Hướng dẫn trồng cây đậu rồng đúng kĩ thuật

Mới nhìn qua loại đậu rồng này, loại cây có quả màu xanh 4 khía, trên mép hình răng, bạn sẽ rất dễ bị lầm tưởng với cây xương rồng. Chính hình thù kì lạ này mà chúng còn có nhiều tên gọi khác nhau như đậu khế, đậu vuông hay đậu cánh...

Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, giống cây này rất phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hương vị của loại quả này và xem chúng như loại thực phẩm ăn hàng ngày. Còn ở miền Bắc, đậu rồng cũng đã dần dần chinh phục được những người sành ăn.

Thật khó kiếm được loại cây họ đậu nào vừa hái trên cây xuống mà bạn có thể tự tin ăn sống luôn được như loại đậu rồng. Với những người mới ăn, cảm nhận đầu tiên khi ăn sống khá giòn và có vị hơi hăng nhưng một khi đã ăn quen thì sẽ dần thấy được vị bùi bùi và ngòn ngọt nơi đầu lưỡi.


Đậu rồng có màu xanh bắt mắt vừa có thể ăn sống và nấu chín đều rất ngon.

Là loại cây dây leo thân thảo. Lá đậu rồng có hình tam giác với 3 chét lá. Quả của chúng khi trưởng thành thường dài 10-15cm, có 4 khía, trên mép có hình răng cưa. Loại đậu này dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc. Hầu như trồng đậu rồng không phải phun thuốc vì chúng ít bị bệnh hại. Chỉ cần lấy hạt khô già gieo xuống đất là đã có dây đậu rồng xanh tươi mọc lên. 

Thời vụ gieo trồng thích hợp là vào vụ Xuân từ tháng 2 trở đi và vụ Thu từ tháng 8. Sau hơn 3 tháng trồng là cho thu hoạch quả. Vì là loại cây trồng vùng nhiệt đới nên nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng là khoảng từ 18-30 độ C. Các chị em miền Bắc hoàn toàn có thể trồng đậu rồng quanh nhà, trước sân, vừa làm giàn che bóng mát vừa để lấy quả làm rau ăn hàng ngày. Còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào thực hiện ngay cho khu vườn của bạn một giàn cây đậu rồng. Chắc chắn gia đình bạn sẽ rất thích thú khi có một người bạn phương Nam hiện diện trong vườn nhà. 


Dưới đây là các bước để trồng đậu rồng thành công.

Bước 1: Tuyển chọn hạt giống đạt chất lượng

Đậu rồng có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành nhưng khi bạn mới trồng lần đầu thì có thể lấy hạt từ những quả đã già hoặc mua hạt giống về và gieo hạt cho nảy mầm. Muốn có được một giàn đậu rồng thật sai quả thì đầu tiên hạt giống đem trồng phải đạt chất lượng tốt nhất.

Quả đậu rồng già thường có màu tím và dần chuyển sang đen. Đem phơi cho thật khô sau đó tách ra bạn sẽ thấy hạt đậu rồng bên trong. Chọn những hạt sáng bóng to tròn để đem gieo sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao.


Hạt giống đậu rồng có màu nâu sẫm và to tròn. 

Cây đậu rồng ưa trồng nơi đất nhiều mùn giàu dinh dưỡng, đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha, có độ thông thoáng và thoát nước tốt. Chuẩn bị đất và cho vào những chậu nhỏ đường kính 20-25cm để sẵn sàng gieo hạt. 

Bước 2: Gieo hạt và đợi chờ hạt nảy mầm

Trước khi gieo hạt bạn nên ngâm số hạt đó vào trong nước ấm để chúng ngấm no nước và ủ trong khăn ẩm khoảng nửa ngày cho hạt nứt nanh thì mới đem gieo. Gieo 5-6 hạt vào trong chậu, ấn hạt sâu khoảng 1cm là được. Lấp đất lại và tưới nước giữ ẩm cho chậu. Khoảng 4-5 ngày sau hạt sẽ nảy mầm. 

Khi cây con được 7-10 ngày tuổi, lúc này sẽ đạt chiều cao khoảng 5 đến 10cm. Trong mỗi chậu bạn chọn từ 1-2 cây để giữ lại trồng và nhổ bớt cây còi cọc thiếu sức sống. 


Chậu cây đậu rồng con được khoảng 2 tuần tuổi.

Khi cây đạt chiều cao khoảng 20 đến 25cm, bạn nên chuyển cây đậu rồng ra vườn trồng và làm giàn cho cây để chúng leo. Giàn có thể làm bằng tre hình chữ A hoặc có thể bằng dây thép gai cho chúng leo lên tường nhà. Chú ý khi di chuyển cây đậu rồng sang nơi ở mới, bạn nên bón lót một ít phân chuồng hoai mục bên dưới trước khi trồng cây xuống đất. Sau khi trồng tưới nước đẫm cho cây mau bén rễ. Duy trì độ ẩm hàng ngày bằng việc dùng bình tưới buổi sáng và buổi chiều. Chỉ vài ngày là cây sẽ xanh tốt trở lại và xuất hiện tua cuốn bám giàn. 


Chỉ vài ngày cây đậu rồng đã xuất hiện tua cuốn leo lên giàn. 

Sau khoảng 1 tuần từ khi bám giàn đến giờ cây đậu rồng đã leo ngang chừng nửa giàn. Lúc này bạn nên bón thêm phân cho cây. Phân bón có thể là phân chuồng hoặc phân vi sinh hòa vào nước tưới cho cả gốc lẫn lá. Cứ 15 ngày bón 1 lần cho đến khi cây ra hoa đậu quả thì dừng.


Sau 50 ngày cây đậu rồng đã leo cao phủ kín cả giàn.


Lá của cây đậu rồng có hình tam giác với 3 chét lá.

Khi còn non lá có màu xanh nhạt, càng ngày lá sẽ càng đậm dần. Khi thấy cây ra quá nhiều lá và cành rậm rạp, bạn nên tỉa bớt cành nhánh sẽ giúp giàn được thông thoáng và thuận lợi cho cây đơm hoa kết trái tốt hơn. Chỉ vài ngày nữa dấu hiệu ra hoa sẽ bắt đầu. 


Hoa của cây đậu rồng được hình thành từ nách lá, mọc thành từng chùm màu trắng hoặc xanh trông rất đẹp mắt.

Đây có lẽ là thời điểm đẹp nhất của giàn đậu rồng mà bạn muốn ngắm nhìn mãi. Từ trên xuống dưới, hoa đậu rồng mọc thành từng chùm đua nhau nở lấm tấm khắp giàn. Hoa đậu rồng thường nở vào khoảng 9 giờ sáng. Những cánh hoa màu xanh đẹp mắt lúc này là tâm điểm thu hút của ong bướm đến hút mật. Hoa sẽ nở một hai ngày sau đó héo dần để nhường chỗ cho những quả non nhú ra.


Sau vài ngày hoa nở những quả non đầu tiên sẽ mọc. Hình thù những quả đậu rồng còn non này trông khá giống như những chú sâu xanh bị treo lủng lẳng. 


Dần dần những quả đậu rồng non lớn lên và đạt kích thước trưởng thành từ 10 đến 15cm, màu cũng đậm dần lên. 

Không phải đợi quá lâu để cho thu hoạch, chỉ khoảng 1 tuần kể từ khi xuất hiện quả non, đậu rồng đã mọc sai chi chít trên giàn chỉ chờ bạn hái xuống. Đậu rồng trưởng thành có chiều dài khoảng 15-20cm. Nếu như trồng đúng cách thì gia đình bạn sẽ có đậu rồng ăn trong khoảng 2 tháng. Vậy là giờ đây gia đình bạn đã có một giàn đậu rồng sai trĩu quả vừa có thể tự cung cấp rau sạch cho bữa ăn hàng ngày mà nếu ăn không hết có thể làm quà mang tặng hàng xóm.

Không chỉ có hương vị đặc biệt, đậu rồng còn được đánh giá là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như protein, glucid, chất béo, chất xơ, sắt, canxi, kali, natri, ma-giê, phospho, vitamin A, C, B5, B2, B1, E, đồng và mangan.

Với quả đậu rồng tươi bạn có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Đậu rồng sống có thể dùng như một loại rau sống chấm mắm ăn kèm với cá kho, thịt kho. Nếu muốn ăn chín bạn có thể xào đậu rồng với thịt bò hoặc dùng nấu canh chua vừa ngon lại vừa bổ.