Học cách kiềm chế nước mắt như thế nào?
Học cách kiềm chế nước mắt nơi công sở
Học cách kiềm chế nước mắt bằng lời khuyên
Để tránh các loại hóa chất độc hại từ các loại nước rửa bát thông thường một bà mẹ Mường lại tự chế ra một loại nước rửa bát đặc biệt
Ngược lại với các bà mẹ “sang” sống trên đất thủ đô mua các loại nước rửa bát xách tay từ Mỹ, Nhật, Úc... với giá hàng chục đô la cho mỗi lít thì một số bà mẹ dân tộc Mường sống tại TP Hòa Bình lại tự chế ra một loại nước rửa bát vô cùng độc đáo. Đó là loại nước rửa bát được làm từ cám gạo, nước và loại lá Ngoi mọc ngay tại vườn nhà.
Một số bà mẹ người Mường (Hòa Bình) đã dùng cám gạo để rửa bát
Bà mẹ Mường với ước mong “bát sạch ngon cơm”
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: Lần đầu tiên lên TP Hòa Bình chơi nhà bạn, mình rất ngỡ ngàng bởi cách rửa bát đặc biệt của bà mẹ người dân tộc Mường.
Thay vì dùng lọ nước rửa chén đắt tiền con trai bà mua về đặt ngay cạnh bể nước, bà chỉ cho tôi ra hàng rào trước nhà hái một nắm lá Ngoi (loại lá hình bầu dục, hình dáng gần giống lá mít, màu xanh đậm và có lông mịn trên mặt lá) dùng làm giẻ rửa bát. Còn nước rửa bát là hỗn hợp được pha từ cám và nước. Lạ kỳ thay, chẳng phải dùng đến loại nước rửa chén đậm đặc nào mà vẫn đánh bay dầu mỡ, bát đĩa sạch bong kin kít và thơm mùi cám gạo hòa lẫn với mùi lá cây thanh mát.
Lý giải về loại nước rửa bát độc đáo của người Mường này, cô Nguyễn Thị Dương (tổ 17, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình) cho biết: “nhà cô không thiếu các loại thiết bị hiện đại, các con cô mua về các loại nước rửa chén hay xà bông, dầu gội đắt tiền nhưng đối với bát cơm trong gia đình cô luôn sử dụng cách rửa bát truyền thống từ xưa đến nay đó là cám gạo và lá Ngoi”.
“Cô không muốn sử dụng bất cứ hóa chất nào gây hại cho bữa cơm gia đình cả, cho dù các loại quảng cáo nước rửa chén vẫn chiếu trên tivi hàng ngày nói là không có chất hại, chiết xuất từ chanh và trà xanh nhưng cô vẫn sợ cái mùi nước rửa chén bám lại trên bát đĩa lắm. Với cả trên nhãn hiệu của một số loại nước rửa bát có uy tín cũng đề rõ chỉ có 0.01% chiết xuất trà xanh và 0.001% chiết xuất chanh thôi. Cô không muốn dùng những thứ đó”.
Cô Dương chia sẻ, mặc dù có chút bất tiện hơn so với dùng các loại nước rửa chén vì mỗi lần rửa phải lấy cám và hái lá nhưng cách sử dụng lá Ngoi và cám gạo để rửa bát rất hiệu quả lại có mùi thơm tự nhiên, không hại da tay. Không những thế lá Ngoi còn là loại lá thuốc, theo kinh nghiệm của người Mường loại lá này còn chữa được nhiều bệnh.
Cây lá Ngoi - loại lá được cô Nguyễn Thị Dương dùng làm giẻ rửa bát cùng cám gạo
Cây Ngoi là một loại cây thuốc Đông dược. Cây Ngoi hay còn gọi là cà hôi, la rừng, cà bi. Cây bụi nhỏ, cao từ 2 mét đến 5 mét, có khi cao tới 10 mét, thân hình trụ, vỏ thân non có màu xanh và phủ một lớp lông. Lá đơn, mọc cách, thuôn nhọn ở hai đầu, toàn lá phủ một lớp lông mịn, mọc ở nơi đất hoang, bụi rậm, rải rác ở ven trên khắp đất nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Hoà Bình, Lạng Sơn và ngay tại Hà Nội cũng phát triển tốt. Ứng dụng phần lá có lớp lông mịn, người Mường ở Hòa Bình từ xưa đã lấy lá cây Ngoi dùng thay giẻ rửa bát, kết hợp với cám khiến cho dầu mỡ, chất cặn bã bám trên bát đĩa tan vào trong nước.
Mẹo nhỏ đã có từ lâu
Không chỉ cô Nguyễn Thị Dương (TP Hòa Bình) mà còn một số bà nội trợ sống tại Hòa Bình và các tỉnh khác vẫn dùng phương pháp độc đáo này để rửa bát đĩa. Đặc biệt, cách đây không lâu, em Đặng Quốc Đạt, khi đó còn là học sinh lớp 11 A1, Trường THPT Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã cất công tìm hiểu và chế thành công loại nước rửa chén, bát thân thiện từ cám gạo.
Trao đổi với Đạt về loại nước rửa bát khiến cậu học trò này nổi tiếng khắp cả nước, Đạt bẽn lẽn chia sẻ: “Mặc dù gọi là “chế tạo thành công” nhưng thực chất việc chế tạo ấy cũng không khác cách của các mẹ người Mường ở Hòa Bình là mấy chị ạ. Em phát hiện ra rằng cám gạo có chứa nhiều thành phần và chất dinh dưỡng như: Ly-sin, Pờ-rô-tê-in, Try-tô-phan, Sô-đi-um… Nên đã lấy 3 thìa cám pha vào chai đựng 250 mi-li-lít nước, lắc đều thành dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng”.
Đạt cho biết, lượng hỗn hợp này đủ dùng trong 3 ngày đối với gia đình khoảng từ 3 đến 4 người. Ưu điểm của loại nước này là khi rửa, chén, bát đều sạch dầu mỡ, khô ráo. Ngoài ra, hỗn hợp còn có khả năng tẩy sạch vết ố của trà, cà phê trên cả đồ sứ và đồ nhựa mà không để lại mùi hắc, khó chịu như các loại nước rửa chén không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, việc sử dụng nước rửa bát chế từ cám gạo còn có thể thải trực tiếp xuống ao hồ mà không gây hại cho cá hay các loài thuỷ sinh.
“Thường thì họ sẽ kết hợp cùng với nước cốt chanh cho bát đĩa sạch và có mùi thơm. Việc này cũng tương tự như các bà, các mẹ ngày xưa chưa có các loại dầu gội như hiện nay thì gội đầu bằng bồ kết, lá sả, lá tre, lá bưởi già, hoa bưởi hay nước cốt chanh pha loãng... Thực chất, các loại nước rửa chén, đĩa ngày nay cũng là chiết xuất từ các loại chất có tính tẩy rửa có trong cám, tro bếp, nước cốt chanh... Nhưng ngày nay do sự lạm dụng hóa chất quá nhiều khiến các loại nước rửa chén có mùi hăng, khó chịu, thậm chí gây buồn nôn với những người dị ứng với hóa chất. Sử dụng cách như người xưa thì phần nào chúng ta loại bỏ bớt đi các hóa chất từ bát cơm, miếng thịt, cọng rau mà chúng ta vẫn đang đưa vào cơ thể hàng ngày”.Trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về các cách thức rửa bát của ông cha ta từ xưa, ông cười xòa mà nói: “Không chỉ mỗi người Mường ở Hòa Bình biết dùng cám để rửa bát đâu. Trước đây, thế hệ chúng tôi cũng đâu có nước rửa chén hay xà bông để rửa các loại dầu mỡ. Việc lấy cám hay tro bếp sạch hòa tan vào nước để rửa bát là các cách thông dụng của người xưa”.
Cách pha chế cám gạo và dùng lá Ngoi để rửa bát là một trong những cách an toàn, thân thiện với môi trường, tránh các chất tẩy rửa độc hại có trong các loại nước rửa chén. Theo điều tra của PV tại chợ Hà Đông (Hà Nội) giá cám gạo rất rẻ, chỉ từ 7.000đ đến 10.000đ cho 1kg, các bà nội trợ có thể pha chế được khoảng 40 lần rửa. Nếu không có lá Ngoi, có thể thay bằng bùi nhùi rơm, xơ mướp già dùng làm giẻ rửa bát rất tiện dụng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi