Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Alpha Books: Tôi cho rằng lập kế hoạch kinh doanh hay mở quán cà phê... cũng cần chuẩn bị rất kỹ càng trước khi bắt tay thực hiện.
Trước khi kinh doanh, bạn cần trình bày trên giấy những gì bạn định làm, và dự kiến sự phát triển của bạn. Cơ bản gồm các mục chính: Định hướng kinh doanh (chiến lược); Tài chính (nguồn vốn đầu tư, dự trù thu chi tức là dòng tiền mặt, dự kiến lãi/lỗ…); Nhân sự (bạn định thuê bao nhiêu người, chi phí lương ra sao… vai trò, chức danh, nhiệm vụ của họ); Bán hàng (bán theo kênh nào, cách nào…); Hậu cần (mua sắm những gì…).
Đối với việc mở quán cà phê của bạn, bạn cần xây dựng kế hoạch kinh doanh gồm các phần:
- Định hướng (sự khác biệt của quán này là gì, sẽ hoạt động theo kiểu nào, nhượng quyền hay lập tên mới…)
- Địa điểm (đây là vấn đề rất quan trọng) và cách trang trí/sắp xếp
- Nguồn vốn đầu tư
- Dòng tiền mặt (thu chi trong tháng dự kiến sẽ thế nào, có những khoản nào phải chi và dự kiến doanh thu là bao nhiêu…)
- Marketing: bạn định quảng bá, quảng cáo và lôi kéo khách hàng như thế nào gồm chính sách giá cả; sản phẩm (có ăn hay chỉ bán cà phê…)
- Nhân sự
Nếu bạn chưa chắc chắn về kế hoạch kinh doanh, bạn nên tìm những người có kinh nghiệm để hướng dẫn, góp ý cho bạn. Bạn nên tìm kiếm mô hình quán cà phê nào đó bạn ưng ý hoặc phù hợp nhất với định hướng của bạn để tham khảo.
Những điều cần ghi nhớ khi kinh doanh quán cafe
Cảm thấy nhu cầu thiếu sân chơi trầm trọng, các bạn trẻ có chút vốn đua nhau kinh doanh quán cà phê. Nhưng nhiều quán khai trương hoành tráng, bán lại hắt hiu. Vì sao họ thất bại? Dưới đây là một vài ghi nhớ nếu bạn đang có ý định kinh doanh loại hình này.
Giới hạn khách - sai lầm!
"Cà phê Báo" - một quán cà phê rất nhiều báo, dành riêng cho dân báo chí gặp gỡ, đọc, tìm tư liệu và bình luận. Nghe mọi thứ đều rất hấp dẫn, mới, nhưng quán vắng đến... quặn lòng. Vì ông chủ không hiểu một điều đơn giản.
Thời đại Internet, muốn tìm thông tin chỉ lên mạng search vài giây là xong. Không ai mò tư liệu như thời các cụ. Phóng viên ngồi quán là để chuyện phiếm, hóng hớt được gì là sục đi làm ngay chứ đâu phải để... đọc báo cũ. Thế là quán mở ra, đối tượng tiềm năng của quán thấy không có gì "nóng" ở đó, còn đối tượng khác cũng chẳng tìm được gì hay ho trong cái quán không dành cho mình. Vậy là... đi!
Có bao nhiêu loại quán?
Nếu phân loại tạm thời có thể chia quán làm 4 loại:
Cà phê cá tính: mang những nét tính cách độc đáo, để khi bước vào là thoát khỏi không gian bên ngoài, khách phải ngạc nhiên và nhớ về một không gian lạ.
Cà phê vườn: khung cảnh tự nhiên thoáng mát, riêng tư cho các đôi tâm sự.
Cà phê bình dân: cho người lao động, bạn bè thân thiết và là chỗ mà mọi người đến rồi đi rất nhanh.
Cà phê thưởng thức: là nơi chỉ dành để thưởng thức cà phê, dành cho những người "sành miệng".
Những phong cách quán cafe khác nhau
Ngoài ra có thể kể đến cà phê ca nhạc, cà phê thời trang... nhưng không căn bản lắm.
Cà phê "đại chúng" lên ngôi
Nếu chuẩn bị đi tìm địa điểm để mở quán, bạn đừng nhọc công nghĩ đến 2 loại quán: cà phê vườn và cà phê thưởng thức. Chúng vượt ngoài khả năng của bạn. Cà phê vườn tuy vốn ban đầu không lớn: chỉ khoảng 10-20 triệu dành cho bàn ghế (thường là băng ghế gỗ, mây), vài chậu cây cành lá loè xoè để... nguỵ trang, vài tấm mành ngăn cách các ô, còn lại tiền đầu tư cho nguyên liệu giải khát, âm thanh không nhiều. Đối tượng vào quán không phải là đối tượng thẩm định chất lượng nước uống và âm thanh. Họ cần không gian riêng tư, thoáng mát, thế là đủ! Nhưng không gian ấy, nếu không phải là tài sản sẵn có thì bạn hãy nghĩ đến số tiền khổng lồ đi thuê mặt bằng.
Cà phê thưởng thức chỉ dành cho người kinh doanh cà phê chuyên biệt. Thứ nhất, vốn ban đầu lên tới cả trăm triệu để học được kỹ xảo pha chế cà phê rang xay, mua máy xay, rang, dụng cụ pha chế, ly tách chuyên dụng, pha riêng cho những khách am hiểu về cà phê và chỉ uống cà phê ngon đến hoàn hảo. Như những hàng cà phê rang xay trên phố Triệu Việt Vương hiện nay, thế mạnh của họ là gia truyền, sử dụng hạt cà phê mới. Nhưng điểm yếu của họ lại là không gian cũ, chật và phục vụ uể oải. Loại quán này cần thời gian dài để kiếm một thương hiệu, tốt nhất nên bỏ qua.
Vốn ít, địa điểm không có, mở quán loại gì?
Chỉ bán cà phê không thì thu rất khó bù chi. Vì thế người ta thường kết hợp cà phê mua sắm (ví dụ như quán cà phê trên tầng 3 siêu thị Fivimart), cà phê kết hợp thẩm mỹ viện, thời trang, cà phê kết hợp ăn nhẹ, ăn fastfood, cà phê trong rạp phim cho người chờ đến giờ chiếu, cà phê trong cửa hàng sách báo để khách mua sách và đọc luôn... Mặc dù những quầy cà phê trong cửa hàng, siêu thị không lớn nhưng doanh thu rất cao, vì chính nhân viên bán hàng cũng cần một chỗ để thư giãn sau khi đứng chào hàng cả ngày.
Điều tra cho thấy những người dân lao động bình thường trong thành phố lớn đến quán cà phê mỗi tuần trung bình 3-4 lần. Chỉ với khoảng 10 triệu đồng đầu tư cho quầy cà phê nhỏ, kèm thêm khả năng thương thuyết với nơi bạn muốn đặt quán thì đã có thể có được một quán cà phê đại chúng với lượng khách hàng tiềm năng rất lớn.
QUÁN CÀ PHÊ
Giới thiệu
Ngày nay, mọi người đến quán cà phê không đơn thuần chỉ để uống cà phê mà còn để thưởng thức không gian, phong cách ấn tượng của quán. Có rất nhiều quán cà phê được mở ra, tập trung nhiều nhất tại các trung tâm thành phố, nhưng không phải quán cà phê nào cũng tạo được sức hút với khách hàng. Những quán cà phê được yêu thích nhất đều là những quán có phong cách riêng và độc đáo.
Nhiều quan điểm cho rằng bạn phải tìm được một địa điểm tốt mới giúp kinh doanh quán cà phê thành công. Tuy nhiên, đối với loại hình kinh doanh này, địa điểm kinh doanh chỉ chiếm 40% sự thành công. Có khá nhiều quán cà phê hiện nay có phong cách lạ, độc đáo, dù không nằm tại vị trí “đắc địa” nhưng vẫn thu hút nhiều khách hàng. Vậy đâu sẽ là những điểm cần thiết giúp bạn khởi nghiệp thành công với hình thức kinh doanh quán cà phê?
Điều kiện khởi nghiệp
oVốn :vốn đầu tư ban đầu từ 80 triệu trở lên tùy vào quy mô của quán, dùng cho:
üĐặt cọc thuê mặt bằng;
üSửa chữa, trang trí quán;
üTrang bị bàn ghế;
üCác dụng cụ pha chế, ly tách...;
üVốn dự phòng cho ít nhất 3 tháng đầu kinh doanh
-Con người
üTuyển người: Với quán có quy mô nhỏ, chỉ cần tuyển một giám sát, một nhân viên pha chế, một thu ngân và khoảng 3-4 nhân viên phục vụ, sau này có thể tuyển thêm nhân viên tùy theo sự phát triển của quán.
üBạn là người khởi nghiệp phải tìm hiểu kỹ về cách kinh doanh quán cà phê, nhất là không gian quán, nghiên cứu về địa điểm và phân khúc khách hàng.
-Pháp lý:sau khi đã có được mặt bằng, bạn cần đến phường, xã nơi bạn định mở quán làm giấy phép kinh doanh. Quán cà phê chỉ đóng thuế khoán dưới hình thức Hộ kinh doanh cá thể.
-Công tác chuẩn bị
oNghiên cứu kỹ về địa điểm kinh doanh. Nếu có thể lựa chọn địa điểm nằm gần các công ty hoặc khu dân cư… sẽ là lợi thế.
oĐối với quán cà phê, không gian quán đặc biệt quan trọng, cho nên cần chuẩn bị cho việc thiết kế quán kỹ lưỡng, tạo một phong cách riêng.
oLập menu: ngoài cà phê, cần có đầy đủ các loại thức uống thông dụng như đá chanh, nước ngọt, sinh tố, nước ép trái cây….
oLập bản kê chi tiết những vật dụng, công cụ cần mua.
Yêu cầu chuyên môn
Lập kế hoạch kinh doanh:
oNghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh tại khu vực mình sắp kinh doanh. Từ đó, lựa chọn khách hàng mục tiêu để lên kế hoạch kinh doanh cụ thể.
oLập kế hoạch marketing (băng rôn, tờ rơi, quảng cáo), kế hoạch tuyển dụng nhân viên và phương án quản lý kinh doanh chi tiết (quản lý nguyên liệu đầu vào, quản lý thu ngân, điều hành nhân viên) phương án vận hành bộ máy kinh doanh cụ thể từ giữ xe, phục vụ, thu ngân...
oLập kế hoạch doanh thu, chi phí, lợi nhuận cho từng tháng, dự trù kinh doanh lỗ trong 3 tháng đầu tiên.
Kiến thức, kỹ năng chuyên môn
oKiến thức về pha chế: cần có từ 1-2 nhân viên pha chế đã qua trường lớp và có kinh nghiệm làm việc, sẽ có thể xử lý toàn bộ việc pha chế các loại thức uống. Nếu bạn là chủ đầu tư, thì nên tập trung vào không gian, âm thanh và dịch vụ, giá bán của quán.
Kinh nghiệm
- Kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh cà phê là một lợi thế, bạn nên nghiên cứu kỹ sự thành công của những quán gần khu vực bạn dự định kinh doanh để học hỏi thêm.
-Khi mở quán cà phê, bạn nên thận trọng với các dịch vụ tư vấn (Set-up) quán, có thể gây chi phí đầu tư cao và không hiệu quả.
Khởi nghiệp từ quán cà phê
Công việc kinh doanh đầu tiên của nhiều bạn trẻ sau thời gian làm thuê, là tập tành thành chủ quán cà phê nho nhỏ. Không ít người trong số họ đã gặt hái thành công bất ngờ, thậm chí gây dựng được thương hiệu riêng.
Sinh năm 1981, học ngành hóa thực phẩm và đang tiếp tục hoàn thành chương trình MBA, Yên Mai Linh chọn một ngã rẽ gây sốc cho gia đình. Cô quyết định mở quán cà phê My Life với vốn ban đầu khoảng 400 triệu đồng. Bỏ ngoài tai lời nói khích của bố: "Con học cho lắm vào rồi đi bán cà phê à?", Linh lặng lẽ mở công ty riêng. Sẵn tiềm lực về tài chính, cô chủ 8x táo bạo phát triển My Life thành chuỗi cà phê tại các khu vực trung tâm TP HCM như: Đinh Tiên Hoàng, Nam Quốc Cang, Võ Văn Tần, đến nay đã có 4 quán lớn nhỏ.
Với gu nhạc nhẹ, thiết kế nội thất gỗ nền nhã, bày trí giản dị nhưng hiện đại; kết hợp giải khát với ngắm hoa, ăn uống, lại chọn những vị trí gần các cao ốc văn phòng; My Life nhanh chóng được giới công sở ưa chuộng. Khác với các quán khác chỉ hút khách vào buổi tối, quán của Linh lại đắt hàng vào ban ngày, đặc biệt là những giờ nghỉ trưa và xế chiều, thời điểm các nhân viên văn phòng tan tầm hoặc tạt vào bàn công việc.
Vất vả chạy đi chạy lại, Linh thừa nhận, kinh doanh còn nhiều thử thách phía trước. Tại My Life đường Võ Văn Tần, quận 3, cô chia sẻ với VnExpress.net: "Dù đã có một vài lời ngỏ nhượng quyền nhưng mình vẫn muốn xây dựng My Life thành một tên tuổi chuẩn mực rồi mới tính đến việc bán thương hiệu".
|
Không gian được bày trí giản dị nhưng hiện đại, sang trọng và đầy hoa của My Life. Ảnh: H.T. |
Không có nhiều tiền để thực hiện dự án lớn, nhiều bạn trẻ thầm lặng xây những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp bằng cách hợp tác mở quán cà phê nhỏ. Hà Thanh Phúc sinh năm 1988, cùng một người bạn ky cóp hơn 400 triệu đồng mở quán Cooku’s nest (Tổ chim cúc cu) khi còn là sinh viên Đại học Ngoại thương TP HCM.
Quán nằm trên đoạn đường tĩnh lặng Tú Xương, quận 3, nhỏ xinh, ấm cúng, mang dáng dấp một ngôi nhà trên cao nguyên. Khách đến đây sẽ nhớ Đà Lạt vì mùi gỗ thoang thoảng vương trong không khí. Nhiều bạn trẻ ghé nơi này vì chuộng ánh sáng dìu dịu đủ để ấm cúng, nhạc nhè nhẹ đủ để thấy lòng bình yên, nến và hoa be bé đủ để ru lòng người tìm chút lãng mạn.
Vốn say mê loại hình giải khát kết hợp với band nhạc du mục của phương Tây, Phúc linh hoạt tổ chức các chương trình ca nhạc hàng đêm bắt đầu lúc 21 giờ tối. Ca sĩ và nhạc công không hẳn là người nổi tiếng, nhiều khi là giọng ca không tên tuổi nhưng hòa đồng, thân mật với khán giả. Có khi ca sĩ đến trễ, Phúc đứng ra làm người dẫn chương trình, trổ tài kể chuyện và đọc thơ, chia sẻ với khách.
Ít ai biết rằng, Phúc đã mất ăn mất ngủ 3 tháng ròng đi khắp Sài Gòn dò hỏi cò đất để tìm mặt bằng ưng ý, vác từng viên gạch phụ hồ xây nền, đi đến tận Tân Phú để tìm gỗ thô loại rẻ tiền nhất ốp vách, lặn lội đến các xưởng bán đồ thủy tinh để chọn ly tách thuộc hàng độc. Đó là chưa kể chuyện một cậu con trai đi chợ mua trái cây "chai mặt" ngã giá như con gái, thức khuya dậy sớm tìm mối lái để mua được giá hời.
|
Các nhạc công và ca sĩ trẻ tại Cooku’s nest cà phê vào buổi tối. Ảnh: H.T. |
Chàng sinh viên tập tành kinh doanh kể, ngày khai trương quán không đủ bàn ghế, khách mời ngồi bệt xuống nền nhà nhưng bạn bè thông cảm không kêu ca. Thời gian đầu quán không có thợ pha chế thức uống, có hôm Phúc pha cà phê không nhỏ một giọt, khách kêu ra mắng té tát, đòi gặp quản lý để phàn nàn, nhưng khi biết bồi bàn cũng là chủ quán thì rộng lượng bỏ qua. "Quán là niềm vui và đam mê của mình từ thời cấp 3, nhưng rồi say mê đến đâu thì cũng phải đối mặt với việc kinh doanh nghiêm túc nên cứ rảnh giờ nào mình ghé quán giờ nấy mới yên lòng", Phúc nói.
Nhóm bạn trẻ Hương, Tường, An đều sinh năm 1983, quen nhau từ thời còn làm chung một công ty quảng cáo, quyết định hùn vốn mở quán cà phê. Cuối năm 2008, mọi người loay hoay vay mượn được 300 triệu đồng và hăm hở tìm mặt bằng rồi sửa sang, đề co và chăm chút cho cơ nghiệp bé nhỏ.
Đầu năm 2009, quán Yên khai trương trong lời phản bác, gièm pha của bạn bè với nhiều dự báo không tốt, thậm chí còn bị phê phán là tầm nhìn hạn hẹp, có nguy cơ thất bại. Bởi lẽ, mặt bằng quán bị bó hẹp trong 4 bức tường tù túng, nằm trong con hẻm sâu dẫn vào một khu tập thể trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Một vị trí bị cho là xấu và chật hẹp, không đáng để tới lui huống chi là ngồi uống cà phê. Thế nhưng bằng sự sáng tạo, góc nhìn mới lạ pha lẫn chút liều lĩnh, nhóm bạn trẻ này đã chứng minh điều ngược lại.
Ghé vào và ngồi lại với Yên, khách sẽ bị thuyết phục bởi không gian yên ả, nhẹ nhàng như khói với gu nhạc không lời, đối lập với Sài Gòn náo nhiệt. Quán "ăn" khách ở lối bày trí cổ điển.
|
Quán cà phê Yên có lối bày trí cổ điển gợi cảm giác thanh bình cho khách. Ảnh: H.T - Đ.H. |
Đó là cành đào khô trơ trụi treo cao ở góc sát trần nhà; một bức tranh vẽ mộc phỏng theo cuốn sách Hoàng tử bé; mảng tường gạch cũ; một cánh cửa xanh được vẽ trên nền sơn trắng gợi tò mò; vài chiếc kệ gỗ rẻ tiền có nhiều sách văn học; căn gác nhỏ với hai ô cửa sổ nhìn ra bãi đất trống xanh rì cỏ... Tất cả làm khách lạ thấy lòng mình lắng xuống như được trở về nhà nghỉ ngơi, tách khỏi những ồn ã bên ngoài và thư thả sống chậm lại để nhâm nhi một cốc kem, cà phê.
Quy định của Yên là nói chuyện nhỏ nhẹ, không hút thuốc, vài tối trong tuần có ca sĩ trẻ đến chia sẻ đam mê âm nhạc. Họ hát và đàn để gần nhau hơn chứ không kiểu cách như những ngôi sao thời thượng. Mọi thứ cứ thấm vào lòng khách một cách mộc mạc, tự nhiên, dần dần khiến nhiều người rỉ tai nhau tìm tới.
Trao đổi với VnExpress.net, Hương, quản lý quán cho biết: "Một năm kinh doanh đối mặt với rất nhiều thử thách ban đầu đã qua, tuy hiện nay cả bọn vẫn phải trả nợ vay nhưng mọi thứ đã dần ổn định".
Hương tâm sự, trước đây học xong rồi đi làm, mở quán cà phê cũng chỉ bắt nguồn từ sở thích, nên khi lao vào việc mới bỡ ngỡ, lạ lẫm đủ điều. Thế nhưng niềm vui với công việc kinh doanh đã dần dần được lấp đầy bởi những trải nghiệm thú vị từ sự tán thưởng và quay lại nhiều hơn của khách.
Các cô, cậu chủ thế hệ 8x dù chỉ tập tành kinh doanh từ những quán cà phê nhỏ nhưng đã gặp nhau ở chí lớn, đó là không ngần ngại theo đuổi đến tận cùng niềm đam mê của mình. Nói như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cơ hội kinh doanh cho giới trẻ hiện nay rất nhiều, điều quan trọng là các bạn có dám ước mơ và nung nấu ý chí, tìm cách thực hiện ước mơ đó hay không.
Kinh nghiệm kinh doanh từ cà phê Internet
Khi internet còn mới mẻ và chưa đến được với mọi người, đã có người nghĩ đến việc lắp đặt mạng internet tại quán cà phê để tạo ra một kiểu kinh doanh mới gọi là cà phe internet (cyber cafe).
Quán cà phê internet là quán bar mà bạn có thể trả hoặc không trả tiền cho các thứ bạn uống, nhưng phải trả phí cho thời gian bạn lưu lại trong quán. Tại bàn nơi khách hàng kêu đồ uống, có một máy vi tính được kết nối internet cho khách hàng tuỳ ý sử dụng. Khách hàng có thể lướt trên mạng internet, gửi và nhận thư điện tử, hay nói chuyện trên mạng. Giờ thì bạn không cần thiết phải có bạn đồng hành đi cùng khi vào quán bar uống nước nữa. Bạn có thể đi một mình, gọi một ly cà phê và giao tiếp với ai đó qua internet.
Các quán cà phê internet đã trở nên phổ biến và đem lại cho các chủ quán mức lời thu được tính trên một mét vuông diện tích cửa hàng cao hơn so với chỉ bán cà phê và nước giải khát.
Ngoài ra, khác với các quán bar thông thường, thời gian mà khách hàng ngồi lại càng lâu thì thu nhập cho quán càng tăng. Tại quán cà phê thông thường, chủ quán muốn cho khách hàng rời bàn sớm để dành chỗ cho khách hàng mới đến. Đối với các quán cà phê internet thì điều này không xảy ra. Số tiền khách hàng phải trả là tính theo thời gian, do đó lợi nhuận thu được tính trên mét vuông sàn nhà là rất lớn.
Chúng ta hãy tạm quên đi internet. Các quán bar và căng tin có thể làm gì khác? Vận dụng lý thuyết phân khúc thị trường và định vị. Chúng ta có thể nghĩ đến căng tin phục vụ cho khách hàng sành điệu cà phê hay yêu thích cà phê với hơn 50 loại cà phê khác nhau. Chúng ta có thể ngồi nghĩ đến một quán bar với chỗ ngồi quyến rũ dành cho các đôi nam nữ hay bạn bè tìm chỗ để tâm sự. Chúng ta có thể nghĩ đến khái niệm căng tin phục vụ nhanh, nơi bạn được phục vụ rất nhanh chóng và hệ thống tự phục vụ trả tiền trước. Hoặc chúng ta có thể nghĩ đến một căng tin dành cho tập thể, với các bàn dành cho 10 người trở lên.
Thế nhưng internet? Bạn hãy để ý một điều, nếu bạn chỉ suy nghĩ trong khuôn khổ thị trường các quán cà phê thì lý luận về phân khúc và định vị không thể đưa đến khái niệm ‘quán cà phê” + “máy vi tính”.
Xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng
Kế hoạch kinh doanh bán hàng hoàn hảo
Kế hoạch kinh doanh thức ăn nhanh
Kế hoạch kinh doanh bánh kem
Kế hoạch kinh doanh bảo hiểm
Kế hoạch kinh doanh ăn uống
(st)