Chữa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột nhanh chóng
Cách làm hết nấc cụt nhanh chóng bằng những mẹo đơn giản
Bạn có kế hoạch kinh doanh theo mô hình cửa hàng, chắc hẳn bạn đã chuẩn bị đầy đủ từ những kinh nghiệm thực tế mà bạn trải qua. Tuy nhiên mình xin giới thiệu thêm 1 vài thông tin để bạn tự tin trước khi bạn bước vào thế giới kinh doanh mới.
1. GIỚI THIỆU
Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu, các trung tâm chăm sóc da, spa… liên tục xuất hiện để phục vụ cho việc làm đẹp cho khách hàng. Song song đó, khách hàng cũng có nhu cầu tự làm đẹp tại nhà. Mỹ phầm đã đáp ứng những nhu cần thiết này cho khách hàng. Việc sử dụng mỹ phẩm không chỉ để làm đẹp mà còn có nhiều tác dụng khác trong việc chăm sóc sức khỏe cơ thể.
Kinh doanh mỹ phẩm cần đến sự am hiểu về cách sử dụng mỹ phẩm, cách bảo dưỡng từng loại da mặt, màu da… vì thế việc kinh doanh mặt hàng này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn ngoài việc cạnh tranh trên thị trường.
2. ĐIỀU KIỆN KHỞI NGHIỆP
- Vốn: Vốn đầu tư ban đầu: 100-200 triệu, gồm:
+ Chi phí mặt bằng: ký hợp đồng ít nhất 1 năm. Diện tích từ 30 m2
+ Chi phí cho quầy, tủ kiếng, gương soi, bàn ngồi tư vấn…
+ Chi phí mua hàng ban đầu do không thể mua hàng gối đầu trong những lần đầu tiên
+ Chi phí cho việc thuê 1-2 nhân viên trong 2-3 tháng. Tuy nhiên nếu cửa hàng nhỏ thì có thể chủ nhân vừa có thể bán hàng, vừa quản lý để tiết kiệm chi phí trong giai đoạn đầu
+ Chi phí dự phòng trong vòng 3 tháng đầu khi kinh doanh
-> Thời gian chuẩn bị: khoảng 1 tháng
- Nhân viên (nếu có):
+ Cần tuyển nhân viên am hiểu về chăm sóc sắc đẹp, biết sử dụng nhiều loại mỹ phẩm;
+ Có khả năng giao tiếp;
+ Có làn da đẹp và yêu thích công việc làm đẹp
- Pháp lý:
+ Chỉ cần đến Ủy ban nhân dân phường, nơi kinh doanh để xin giấy phép kinh doanh và nộp thuế khoán
- Lợi thế:
+ Địa điểm: Chọn vị trí mặt tiền, gần các văn phòng hoặc trường học
3. YÊU CẦU CHUYÊN MÔN
- Lập kế hoạch bán hàng: gồm các khoản mục
+ Nghiên cứu nhu cầu của thị trường quanh khu vực bán hàng, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và giá bán tại khu vực dự kiến kinh doanh;
+ Mục tiêu bán hàng: dự trù doanh thu, chi phí , lợi nhuận hàng tháng;
+ Cách quảng cáo, thu hút khách hàng bằng các bảng hiệu, website (nếu có thể), …
- Kỹ năng:
+ Quản lý trưng bày và ghi nhớ các mặt hàng mà bạn kinh doanh: việc sắp xếp gọn gàng, logic sẽ giúp bạn đỡ mất thời gian tìm kiếm cũng như kiểm kê định kỳ
+ Giao tiếp: khách hàng thường lưu tâm đến thái độ bán hàng của người chủ tiệm hoặc nhân viên. Do đó, cần thể hiện sự nhiệt tình, vui vẻ khi bán hàng
+ Một số loại mỹ phẩm thường gây dị ứng do đó nhân viên cần xử lý tốt những tình huống như vậy để không làm mất uy tín cửa hàng. Ví dụ có thể hướng dẫn khách hàng sử dụng một loại mỹ phẩm khác để chống dị ứng, hay liên hệ một số trung tâm, bệnh viện… để được chẩn đoán phù hợp
- Kinh nghiệm:
+ Bạn phải am hiểu về việc sử dụng các loại mỹ phẩm; cách sử dụng mỹ phẩm như dưỡng da ban đêm, loại hoạt chất nào có lợi cho da, loại nước hoa nào thích hợp với người có cá tính mạnh mẽ, hay nữ tính…
+ Cũng cần có kinh nghiệm về các loại mỹ phẩm dành cho nam giới, trẻ em, người lớn tuổi… vì khách hàng thường bối rối không biết lựa chọn sản phẩm nào phù hợp
- Nguồn hàng:
+ Kinh doanh các loại mỹ phẩm ngoại nhập: chợ An Đông, Saigon Square, Linhperfume, Thegioinuochoa…
+ Một số công ty, cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước như: Thorakao, Mỹ phẩm Sài Gòn,…
+ Một số nhãn hiệu mỹ phẩm nước ngoài có nhà máy sản xuất hoặc có trung tâm phân phối tại Việt Nam: Debon, O’lay, Clean & Clear, The Faceshop…
Bài học kinh doanh từ bà chủ hãng mỹ phẩm Bésame
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về Gabriela Hernandez, một doanh nhân đã đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào mọi công việc
trong công ty do chính mình gây dựng nên, từ việc xây dựng thương hiệu, đóng gói cho đến việc lựa chọn các nhà cung cấp phù hợp.
Doanh nhân: Gabriela Hernandez, 42 tuổi
Lai lịch: Một sử gia nghệ thuật thành công và nhà thiết kế đồ họa, Gabriela Hernandez Waist- cùng với chồng đồng sáng lập tập đoàn Alma Group, một đại lý chuyên về thiết kế tại Los Angeles. Sau đó Hernandez rời bỏ Alma Group và đầu tư 1 triệu đô la tiền vốn riêng sáng lập và điều hành công việc kinh doanh mỹ phẩm. Hernandez đã biến hãng kinh doanh của mình trở nên nổi tiếng nhờ thiết kế độc đáo tinh xảo và khéo léo.
Công ty: Khai trương năm 2004, thoạt tiên Bésame Cosmetics bán hàng qua trang web nhưng hiện nay hàng hóa của hãng đang bày bán tại những cửa hàng bách hóa nổi tiếng như Printemps tại Paris, và Holt Renfrew tại Vancouver, cũng như trong rất nhiều cửa hàng bán lẻ khác.
Bán hàng: Bésame Cosmetics, đóng tại Glendale, Calif., với khoảng 40,000 đô la doanh thu bán hàng trong năm đầu tiên và lên kế hoạch đạt doanh thu 1.2 triệu đô la trong năm 2007.
Câu chuyện của Gabriela Hernandez: Hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của tôi, vì vậy suy nghĩ để tạo ra cái gì đó: Một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, một bức ảnh-với tôi chưa bao giờ là một thử thách quá khó. Điều mà tôi muốn thực hiện là thông qua việc sử dụng những kỹ năng mà tôi học được trong 20 năm lao động miệt mài để cố gắng tạo ra một nhãn hiệu sống mãi với thời gian
Ý tưởng về việc chế tác các sản phẩm làm đẹp đến với tôi sau khi tôi có dịp làm việc với một số dự án thương hiệu cho các nhà sản xuất trong ngành mỹ phẩm. Tôi may mắn là người sở hữu nhiều thứ độc đáo thừa hưởng từ thời ông bà tôi, và suy nghĩ muốn biến những thứ đáng yêu đó thành các tác phẩm nghệ thuật làm tôi không thể cưỡng lại được. Tất nhiên, thị trường bị bão hòa với các nhãn hiệu mỹ phẩm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy Bésame là một đối thủ trực tiếp tới bất kỳ nhãn hiệu cụ thể nào trên thị trường bởi vì sản phẩm của chúng tôi có mục tiêu riêng cũng như dễ dàng phân biệt được với các nhãn hiệu khác.
Không bị lẫn trong đám đông
Tôi muốn xây dựng một công ty có trái tim và một linh hồn mà mọi người có thể cảm nhận được thông qua những sản phẩm của chúng tôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ theo một cách tích cực. Sản phẩm phải được lưu lại trong tâm trí những người sử dụng và được cộng đồng nhắc tới với sự trìu mến và cảm giác thân thuộc.
Làm cách nào để tạo ra một nhãn hiệu không bị lẫn trong một thị trường đông đúc? Tạo ra một nhãn hiệu cũng giống như việc sinh ra một người hoàn hảo đáp ứng các yêu cầu do mình đặt ra. “Con người” này có cá tính, có đạo đức, có tính khí và có một vẻ ngoài vật chất. Khi tạo ra Bésame, tôi đã truyền vào nhãn hiệu một cá tính rõ ràng, trong mọi chi tiết, và khách hàng có thể cảm nhận được điều này.
Từ các kiểu dáng thiết kế của những hộp đựng đến mùi của sản phẩm cho tới việc không ngừng sáng tạo mẫu mã, tất cả là một phần trong một quá trình đồng bộ, thêm vào đó là sự khác biệt. Các khách hàng sẽ biết chúng tôi là ai, chúng tôi đại diện cho cái gì, và thậm chí họ còn nói cho chúng tôi biết họ muốn chúng tôi làm ra những sản phẩm nào. Khách hàng luôn vui vẻ hợp tác với tôi tại các cuộc họp mặt khách hàng và nói những điều họ thích hay không thích về những sản phẩm của chúng tôi.
Nhãn hiệu có cá tính
Nhãn hiệu có cá tính riêng là một trong những điểm khác biệt chủ yếu và quan trọng để nhãn hiệu đọng lại trong tâm trí khách hàng. Tư cách đạo đức của công ty cũng là một thành phần chính yếu khác góp phần tạo nên thành công cho một nhãn hiệu. Khách hàng phải biết chỗ đứng của công ty trong các vấn đề mà họ coi là quan trọng. “Giúp đỡ” khách hàng để họ cảm thấy hài lòng về sự lựa chọn của mình là một cách rất hay góp phần vun trồng mối quan hệ với khách hàng.
Tôi chọn cho Bésame một phong cách nữ tính, một cá tính lãng mạn, thanh lịch và độc đáo. Bésame mang trong mình những giá trị thời trang cổ điển, những giá trị tin cậy và đã được kiểm chứng qua thời gian.
Tính nhất quán là chìa khóa
Để xác định cách thức dùng để truyền đạt tính độc đáo cho nhãn hiệu của mình, tôi đã phải quan sát toàn cảnh những nhãn hiệu khác cùng loại mặt hàng trên thị trường. Tôi đã nhìn thấy một biển những hộp nhựa đen với những biểu tượng khác nhau được đóng dấu lên trên những bề mặt kém hấp dẫn đó. Tôi quyết định làm Bésame trở nên độc nhất vô nhị nhờ công nghệ đúc khuôn và sử dụng nhiều kim loại hơn trong việc làm bao bì. Chính những thiết kế rất riêng đó đã làm các sản phẩm của chúng tôi rất khác biệt và nổi bật.
Trong việc sử dụng đồ họa, tính nhất quán là chìa khóa. Những màu sắc, những kết cấu và kích cỡ tất cả đều góp phần tạo ra một hình ảnh đáng nhớ cho khách hàng, và chính điều này là điểm đầu tiên tạo ra nét riêng cho thương hiệu. Màu sắc là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của bao bì. Nó thường được dùng làm phương tiện đem lại sự nổi bật cho nhãn hiệu trong hàng loạt các sản phẩm cùng loại nằm chen chúc trên giá bán.
Tôi chọn màu gạch đỏ và màu kem mát mẻ vì màu đỏ đại diện cho cảm xúc mạnh mẽ và sự thanh lịch của vua chúa, trong khi đó màu kem cân bằng sức mạnh của màu đỏ làm cho nó đỡ chói gắt. Mô típ hoa được chúng tôi sử dụng trong mỗi sản phẩm. Mô típ này hiện diện trên các danh thiếp và nó làmcho nhãn hiệu của chúng tôi được xác định rõ ràng trong bất kỳ môi trường bán lẻ nào.
Người thiết kế giúp tôi xây dựng một hệ thống mẫu mã đóng gói nhất quán cũng như tạo lập hệ thống bán lẻ và xây dựng trang web. Một nhãn hiệu mới đòi hỏi người ta phải hao công tốn của như nuôi một đứa trẻ sơ sinh.
Những nhà cung cấp cũng là các đối tác
Đây là một việc khó, đặc biệt khi có rất nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi đã quyết định dùng công nghệ đúc cho các sản phẩm của mình. Điều này yêu cầu nhiều thời gian và tốn nhiều nguồn lực hơn, nhưng nó lại tạo nên ý nghĩa cho nhãn hiệu của chúng tôi, bởi vì chúng là một phần trong toàn bộ nhãn hiệu. Chúng tôi không đi theo sau những khuynh hướng, chúng tôi lựa chọn việc sản xuất những sản phẩm không theo mùa và hữu ích quanh năm đối với đa số phụ nữ. Chúng tôi không muốn đi theo chu kỳ hàng hóa theo mùa cứ ba tháng một lần lại bị gián đoạn.
Việc tuân thủ chiến lược được vạch sẵn dẫn đến việc phải tìm được các nhà cung cấp có thể nhìn thấy được nhãn hiệu của chúng tôi khác biệt ở đâu. Những đối tác - nhà cung cấp này cần coi trọng công việc, những thiết kế, tầm nhìn của chúng tôi và đồng hành cùng chúng tôi.
Nhiều phương thức của các nhà cung cấp được giới thiệu đã không phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi về nhãn hiệu. Chúng tôi đã buộc phải từ chối những đề nghị không phù hợp.
Thật là khó khi cùng một lúc từ chối nhiều các cửa hàng muốn bán sản phẩm của chúng tôi nhưng lại không cùng chung tầm nhìn. Công việc của người phát triển nhãn hiệu là một trong số những nhiệm vụ thử thách nhất mà tôi từng đảm nhiệm. Bésame là một nhãn hiệu mới trong thị trường xa xỉ, với ý định chiếm giữ một không gian mà trước đây dành cho những tên tuổi lớn về chăm sóc sắc đẹp, việc này đã thử thách mối quan hệ của chúng tôi với những nhà bán lẻ.
Yêu công việc 24/7
Nhiều người đã từng hỏi liệu tôi có những kỳ nghỉ hay có lúc nào đó tạm ngừng không nghĩ về công việc hay không, và câu trả lời của tôi là “không”. Tôi thực sự yêu công việc của mình và nó đã trở nên một phần con người tôi. Đó là định mệnh của bạn, nếu bạn muốn trở thành một doanh nhân. Bạn sẽ luôn luôn bị thôi thúc muốn vươn tới thành tựu tiếp theo và không bao giờ thỏa mãn. Điều hành một công ty và xây dựng một nhãn hiệu không hề dễ dàng, nhưng đối với tôi, đó là việc đáng làm nhất mà tôi đã từng thực hiện.
Kế hoạch kinh doanh hoàn hảo
Môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần hoạt động chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Để thành công, việc đầu tiên trước khi bắt đầu khởi sự một doanh nghiệp là phải lập một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, từ khâu phát triển một ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu thị trường (market research) và tính khả thi của ý tưởng đó, đến việc quản lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày (day-to-day operation management) khi bắt tay vào thực hiện các ý tưởng kinh doanh đó.
Trong thời kỳ chuyển đổi các mô hình tổ chức và thành lập mới, các doanh nghịêp Việt Nam nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ý thức được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên các doanh nghiệp này còn chưa chú trọng đến việc lập một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó để mang lại hiệu quả tối ưu, mà thường đưa ra các kế hoạch sơ sài do thiếu điều kiện về nguồn lực, nhân sự và thời gian.
Bài viết này xin đưa ra một vài ý kiến tham khảo về sự cần thiết và các yêu cầu của một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh.
Trước hết, nói về sự cần thiết về việc lập kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng giống như bản đồ cho bạn đi du lịch một nước nào đó vậy. Một câu nói thường ngày của các nhà kinh tế và quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp là: "If business fails to plan, it plans to fail" (Nếu doanh nghiệp thất bại trong việc lập kế hoạch, thì doanh nghiệp đã lập kế hoạch cho sự thất bại rồi đó). Câu nói này bao trùm tất cả mọi ý nghĩa của sự cần thiết phải lập kế hoạch kinh doanh.
Nếu như không có một kế hoạch kinh doanh tốt, cho dù bạn có những ý tưởng kinh doanh vĩ đại đến mức nào thì cũng rất khó thành công, thậm chí còn là thất bại nặng nề.
Một kế hoạch kinh doanh tốt không những quyết định sự thành công trong việc biến ý tưởng kinh doanh ban đầu trở thành hiện thực mà còn giúp cho bạn duy trì sự tập trung sau khi đã thành công.
Một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh nên bao gồm mười nội dung cơ bản như sau:
1. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là ý tưởng kinh doanh (bussiness ideas): Bạn phải nung nấu trong đầu một ý tưởng kinh doanh và suy nghĩ kỹ về những ý tưởng đó. Lịch sử đã chứng minh, ý tưởng, dù cho điên rồ hay vĩ đại, thì cũng đều có những khả năng thành công. Ví dụ như Bill Gates từ bỏ trường đại học để thành lập công ty thì lúc đó, nhiều người coi đó là điên rồ nhưng cuối cùng, thế giới ai cũng biết đến sự thành công của ông.
2. Đặt ra mục tiêu kinh doanh và những thành quả cần đạt được (objectives and goals): Đây chính kết quả mà trong ý tưởng kinh doanh cần đạt được. Bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi sau: Bạn sẽ đạt được cái gì từ việc kinh doanh của bạn về mặt thời gian, tiền bạc và kinh nghiệm? Làm thế nào để đo lường mức độ thành công của việc kinh doanh đó (ví dụ như tổng doanh thu, lợi nhuận ròng, bao nhiêu nhân công, bao nhiêu thị phần). Sau bao lâu thì có thể đo lường mức độ thành công đó (một năm, hai năm hay năm năm)?
Việc đặt ra mục tiêu và thành quả đạt được có thể gói gọn vào chữ SMART (thông minh) trong đó S là Specific (Cụ thể), M là Measurable (có thể đo lường được), A là Achievable (Có thể đạt được), R là Realistic (Thực tế) và T là Timely (thời hạn)
3. Nghiên cứu và phân tích thị trường: Để đảm bảo kinh doanh thành công, cần phải tổ chức nghiên cứu và phân tích thị trường. Phải xem xét xem trên thị trường đã có những công ty, tổ chức nào đã kinh doanh trong lĩnh vực đó, sự thành công của họ như thế nào, khách hàng của họ là ai, nhu cầu của thị trường trong tương lai như thế nào...
Nếu như bạn không có chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu và phân tích thị trường, tốt nhất là bạn nên tìm đến một công ty tư vấn. Công ty tư vấn sẽ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin nghiên cứu và phân tích thị trường với nội dung theo đơn đặt hàng của bạn.
4. Phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ (SWOT analysis): một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh không thế thiếu mục này. Hơn ai hết, bạn phải biết thế mạnh và điểm yếu của bạn khi thực hiện mục tiêu kinh doanh đó.
Ví dụ như bạn là một chuyên gia máy tính và bạn muốn kinh doanh trong lĩnh vực máy tính thì đó là điểm mạnh trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh nhưng điểm yếu có thể là bạn chưa có kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm marketing…Phân tích thị trường cũng gíúp cho bạn dự đoán những cơ hội và thách thức đe doạ tới sự thành công của ý tưởng kinh doanh đó khi bắt tay vào thực hiện.
5. Xác lập mô hình tổ chức kinh doanh: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, bạn sẽ chọn một trong những loại hình kinh doanh như sau: doanh nghịêp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh… Dựa vào phân tích hạn chế và lợi thế của từng hoại hình doanh nghiệp, bạn sẽ quyết định đăng ký kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp nào.
6. Lên kế hoạch marketing: Những chiến lược mà bạn sẽ thực hiện để lôi kéo khách hàng và quan trọng hơn là để giữ khách hàng khi đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ của bạn. Luôn đặt câu hỏi: làm thế nào để khách hàng biết sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp và chiến lược marketing nào là tốt nhất để làm điều đó. Dù cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp của bạn tốt đến mức nào đi nữa nhưng sẽ là vô nghĩa nếu như không ai biết đến doanh nghiệp của bạn.
Ba nguyên tắc cơ bản trước khi lập một kế hoạch marketing là segment (phân loại khách hàng) - target (lựa chọn đối tượng khách hàng công ty hướng tới) - position (xác định vị thế tương lai của công ty, công ty muốn khách hàng nhìn nhận về mình thế nào). Khách hàng phải là điểm xuất phát, đồng thời là điểm chốt cuối cùng của mọi hoạt động marketing.
7. Lập kế hoạch vận hành: Tập trung vào các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, ví dụ như nhân sự, phương tiện máy móc và quy trình lưu hoàn công việc. Những văn bản pháp lý nào điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của bạn.
8. Có sẵn kế hoạch quản lý con người: Lên cơ chế kiểm soát sự vận hành công việc kinh doanh của bạn bao gồm đội ngũ quản lý, nhân viên và những kỷ năng và trình độ của họ. Có sự phân công công việc và phân quyền rõ ràng. Thường xuyên có các buổi họp đánh giá tình hình hoạt động của các phòng ban. Có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân viên và các cấp quản lý.
9. Kế hoạch tài chính: Nguồn tài chính nào để tài trợ cho kế hoạch kinh doanh, ví dụ như nguồn vốn vay, vốn của chủ sở hữu và các nguồn tài chính đó sẽ được sử dụng như thế nào. Nhiều doanh nhân cho rằng, kế hoạch tài chính là quan trọng nhất quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Dựa trên những số liệu từ nghiên cứu thị trường, bạn sẽ phải tiên đoán trong năm năm đầu các dòng tiền sẽ như thế nào, lúc nào sẽ cân bằng thu chi, lúc nào sẽ hoàn vốn, sự luân chuyển của đồng vốn như thế nào. Vốn luân chuyển là nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp mới thường thất bại nên lập kế hoạch chi tiết cho vấn đề này là một vấn đề sống còn.
Ví dụ như bạn cần phải đảm bảo rằng trong khi bạn đang trông chờ các nguồn thu vào thì đã có đủ một khỏan tiền để trang trải các chi phí cho nhà cung cấp. Nếu bạn không cân nhắc đến yếu tố này một cách nghiêm chỉnh, bạn có thể gặp thất bại mặc dù đó là một bản kế hoạch kinh doanh có thể thành công. Nếu như bạn không có chuyên môn về tài chính, tốt nhất nên tham gia các lớp học ngắn hạn đào tạo về tài chính cho nhà quản lý.
10. Kế hoạch thực hiện: Liệt kê các hoạt động chi tiết để doanh nghiệp đạt được mục đích đề ra và càng chi tiết càng tốt. Đặt ra những ưu tiên và những hạn định về thời gian cho mỗi công việc để giúp bạn có thể theo dõi và đo lường mức độ hoàn thành công việc. Nên lưu ý dành thời gian cho những công việc phát sinh và những khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện.
Sau khi bạn đã vạch ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết, hãy thường xuyên rà soát lại và bổ sung thêm. Hơn nữa, luôn đặt mục tiêu cho mỗi công việc cụ thể và đánh giá mức độ thành công của mỗi mục tiêu đó.
Cuối cùng, khi khởi sự một doanh nghiệp, các doanh nhân thường dành hết thời gian cho công việc. Nhưng còn cuộc sống riêng của mình thì sao? Một kế hoạch kinh doanh dù hoàn hảo cũng sẽ khó thành công nếu như bạn không tính đến cuộc sống cá nhân. Khi bạn kết hợp tất cả các mục tiêu kinh doanh của bạn lại với nhau, bạn cũng nên nghĩ đến việc kết hợp cả cuộc sống cá nhân của bạn vào kế hoạch này, và đó chính là động lực lớn nhất để đạt mục tiêu hơn bất cứ thứ gì khác.
(St)