Hướng dẫn pha chế nước rửa chén đơn giản

pha nước rủa chén

Pha chế nước rửa chén


Chào các bạn, thấy các bạn trao đổi rất nhiều về nước rửa chén nhưng hình như vẫn chưa có một công thức nước rửa chén mới ngoài những công thức pha chế cũ. Do vậy, hôm nay mình sẽ giới thiệu một công thức pha chế nước rửa chén tương đối đậm đặc.

Hàm lượng chất HĐBM trong nước rửa chén này vào khoảng 18%. Thành phần pha chế tương đối khá phức tạp.

+ Thành phần chất HĐBM: chủ là LAS với sự kết hợp lauryl sunphat (bột lauryl, để tạo bọt tốt), SLES (để làm giảm sự kích thích da tay) và cocoamidopropyl betain (CAPB hay CAB, để làm mềm da tay và có tính diệt khuẩn).

+ Thành phần làm bền bọt: Sử dụng cocodiethanolamide (CDE) kết hợp với polymer ethylen glycol 4000.

+ Thành phần làm đặc: Sử dụng HEC, có thể kết hợp với polymer PVP-K30 để tăng độ nhớt.

+ Thành phần phụ gia: gồm acid citric (tạo đệm và là thành phần tạo phức để loại bỏ sắt và canxi có trong nước cứng), NaOH (để trung hòa), MgSO4.7H2O (để làm tăng hiệu quả tẩy rửa của nước rửa chén), NaCl hay Na2SO4 để điều chỉnh độ nhớt.

********************************
Công thức tính trên 1 lít nước rửa chén

+ LAS: 110 g
+ SLES: 40 g
+ Bột lauryl (lauryl sunphat): 20 g
+ CAPB (ngoài thị trường thường ký hiệu là CAB): 10 g
+ CDE: 20 g
+ Acid citric 25 g
+ NaOH 25 - 40 g
+ HEC: 2 g
+ PEG - 4000: 2 g
+ PVP-K30: 0 - 2 g (có thể không cần)
+ MgSO4: 10 g (có thể không cần)
+ NaCl: dùng để điều chính độ nhớt

Cách thức tổng hợp:

Phần A - Hòa tan lượng LAS vào 300 - 400 ml nước, khuấy đến khi tan hoàn toàn. Dùng dung dịch NaOH (20 g NaOH trong 100 ml nước) trung hòa đến khi giấy pH chỉ 6 - 8. Nếu trung hòa quá, có thể cho vài hạt tinh thể acid citric để đưa về pH < 6 rồi trung hòa cẩn thận đến pH 6 - 7. Quá trình hòa tan và trung hòa này tốt nhất nên sử dụng máy khuấy cơ. Nếu không có máy khuấy cơ, các bạn có thể sử dụng máy đánh trứng cũng được. Mỗi lần cho dung dịch NaOH vào cần khuấy ��ều dung dịch chất HĐBM (rất nhớt) trong ít nhất 2 phút rồi mới thử pH.

Phần B - Hòa tan hỗn hợp SLES, bột lauryl và CAB vào 300 ml nước trong một cốc khác đến khi tan hoàn toàn. Quá trình hòa tan thường khá lâu, nên dùng máy khuấy. Sau khi các chất tan hết (dung dịch trong suốt) thì thêm CDE vào và khuấy mạnh. Lúc này, dung dịch tạo nhiều bọt và rất nhớt.

- Đổ hai phần chất HĐBM A và B vào nhau và khuấy đều và mạnh để đảm bảo đồng nhất. Thu được phần dung dịch C.

- Hòa tan 25 g acid citric vào 100 ml nước, hòa tan riêng 14 g NaOH trong 50 ml nước. TRộn dung dịch acid citric và NaOH vào nhau và kiểm tra pH của dung dịch. Nếu pH gần 7 là được, nếu thấp hơn 6 thì dùng dung dịch NaOH (ở phần A) trung hòa đến 6 - 7.

- Hòa tan HEC, PEG-4000 và PVP trong 100 ml nước. Khuấy kỹ đến khi dung dịch hơi đục không còn cặn dưới đáy cốc.

- Hòa tan 10 g MgSO4.7H2O bằng lương nước cần thiết đến tan hoàn toàn.

- Tiếp theo, lần lượt cho dung dịch citric đã trung hòa rồi đến dung dịch HEC + PEG và sau cùng cho dung dịch MgSO4 vào phần dung dịch C. Mỗi lần cho vào phải khuấy mạnh trong ít nhất 10 phút để hoàn toàn đồng nhất rồi mới cho các phần tiếp vào. Sau khi cho hết các phần vào thì dung dịch nước rửa chén rất nhớt và có nhiều bọt. Lúc này, thêm màu (mùi chanh hay mùi bạc hà) và màu thực phẩm (màu vàng tartrazine). Khuấy thật mạnh trong 20 phút để đồng nhất.

- Sau cùng, để yên nước rửa chén thành phẩm trong 3 - 4 giờ để làm trong. Sau đó vô chai. 

Ghi chú: 

+ Nếu pha đúng, nước rửa chén sẽ trong và nhớt. Nếu đục thì có thể do khuấy không đủ mạnh nên các phần không hòa tan hoàn toàn vào nhau. 

+ Có thể kiểm tra khả năng tẩy rửa của sản phẩm bằng cách pha loãng 40 - 50 lần nước rửa chén bằng nước lã và khuấy mạnh để xem khả năng tạo bọt. Bọt phải tạo nhiều và bền là đạt. Cũng Có thể kiểm tra bằng cách rửa các bát đĩa dính dầu mỡ.

+ Các hóa chất trên đều có bán tại hóa chất 11B trên đường Tô Hiến Thành hay các bạn có thể mua lẻ tại chợ Kim Biên.

+ Đây là công thức được tồng hợp từ một số nguồn tài liệu nước ngoài. Tuy nhiên, cái khó của bài tổng hợp này là độ nhớt cao của dung dịch nước rửa chén khi pha chế. Nếu các bạn sử dụng máy khuấy cơ thì không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, nếu sử dụng khuấy tay thì có thể gặp kho khăn vì rất khó khuấy cho đồng nhất được.

+ Có thể hạ hàm lượng chất HĐBM xuống còn 12 - 15%. Nếu độ nhớt không đạt yêu cầu thì dùng dung dịch NaCl (ở dạng dung dịch bão hòa) thêm từng ít một vào đến khi đạt được độ nhớt như mong muốn. Cần tránh cho quá nhiều vì sẽ gây đục nước rửa chén thành phẩm.