Kasutera (Castella) - Gateau mật ong kiểu Nhật - Savoury Days

Vui lòng đọc kĩ bài viết và các phản hồi trước khi đặt câu hỏi 

* Toàn bộ nội dung bài viết và hình ảnh (trừ những hình ảnh có ghi nguồn trích dẫn) thuộc bản quyền của Savoury Days. Các bạn có thể lưu lại công thức để sử dụng cho mục đích cá nhân. Nhưng không được sử dụng hoặc đăng tải lại với các mục đích liên quan đến thương mại. Nếu muốn chia sẻ, vui lòng liên hệ với tác giả và ghi đầy đủ đường dẫn nguồn bài viết.

——————————————

Kasutera là một loại bánh gateau xuất xứ từ Nhật Bản có “ngoại hình” cực kì xinh đẹp và nổi bật với màu vàng nâu óng của mặt bánh và phần ruột siêu mịn xốp, kiểu “nhìn đã thấy thèm rồi” Mình chưa được thử Kasutera “xịn” của Nhật, nhưng sau khi nếm Kasutera tự sản xuất tại nhà thì suy nghĩ đầu tiên của mình là “yêu em nó mất rồi” . So với các loại bánh Gateau mà mình đã từng làm thì Kasutera có hương vị rất đặc biệt, rất nhẹ, rất mềm, rất xốp, nhưng lại hơi dai và dẻo, và ẩm, mùi thơm thì tuyệt vời. À, và còn mát lạnh nữa vì một trong những yêu cầu của bánh là phải để lạnh từ vài giờ cho đến qua đêm sau khi nướng xong.

Về bản chất, Kasutera là một loại Sponge (Gateau cơ bản), có thêm sữa và mật ong, hoàn toàn không có một chút xíu chất béo hay dầu mỡ nào. Cách làm Kasutera phổ biến nhất mà mình biết là làm theo kiểu Sponge cơ bản – đánh trứng nguyên quả đến bông rồi trộn các nguyên liệu còn lại. Tuy nhiên, mình không chọn làm theo cách này mà làm theo cách của Gateau cơ bản bất bại. Vì Kasutera theo kiểu truyền thống đòi hỏi sự cẩn thận và rất tỉ mỉ trong khi làm, nên làm theo cách của Gateau cơ bản bất bại khả năng thành công sẽ cao hơn khá nhiều, đặc biệt là với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm với bánh trái. Mặc dù vậy, Kasutera không phải là loại bánh dễ, nên trước khi vào phần công thức, mình muốn nhấn mạnh một lần nữa là mong các bạn đọc thật kĩ tất cả các chỉ dẫn, cân đong và tuân thủ hướng dẫn tuyệt đối, không tự sửa công thức hay tự sửa cách làm theo ý mình nếu không chắc chắn nhé.

Công thức Kasutera (Honey Castella)

Mức độ: Tương đối Khó

Thời gian chuẩn bị: 20-25 phút

Thời gian nướng: 40-60 phút

Khuôn Kasutera thường dùng là loại khuôn hình hộp chữ nhật, khá lớn, tuy nhiên các bạn hoàn toàn có thể thay bằng một loại khuôn bất kì như hình vuông, tròn. Để tiện cho việc tính nguyên liệu phù hợp theo khuôn, dưới đây mình đưa tỉ lệ nguyên liệu tính theo 1 quả trứng và sẽ hướng dẫn quy đổi tùy theo từng loại khuôn khác nhau nhé.

* Tỉ lệ nguyên liệu cho 1 trứng (60gram cả vỏ hoặc 50gram không tính vỏ)

  • 1 trứng (tách lòng: 18-20gram lòng đỏ, 30-33gram lòng trắng)
  • 1/8 thìa café (teaspoon) cream of tartar
  • 21gram đường hạt mịn
  • 25gram bột mì đa dụng (hoặc bread flour) – KHÔNG dùng cake flour – RÂY MỊN
  • 12gram sữa tươi không đường
  • 7gram mật ong
  • Mật ong quét mặt bánh (khoảng 10gram mật ong + 1thìa café sữa tươi không đường)

Có một vài lưu ý liên quan đến nguyên liệu là:

1. Lưu ý trọng lượng trứng (60gram cả vỏ hoặc 50gram không tính vỏ), không dùng trứng quá nhỏ hoặc quá to, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh). Trứng ở nhiệt độ phòng khi dùng.

2. Vì đặc điểm của Kasutera là nhẹ nhưng hơi dai nên bột sử dụng phải là bột mì đa dụng hoặc bread flour, không dùng cake flour. Bột cần được rây 1-2 lần trước khi dùng.

3. Đường nên xay nhỏ mịn, lượng đường này mình đã giảm khá nhiều so với các công thức Kasutera khác. Nếu vẫn cảm thấy ngọt, các bạn có thể giảm thêm 10-15gram, không giảm nhiều hơn.

Với công thức cho 1 trứng như trên, tùy theo kích thước khuôn sử dụng, các bạn chỉ cần tính số trứng cần dùng và nhân các nguyên liệu còn lại theo cùng tỉ lệ là được.

Tỉ lệ trứng tham khảo cho một số loại khuôn thông dụng:

  • Khuôn tròn đường kính 15-18cm: 3-4 trứng
  • Khuôn tròn đường kính 19-22cm: 4-5 trứng
  • Khuôn tròn đường kính 22-24cm: 5-6 trứng
  • Khuôn vuông 20x20cm: 6 trứng

Với các loại khuôn khác, để quy đổi tỉ lệ nguyên liệu, các bạn có thể chia diện tích đáy của khuôn với diện tích đáy của khuôn vuông 20x20cm để tính lượng trứng cần sử dụng nhé.

Cuối cùng là 1 ví dụ cụ thể cho khuôn vuông 20x20cm (6 trứng).

  • 120gram lòng đỏ
  • 180gram lòng trắng
  • ¾ thìa café cream of tartar
  • 126gram đường hạt mịn
  • 150gram bột mì đa dụng (KHÔNG dùng cake flour) – RÂY MỊN
  • 72gram sữa tươi không đường
  • 42gram mật ong
  • Quét mặt bánh: 10gram mật ong + 5gram (1thìa café) sữa tươi không đường

Cách làm

1. Chuẩn bị nguyên liệu:

– Tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng

– Cân và rây mịn đường. Nếu là đường hạt to thì nên xay nhỏ lại.

– Cân và rây mịn bột.

– Cân sữa tươi và mật ong vào bát. Cho vào lò vi sóng quay khoảng 10-15 giây rồi quấy cho mật ong tan hết. Nếu không có lò vi sóng thì có thể đun ấm sữa trên bếp rồi trộn với mật ong.

2. Làm nóng lò 165 độ C (hai lửa).

Chống dính khuôn:

Quét một lớp bơ mỏng lên lòng và thành trong của khuôn. Phủ một lớp bột mỏng lên thành khuôn, úp ngược khuôn cho bột thừa rơi hết. Dùng một miếng giấy nến hoặc giấy trắng lót đáy khuôn.

* Ghi chú: Cách làm của Kasutera về cơ bản giống với cách làm của Gateau cơ bản bất bại, nếu bạn chưa quen thì nên xem kĩ ct Gateau cơ bản bất bại trước, đặc biệt là các lưu ý trong công thức.

3. Cho lòng trắng trứng vào âu. Để máy ở tốc độ thấp đánh đến khi nổi bọt khí lớn thì cho muối và cream of tartar. Đánh đến khi bọt khí nhỏ lại, hỗn hợp mịn như bọt xà phòng giặt thì cho đường vào âu (Dùng toàn bộ số đường trong ct, cho từng chút một, trong lúc cho đường vẫn giữ máy chạy ở tốc độ cao). Tiếp tục đánh đến khi trứng bắt đầu nổi đặc, có vân hiện ra khi chạy máy và bóng dẻo hơn thì hạ xuống tốc độ vừa. Trứng nên được đánh đến gần bông cứng. Khi nhấc que đánh lên thấy có chóp kéo theo nhưng chóp này có thể sẽ hơi ngoặt xuống.

Ghi chú:

– Lòng trắng trứng ở nhiệt độ phòngkhông dính tạp chất, đặc biệt là các chất béo như bơ, dầu, mỡ, lòng đỏ.

– Âu đánh và que đánh phải sạch và khô, không dính chất béo như bơ, dầu mỡ, lòng đỏ..

– Các bạn có thể xem thêm hướng dẫn cụ thể về cách đánh lòng trắng trứng tại ĐÂY

4. Để máy ở tốc độ thấp nhất, cho từng lòng đỏ vào, đánh hòa quyện rồi cho lòng đỏ tiếp theo (mỗi lòng đỏ đánh mất khoảng 15-20 giây). Sau khi cho hết lòng đỏ, giữ máy ở tốc độ thấp, đánh thêm khoảng 90 giây cho bọt khí trong hỗn hợp ổn định, hỗn hợp đặc mịn.

5. Để máy ở tốc độ thấp nhất. Múc từng thìa canh sữa mật ong cho vào âu trứng, đánh cho hòa quyện rồi mới cho thìa tiếp theo. Mỗi lần đánh sẽ mất 10-15 giây. Mất tổng cộng 1.5-2 phút để cho hết chỗ sữa.

Nếu các bạn đánh trứng đủ bông đặc ở bước (4) thì sau khi trộn hết sữa và mật ong, hỗn hợp sẽ loãng hơn một chút nhưng vẫn đặc và sệt tương đối, hoàn toàn không bị loãng hay lõng bõng như nước.

Trong trường hợp trứng bị loãng sau khi cho sữa và mật ong vào thì nguyên nhân có thể là:

  1. Đánh trứng chưa đủ độ bông
  2. Cho sữa và mật ong vào quá nhanh và quá nhiều trong một lần

Nếu thấy có dấu hiệu loãng thì các bạn có thể ngừng cho sữa và mật ong, tiếp tục đánh thêm 30-60 giây để hỗn hợp ổn định lại. Phần sữa và mật ong còn thừa để trộn cùng với bột.

6. Trộn bột vào hỗn hợp như sau:

– Chia bột mì làm 4 phần, rây từng phần vào âu. Dùng phới trộn theo kĩ thuật fold đến khi hết bột.

Đây là cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu không quen với cách trộn kiểu này, các bạn có thể trộn bằng máy với tốc độ thấp nhất. (mình đã làm bằng máy và hoàn toàn ổn nên các bạn yên tâm nhé). Sau khi trộn bằng máy, nên dùng phới vét thành âu nếu có bột dính ở thành âu.

7. Lọc bột qua rây, cho vào khuôn. Đập khuôn xuông bàn để các bọt khí to vỡ bớt. Nếu hỗn hợp quá loãng và có nhiều bọt khí to, có thể bỏ qua bước này.

Nướng 165 độ C trong khoảng 50-55 phút. Đây là nhiệt độ và thời gian nướng cho khuôn 20x20cm với 6 trứng, lò 52L và có nhiệt độ khá chính xác. Với lò nhỏ và các loại khuôn khác, các bạn tham khảo thêm hai bài viết sau về cách chỉnh nhiệt độ cho phù hợp: A-Z: Lò nướng – Kinh nghiệm chọn lò – Cách chỉnh lò để bánh không bị xẹp, lõm, thắt eo, ẩm, cháy… Phần 1 – Phần 2

Vì bánh có mật ong nên mặt bánh vàng khá nhanh, như mình nướng thì sau khoảng 35 phút là mặt bánh đã rất vàng rồi. Nên mình có chuẩn bị 1 tờ giấy bạc, chọc lỗ trên mặt giấy để phủ bánh, tránh cho mặt bánh bị cháy.

Trong lúc đợi nướng bánh, các bạn có thể chuẩn bị mật ong quét mặt bánh (pha mật ong với sữa ấm, quấy đều cho tan).

8. Bánh chín là khi mặt bánh vàng sậm, ấn thử lên mặt bánh thấy vết lõm phồng trở lại. Thành bánh có thể hơi tách khỏi thành khuôn một chút.

Sau khi bánh chín thì các bạn dùng dao mảnh rọc quanh thành khuôn rồi lấy bánh ra khỏi khuôn. Dùng chổi phết mật ong pha sữa lên mặt bánh. Tiếp theo, dùng giấy bạc và nilon bọc thức ăn bọc bánh lại khi bánh còn nóng ấm. Đợi bánh nguội bớt thì cho vào tủ lạnh để nửa ngày hoặc qua đêm.

Việc bọc bánh lại khi nóng ấm là việc bắt buộc để có bánh ẩm và dai như ý muốn. Khi bọc bánh lại, do bên trong bánh còn hơi ấm nên lớp giấy sẽ bị hấp hơi một chút, đây là hiện tượng bình thường. KHÔNG đợi đến khi bánh nguội mới bọc vì bánh có thể sẽ rất khô.

Bánh thành công sẽ có các đặc điểm như mô tả ở đầu bài: Bánh mềm, nhẹ, xốp, không bị bết hay đặc, lỗ khí rất nhỏ và mịn (nếu trộn bột bằng máy có thể sẽ có ít lỗ khí to nhưng không đáng kể). Bánh ẩm và sau khi để lạnh ăn hơi dai và dẻo, hoàn toàn không có cảm giác nghẹn. Bánh thơm mùi Gateau truyền thống và mùi mật ong, ngọt vừa phải.

* Một vài “bệnh” thường gặp và nguyên nhân:

1. Nếu bánh bị xẹp, ruột đặc bết thì nguyên nhân có thể do bánh nướng chưa đủ chín, các bạn đọc thêm các bài viết sau để biết cách khắc phục: A-Z: Lò nướng – Kinh nghiệm chọn lò – Cách chỉnh lò để bánh không bị xẹp, lõm, thắt eo, ẩm, cháy… Phần 1 – Phần 2

2. Nếu bánh không nở được, chai cứng hoặc bọt khí rất to thì nguyên nhân là do đánh trứng chưa đủ và/hoặc trộn bột quá kĩ.

3. Riêng về độ cao của bánh, trong tất cả các loại bánh mình làm, thường mình không bao giờ đo độ cao của bánh vì nó phụ thuộc vào rât nhiều yếu tố khác nhau, cho nên việc đưa ra một con số không giúp ích được gì nhiều và có thể sẽ tạo áp lực nếu bánh của bạn không cao được như vậy. Chỉ cần bánh đạt được các đặc điểm nêu trên là điểm 10/10 rồi nhé