng dạy nên luyện tập và hướng dẫn bút pháp cho thật tốt thay vì chỉ tập gạch ngang , gạch dọc và vẽ nét vòng theo như cách nhiều người giảng dạy lâu nay. Những ai đã viết thư pháp, đã có kinh nghiệm nên nghiên cứu bút pháp để hiểu những kỹ thuật mà mình đang viết bởi vì hầu hết chúng ta đều ứng dụng nhưng không biết, đồng thời nên luyện lại những bút pháp mà ta chưa biết hoặc chưa từng xử dụng sẽ giúp chữ ta ngày càng biến hóa và sống động hơn.
Khi hướng dẫn
Chúc các bạn thành công.
Tổng quan về thư pháp
* Nội dung
1- Từ chữ viết đến nghệ thuật viết chữ
1.1- Nguồn gốc chữ viết
Chữ viết ra đời theo yêu cầu của xã hội loài người. Nó hình thành trên cơ sở những thành quả lao động chân tay và trí óc. Tiển thân gần gũi của nó chính là những hình vẽ mang ý nghĩa thực thể hoặc tưởng tượng.
1.2- Nghệ thuật chữ viết
Cái đẹp trong chữ viết, mà theo cách nói hiện đại là nghệ thuật chữ viết Thư pháp ( Calligraphy - Calligraphie - Calligraphiia ) từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới coi trọng và xem là một loại hình nghệ thuật đặc thù " cao cấp " , là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước phương Đông. Nghệ thuật chữ viết vừa tạo nên giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống của mọi người trên hành tinh của chúng ta.
1.3- Thư pháp
Cách hiểu về nghệ thuật Thư pháp có thể khái quát thành hai nội dung : Một là, nội dung gắn bó với cơ sở mỹ học của thư pháp ( các cách viết, kỹ thuật viết, những bút pháp, đường nét, màu sắc... của người viết ). Hai là, gắn bó với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niện triết học, nhân sinh quan của người viết và phong khí của thời đại.
Vì vậy, ta có thể hiểu thư pháp là : nghệ thuật thể hiện chữ viết và là phương tiện để bày tỏ tâm thức của con người. Với ý nghĩa này, thư pháp trở thành một nghệ thuật biểu đạt mỹ cảm của mỗi dân tộc, chí hướng, tâm tư và tình cảm chủ quan, có giá trị đạo đức và giá trị mỹ học.
2- Sơ lượt thư pháp Đông - Tây
Trong dòng chày văn hóa truyền thống của các nước phương Đông - Thư pháp được xem như một mạch ngầm, lặng lẽ tồn tại với thời gian nhưng thư pháp lại có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật.
_ Thư pháp đối với người Trung Hoa : là linh hồn của mỹ thuật Trung Hoa, là loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao, có xu hướng vươn tới nghệ thuật biểu hiện tâm hồn chủ quan.
_ Thư đạo Nhật Bản : Ở Nhật Bản nơi mà khiếu thẩm mỹ luôn dựa vào sự giản dị cùng với tính trầm tư mặc tưởng của Thiên Đạo đã tiếp nguồn cho nghệ thuật thư pháp phát triển thành một phong cách rất đặc biệt. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa Thiên Đạo và nghệ thuật thể hiện. Với ý nghĩa này, thư đạo của Nhật Bản không chỉ là môn nghệ thuật thể hiện, mà nó vượt ra ngoài hạn lượng của ý thức để truyền tải nội dung tâm pháp.
_ Nghệ thuật thư pháp ở các quốc gia Hồi Giáo : được xem là " Nghệ thuật thị giác hàng đầu ". Nó trở thành một phần trang trí trong đạo Hồi, trong các lâu đài, trường học. Theo Ibn al - Habib cho rằng nghệ thuật viết chữ chính là chức năng cao quý nhất, một môn khoa học ưu việt nhất, một nghề có thu hoạch cao nhất của thời đại.
_ Ở các nước phương Tây : ngày xưa, khi nghề in chưa có ( hoặc đã có mà chưa tinh vi ), những văn kiện quan trong hay tác phẩm thiêng liêng đầu cần những Nhà thư pháp ( calligrapher ) nắn nót, trau chút từng nét một. Đặc biệt, với Kinh Điển của nhiều Tôn giáo, các nhà Thư pháp còn dốc lòng tôn trọng, giữ gìn trai giới và kiên tửu sắc trong suốt những ngày tháng tỉ mỉ chép Kinh thành những tác phẩm mỹ thuật, mà ngày nay một số kiệt tác còn may mắn giữ được đã trở thành tài sản văn hóa vô giá của các viện bảo tàng tên tuổi trên thế giới.
* So sánh sự khác nhau cơ bản giữa nghệ thuật thư pháp Đông và Tây ( mang tính khái quát )
+ Vẻ đẹp chữ viết của người phương Đông không chỉ dừng lại ở nghệ thuật biểu hiện mà nó còn phải lột tả được tính chất sâu thẳm bên trong của chữ viết. Dường như thư pháp ở đây không chỉ là bộ môn mà còn là Pháp môn cho con người tu tâm luyện tánh. ( xuất phát từ văn hóa gốc nông nghiệp )
+ Ngược lại, quan niệm chữ viết đẹp đối với người phương Tây thì phải theo chuẩn mực, phải cân đối tỷ lệ, không có ngẫu hứng và linh hoạt. ( xuất phát từ từ văn hóa gốc du mục )
3- Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
3.1- Nghệ thuật thư pháp chữ Hán - Việt Nam
a. Quá trình hình thành thư pháp chữ Hán ở Việt Nam
b. Đặc điểm
Quá trình phát triển của môn thư pháp chữ Hán tại Việt Nam, có lịch sử hình thành tương tự bộ môn thư pháp tại Trung Hoa : đều xuất phát từ tinh thần văn nghệ trong sáng lấy cảm hứng làm căn bản, lấy chủ đề tạo cảm hứng. Tuy nhiên về biểu hiện mỹ cảm có những điểm tương đối khác biệt so với nghệ thuật thư pháp ở Trung Hoa.
3.2- Nghệ thuật thư pháp Quốc Ngữ - hiện đại
a. Đôi nét về quá trình hình thành chữ Quốc Ngữ ( chữ Việt )
b. Sự ra đời của thư pháp chữ Quốc Ngữ
c. Một số đặc điểm trong thư pháp Việt
_ Tính linh hoạt : sự linh hoạt là một trong những điểm quan trọng của nghệ thuật thư pháp và văn hóa Việt Nam nói riêng và có lẽ văn hóa nông nghiệp nói chung. Đối với thư pháp chữ Việt tính linh hoạt thể hiện rất cao độ - nó cũng là một đặc tính điển hình của người Việt
Chữ Ngộ - Trương Tuấn Hải
_ Tính biểu cảm, trữ tình : là một đặc điểm tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật và văn hóa Việt Nam nói riêng và có lẽ văn hóa nông nghiệp nói chung. Với thư pháp chữ Việt thì tính biểu cảm thể hiện rất rõ nét.
_ Tính hài hòa : là một đặc điểm nổi bật của nền văn hóa Việt Nam và nó ảnh hưởng rất đậm nét trong nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Nó cũng là một trong những yếu tố tạo nên một tác phẩm thư pháp hoàn hảo.
Chữ Hạnh phúc - Thanh Sơn
_ Tính tổng hợp : Sự giao hòa giữa văn hóa Đông - Tây ( bút lông_ sản phẩm của văn hóa phương Đông và chữ Latinh_ sản phẩm của văn hóa phương Tây ).
3.3- Thư pháp chữ Việt trong đời sống của văn hóa dân tộc
Thực tế hiện nay, thư pháp chữ Việt đã hòa mạch sống nghệ thuật trong vườn hoa dân tộc và nó có ảnh hưởng lớn trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đạo đức giáo dục,... Sở dĩ nó đặc biệt như vậy vì nó đã nối mạch được truyền thống tôn trọng chữ, kính chữ đã có hàng ngàn đời trong lịch sử dân tộc. Hơn nữa, nó mang thông điệp cho mọi người rằng: nếu biết khai thác và sáng tạo thì chữ Việt cũng rất đẹp và rất có hồn. Hy vọng, việc chơi thư pháp, thưởng lanm4 thư pháp chữ Việt hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà là sự hiện diện có ý nghĩa của một môn nghệ thuật đặc thù mang tính cao cấp, phát huy được cái đẹp, cái hồn của mỗi chữ Việt trong lòng người dân nước Việt.
Chữ Tri âm - Trụ Vũ