Hướng dẫn trồng cây khế đúng kĩ thuật

Cây Khế thuôc dạng cây bụi cao, thường xanh, thân gỗ, có thể vươn tới 8 đến 10m, nhiều cành và phân cành thấp. Gỗ của cây Khế rất giòn, dễ gãy, vì vậy trong dân gian có câu “hóc xương gà, sa cành khế”. Cây khế được trồng bằng hạt hoặc ghép thì có rễ cọc ăn sâu tới 1,5m; các rễ chùm, rễ lông hút thì tập trung ở tầng đất mặt 30 đến 40cm.

Cây khế ra lộc nhiều đợt trong năm, riêng ở miền Bắc có mùa đông lạnh kèm gió rét mưa phùn tuy khế phát lộc từ tháng 2-3, song đến tháng 4-5 lá non mới ra nhiều nhất. Sau khi lộc xuân ổn định, khế bắt đầu ra hoa thường từ tháng 6 và kéo dài tới cuối thu, tức tháng 10 –11. Trong khoảng thời gian này hoa khế nở thành nhiều đợt: hoa khế ra từng chùm 20 đến 30 hoa nhỏ, trên thân cành già và cả cành 1 tuổi; trong đó những quả ở cành ngang cây ngọn cong rủ xuống, thường có chất lượng cao hơn cả. Kinh nghiệm còn cho thấy cây Khế ra hoa đợt tháng 7 cho quả chín vào cuối thu thường có phẩm chất tốt nhất.

Hoa cây Khế thuộc loại lưỡng tính, sau khi nở nếu gặp thời tiết ấm và khô thì có tỷ lệ đậu quả cao tới 50 đến 70% số hoa nở. Tuy vậy sau đó quả non lại rụng nhiều, có khi tới 75 đến 80% số quả, kể cả quả để lớn. Có thể trồng khế ở khắp các vùng miền nước ta, song chủ yếu là ở vùng thấp, đồng bằng. Tuy nhiên ở nơi cao 500m khế vẫn mọc như tại Đèo Khế ( Thái Nguyên).

Cây Khế ngoài việc trồng phổ biến để thu hoạch quả, cây cảnh Bonsai còn được cung cấp, mua bán để trồng làm cây công trình cho các công trình, biệt thự sân vườn, khu sinh thái. Các cây Khế có đường kính từ 10 cm đến 20 cm, thích hợp trồng biệt thự, sân vườn. Các cây Khế có kích cỡ lớn hơn, từ 20 - 30 cm hoặc hơn 30cm, thường thích hợp trồng khu biệt thự, sân vườn cần trồng để có cây xanh cảnh quan phủ xanh ngay. Hãy liên hệ với chúng tôi để có thông tin chi tiết.

Loại đất phù hợp cho cây khế là nhiều mùn, dễ tiêu thoát nước, tơi xốp vì rễ cây Khế dễ bị thối khi bị ngập úng. Độ pH của đất thích hợp là 5,5 đến 6,5. Cây Khế rất cần nước trong giai đọan nuôi quả từ tháng 6 đến cuối năm, vì khô hạn sẽ làm quả bị rụng nhiều. Do vậy khi nuôi quả, phải đủ ẩm cho vườn khế nếu cần thì phải tưới. Cây khế chịu được biên độ nhiệt độ rộng. Cây lớn có thể chịu được rét đậm, rét hại và nắng nóng. Ở nhiệt độ 22 đến 25oC, quả chín đẹp mã và vị thơm ngon, cho nên lứa quả chín vào cuối thu là tốt nhất. Cây Khế không ưa ánh sáng chiếu thẳng, nhất là khế ngọt mà ưa bóng râm, cho nên trồng xen khế trong vườn có các cây cao, che bớt ánh nắng là rất tốt.

Cho đến nay người ta vẫn trồng cây Khế bằng hạt song gần đây phương pháp ghép (ghép mắt, ghép áp, ghép cành) được áp dụng rộng rãi.

So với cách ghép thì cách trồng bằng hạt tương đối dễ hơn, song cây Khế lâu ra quả hơn và chất lượng quả không ổn định vì hạt là kết quả thụ phấn, mà hoa khế tuy thuộc loại lưỡng tính nhưng vẫn có thể thụ phấn chéo tạo ra hạt bị phân ly, sau đó trồng lên cây khác với cây khế mẹ về nhiều phương diện. Vườn ươm cây khế con cần được căm sóc chu đáo, giữ luôn đủ ẩm, chống nắng nóng. Hàng tháng cần tưới nước phân pha loãng khi cây đạt chiều cao 50 đến 60cm thì tỉa cành tạo hình để lại mỗi cây 2 đến 3 cành tỏa ra các phía, sau 1 đến 2 tháng đem trồng mới.

Kích thước hố: 0,6x0,6x0,6m. Nếu đất xấu 1,0x1,0x0,8m. Khoảng cách cây 5x6m hoặc 5x5m. Khế ưa bóng râm nên có thể trồng xen trong vườn xoài, mít, nhãn...

Chăm sóc cây Khế:

- Chọn đất ẩm, nhiều màu và nhiều bóng râm: Chú ý cắt tỉa sao cho có khung tán rộng, cành phân bố đều trong tán không cho nắng rọi vào thân chính. Khi cây lớn, cành quá dày thì nên tỉa bớt cho tán cây thông thoáng: Bỏ bớt cành già, cành mọc chen chúc, cành sâu bệnh, cành yếu... Thời gian cắt tỉa thích hợp là vào sau vụ thu hoạch quả, trước lúc ra hoa.

Cây khế to, thân dễ bị ánh nắng trực xạ làm nứt vỏ cho nên chú ý tạo tán đủ lá che phủ cho thân cây. Kinh nghiệm cho biết nêu chôn xác súc vật dưới tán cây khế cũng tạo cho chất lượng quả tốt hơn. Trong thời gian cây khế nuôi quả, không nên bón đạm mà nên bón K, tro bếp, vôi bột để cải thiện chất lượng quả. Nếu gần vườn khế ngọt có những cây khế chua thì có thể xảy ra hiện tượng thụ phấn chéo làm cho quả khế ngọt giảm chất lượng.

- Mỗi năm sau đợt thu quả (cuối năm) bón cho mỗi gốc 20-30kg phân chuồng. Khi còn nhỏ bón cho mỗi cây 400-500g phân NPK (tỷ lệ là 10:12:7 hay 16:16:8). Cây bắt đầu cho quả có thể bón tăng thêm liều lượng 500-800g/cây (15:15:15). Chú ý tăng cường phân kali.

- Với cây khế lớn cho nhiều quả bón 3-4kg phân NPK hỗn hợp/cây, chia ra 3-4 lần trong năm. Cách nhau 3-4 tháng bón một lần.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây khế:

Chưa có loại bệnh nấm, virus nào nguy hiểm đối với khế. Các loại sâu đáng chú ý là ruồi đục quả, sâu non thuộc bộ cánh phấn, đục vào quả và có thể ăn cả hoa và quả non.

Thu hoạch quả khế:

Sau khi ra hoa khoảng 100 ngày thì khế chín, tuỳ theo màu sắc quả biết được mức độ chín để thu hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Khế là loại không chín thêm sau khi thu hoạch, do vậy không nên hái xanh. Quả khế dễ giập chỉ nên thu hoạch bằng tay, nếu trên cao thì thu hoạch bằng sào có gắn rọ ở đầu để hái.

Thuốc hay từ cây khế

Lá Khế được dùng để chữa mẩn ngứa, sưng đau do dị ứng.

Trong dân gian, người ta thường dùng lá khế giã nhỏ hoặc dùng quả giã lấy nước đắp lên những nơi bị lở sơn (sơn ăn). Để chữa hóc xương cá, có thể lấy 3-4 chiếc lá khế rửa sạch, nhai và nuốt dần.

Theo đông y, quả khế có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi tiểu thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải độc, trị phong nhiệt. Lá khế vị chát tính lạnh, có tác dụng tán nhiệt độc, lợi tiểu tiện, dùng chữa các chứng lở ngứa, ung nhọt do huyết nhiệt. Hoa khế có tác dụng chữa chứng nóng rét qua lại, giải độc thuốc phiện. Rễ khế có tác dụng trị đau đầu và khớp xương đau nhức.

Sau đây là một số bài thuốc từ khế:

- Đau đầu lâu ngày không khỏi: Rễ khế 30-60 g, đậu phụ 120 g, hầm kỹ, uống nước thuốc và ăn đậu phụ, mỗi ngày 1 lần, mỗi liệu trình kéo dài 1 tuần.

- Ho do phong nhiệt, họng sưng đau: Khế tươi ăn ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 quả liên tục trong 3-5 ngày, có tác dụng tiêu viêm và giảm đau khá tốt.

- Lở miệng: Khế tươi 2-3 quả, giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày.

- Lách to do sốt rét lâu ngày: Khế tươi rửa sạch cắt nhỏ, giã vắt lấy nước cốt, ngày uống 2 lần mỗi lần 100 ml.

- Sản hậu phù thũng: Lá khế 15 g, sắc nước uống.

- Sỏi tiết niệu: Khế tươi 3-5 quả, rửa sạch, cắt nhỏ, sắc lấy nước, thêm mật ong vào uống, liên tục trong 3-4 tuần.

- Tiểu tiện nóng rít: Khế tươi 2-3 quả, cắt nhỏ, giã nát, hòa với nước lạnh, uống ngày 2-3 lần.

- Bí tiểu: Khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ cắt lấy 1/3 phía gần cuống, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát uống khi còn nóng, đồng thời lấy 1 quả khế và 1 củ tỏi, giã nát rịt vào rốn thì tiểu tiện sẽ thông.

- Khớp xương đau nhức: Rễ khế 150 g, rượu trắng 1 lít, ngâm rễ khế với rượu trong khoảng 10 ngày, mỗi lần uống 1 chén con.

- Sưng đau do ngã hoặc ung nhọt: Lá khế tươi giã nát, đắp vào chỗ đau, có tác dụng tiêu sưng, giảm đau và giải độc.

- Da mẩn ngứa, ngứa âm đạo: Đun nước lá khế ngâm và rửa, có tác dụng sát trùng và chống ngứa rất tốt.

- Giải độc thuốc phiện: Hoa khế 15 g sắc uống.