Hướng dẫn pha oresol để uống khi bị tiêu chảy

Cùng tham khảo những hướng dẫn pha oresol để uống khi bị tiêu chảy đúng cách nhé các bạn
 

Cách pha và uống oresol khi bị tiêu chảy

 

Con trai của chị tôi 12 tuổi bị bệnh tiêu chảy, bác sĩ khám cho thuốc và oresol uống, cháu rất nhanh khỏi bệnh. Con tôi cũng hay bị tiêu chảy nhưng tôi chưa biết pha và cho con uống nước oresol thế nào. Mong bác sĩ hướng dẫn cách pha và cho trẻ uống oresol khi bị tiêu chảy?

Nguyễn Thị Nhài (Thanh Hóa)

Tiêu chảy làm cho trẻ bị mất nước và mất muối, nên trong điều trị phải bù lại khối lượng nước và muối. Cách bù nước và muối tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch oresol (ORS) pha đúng liều lượng. Cách pha đúng: theo hướng dẫn ghi trên nhãn gói ORS, ví dụ gói pha 1 lít nước; gói pha 200ml, gói pha250ml. Pha với nước đun sôi để nguội. Cách uống: trẻ dưới 2 tuổi, uống 50 - 100 ml/lần tiêu chảy; trẻ 2 - 9 tuổi, uống 100 - 200 ml/lần tiêu chảy; trẻ lớn hơn 10 tuổi và người lớn uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Bệnh nhân bị nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.

Nếu không có ORS có thể pha dịch thay thế gồm: 8 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước; hoặc nước cháo cho một chút muối; nước dừa non có pha một nhúm muối.

Nếu pha nhiều nước, dung dịch quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ; ngược lại nếu pha đặc quá, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia làm nhiều bữa nhỏ. Cần cho trẻ ăn thêm trái cây chín hoặc nước trái câynhư: chuối, cam, đu đủ... và uống sữa. Không nên dùng các loại thực phẩm có nhiều đường, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa.

Pha và dùng không đúng dung dịch oresol sẽ gây hại

 

 

Dung dịch oresol (gồm có 3,5g natriclorid; 1,5g kaliclorid; 2,5g natrihydrocarbonat (hoặc 2,9g natricitrat) 20g glucose khan, pha vừa đủ 1 lít nước sẽ có dung dịch đẳng trương được chỉ định dùng cho người mất muối và nước nhẹ độ I (nghĩa là có mất muối nước nhưng da không nhăn, chưa có rối loạn nặng cân bằng muối - nước, người bệnh còn tỉnh táo, uống được). Dung dịch đã được dùng từ nhiều năm nay nhưng vẫn có nhiều người pha chưa đúng kỹ thuật.

Nếu pha không đúng, không đủ 1 lít nước cho 1 gói bột oresol ta sẽ có dung dịch oresol đậm đặc hơn yêu cầu (có tính ưu trương). Trong cơ thể dung dịch muối - nước trong và ngoài tế bào thường có nồng độ như nhau, nếu uống dung dịch nồng độ muối cao (dung dịch ưu trương) thì cũng giống như ăn canh mặn, nước trong tế bào phải thoát ra ngoài để cân bằng và tế bào bị mất nước sẽ rất có hại.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đối với trẻ bị tiêu chảy chỉ mất muối và nước độ I, cần cho trẻ uống từng ít một, miễn sao trong một thời gian (một buổi hay một ngày) mà trẻ cảm thấy hết khát là được. Không nên tiếc vì dung dịch đã mua (thường là 1 lít) mà ép trẻ uống bằng hết trong ngày kể cả khi trẻ không còn cảm thấy khát. Không cần thiết phải bù đủ, kịp thời như khi bị mất muối và nước nặng vì dễ phát sinh rối loạn cân bằng điện giải rất nguy hiểm. Nếu uống quá nhiều, vượt quá yêu cầu cần bù cũng không có lợi, nhất là trong dung dịch oresol thường có kali (một thành phần có thể gây tác dụng bất lợi cho tim).

Tùy theo tình trạng mất nước muối, tuổi, cân nặng mà cho uống bù vừa đủ. Oresol đã pha phải dùng hết trong ngày. Nếu trẻ quá nhỏ không dùng hết phần dung dịch còn thừa phải bỏ đi không được dùng để uống sang ngày hôm sau (vì dung dịch để qua đêm có thể bị lên men, nhiễm khuẩn do trong dung dịch có đường tỷ lệ thấp).

Theo hướng dẫn, bột oresol phải pha trong nước đun sôi để nguội, sau khi cho nước vào phải quấy đều. Ở buồng bệnh thường không có nước đun sôi để nguội, có thể dùng nước tinh khiết đóng chai 1 lít, cho bột oresol vào lắc kỹ sẽ có dung dịch đạt yêu cầu. Không được pha oresol trong nước khoáng mặn hay nước khoáng ngọt.
 

Cách sử dụng Oresol trong điều trị tiêu chảy cấp

Trong điều trị tiêu chảy cấp, gói Oresol thường được nhắc đến, đó có phải là “nước biển khô” mà nhiều người thường nói, công thức như thế nào, sử dụng ra sao cho hiệu quả?

(Nguyễn Đức Tiến-Q 10-TP.HCM)

Với người lớn cũng như  trẻ em, tiêu chảy cấp làm mất nước càng khiến cơ thể dễ bị suy kiệt gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế việc biết cách sử dụng gói Oresol cho uống bù nước sớm cho bệnh nhân tiêu chảy là điều cần được quan tâm.

“NƯỚC BIỂN KHÔ”

“Nước biển” là danh từ thông dụng trong dân gian, trong chuyên môn gọi là dịch truyền nghĩa là một dung dịch có thể truyền thẳng vào máu với số lượng từ vài trăm mililit đến hàng lít.

-“Nước biển mặn” là huyết thanh sinh lý có hàm lượng hoạt chất là là muối clorur natri với tỉ lệ 9%o có vị hơi mặn, được dùng trong các trường hợp cơ thể mất nước và mất muối.

-“Nước biển ngọt” là dịch truyền glucoz với hàm lượng 5%, 10%, 30%  dùng khi cơ thể mất nước không mất muối.

-“Nước biển khô” chỉ gói Oresol hoặc viên Hydrite pha vào nước để uống bù nước trong các trường hợp bị tiêu chảy hoặc sốt mất nước.

Tình trạng nguy hiểm khi bị tiêu chảy là kiệt nước. Bệnh nhân càng đi nhiều lần (4 đến 10 lần trong ngày) thì lượng nước sinh lý trong cơ thể mất đi càng nhiều kèm theo những dấu hiệu như sút cân, tiểu ít, miệng khô, mắt lõm, da không còn căng và kém đàn hồi, ngủ không yên, cáu gắt. Vì thế cần phải bù ngay lượng nước đã mất thay vì để tình trạng kiệt nước xảy ra khiến khó hồi phục, nhất là khi có kèm theo nôn mửa.

CÁCH SỬ DỤNG GÓI ORESOL

Đấy là gói bột trắng có chứa muối natri, muối kali và đường glucoz. Khi dùng mới mở ra, hòa tan gói Oresol trong một lít nước đun sôi để nguội và cho uống liên tục trong ngày. Mục đích là bù nước và các chất điện giải trong dung dịch sinh lý của cơ thể bị mất đi khi tiêu chảy. Tùy theo tình trạng mất nước nhiều hay ít mà lượng nước uống vào trung bình như sau :Sơ sinh dưới 6 tháng : 250-500ml, từ 6 đến 24 tháng : 500-1000ml, từ 2-5 tuổi : 750-1500ml, trên 5 tuổi : từ 1000-2000ml theo yêu cầu.

Những điều cần lưu ý khi dùng gói oresol

- Một gói thuốc pha trong một lít nước sôi để nguội và cung cấp cho cơ thể một dung dịch nước điện giải chứa các ion Natri, clor, kali, citrat, bicarbonat, glucoza khan phù hợp với dịch sinh lý của cơ thể.

- Sau khi pha xong, dung dịch đuợc dùng trong 24 giờ, quá thời hạn thì bỏ phần thuốc còn lại.

- Không pha thuốc với nước khpáng vì trong nước khóang có sẵn các ion điện giải làm sai lệch tỉ lệ các chất điện giải được qui định.

- Không nên dùng các lọai nước ngọt có gaz để bù nước.

TỰ CHẾ ORESOL TRONG GIA ĐÌNH

Nhiều gia đình ở miền quê xa nơi bán thuốc, không có sẵn gói oresol, gặp lúc đêm hôm, bé bị tiêu chảy nặng, các bà mẹ có thể tự chế lấy dung dịch bù nước bằng cách:

- Pha vào  trong một lít nước đun sôi để nguội hoặc nước cháo, một muỗng cà phê gạt muối ăn với 8 muỗng cà phê gạt đường cát.

- Nếu trong nhà có sẵn mật ong thì có thể thay đường cát bằng 8 muỗng cà phê gạt mật ong và có thể thêm nước cam hay nước chanh vào dung dịch này. Mật ong chứa lượng đường glucoz nên cơ thể dễ hấp thu hơn đường cát (saccharoz). Sau mỗi lần đi tiêu chảy thì lại cho uống một tách dung dịch đã pha.

- Nước dừa pha với muối cũng có giá trị bù nước như oresol

Ngoài Oresol, trên thị trường còn có bán thuốc viên Hydrit có công thức giống như Oresol (10 viên Hydrit=1 gói Oresol). Tiện lợi của viên Hydrit là có thể pha từng viên phù hợp với nhu cầu bù nước, mỗi viên pha với 100ml nước sôi để nguội.

CẦN ĂN ĐẦY ĐỦ CHẤT DINH DƯỠNG

Góp phần vào việc điều trị bệnh tiêu chảy cấp, ngoài các liệu pháp theo chỉ định thì bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

- Với trẻ em, khi bé bị tiêu chảy, cần phải cho bé tiếp tục bú sữa mẹ; tuy nhiên trong chế độ ăn uống của người mẹ nên cẩn thận với những thực phẩm có tính nhuận tràng khiến bé khó dứt tiêu chảy.

- Cho ăn những thức ăn giàu đạm, nấu chín và nghiền nhuyễn như thịt, cá, đậu, lòng đỏ trứng, hạt ngũ cốc, khoai tây, chuối chín, không nên ăn thức ăn có mỡ hay xào nấu với mỡ.

- Cháo cà rốt nấu với gừng chứa chất pectin, cháo thịt gà băm nhuyễn cũng giúp mau cầm tiêu chảy.

Thực tế cho thấy, việc bù nước điện giải bằng gói oresol, chế độ dinh dưỡng đầy đủ đã góp phần cứu sống nhiều trẻ em…


(St)