Hướng dẫn kho thịt vịt với măng ngon miệng

Cùng tham khảo những hướng dẫn kho thịt vịt với măng ngon miệng nhé. Miếng thịt vịt kho măng đậm đà ngấm gia vị sẽ làm cho bữa cơm của bạn thêm phần ngon miệng!



Thịt vịt kho măng đậm đà ngon miệng



Để làm món thịt vịt kho măng bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- 2 cái đùi vịt

- 250g măng tươi

- Gia vị: gừng, rượu trắng, nước tương,đường phèn, muối, ngũ vị hương, ớt khô

Bước 1:

Chặt đùi vịt thành nhiều miếng nhỏ. Chuẩn bị một nồi nước lạnh, thêm vài lát gừng và 1 thìa canh rượu rồi cho thịt vịt vào.

Bước 2:

Đun đến khi nào nồi vịt nổi bọt thì bạn vớt ra, để ráo.

Bước 3:

Măng cắt miếng vuông vừa ăn rồi cho vào nồi nước sôi để luộc cho măng bớt mùi.

Bước 4:

Luộc măng xong bạn vớt ra rổ, để ráo.

Bước 5:

Làm nóng 1 thìa canh dầu ăn trong chảo rồi cho vịt vào, xào ở lửa vừa và nhỏ cho tới khi vịt săn lại và bề mặt chuyển màu vàng.

Bước 6:

Thêm gừng, ớt khô (tùy thích) và một ít rượu vào xào cho tới khi dậy mùi thơm.

Bước 7:

Nêm 2 thìa cà phê nước tương, ít đường phèn, 2 thìa cà phê bột ngũ vị hương vào đảo đều, rồi đổ ít nước sôi vào xâm xấp mặt thịt, để lửa lớn cho tới khi nước trong nồi sôi thì vặn lửa nhỏ và đun thêm 25 phút nữa.

Bước 8:

Cuối cùng bạn trút măng vào, nêm nếm lại với hạt nêm rồi tiếp tục đun thêm khoảng 10 phút nữa cho măng ngấm gia vị, sau đó để lửa lớn đến khi cạn nước thì tắt bếp.

Từ trước tới giờ có lẽ bạn vẫn thường nghe tới món gà kho chứ ít nghe ai làm món vịt kho. Với cách làm thịt vịt kho măng này bạn có món ăn thật đậm đà, hơi cay cay mà lại chua nhẹ vị măng nên vô cùng lạ miệng; rất thích hợp để bạn đổi món cho cả nhà trong bữa tối cuối tuần đấy!

Chúc bạn có món thịt vịt kho măng thật ngon nhé!

 


Tham khảo thêm:

Mẹo chế biến thịt vịt sạch và ngon


Để chế biến được những món ăn ngon từ thịt vịt, điều đầu tiên bạn cần nghĩ tới là làm sạch vịt và giữ cho thịt luôn tươi, ngon. Thông thường, mọi người nghĩ rằng trước khi nhổ lông vịt cần nhúng vịt qua nước nóng 100ºC để dễ làm. Tuy nhiên trên thực tế khi ta nhúng vịt vào nước nóng già, lỗ chân lông của vịt sẽ co lại, rất khó nhổ lông. Do vậy khi làm vịt bạn chỉ cần dùng nước nóng vừa phải, khoảng 40ºC là được. Trước khi nhổ lông vịt, hãy tưới chút giấm hoặc rượu trắng lên mình vịt khoảng 10 phút trước khi nhúng vào nước ấm, vịt sẽ dễ làm lông hơn.


Điều dễ nhận thấy là khi làm lông xong, thịt vịt sẽ rất dễ bị đen nếu không bảo quản tốt. Do vậy khi làm vịt bạn hãy cho cả con vào ngâm với nước lã trong khoảng 20 phút để thịt vịt trắng tươi, như vậy món ăn cũng hấp dẫn hơn.

Lúc luộc vịt, để thịt mau mềm, trước khi đun, bạn ngâm vịt vào nồi nước lạnh có pha chút giấm khoảng 1 tiếng, sau đó đun nhỏ lửa, như vậy thịt vịt sẽ mau mềm và ngon hơn nhiều. Nếu mua phải con vịt già thì để luộc vịt mau chín là cả một vấn đề. Khi đó bạn hãy cho thêm vào nồi luộc vịt một chút tủy heo, thịt sẽ mau nhừ hơn nhiều.



Mùa hè, lạ miệng với gỏi vịt thật "đỉnh"!


Nguyên liệu:

- Thịt vịt lấy 2 bên lườn và 2 đùi
- Lạc nhân
- Rau húng, rau mùi, mùi tàu
- 3 củ hành khô
- 2 củ tỏi, 2 quả ớt
- Hành củ tươi hoặc gốc hành trắng
- 1 thìa cà phê đường
- 1 thìa cà phê mỳ chính
- 2 thìa giấm
- 2 thìa nước mắm.
Bước 1:
Vịt làm sạch.

Cho nước lã ngập vịt, luộc chín vịt với 1 chút gia vị.

Hành khô nướng xém rồi bóc vỏ.

Khi nước luộc vịt bắt đầu sôi, bạn thả hành khô đã nướng vào để vịt bớt hoi.

Từ lúc nước sôi bạn chỉ cần đậy vung đun lửa nhỏ khoảng 10-15 phút là vịt chín, bạn vớt ra để nguội.

Bước 2:

Dùng dao mỏng, sắc lọc lấy phần thịt lườn và đùi vịt.

Thái vịt thành từng miếng mỏng khoảng 0,5cm.

Bước 3:

Húng quế, mùi tàu, húng láng, rau mùi ngắt rời lá hoặc cắt khúc khoảng 2-3cm. Hành củ chẻ mỏng, ngâm vào nước lạnh cho bớt hăng.

Tỏi đập dập, bằm nhỏ. Ớt bỏ hạt bằm nhỏ. Lạc rang chín, giã dập.

Xếp thịt vịt, rau thơm, hành ra đĩa. Pha nước trộn gỏi với tỏi, ớt bằm và đường, mỳ chính, giấm, mắm theo tỷ lệ đã ghi ở phần nguyên liệu.

Khi ăn bạn trộn đều nước trộn gỏi với thịt vịt và các loại rau gia vị, cuối cùng rắc thêm chút lạc là có thể thưởng thức được rồi!

 Nếu mua nguyên cả con vịt, sau khi lọc phần lườn và đùi để làm món gỏi vịt, phần xương, cổ cánh còn lại bạn có thể cho vào nấu xáo măng ăn kèm với bún hoặc om với sấu. Gỏi vịt có vị chua, cay, mặn, ngọt vừa miệng kết hợp với mùi thơm của các loại rau gia vị cùng với vị bùi của lạc làm bạn ăn hoài mà không thấy ngán. Bạn hãy thử trổ tài cho cả nhà thưởng thức nhé!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

 

Thịt vịt quay kho cải chua đậm đà hấp dẫn
Chế biến thịt vịt kho gừng ấm lòng mùa đông giá rét
Cách làm món vịt quay nước dừa thơm ngậy bùi bùi ngon tuyệt
Cách luộc thịt vịt ngon, không bị hôi
Thịt vịt nấu với rau gì hợp nhất?

(St)