Hướng dẫn thay tã cho bé sơ sinh

Cùng tham khảo những hướng dẫn thay tã cho bé sơ sinh nhé. Thay tã/ bỉm dễ như trò chơi trẻ con. Nhưng nếu bạn mới làm cha mẹ và còn lóng ngóng thì chuyện thay bỉm cho con không còn là chuyện nhỏ. Dưới đây là những hướng dẫn để mẹ thay bỉm đúng cách cho con.



Thay tã lót cho bé đúng cách

Thay tã lót thường xuyên rất cần thiết và quan trọng vì nước tiểu kết hợp với vi khuẩn trong không khí sẽ gây viêm da và phát ban do tã lót.


 
Cần thực hiện việc thay tã trước và sau khi ăn (trừ buổi đêm, khi mà việc thay tã lót làm ảnh hưởng tới giấc ngủ). Tất nhiên là phải thay tã sau khi bé ị.

Trẻ thường ị nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi cho bé ăn (do phản ứng của đường ruột). Trong những ngày đầu, bé thường ị phân su (màu đen và dính), sau đó sẽ chuyển sang màu vàng.

Tình trạng ẩm ướt sẽ không gây khó chịu cho hầu hết các bé mới sinh vì thế đừng nghĩ rằng bé sẽ khóc hay khó chịu mỗi khi thấy muốn được thay tã. Các loại tã dùng một lần có khả năng thấm hút rất tốt vì thế sẽ không thể biết được tã ướt trừ khi chúng đã bị bão hòa. Để tránh tình trạng tã lót quá tải, cần kiểm tra sau mỗi 2 giờ bằng cách đưa 1 ngón tay sạch vào phía trong tã.

Loại tã nào tốt - Tã dùng 1 lần hay tã vải?

Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Tã vải truyền thống thường được ưa chuộng hơn tã dùng 1 lần, đặc biệt là vào những tháng đầu mới chào đời. Bởi tã vải rẻ hơn và ít gây phát ban do tã lót hơn. Tã vải có thể giặt và dùng đi dùng lại chứ không như tã dùng 1 lần.

Tuy nhiên, đầu tư quá nhiều các loại tã đắt tiền cũng không nên. Trước khi quyết định dùng loại tã nào, hãy nghĩ tới những yếu tố cơ bản hơn như: nhà có máy giặt và sấy khô không nếu định dùng tã vải. Nếu chọn loại tã dùng 1 lần, bạn có thể dễ dàng mua ở đâu và trong nhà có chỗ nào để cất chúng? Hãy trò chuyện với các bà mẹ có con nhỏ về kinh nghiệm dùng các loại tã. So sánh giá trị sử dụng và số tiền bỏ ra khi dùng tã vải, tã dùng 1 lần và quá trình giặt tã trong thời gian 2 - 3 năm. Và cũng cần lưu ý cả kế hoạch sẽ sinh bé tiếp theo nữa.

Thậm chí ngay cả khi lựa chọn tã vải, bạn vẫn có thể dùng tã giấy khi đi du lịch hay khi bé ốm bệnh.

Chuẩn bị thay tã cho bé như thế nào?

Trước khi thay tã cho bé, cần chuẩn bị như sau:

- Một khu vực an toàn với khăn và các dung dịch vệ sinh cần dùng

- Một chiếc tã sạch

- Một chiếc túi hay xô/chậu để đựng tã bẩn.

- Khăn xô và nước ấm

- Một chiếc xô có sẵn xà phòng nếu dùng tã vải

- Kem chống hăm nếu bé bị phát ban do tã

- Đồ chơi - cho bé một món đồ chơi nào đó để đánh lạc hướng bé khi mẹ thay tã.

Thao tác thay tã?

 
 

1. Tháo miếng dính 2 bên nhẹ nhàng và dán ngay vào tã lót để chúng không dính vào người bé. Đừng kéo tã bẩn ra vội.

2. Đặt 1 miếng giấy sạch lên trên tã bẩn hoặc kéo tã ra ngoài 1 chút nếu tã quá bẩn. Lau vùng sinh dục cho bé bằng một miếng vải mềm sạch.

3. Nâng mông bé lên và có thể dùng mắt cá chân của bạn đỡ mông này nếu chưa thành thạo.

4. Gấp tã bẩn lại làm đôi, chỉ chừa lại phần sạch sẽ.

5. Dùng khăn sạch lau phần phía trước. Nếu là bé gái thì lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn nhiễm vào bộ phận sinh dục.

6. Nâng cả chân bé lên và lau mông.

7. Thay tã sạch vào. Lúc này có thể thoa chút phấn rôm nếu cần thiết.

8. Kéo miếng dán sẵn ở 2 bên tã rồi dính lại sao cho vừa ôm người bé, không quá chặt hay quá lỏng (nhét vừa 1 ngón tay).

9. Mặc quần cho bé rồi thu dọn tã bẩn và rửa tay với nước và xà phòng.

 

Hướng dẫn mẹ thay bỉm đúng cách cho bé

Thời điểm nên thay bỉm cho bé

Trong những tháng đầu tiên sau sinh, cứ khoảng 2-3 giờ đồng hồ bạn nên thay bỉm cho bé. Tất nhiên, nếu bé đại tiện thì cần phải thay ngay. Trong tháng đầu tiên, bạn nên dùng tã giấy thay cho bỉm. Từ tháng thứ 2 trở đi bạn có thể dùng bỉm.

Khi mua bỉm hay tã giấy, lưu ý cân nặng của bé để mua bỉm/tã giấy phù hợp. Các loại bỉm hay tã giấy đều có thể để lâu, do đó bạn có thể mua số lượng lớn để trong nhà, phòng trường hợp bận rộn, không thể mua thường xuyên.


Vệ sinh vùng kín cho bé

Khi thay bỉm hoặc tã cho bé, bạn nên làm vệ sinh cho bé. Những cách đơn giản sau đây giúp bạn vệ sinh sạch sẽ vùng kín cho bé:

Nếu bé đi đại tiện, hãy dùng giấy vệ sinh loại thật mềm, chuyên dụng để lau sạch phần bên ngoài. Sau đó dùng nước ấm và một chút sữa tắm bé để vệ sinh cho bé. Dùng khăn khô thấm sạch nước cho bé.

Cha mẹ có thể phòng ngừa hăm da cho trẻ bằng cách giữ cho vùng mặc tã thật sạch sẽ, khô – mát. Cần thay tã, bỉm cho trẻ thường xuyên và ngay sau khi trẻ tiểu, đại tiện. Lúc thay tã cần lau sạch vùng bẹn và mông của trẻ bằng nước ấm và để cho da trẻ khô hẳn rồi mới mặc tã mới vào.

Ngoài ra, có thể chỉ dùng giấy ướt để lau phần bên ngoài và bên trong cho bé. Nếu trời lạnh nên làm ấm khăn ướt trước khi lau cho bé.

- Quy tắc vàng mà các bà mẹ nên nhớ đó là để chăm con được tốt hãy để đồ dùng của con bạn trong tầm tay. Vì khi chỉ có mình bạn với bé, bạn sẽ không thể nhờ ai lấy hộ cái này hay cái kia.

- Luôn đặt 1 tay trên người bé nếu bạn phải quay người lấy vật dụng gì đó.


Ngay khi đã cởi tã/ bỉm cho bé, đặt bé lên bàn thay hoặc trên giường, bạn không nên để bất cứ điều gì làm gián đoạn công việc của mình nữa, điện thoại, hay chuông cửa, ấm nước đang sôi… Nếu buộc phải ngừng tay, hãy đặt bé con an toàn vào cũi, hoặc bế bé theo bạn. Không bao giờ để bé lại một mình trên bàn thay tã/gần mép giường, bởi bé có thể lăn và rơi xuống bất cứ lúc nào dù chỉ trong tích tắc.

- Hãy luôn cười và nói, hát cho bé nghe... Bạn nên nhớ bé đã có thể cảm nhận lời nói của bạn từ khi còn ở trong bụng. Do đó khi bạn trò chuyện với bé, hát cho bé nghe sẽ đánh thức được các giác quan của bé.

- Bạn hãy chọn nơi kín gió và rửa tay bằng xà phòng trước khi thay bỉm cho bé nhé!

- Bé trai và bé gái có khác nhau. Bố mẹ nên biết rằng ngay giữa lúc thay bỉm có thể bé sẽ quyết định “cho ra nốt những gì còn sót lại”. Bởi thế, nếu không muốn phải đi thay quần áo, bố mẹ nên đưa nửa phần bỉm gần mình lên trước che trong lúc thoa kem, phòng khi bé “vọt cầu vồng”.

Thời gian thay bỉm phụ thuộc độ “lành nghề” của bố mẹ. Nhưng cùng với sự tập luyện hàng ngày theo thời gian, bạn sẽ mất khoảng 25 giây mỗi lần.



Tham khảo thêm:

Tất cả những điều mẹ cần biết về tắm cho bé

 Việc tắm cho một em bé không khó nhưng cũng không hề đơn giản nếu mẹ chưa biết cách.

Nên có 2 chậu tắm

Theo kinh nghiệm, các mẹ chỉ nên mua hai chiếc chậu. Một chiếc là dành cho việc gội đầu và tắm sơ cho bé. Chiếc còn lại tắm tráng và nên chọn chiếc có kích thước lớn.

Cách pha nước tắm

Các pha nước tắm cho bé cũng cực kỳ quan trọng: Lấy nước lạnh trước rồi pha thêm nước nóng từ từ sau. Cách này sẽ tránh bị bỏng, cho cả người pha nước lẫn bé. Thử độ ấm của nước bằng chỗ khuỷu tay (vì bàn tay người lớn có khả năng chịu nhiệt cao, không tương ứng với làn da mỏng manh của bé). Nên nhớ pha nước trước khi đưa bé lại gần chỗ tắm. Nếu cầu kỳ hơn, mẹ có thể mua mấy nhiệt kế đo nhiệt độ nước cho con cho chính xác. Nhiệt độ khoảng 36 – 37 độ C là phải.


Chọn thời điểm thích hợp để tắm cho bé

Bạn hãy chọn thời điểm khi cả hai mẹ con đang rất thoải mái để giới thiệu bé với bồn tắm. Đó có thể là buổi sáng, chiều, miễn là thoải mái nhất. Khi đã tìm thấy thời điểm thích hợp cho việc tắm rửa, hãy biến nó thành thói quen cho bé để bạn dễ làm việc. Có bà mẹ tạo thành thói quen tắm cho bé trước khi đi ngủ.

Dùng tăm bông nhúng cồn 75% để làm sạch rốn trẻ

Sau khi trẻ được sinh ra, mỗi ngày trong khi tắm, người lớn nên dùng khăn hoặc tăm bông nhúng cồn 75% để làm sạch bụi bẩn, giữ cho rốn của trẻ luôn sạch sẽ.

Nếu phát hiện rốn của trẻ sưng hoặc có mủ, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi gặp bác sĩ để khám và chẩn đoán bệnh nhanh nhất.




Cách thay tã
Hăm tã ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh bị hăm phải làm sao
Có nên cho bé bú nằm?
Chữa hăm ở trẻ sơ sinh
Em bé bị hăm và cách xử lý dành cho các bậc cha mẹ đây

(St)