Hướng dẫn làm hồ thủy sinh tự nhiên
Bí quyết căn bản của một hồ thủy sinh tự nhiên bao gồm lớp đất nền, độ cứng trung bình, cây thủy sinh đa dạng và chiếu sáng đầy đủ. Tuy đơn giản nhưng bí quyết này có thể áp dụng cho nhiều hồ thủy sinh kể cả loại hồ có bố cục tinh tế. Đa phần cây thủy sinh trong những hồ cao cấp (high-tech) như vậy thường phát triển vượt bậc nhưng lại bỏ qua các quy trình tự nhiên và yêu cầu chăm sóc cần thiết; ngược lại, hồ thủy sinh tự nhiên áp dụng các quy trình tự nhiên một cách triệt để. Chẳng hạn, quá trình phân hủy chất hữu cơ của vi khuẩn làm phát sinh CO2 một cách tự nhiên, không phải là CO2 nhân tạo. Và chất thải của cá, chứ không phải phân bón hóa học, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây và làm đất nền màu mỡ.
Các loại đất nền
Đất nền là vấn đề mấu chốt đối với hồ thủy sinh tự nhiên. Nó cung cấp CO2 để đảm bảo cây phát triển tốt và cung cấp chất dinh dưỡng cho rễ, giúp cây có lợi thế cạnh tranh với tảo. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nền trong hồ thủy sinh có thể là vấn đề. Mục tiêu đầu tiên của người chơi hầu như là tìm kiếm loại đất nền hoàn hảo nhưng không hề có loại nào như vậy hết. Trong nhiều năm trời, tôi thường sử dụng những loại đất nền không lý tưởng lắm (chẳng hạn đất chứa nhiều đất sét, đất trồng cây giàu phân bón). Tôi đã sai khi cho rằng đất nền càng giàu phân bón thì cây càng phát triển tốt. Như vậy, những nền dưới-mức-lý-tưởng này sẽ ổn định sau vài tháng và hoạt động cực tốt trong nhiều năm trời.
Những loại nền thương mại nhìn chung không phù hợp với hồ thủy sinh tự nhiên bởi vì chúng được thiết kế cho những hồ cao cấp với đầu phun CO2, phân hóa học và không chứa nhiều thành phần hữu cơ để cung cấp đủ CO2 cho cây. Trong hồ thủy sinh tự nhiên, vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ và tạo ra CO2 hòa tan trong nước. Khi thiết lập một hệ thống như vậy, mọi người hoàn toàn có thể thấy hiện tượng bong bóng khí CO2 thoát ra từ nền đất.
Đất trồng cây không chứa phân bón gây rất ít vấn đề khi bắt đầu và đem lại kết quả tốt nhất về lâu dài. Tôi hiện đang sử dụng một loại đất trồng cây hữu cơ tổng hợp rất phổ biến và chứa những thành phần dinh dưỡng cơ bản. Bởi vì loại đất trồng cây đặc biệt này là loại hữu cơ, nên nó không hề chứa phân hóa học vô cơ.
Phân vô cơ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với hồ thủy sinh tự nhiên. Chẳng hạn, khi đất trồng cây nằm trong nước, những chất hóa học chứa nitrate (chẳng hạn KNO3 và NH4NO3) sẽ nhanh chóng chuyển thành chất nitrite độc hại. Phân hóa học chứa sulfate (chẳng hạn K2SO4, (NH4)2SO4…) sẽ chuyển hóa thành H2S, loại khí có mùi trứng thối làm chết rễ cây và đe dọa các loài cá ăn đáy. Phân hóa học có thể thích hợp đối với các loại hồ cao cấp nhưng chúng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với hồ thủy sinh tự nhiên.
Một loại phân mà đôi khi tôi trộn với đất nền đó là hỗn hợp bột xương. Nó chủ yếu cung cấp phốt-phát và can-xi dưới dạng hữu cơ với tốc độ nhả chậm, điều có lẽ kích thích rễ tăng trưởng. Tuy nhiên, tôi chưa từng thử nghiệm loại phân này một cách nghiêm túc và cây dường như vẫn phát triển bình thường dẫu không có nó.
Đất trồng cây hữu cơ không làm nước quá đục do đó giúp hạn chế tần suất thay nước trong giai đoạn thiết lập hồ. Hơn nữa, đất phân rã nhanh hơn so với một số loại đất trải bề mặt thông thường mà một số tiệm có bán. Khi tôi sử dụng một trong số loại đất trải bề mặt này, một màng dầu mỏng xuất hiện trên mặt nước sau ba tuần và một số cá bị chết. Tôi ngờ rằng vụn gỗ tươi tiết ra một số tinh dầu bảo vệ (có lẽ là tinh dầu tuyết tùng, nhựa thông…). Để đảm bảo an toàn cho cá, tôi phải thay nước sau mỗi một đến hai tuần trong hai tháng đầu tiên. Rất nhanh sau đó, hồ trở nên ổn định và hiện giờ không còn vấn đề nào nữa.
Chọn đất nền
Mọi người nên biết rằng nền đất trồng cây trở nên yếm khí nhanh hơn nhiều so với nền giàu đất sét, nền pha đất sét hay nền toàn sỏi. Đấy là bởi vì đất trồng cây chứa nhiều thành phần hữu cơ để vi khuẩn tiêu thụ (tức phân hủy). Quá trình phân hủy tiêu thụ ô-xy và làm cho đất trở nên yếm khí. Do đó, mọi người không nên bố trí lớp đất trồng cây quá dày hay ngăn cản sự trao đổi ô-xy bằng cách đặt lũa, đá hay trải một lớp sỏi hoặc cát dày. Việc hình thành những túi yếm khí sẽ ngăn cản cây tăng trưởng và tạo ra những chất độc hại đối với cá.
Đất trồng cây sẽ hút ô-xy hòa tan trong nước, đặc biệt là trong từ hai đến tám tuần đầu tiên khi sự phân hủy chất hữu cơ trong đất đạt đến đỉnh điểm. Nếu cây tăng trưởng kém và nước không đủ ô-xy hòa tan thì cá sẽ phải nổi lên mặt nước để thở. Giải pháp là nhanh chóng gia tăng mức độ sục khí và/hay khuấy động mặt nước.
Một khi đất nền ngập trong nước, hoạt động của vi khuẩn và sự phân hủy sẽ không ngừng gia tăng trong những tuần đầu tiên. Sự hỗn loạn lúc ban đầu này là một quá trình tự nhiên. Do đó đất nền sẽ xả dưỡng chất vào nước, điều kích thích tảo tăng trưởng. Nếu có quá ít cây hay cây không phát triển tốt, nguồn dưỡng chất sẽ kích thích sự phát triển của tảo. Sự bùng phát của tảo sẽ ngăn cản cây phát triển, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn: cây chết sẽ tiết thêm dưỡng chất vào nước, càng kích thích tảo hơn nữa, và rễ cây chết sẽ cung cấp chất hữu cơ tươi cho đất, do đó càng làm đất nền yếm khí và càng bất lợi hơn đối với cây.
Mục đích chung của người chơi thủy sinh là phải giúp cây phát triển tốt trước khi đất nền biến động. Bởi vì nếu cây phát triển tốt trong hai tuần đầu tiên, thì chính cây – chứ không phải tảo – sẽ hấp thu hầu hết chất dinh dưỡng được tiết ra. Cây sẽ tạo ra đầy đủ ô-xy để giữ an toàn cho bộ rễ của chúng, và do vậy hồ thủy sinh tự nhiên được thiết lập một cách an toàn với rắc rối tối thiểu.
Chuẩn bị
Hồ thủy sinh tự nhiên phải được thiết lập để cây tăng trưởng một cách tối đa lúc ban đầu. Thiết lập một hồ thủy sinh tự nhiên và đợi vài ngày mới lắp đèn là điều nên tránh. Người mới chơi thường không có đủ cây hay không biết loài nào phù hợp với mình nhất. Có cám dỗ đáng kể để bỏ qua việc trồng cây, đặc biệt là với hồ lớn. Lời khuyên của tôi là, hoặc bạn phải có đủ cây, hoặc sử dụng hồ nhỏ hơn. Nếu bạn có ít cây, thì thà thiết lập hồ 40 lít mà trồng đầy đủ còn hơn hồ 400 lít mà thưa thớt; cơ hội để sở hữu hồ thủy sinh tự nhiên không-sự-cố sẽ lớn hơn rất nhiều.
Việc chiếu sáng phải tuân thủ những hướng dẫn cơ bản dành cho hồ thủy sinh nói chung, và dĩ nhiên hồ thủy sinh cần nhiều ánh sáng hơn so với hồ bình thường.
Thời lượng ngày (day length) đề nghị là tối thiểu 12 tiếng. Về lâu dài, nhiều loài cây thủy sinh không tăng trưởng tốt với thời lượng từ 8 đến 10 giờ. Hiển nhiên, sau vài tuần, chúng sẽ hoàn toàn suy sụp (Kasselmann, 2003). Tôi ngờ rằng thời lượng ngày ngắn ngủi có thể là tín hiệu đối với một số loài cây nhất định rằng mùa sinh trưởng đã kết thúc – có nghĩa đây là lúc ngủ đông và ngưng tăng trưởng. Bởi vì cây và tảo luôn cạnh tranh, sự tăng trưởng chậm của cây thường được diễn dịch thành vấn đề tảo. Trớ trêu thay, một số người có hồ thủy sinh tự nhiên báo cáo rằng họ giải quyết vấn đề tảo chỉ đơn giản bằng cách gia tăng thời lượng chiếu sáng ngày.
Tôi áp dụng thời lượng ngày là 14 giờ (bật đèn lúc 7 giờ sáng và tắt lúc 9 giờ tối). Tuy nhiên, tôi chèn vào 4 giờ nghỉ trưa. Chiếu sáng nhân tạo chỉ trong 10 giờ nhưng cây có thời lượng ngày tổng cộng 14 giờ. Với chế độ nghỉ trưa, cây luôn phát triển tốt mà lại tiết kiệm điện. Vào những tháng mùa hè, khi hồ có xu hướng quá nhiệt thì chế độ nghỉ trưa còn giúp nước hạ nhiệt. Tôi dùng bộ định thời để cung cấp một thời lượng ngày ngày cố định và thuận lợi.
Thiết lập hồ thủy sinh tự nhiên
Việc thiết lập hồ phải mất cả ngày, vì vậy vào Ngày Thiết Lập tôi bắt đầu vào 8 giờ sáng cùng với mọi thứ cần thiết để thiết lập cho một hồ 220 lít. Tôi có một kế hoạch tổng quát cùng với cây, đất nền, đá, sỏi và cát đã chuẩn bị sẵn. Tôi thực hiện theo quy trình sau:
- Tôi nhặt que và những mẩu gỗ lớn ra khỏi đất trồng cây.
- Tôi trộn nửa ly bột xương với từ 8 đến 12 lít đất trồng cây (điều này không bắt buộc).
- Để trang trí, tôi xếp đá xung quanh vùng không trồng cây hình ô-van. Tôi trải một lớp cát mỏng vào đó (khoảng 1 cm). Đá và cát được đặt thẳng xuống đáy hồ.
- Bên cánh trái hồ, tôi trải lớp đất trồng cây mỏng hơn 2.5 cm (đất dày có thể trở nên cực kỳ yếm khí làm chết rễ cây, phá hỏng toàn bộ hồ).
- Bên cánh phải hồ, tôi không trải đất nền mà trải sỏi. Sỏi cung cấp bề mặt để vi khuẩn cư ngụ nhưng không được quá dày để hình thành các túi yếm khí hay đòi hỏi phải làm vệ sinh. Tôi dành riêng vùng này cho những cây trồng trong chậu và nham thạch có dương xỉ bám. Với kiểu thiết kế này, tôi có thể bắt cá mà không phải xới tung cả hồ – tôi lùa chúng về phía bên phải và gắn tấm ngăn hồ. Sau khi lấy các chậu cây và nham thạch ra, tôi có thể vớt cá một cách dễ dàng.
- Tôi châm nước để làm ướt nền nhưng không quá nhão.
- Tôi trồng những cây trồng rễ (rooted plant).
- Sử dụng một cái muỗng lớn, tôi trải sỏi vừa đủ để phủ lớp đất nền. Sau khi bố trí xong, lớp sỏi không được dày hơn 2.5 cm. Cát dùng để phủ lớp đất nền cũng không được dày hơn 2.5 cm.
- Tôi châm nước một cách cẩn thận để tránh làm xáo trộn lớp nền. Khi châm, tôi luôn sử dụng một cái chai (hay bất kỳ vật gì khác) để cản bớt lực nước.
- Rồi tôi bắt đầu trồng cây cắt cắm (stem plant). Tại đây, cần thêm nhiều sỏi và cát để phủ những nơi nền bị bung ra. Tôi cũng sử dụng đá nhỏ để chèn tạm những cây bị bật gốc.
- Nước mới châm hơi bị đục vì vậy tôi xả nước này trước khi châm đầy hồ bằng nước máy cùng với chất khử. Ngày hôm sau, tôi lắp máy lọc rồi thả cá và ốc.
Bảo trì hồ sau khi thiết lập
Hồ này rất dễ bảo trì. Mặc dù một ít tảo xuất hiện trong hai, ba tháng đầu tiên, nhưng cá không hề gặp bất kỳ vấn đề gì.
Nghĩa là tôi luôn phải dự đoán trước những vấn đề trong tám tuần đầu tiên. Trong thời gian này, đất nền tiêu thụ một lượng ô-xy rất lớn. Nó nhả chất dinh dưỡng kích thích tảo phát triển, và nó có thể nhả ta-nanh làm giảm cường độ sáng. Tôi xử lý các vấn đề này bằng những cách thông thường – thay nước, sục khí đầy đủ, gỡ tảo bằng tay và bổ sung than củi vào bộ lọc. Những người sử dụng đất nền giàu dưỡng chất hơn loại của tôi có thể đạt được kết quả tuyệt vời về lâu dài. Tuy nhiên, có lẽ họ phải chăm sóc hồ thường xuyên hơn để vượt qua tám tuần quan trọng đầu tiên.
Đất nền trong nước chắc chắn sẽ phát sinh bọt khí (đa phần là khí CO2) trong tám tuần đầu tiên. Người chơi không nên quá lo lắng; đây chẳng qua là hiện tượng phân hủy, điều chứng tỏ rằng nền có sức sống. Chỉ khi nào bọt khí có mùi trứng thối của H2S thì người chơi mới phải lưu tâm. Bọt khí và xáo trộn ở đáy giúp cho lớp nền thoáng khí. Hiển nhiên, nếu lớp nền trở nên cực kỳ yếm khí và hạn chế sự tăng trưởng của cây, tôi có thể dùng bút chì (hay bất kỳ vật nhọn nào) xỉa xuống để ô-xy có thể thâm nhập vào.
Hồ 220 lít của tôi hiện đang vận hành tốt. Từ khi thiết lập, tôi chỉ tái sắp xếp một ít bên cánh phải hồ, chủ yếu là lấy gạch ra và đặt chậu trồng cây lá kiếm Amazon vào. Việc bảo trì chính hiện nay là tỉa cây để nảy nhánh mới và ngăn không cho một loài xâm chiếm toàn bộ hồ. Nếu tôi lấy cây trồng rễ (rooted plant) ra và làm xáo trộn lớp đất nền, tôi luôn tắt máy lọc trước để hạn chế xáo trộn tối đa. Nước sẽ trong lại vào hôm sau.
Chúc các bạn thực hiện thành công!
Hướng dẫn thiết kế bể thủy sinh
Một bể cá cảnh kết hợp với cây thuỷ sinh sẽ làm cho người chơi thích thú hơn. Bạn cũng muốn có một bể thuỷ sinh sinh động như thế, bạn muốn tự tạo một bể thuỷ sinh theo ý tưởng của riêng mình. Sau đây là các bước giúp bạn thực hiện một bể thuỷ sinh.
1.Chọn bể.
Phác thảo sơ qua ý tưởng thiết kế bể thuỷ sinh, rồi chọn bể thích hợp.
Nên tìm hiểu kỹ vị trí đạt bể thuỷ sinh nặng hơn bể cá thông thường do phân, nền, cát, sỏi và các phụ kiện như đèn, quạt…. Một cái hồ 80x40x40cm sẽ nặng khoảng 200-250kg…..do đó nền nhà cũng như chân đế của hồ phải thật chắc chắn.
2.Trải lớp nền.
Trải một lớp phân bón, cát sỏi làm nền dưới đáy hồ. Nền là nơi chứa dưỡng chất cung cấp cho cây, cũng là nơi để trồng cây nên cần có cấu tạo sao cho cây có thể bám rễ và không gây đục nước. Ngoài ra, nền cũng là chỗ ở của vi sinh.
3. Cho nước vào bể.
Dùng túi nylon ngăn vòi nước để không làm đục nước, dòng chảy sẽ không làm hư lớp sỏi nền và làm xí phân lên.
4. Sắp xếp các viên đá.
Các viên đá cũng góp phần tăng vẻ mỹ quan cho bể thuỷ sinh đồng thời giữ cho cây thuỷ sinh bám chặt vào đáy bể. Hãy sắp xếp các viên đá theo ý tưởng của bạn sao cho nó tôn lên được giá trị của bể.
5. Gắn các cây xanh vào bể.
Chọn những loại cây mà bạn thích trong số những cây thuỷ sinh có bán trên thị trường. Tuỳ vào từng vào đặc điểm của từng loại cây mà ta bài trí ở các vị trí khác nhau trong bể. Ví dụ cây rong Mái chèo và rau Mác là các loại cây rất lý tưởng để trồng để che phía sau và các cạnh của bể. Còn các cây rậm rạp dùng để trồng đầy ở các góc ( trước các cây cao hơn) như rau Dừa, Đình lịch, rau Cần trôi. Lại có những cây nên trồng ở mặt tiền trông rất thú vị nếu chúng được đặt trước mảnh đá, phải là cây thấp hơn và sinh trưởng chậm hơn, ta có thể chọn cỏ Năng và Thạch xương bồ.Khi trồng cây, vật không thể thiếu là một cái kẹp dùng trong y tế ( loại lớn, dài trên 30cm) dùng để kẹp phần rễ cây và trồng xuống sỏi. Trong môi trường nước, lớp sỏi trở nên nhẹ và rời rạc, không thể dùng tay được.
6. Đặt bộ lọc.
Những bộ lọc bể cá thông thường không thể sử dụng trong bể thuỷ sinh vì chúng thường được thiết kế phần gòn lọc trên mặt bể, nhưng bể thuỷ sinh phải để đèn ở đó. Các bộ lọc có thể dùng cho bể thuỷ sinh là:
Lọc ngoài: thiết bị lọc hoàn chỉnh nằm rời, hường để dưới phần chân bể, chỉ có 2 ống nước vào ra là nằm trong bể.
Lọc tràn: làm bằng kính, được thiết kế cố định tại một góc bể, lọc nước bề mặt nên xử lý váng vi sinh rất tốt, tuy nhiên nó chiếm một phần lớn thể tích trong bể nên thích hợp cho bể cỡ lớn ( trên 200l).
Lọc thác: công suất nhỏ và yếu, thích hợp cho bể nhỏ ( khoảng 60l hoặc nhỏ hơn).
7. Gắn đèn huỳnh quang.
Vì được sử dụng để thay thế cho ánh sáng mặt trời trong thiên nhiên nên loại đèn được sử dụng phổ biến là đèn huỳnh quang day-light, với công suất tương đối từ 0.5 – 1wat/lít nước. Các loại đèn màu xanh, hồng….cho bể cá cảnh thông thường không thể sử dụng cho bể thuỷ sinh. Chỗ đặt bể càng khuất càng tốt vì như thế, chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn ánh sáng cho cây trong bể. Chiều dài của bể không dài hơn chiều dài thực của bòng đèn huỳnh quang thông dụng quá 10cm để có thể bố trí ánh sáng hợp lý hơn, ví dụ như bể dài 35 – 40cm là phù hợp với bóng đèn dài 30cm. Bể cũng cần có chiều rộng ( bề ngang) không quá hẹp để dễ bố trí cây theo hướng xa – gần, cao xa phía trong và thấp dần ở phía trước….
8. Nhiệt độ.
Nhiệt độ thích hợp cho bể thuỷ sinh thường là dưới 290c là phù hợp. Khi nhiệt độ nước lên cao trên mức này, có thể bỏ nước đá vào bao nilon hoặc dùng gel làm lạnh trong quạt hơi nước ( loại quạt tản nhiệt cho máy tính)…
Ngoài nhiệt độ ra, chúng ta cũng nên chú ý để nồng độ CO2 cần thiết cho cây quang hợp vì lượng CO2 do cá tạo ra mặt thoáng của nước nhận từ không khí là không đủ, nhất là những bể trồng nhiều cây.
9. Thả cá vào bể thuỷ sinh.
Không nên thả cá vào bể ngay mà nên trồng cây trước khoảng 7-10 ngày sau, khi hệ vi sinh trong bể ổn định sẽ an toàn hơn cho cá và cây. Khi mua cá nên hỏi người bán về loại cá nào không cắn nhau, không ăn cây thuỷ sinh.
10. Mỗi tuần thay 1/4 nước bể
Việc thay nước thường xuyên sẽ đảm bảo môi trường nước trong bể luôn sạch sẽ. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của các loại cây thuỷ sinh và cá sống trong bể.
Hướng dẫn cách làm bố cục cho hồ thủy sinh
Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là chìa khoá của bố cục thuỷ sinh.
Hãy hình dung trong đầu bạn những cây cỏ và phụ kiện sẵn có. Cố gắng kết hợp chúng bằng nhiều cách. Nếu bạn không làm được như vậy, tốt hơn là bắt đầu bằng việc sao chép 1 hồ mà bạn thích. Dần dần bạn sẽ nhận ra rằng làm theo trí tưởng tượng của mình còn dễ hơn.
Chọn hậu cảnh
Có nhiều cách để chọn hậu cảnh. Có thể dùng xốp, gỗ, sơn màu, hoặc tự mình dính bằng cành lá. Dù bằng cách nào thì bạn cũng sẽ phải làm hậu cảnh cho hồ khi không đặt nó ở giữa phòng. Sẽ rất mất tự nhiên khi nhìn rõ nào dây, nào ống chằng chịt phía sau hồ.
Khi sơn hay dùng keo dính: hãy dùng màu đen hoặc xanh lơ. Như vậy hồ của bạn sẽ có sự tương phản tuyệt vời và khiến ta dễ dàng tập trung vào bố cục hồ. Bạn sẽ chẳng muốn nguời ta chú ý vào hậu cảnh chỉ bởi vì nó đỏ chói lên?
Chọn nền
Có vẻ như không tự nhiên khi bạn chọn sỏi nền màu hồng, xanh hay lơ. Hãy dùng màu nâu, xám hay đen. Có nhiều loại nền khác nhau làm cho cây cối phát triển tốt hoặc tồi. Hãy tham khảo trên nét trước khi dùng.
Chọn hình dáng bố cục
Bạn nên tránh bố cục hình chữ nhật (chỗ nào cũng cao). Nó chiếm lĩnh nhiều không gian và khoảng trống. Nhưng nó lại vô cùng quan trọng để tạo ra cảm giác về độ sâu.
Chọn phụ kiện
Trong 1 thời gian dài, người chơi thường kiếm tìm những cành lũa hay khối đá thật đẹp, sau đó họ đặt chúng vô hồ và...thấy không hài lòng.
Nhất là khi tạo bố cục với đá, điều quan trọng là sử dụng 1 loại đá với nhiều hòn kích cỡ khác nhau chứ không phải chỉ lấy 1 khối thật đẹp. Một khối đá đơn lẻ trong hồ cho cảm giác rất nhân tạo, nhưng khi bạn dùng 2 hay nhiều khối, nó sẽ giống như bạn thường thấy ngoài thiên nhiên.
Bây giờ thì hãy sắp xếp đá hay lũa theo kiểu tam giác (nếu có ít nhất 3 hòn). Hòn to nhất (nếu có) thường là điểm nhấn, nên cần sắp đặt nó 1 cách thật cẩn thận (xem tỉ lệ vàng và điểm nhấn ở phần tiếp theo)
Không bao giờ dùng các loại đá hay lũa khác nhau. Bạn có thể lượm ngay cả những hòn đá mà bạn cho là xấu nhất, nhưng chúng phải cùng chủng loại. Sắp xếp chúng theo nhóm, tôi tin rằng như vậy nhìn sẽ rất ổn.
Tạo điểm nhấn
Để thiết kế 1 bố cục hồ hoàn chỉnh, bạn cần tạo 1 hoặc nhiều nhất là 2 điểm nhấn. Đó thường là 1 vật gì thu hút tầm nhìn của bạn. Một hòn đá, 1 cành lũa hay 1 khóm cây đẹp. Từ đó ra đời tỉ lệ vàng.
Bạn thường đặt những khóm cây đẹp nhất vào ngay giữa hồ, nhưng rồi trông lại chẳng ổn tí nào, phải không? Đó là bời vì khi bạn sắp xếp theo bố cục cân xứng, tầm nhìn của bạn luôn lướt từ trái sang phải rồi ra sau, từ trước ra sau…nó sẽ không tạo được cảm giác thoải mái khi bạn ngồi hàng giờ để ngắm hồ.
Từ xa xưa, các nhà triết học và toán học đã tìm ra một tỉ lệ tốt nhất cho mắt bạn là 1:1,618…
Để lý giải, khi bạn uống cà phê, bạn hoà trộn 1 phần sữa và 5 phần cà phê (chỉ là 1 ví dụ), tỉ lệ sẽ là 1:5
Vậy khi tạo điểm nhấn, bạn chia hồ thành 2 phần, 1 phần với tỉ lệ 1,618, phần kia là 1.
Làm thế nào để chia ra? Đơn giản thôi, chỉ cần chia chiều dài hồ cho 2.618. Lấy kết quả đó rồi đo từ 1 cạnh hồ lại, đánh dấu. Phần còn lại sẽ là 1,618 ( ví dụ hồ dài 70cm chia cho 2.618 => 26.73cm). Vị trí này gọi là tiêu điểm đặc biệt, điểm nhấn hay tuỳ bạn gọi…
Tiền, trung và hậu cảnh
Để tạo chiều sâu cho hồ, điều quan trọng nhất là sử dụng các loại cây thấp. Không nhất thiết phải dùng các loại cây cao bởi vì bạn có thể dùng các hòn đá hay lũa cao để tạo nên cảnh đồi núi.
Nếu bạn không có đá, hay lũa để làm, thì cần dùng các loại cây cao để tạo ra 1 hậu cảnh tốt.
Ông Amano thường dùng Riccia hay TC Nhật. Trong khi TC thực sự là 1 trở ngại, đôi khi ngay cả với những người có kinh nghiệm thì ricca lại khá dễ chịu, đó là 1 loại thuỷ sinh trôi nổi không cần chăm sóc nhiều.
Họ NMC (eleocharis) cũng là 1 loại cây thường được chọn cho tiền cảnh. Chú ý: TC và NMC không nên trồng nguyên mảng ngay khi mua từ tiệm về. Tách chúng ra thành từng cụm thật nhỏ, trồng riêng rẽ. Như vậy chúng sẽ phát triển mạnh và nhảy con rất nhanh, tránh bị thối gốc. Sau khi trồng NMC, nên xét ngắn chúng xuống còn 1.5cm. Cho tới khi chồi non xuất hiện, lá già sẽ rữa đi và bị tảo xâm thực.
Các bước trồng cây
Trồng gần điểm nhấn trước tiên. Sau đó là cây thấp, cây trung và cuối cùng tới cây cao.
Cố gắng trồng thật dày.
Nhất là với các loại cây thân đốt thường được dùng để tạo bố cục. Những loài có lá nhỏ như TC cao, TC lá tròn, bách diệp hay họ rotala rất dễ để cắt tỉa thành hình dáng mong muốn. Nếu vậy thì bạn phải trồng thật dày ngay từ đầu. Kẹp 2-3 ngọn, dùng nhíp cắm xuống nền cách nhau 2-3cm. Càng trồng dày ngay từ đầu, bố cục hồ càng mau hoàn chỉnh. Thời gian tiếp theo, cắt phần ngọn cắm lại ngay cạnh gốc cũ, phần nằm dưới nền sẽ mau chóng nảy ra những ngọn mới.
Màu sắc của lá cây
Cần khôn khéo phối các loại lá cây có kích thước và màu sắc khác nhau. Điều này cũng giúp tạo thêm độ sâu và nét tự nhiên cho hồ. Nếu hồ nhỏ dưới 200L hãy sử dụng các loại cây lá nhỏ để làm cho hồ có vẻ lớn hơn so với thực tế.
Đặc biệt với các loại cây lá đỏ sẽ cho hồ thêm sự tương phản. Những hãy lưu ý nếu bạn trồng 1 cây đỏ đơn lẻ thì nó sẽ đóng vai trò điểm nhấn. Trong khi bạn đã chọn 1 khối đá làm điểm nhấn rồi, bạn sẽ làm cho hồ trở nên rối bố cục và mắt của bạn sẽ không ngừng lướt từ chỗ này qua chỗ kia.
Cá
Không nên thả cá ngay khi hồ mới làm xong. Có rất nhiều bài viết về cá trên net.
Hãy chọn những loài cá nhỏ bơi theo đàn thì hơn là những loài cá to. Một đàn neon hay tam giác đông đúc sẽ làm cho hồ bạn lớn hơn nhiều (nhất là khi chụp hình gửi dự thi chẳng hạn)
Chọn loài cá không làm ảnh hưởng tới bố cục hồ. Nhiều loài có xu hướng đào hang sẽ không tốt cho 1 thảm cây tiền cảnh như bạn có thể tưởng tượng.
Cũng cần nhớ rằng có loại cá lúc mua thì bé xíu nhưng sau đó lớn vù vù gần bằng nửa cái hồ luôn. Để tốt cho cả cá lẫn bố cục, hãy đọc tài liệu trước khi mua hoặc hỏi trên net. Tiệm cá họ chỉ muốn bán được hàng. Khi họ nói loài cá này sẽ bé thì có khi nó lại dễ dàng lớn bằng con cá mập nhỏ
Bảo dưỡng
Tạo ra 1 bố cục là 1 chuyện, còn duy trì và làm tăng vẻ đẹp của hồ lại hoàn toàn khác. Chỉ có cắt tỉa và thay nước đều đặn cũng như điều chỉnh lượng dinh dưỡng/ánh sáng/CO2 phù hợp mới giúp bạn đạt mục đích. Đôi khi cây mọc lên, bạn còn phải thay đổi cả 1 nhóm cây chỉ bởi vì nó không như lúc đầu bạn tưởng tượng. Thật ra thì cũng không khó lắm vì bạn có sẵn nhiều thông tin trên net. Hãy tự tin và thử sức mình bạn nhé!