Hướng dẫn may mũ vải đơn giản mà đẹp

Cùng tham khảo những hướng dẫn may mũ vải đơn giản mà đẹp nhé. Các mẹ từ giờ sẽ khỏi lo khi con yêu vui chơi dưới ánh nắng rồi nhé!



Mẹ khéo tay may mũ lưỡi trai che nắng cho bé yêu

Các mẹ chỉ cần có những nguyên liệu như sau:
- Vải
- Mếch lót loại dày
- Máy khâu
- Kéo, bàn là
- Băng dính vải
Bước 1:
- Vẽ mẫu lưỡi trai vừa với kích thước đầu của bé lên giấy bìa trước tiên này. Mình có thể tận dụng mẫu từ một chiếc mũ có sẵn của bé nhé!
Bước 2:
- In vào vải và cắt rời ra thành hai mảnh lưỡi trai.
Bước 3:
- Trước khi may cố định, mẹ nên dùng hơi nóng của bàn là, ép chặt mếch loại dày làm cho mũ có độ cứng nhất định.

- Rồi sau đó mới may chập đôi hai mảnh lưỡi trai lại. Ảnh bên là mảnh lưỡi trai sau khi đã lộn mặt phải ra đấy.

Bước 4:
- Đến phần đai mũ. Mẹ cần chú ý đo vòng đầu của bé trước rồi mới cắt vải thành một đoạn dài như trong hình nhé!
Bước 5:
- May ráp phần quai mũ vào với lưỡi trai. Đến đây là gần hoàn thiện mũ rồi đấy!
Bước 6:
- Để tiện dụng hơn khi sử dụng, mẹ nên may thêm ở hai đầu các đoạn băng dính vải để có thể điều chỉnh độ rộng khi cần thiết.
Bé yêu trông rất "ngầu" đấy. Phần chóp mũ đã được lược bỏ khiến bé trông tinh nghịch hơn.
Nếu là bé trai, các mẹ có thể may màu tối và đơn giản, còn các bé gái thì lại thích hợp với những họa tiết vải hoa mềm mại.

Chúc các bạn thành công!

Cách may mũ len cho bé vừa dễ vừa đẹp


 
 

Mẹ sẽ cần những nguyên vật liệu sau:

- Vải len dệt kim hoặc vải thun co dãn

- Kéo, phấn may

- Kim chỉ

 
 

Bước 1:

- Đặt một chiếc mũ của bé lên rồi vẽ một đường viền quanh mũ, cách mũ 1cm.

 
 

Bước 2:

- Cắt theo mẫu qua 2 lớp vải để có được 2 hình mẫu.

- Sau đó, cắt thêm một hình chữ nhật có kích thước: (chiều dài của vòng mũ) x 14cm

 
 

Bước 3:

- May 2 phần vải lại như trong hình.

 

 Bước 4:

- Các bạn lộn một nửa mặt phải mảnh hình chữ nhật ra như thế này nhé!
 
 

Bước 5:

- Đặt mũ vào khớp với viền này.

 
 

Bước 6:

- Sau đó, may liền lại.

 
 

Bước 7:

- Giờ các bạn lộn mặt phải ra rồi là sơ qua, chú ý là kĩ mép gấp cuối mũ một chút nhé!

 
 

Bước 8:

- Gấp phần cuối mũ lên ( cách đường may một đoạn ).

- Khâu lại với mũi chỉ ngắn 2 bên mũ.

 
 

Bước 9:

- Cắt 5 hình tròn có đường kính 6cm và 4 hình tròn đường kính 4,5cm trên vải khác.

 
 

Bước 10:

- 4 hình tròn to ta gấp đôi hai lần và xếp lên hình tròn còn lại.

 
 

Bước 11:

- Khâu đính phần cuối các hình tròn vào đáy.

 
 

Bước 12:

- 4 hình tròn nhỏ cũng gấp đôi 2 lần và xếp so le với những hình tròn trước và khâu lại.

 
 

Bước 13:

- Cuối cùng khâu hoa lên mũ.



Những chiếc mũ xinh xắn này sẽ giúp bé giữ ấm rất tốt đây.
 


Màu sắc tươi sáng lại có thêm bông hoa dễ thương nữa. Chắc hẳn bé sẽ thích cho coi.


Mẹ cũng làm luôn một cái giống bé cho đồng bộ nhỉ?


 
Chúc mẹ thành công!

Mũ vải hai mặt đẹp và tiện lợi!



        

Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

- Vải cotton hay vải thô: bạn chọn vải có hoa văn và màu sắc có thể kết hợp hài hòa với nhau.
- Kéo, kim, kim ghim, chỉ, phấn hoặc bút vẽ vải, bàn là, máy khâu.
- Thước dây (để đo vòng đầu).
- Cúc hoặc hạt phụ liệu trang trí đỉnh mũ (nếu thích).

Bước 1:

In mẫu bên, phóng to/nhỏ tùy ý sao cho x bằng 1/6 số đo vòng đầu. Khi dùng thước dây đo vòng đầu, bạn nên nới dây một chút để có số đo mũ không quá ôm khít đầu. Bạn có thể điều chỉnh mẫu bên nếu muốn vành mũ rộng/hẹp hơn.

Bước 2:

Cắt mẫu in căn ke lên vải, vẽ theo.

Bước 3:

Bạn cần cắt 6 miếng mũ mặt trong và 6 miếng mũ mặt ngoài.

Khi cắt bạn cần chừa đều đường may cho tất cả các miếng mũ. Nên căn ke mẫu giấy lên từng miếng mũ để có đường vẽ trên vải, sau này bạn nên may theo đường vẽ đó để có đường chỉ chuẩn xác hơn.

Bước 4:

Áp mặt phải của hai miếng mũ vào nhau, các mép vải trùng khít, ghim kim ổn định rồi may theo đường vẽ cong gấp khúc từ đỉnh xuống vành mũ. Như thế bạn đã may ráp được hai miếng mũ vào với nhau.

Bước 5:

May tới đâu bạn rẽ đường biên tới đó và dùng bàn là, là phẳng luôn. Mẹo nhỏ để may mũ đẹp là bạn luôn là kĩ sau mỗi đường may. Bạn may ghép từng miếng mũ vào với nhau, sau mỗi lần như thế bạn là phẳng biên sang một bên rồi may một đường chỉ nổi, sát đường tiếp giáp giữa hai miếng vải, tạo thành gân chỉ, giúp mũ thêm đẹp và đứng dáng.

Bước 6:

6 miếng mũ may ghép vòng quanh với nhau tạo thành một lớp mũ. Chú ý ghép đúng vải của từng lớp mũ mặt ngoài và mặt trong.

Lần lượt lộn phải và lộn trái các lớp mũ, khớp chúng lại với nhau sao cho hai mặt phải vải sáp vào nhau, các đường may ghép cũng dóng thẳng, ghim kim ổn định để may chuẩn xác hơn.

Bước 7:

May ráp hai lớp mũ bằng một đường chỉ sát vành mũ, nhớ chừa một khe hở nhỏ chừng 3cm-5cm để còn lộn vải.

        

Bước 8:

Khi lộn phải vải mũ bạn là phẳng vành mũ rồi may một đường chỉ nổi sát vành ngoài cùng. Nếu thích vành mũ cứng cáp hơn bạn có thể may thêm các đường song song với đường may vừa rồi.

Bước 9:

Lộn mặt vải bên trong mũ ra ngoài bạn vẫn có được một chiếc mũ chuẩn xác đường may.

Bước 10:

Nếu thích, bạn có thể may thêm cúc, nút trang trí lên đỉnh mũ.

Vải cotton may mũ rất thấm mồ hôi, mát mẻ và dáng mũ không quá rủ, cũng không quá cứng, trông xinh xắn, dễ thương như một bông hoa chuông.

Hãy thỏa sức kết hợp hoa văn, màu sắc của vải trên từng mảnh mũ nhé, bạn sẽ có chiếc mũ 2 trong 1 khá độc đáo đấy. Hai mặt vải của mũ có thể dùng làm mặt ngoài như nhau, chỉ khác về màu sắc tùy theo sự lựa chọn vải của bạn. Nên kết hợp một mặt mũ màu sáng và một mặt mũ màu tối để tiện cho bạn kết hợp với quần áo đa dạng nhé.


Cách thức cắt may mũ không khó nhưng quả thực nếu muốn may một chiếc mũ đẹp bạn phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, chỉ cần xô lệch một chút trong cắt và may ghép là mũ có thể méo dáng, đường may cũng cần đều đặn nếu không vải mũ bị rúm.


Hướng dẫn cách may mũ lưỡi trai dáng phồng


Bạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:

- Vải, mếch vải, vải lót loại mỏng
- Tem hoặc huy hiệu trang trí mũ
- Tim, chỉ, kéo, máy khâu.
Bước 1: In mẫu

In mẫu bên ra giấy, phóng to tới kich cỡ vừa ý, phóng sao cho mẫu A dài bằng số đo vòng đầu, các mẫu B, C, D còn lại được phóng to đồng thời nên sẽ cùng tỷ lệ để khớp vừa nhau. Bạn chọn mẫu C nếu muốn lưỡi trai của mũ hẹp, chọn mẫu D nếu muốn lưỡi trai của mũ to rộng hơn.

Bước 2: Cắt:

Cắt mẫu giấy đã in, ghim mẫu giấy lên vải rồi cắt theo để có 3 phần vải của mũ: 2 miếng lưỡi trai, 2 miếng thân mũ tròn (có thể dùng một miếng bằng vải lót mũ mỏng và một màu) và 2 dải chữ nhật dài làm đai dưới thân mũ.

Cắt mếch vải theo miếng đai thân mũ, nhưng hẹp hơn mỗi chiều gần 1cm.
Cắt mếch vải theo miếng lưỡi trai, nếu bạn không dùng mếch vải mà dùng miếng nhựa mỏng thì cần cắt hẹp hơn mỗi chiều gần 1cm.

Đặt miếng thân mũ tròn lên miếng vải lót và cắt theo.

Đặt miếng mẫu giấy tròn lên hai thân mũ tròn vừa cắt và đánh dấu các 8 điểm cần xếp ly.

Là mếch dán vào chính giữa 1 miếng vải đai mũ.

Gập mép vải một bên đai và may nối hai đầu dải vải đai thành một đai tròn. Sẽ có hai đai tròn như thế, một đai có mếch và một đai không có.

Bước 3: Xếp ly:

Ghim cho hai miếng thân mũ trùng khít nhau, hai mặt trái vải áp vào nhau.

Tại điểm đánh dấu bạn xếp ly. Sẽ có 8 ly to tất cả. Ly to hay nhỏ còn tùy vào sở thích của bạn, ly nhỏ thì sẽ tăng số ly lên. Bạn cứ xếp đều số ly lên rồi ướm vòng đai mũ vòng quanh hình tròn vừa thu hẹp lại, nếu nó khít là đúng, nếu đai thừa vải ra thì bạn cho ly nhỏ hơn, nếu đai hụt thì bạn cho ly to lên.

Đổ ly bẹp sang một bên.

Ghim ly lại cho ổn định.

Hai ly cạnh nhau sẽ đổ ngược chiều nhau.

Lộn trái đai có mếch, mép đai đã gấp nằm ở phía dưới, ghim thân mũ tròn vào trong lòng đai, mặt lót mũ ở trên.

Ghim kín quanh mép vải đai và thân mũ, nếu chưa trùng khít bạn có thể chỉnh sửa lại ly rộng hay hẹp để hai phần này khớp nhau.

Ghim luôn đai mũ thứ hai (không có dán mếch) vào vòng trong cùng.

Bước 4: May thân mũ:

May nối 3 miếng vải này bằng một đường may đi qua phần đã ghim.

Tại chỗ nối đầu cuối của đai mũ thì rẽ vải đều sang hai bên để may cho phẳng.

Lật cả hai đai xuống phía dưới để lộ mặt phải vải và may một đường chỉ nổi sát ngay mép vải vừa may.

May hình huy hiệu trang trí vào chính giữa ly đôi to nhất trên thân mũ tròn. Hai ly ép sang hai bên tạo thành một ly đôi to và nổi.

Hoặc bạn chỉ dán mếch trang trí thôi cũng được.

Bước 5: May chun cho sau mũ:

Ly đôi đối diện với ly bạn dán huy hiệu sẽ là phần sau gáy của mũ, bạn sẽ may một đoạn chun để mũ được ôm chặt hơn.

Chun sẽ được may trên đoạn đai dài hơn khoảng cách hai ly sau gáy, và nằm cân đối với ly đó.

Nhưng phần chun thì ngắn hơn phần vải.

Bạn ghim ổn định hai đầu chun.

Chun được may chặn hai đầu thật chặt trên lớp đai lót trong mũ.

Phần vải hai bên chun sẽ hơi phồng thừa ra.

Đặt khít mép hai đai vào nhau và may đè nổi một đường sát mép đai.

Chỉ cần may một đoạn đai chứa chun bên trong, bạn sẽ thấy phần đai có chun sẽ tự co kéo lại theo chun.

Bước 6: May lưỡi trai:

Áp mặt phải hai miếng lưỡi trai vào nhau, miếng lót trong lưỡi trai được đặt lên trên cùng. Miếng lót trong lưỡi trai có thể là miếng mếch dán hay miếng vải lót hay miếng nhựa mỏng đều được. Nếu là vải thì bạn cần may nhiều đường vòng cung song song nhau để chúng tạo cho lưỡi trai cứng dáng, nếu là mếch bạn cần là dán chặt vào vải, nếu là miếng nhựa mỏng bạn dán tạm thời và bước sau sẽ may sát mép miếng nhựa đó.

Ghim 3 miếng lưỡi trai trùng khít nhau.

May một đường bao quanh vòng cung lớn ngoài lưỡi trai, lộn phải vải rồi miết sát mép phẳng phiu và may nổi chỉ một đường sát mép lưỡi trai vừa may.

Đánh dấu vào vòng đai ngoài mũ để xác định vị trí chính giữa mũ phía trước và chính giữa lưỡi trai rồi đặt chúng trùng khít nhau.

Ghim lưỡi trai vào giữa hai đai mũ (chỉ ghim vào đai ngoài mũ).

Ghim đều và dùng nhiều kim ghim để may dễ hơn, lưỡi trai cũng phẳng phiu hơn.

Đây là phần trước mũ sau khi đã ghim.

Ghim nốt phần đai trong mũ khít vào phần đai ngoài và ghim đều cùng cả phần lưỡi trai.


May một đường sát mép vòng quanh đai mũ, may qua cả phần đai kẹp lưỡi trai.

Phần lưỡi trai cần may thật cẩn thận để nó phẳng phiu và cân đối, muốn vậy thì ngay từ phần ghim bạn đã phải làm thật kỹ.

Vậy là bạn đã hoàn thiện chiếc mũ lưới trai dáng phồng rồi, lưỡi trai nhỏ dành cho những ai có khuôn mặt gọn nhỏ hơn, lưỡi trai to dành cho những ai có khuôn mặt tròn bầu bĩnh hơn:
 

Ly to và phồng tạo dáng mũ tròn thoải mái, thân mũ cũng dễ may hơn vì không phải ghép mảnh, chỉ việc xếp ly thôi:
 


Thật sành điệu khi mà bạn có thể dùng vải may trang phục của bé để may thêm một chiếc mũ đồng bộ:
 

Bạn có thể sáng tạo cách trang trí thân mũ và đai mũ cho thêm phần ấn tượng:

 


Kiểu mũ này rất hợp với trẻ em vì nó tôn vẻ dễ thương của bé:
 

Mũ lưỡi trai dáng phồng cũng rất hợp với các bạn gái với vẻ cá tính và dễ thương:
 

Cách thức làm mũ không khó nhưng để may một chiếc mũ đẹp thì bạn cũng khá kỳ công đấy, vì nó đòi hỏi sự chính xác khi khớp mũ và đường may phải thật mượt mà. Bạn hãy cẩn thận tỉ mỉ hết sức để có được chiếc mũ đẹp duyên dáng như vậy nhé! Chúc bạn thành công!

 



Tự làm mũ lưỡi trai cực xinh
Cách may áo có mũ cực thời trang cho bé yêu của bạn
Hướng dẫn gấp mũ ca lô bằng giấy
Tự trang trí mũ bảo hiểm xì tin
Chọn mũ len hợp với khuôn mặt


(St)