Hướng dẫn làm chả rươi cực đơn giản

Chả rươi, đôi khi còn gọi là rươi đúc trứng, là một trong những món chả rán đặc biệt của người Việt. Ở phương diện nào đó do đây là một trong những món ăn có nguyên liệu chính là rươi dễ làm nhất. Cùng tham khảo những hướng dẫn làm chả rươi cực đơn giản nha


Cách 1:


Rươi có nhiều cách chế biến nhưng phổ biến nhất vẫn là làm chả.
- Rươi làm sạch. Cho thịt vào rươi đã đánh nhuyễn trộn đều    
- Cho tiếp 1 quả trứng vào trộn đều, cho hành hoa, thìa là, ớt tươi, vỏ quýt băm nhỏ, nước mắm, hạt tiêu vào trộn tiếp

- Cho dầu ăn vào chảo, có thể rán chả theo miếng nhỏ hoặc bằng lòng chảo. 

- Pha nước chấm giống nước chấm nem, gồm 1 thìa cà phê nước cốt chanh, tỏi ớt băm nhỏ, 2 thìa cà phê nước mắm, 3 thìa cà phê nước lọc, 1 thìa cà phê đường   

- Bày ra đĩa. Rắc hạt tiêu cho thơm. Ăn nóng chấm với nước mắm chanh ớt.

Tháng 10 đã về , mùa rươi cũng đang gọi mời. Còn chần chờ gì nữa mà không ra chợ mua được mẻ rươi tươi về chế biến cho gia đình một bữa cơm thật ngon thật ấm cúng.


Cách 2:


Nguyên liệu:

- Rươi: 300 gr
- Thịt sấn vai xay: 150 gr
- Trứng gà hoặc trứng vịt: 1-2 quả
- Vỏ quýt: 1/3 quả nhỏ hoặc 1/4 quả to
- Hành, thì là, lá gừng (nếu có)
- Hạt nêm, hạt tiêu

Cách làm:

Bước 1: Rươi sau khi mua về các bạn rửa rươi với nước nóng già (gọi là làm lông rươi), dùng đũa khuấy kỹ nhưng nhẹ nhàng một lúc, trút bỏ nước bẩn và xả vài lần nước lạnh cho sạch hết lông rươi vừa rụng.

Sau đó các bạn có thể chế biến ngay hoặc chia rươi thành các túi nhỏ cất vào ngăn đá tủ lạnh để ăn dần. Hành thì là thái nhỏ, vỏ quýt thái chỉ.

Nếu có lá gừng các bạn cũng băm nhỏ và cho vào chả rươi để tăng thêm hương vị.

Bước 2: Dùng đũa đánh rươi cùng với vỏ quýt, tuy nhiên không nên đánh rươi nhuyễn quá, khi ăn sẽ mất đi cảm giác bùi, ngậy khi thỉnh thoảng nhai phải miếng rươi vẫn còn nguyên con.

Bước 3: Cho hành thì là, thịt xay, trứng gà, hạt nêm, hạt tiêu vào đánh đều cùng rươi (có thể thêm chút ớt băm để tạo vị chứ đừng cho cay quá). Nếu cảm thấy hỗn hợp hơi đặc thì các bạn dùng thêm 1 quả trứng nhé.

Bước 4: Đợi dầu nóng già, xúc từng thìa rươi đổ vào chảo, rồi dàn đều tạo thành những miếng hình tròn, có độ dầy 2cm, chả rươi rất nhanh chín nên chỉ cần chiên nhanh cho cháy nhẹ cạnh ngoài là các bạn vớt chả ra nhé. Cách làm này giúp cho món chả ít bị ngấm dầu, giòn bên ngoài mà bên trong vẫn mềm.

Thông thường lượng rươi gấp 3 lần lượng thịt, tuy nhiên nếu làm như vậy miếng chả rươi rất dễ bị vỡ khi chiên, nhưng nếu lượng thịt nhiều quá thì lại làm cho miếng chả ăn bị cứng.

Chả rươi cũng có thể rán không cần thịt và trứng, vì rươi khi đánh nhuyễn đã rất dẻo và kết dính tốt, tuy nhiên không nên làm như vậy bởi món chả rươi sẽ khô và mất độ ngậy, mà nếu đem hấp lên rồi mới chiên cho chả khỏi bị vỡ thì chả lại mất đi vị mềm ngọt do đã bị tiết nước trong quá trình hấp.

Vì vậy sau rất nhiều lần chế biến, mình đã rút ra được kinh nghiệm gia giảm và điều chỉnh lượng nguyên liệu sao cho phù hợp để đảm bảo miếng chả sau khi chiên có hình thức hấp dẫn, mà hương vị vẫn vẹn nguyên, không hề thuyên giảm.





Cách 3:

Nguyên liệu:

- Rươi 200 g
- Thịt nạc vai xay 70 g
- Trứng gà 2 quả
- Vỏ quýt, thì là, lá gừng, lá lốt, hành hoa, hành củ, ớt, hạt tiêu, muối, hạt nêm, dầu ăn.
- Xà lách, rau mùi ăn kèm.

Quy trình chế biến:

1. Chọn mua rươi:

Rươi xuất hiện vào dịp cuối thu, đầu đông tại các vùng đất bãi nơi cửa sông nước lợ ở Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định... Khi chọn mua rươi, nên lấy rươi lớp trên là loại rươi còn khỏe, tỷ lệ con bị chết còn thấp, chưa ươn. Rươi còn khỏe có màu xanh nhạt, nếu thả vào nước một vài con sẽ thấy rươi bơi rất mạnh. Rươi đã yếu có màu ngả dần sang nâu đỏ. Rươi mới chết có màu xanh đậm ngả sang đen, ăn không ngon như khi rươi còn tươi.

2. Sơ chế rươi sống:

- Chuẩn bị nước ấm, đũa dài, rây lọc.

- Rươi cho vào rây lọc, rửa trong thau nước lã, quấy đều nhẹ tay cho hết bẩn, nhặt hết rác và bỏ những con rươi đã bị chết nát.

- Tiếp tục quấy nhẹ rươi trong chậu nước ấm để "làm lông". Chú  ý chỉ sử dụng nước ấm khoảng 60 – 70°C, không được sử dụng nước sôi 100°C vì nước sôi khiến rươi khi chết co quắt lại, thậm chí vỡ ra, các chất sữa bổ trong bụng rươi trôi ra nước hết. Rửa vài nước để đảm bảo sạch lông, món ăn sẽ không bị nhặm, ngứa. Để cho ráo nước.

3. Chế biến:

Vỏ quýt cắt sợi hoặc băm nhỏ, thì là, lá gừng, hành hoa, hành củ thái nhỏ, mỗi thứ khoảng 1 thìa cà phê. Ớt tươi băm nhỏ khoảng ½ thìa cà phê hoặc ít hơn, chỉ cần để ít ớt để dậy mùi chứ không cốt để cho cay. Hạt nêm, muối, hạt tiêu mỗi thứ khoảng  ½ cà phê.

Cho rươi đã làm sạch, thịt xay, trứng vào bát tô, dùng đũa đánh sơ. Nên đánh sơ để còn nguyên con rươi hoặc những đoạn rươi, khi ăn cảm nhận vị mềm giòn sẽ ngon hơn, nhưng nếu ai sợ nhìn con rươi trong miếng chả thì có thể đánh thật nhuyễn.

Tiếp tục cho các loại gia vị đã chuẩn bị vào đánh lên, thấy hỗn hợp dẻo quánh và dậy mùi thơm là được. Nếu chưa thấy dậy mùi thơm có thể cho từng chút vỏ quýt vào, cần chú ý, nếu quá nhiều vỏ quýt sẽ khiến thành phẩm bị đắng.

Dàn hỗn hợp rươi lên khay có lót lá đem hấp cách thủy, độ dày khoảng 0.5 cm đến 0.75 cm.

Sau khi hấp chín, đợi miếng chả nguội bớt, đem rán nhanh trong chảo dầu nóng, lửa vừa . Khi thấy mùi thơm nức mũi và miếng chả ngả màu vàng ươm là được.

Cắt miếng vừa ăn, xếp chả rươi ra đĩa và ăn khi còn nóng, chấm nước mắm ngon pha chanh, ớt, hạt tiêu và ăn kèm với rau xà lách, mùi ta. Chả rươi ăn với cơm nóng hoặc bún lá đều ngon.

Nhìn con rươi lúc còn sống thì cũng hơi… ớn. Nhưng mà món chả rươi thì mới ngửi thấy đã muốn ăn, nhìn thấy là chảy nước miếng mà cắn một miếng thì muốn ăn thêm miếng nữa. Chả rươi vừa rán, béo ngậy, thơm mùi thì là, đắng đắng vỏ quýt, cay nhẹ, tuyệt ngon, xứng đáng là tinh hoa ẩm thực đất Bắc.






Hướng dẫn làm chả cá
Hướng dẫn làm món nem nướng
Hướng dẫn làm túi giấy
Hướng dẫn làm bánh táo ngon tuyệt
Hướng dẫn làm món Tokbokki cay xè

(St)