Khi bà bầu bị tiêu chảy nên dinh dưỡng thế nào?

Bà bầu bị tiêu chảy – Nguyên nhân và cách điều trị

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột, kèm theo đó là các biểu hiện như đi ngoài, phân lỏng liên tục và kéo dài.

Khi bà bầu bị tiêu chảy càng cảm thấy lo lắng hơn, vì suy nghĩ không biết có ảnh hưởng tới thai nhi hay không. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, cùng tham khảo các thông tin dưới đây để có cách phòng và trị bệnh hiệu quả khi phụ nữ mang thai mắc chứng bệnh này.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở bà bầu

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng bà bầu bị tiêu chảy là do chế độ ăn uống hàng ngày không được đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của chị em thường bị giảm sút nên khi ăn uống cần hết sức cẩn trọng.

Nhiều bà bầu vẫn hồn nhiên ăn các đồ ăn bán lề đường rất mất vệ sinh mà không biết rằng trong thời gian này hệ tiêu hóa của mình có phần yếu đi.

Đôi khi, mặc dù ăn uống đảm bảo vệ sinh nhưng do trong bữa ăn có nhiều đồ lạ ví dụ như đồ ăn quá nhiều chất đạm, chất mỡ nên cơ thể không tiêu hóa được mà tống ra ngoài qua tình trạng tiêu chảy.

Cụ thể, dưới đây là những nguyên do dẫn tới tiêu chảy ở phụ nữ mang thai:

  • Nhiễm khuẩn: Có một số loại vi khuẩn có chứa trong thức ăn và nước bị ô nhiễm có thể gây nên tình trạng tiêu chảy trong thai kỳ của bạn

  • Virus như Rotavirus, Cyptomegalovirus có thể gây ra tiêu chảy.

  • Một số thực phẩm, đồ uống có chứa ký sinh trùng gây nên chứng tieu chảy như Giardia lamblia, Cryptosporidium và Entamoeba histolytica.

  • Một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc kháng axit có chứa magiê và thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy trong thời kỳ mang thai.

  • Hội chứng kích thích ruột và các bệnh đường ruột như bệnh Crohn cũng gây nên triệu chứng ỉa chảy.

  • Tiêu chảy trong thời kỳ mang bầu còn được gây nên do sự gia tăng lượng nước. Có thể là do các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao, chẳng hạn như hoa quả (dưa hấu), rau quả và uống quá nhiều nước.

  • Một số nguyên nhân khác bao gồm không dung nạp lactose và ngộ độc thực phẩm.

Bà bầu bị tiêu chảy có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Đây là thắc mắc của phần lớn chị em bị tiêu chảy khi mang thai. Hiện tượng tiêu chảy thường ít gặp hơn so với táo bón, tuy nhiên nếu bị tiêu chảy nặng bà bầu dễ bị mất nước ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Tiêu chảy ít gặp hơn so với táo bón, có thể kéo dài đến 10 ngày. Tuy nhiên nếu tiêu chảy nặng, sản phụ dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi.  Ngoài tác hại với cơ thể, thai nhi có thể bị ảnh hưởng xấu, có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển…

Vì thế, lúc này thai phụ cần uống nhiều nước (nước trái cây, nước Oresol), ăn thực phẩm dễ hấp thu, tránh thực phẩm có dầu, mỡ hoặc bơ. Nên thận trọng với sản phẩm sữa nhưng có thể sử dụng sữa chua vì nó chứa vi khuẩn giúp tiêu hoá tốt…

Nếu tiêu chảy kèm theo các triệu chứng khác như ói mửa, buồn nôn/nôn và các triệu chứng mất nước (khô miệng, nước tiểu ít, vàng đậm, tinh thần mệt mỏi, đau đầu hoặc chóng mặt, giảm phản xạ…), thai phụ cần đến cơ sở y tế để theo dõi, truyền dịch.

Điều trị tiêu chảy khi mang thai

Hầu hết bà bầu bị tiêu chảy nhẹ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu bị nặng dẫn tới mất nước thì đây lại là một vấn đề. Bà bầu có thể bị mất nước trong thời gian ngắn. Khi đó dùng các dung dịch bù nước đường có thể ngăn ngừa mất nước.

Nên uống nhiều nước: Khi bị tiêu chảy cơ thể mẹ bầu bị mất nhiều nước, khi đó cần bổ sung một lượng nước phù hợp. Đồng thời tránh những loại nước hoa quả, nước ngọt, nước có gas… Nước đun sôi để nguội là một giải pháp hợp lý dành cho bạn.

Có chế độ nghỉ ngơi nhiều hơn vì khi bị tiêu chảy bà bầu cảm thấy rất mệt mỏi.

Cần đi khám ngay khi gặp tình trạng:

  • Tiêu chảy kéo dài trong 2 ngày hoặc lâu hơn.

  • Phụ nữ mang thai bị sốt và nôn.

  • Phân có chứa máu.

  • Bị đau bụng dữ dội.

  • Không có nước tiểu trong hơn 5 tiếng.

Phòng tránh tiêu chảy khi mang thai

Bà bầu cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại rau sống chưa rửa sạch, tuyệt đối không ăn gỏi, tiết canh hay thịt tái sống… Không ăn uống ở hàng quán, đảm bảo kỹ thuật an toàn khi chế biến các loại thực phẩm.

Tránh nhóm thực phẩm giàu gia vị hay ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép.

Không ăn các loại thức ăn bị ẩm, mốc, bốc mùi chua, thiu…

Không sử dụng các loại hoa quả dập nát, các loại hạt đã bị biến màu.

Hạn chế những loại cá biển, tôm, ốc… nếu bạn từng có tiền sử bị đau bụng, tiêu chảy vì những loại thực phẩm này..

Chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Chế độ ăn phù hợp sẽ giúp bà bầu có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tránh xa hiện tượng tiêu chảy:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Bạn có thể ăn các thực phẩm như: Bánh mì nướng, nước sốt táo, gạo, khoai tây nghiền (không có phụ gia), bánh quy, mì (không có phụ gia); chuối, carrot nấu chín, bí nấu chín, cháo và bột yến mạch.

  • Sữa chua là thực phẩm khá tốt cho sức khỏe và có thể giúp loại bỏ tiêu chảy bởi vì nó có chứa một số vi khuẩn tiêu hóa.

  • Không ăn sản phẩm sữa, trừ sữa chua trắng (không thêm hoa quả).

  • Không ăn thực phẩm có dầu hoặc bơ.

  • Không ăn thực phẩm nhiều gia vị, hoa quả khô và nước sốt cho đến khi giảm tiêu chảy.

Một số thực phẩm dễ gây tiêu chảy, ngộ độc

Mọi người, đặc biệt là bà bầu nên lưu ý cẩn thận với một số loại thức ăn chứa nhiều độc tố tự nhiên. Bà bầu ăn phải có hiện tượng nôn nao, đau bụng dẫn tới các triệu chứng như tiêu chảy, hôn mê, ngộ độc:

Sắn

Đây là thực phẩm chứa nhiều axit cyanydric, khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày nó sẽ gây nên tình trạng đau bụng, nặng hơn có thể gây ngộ độc thức ăn. Chất này chứa nhiều ở hai đầu củ sắn.

Do đó khi sử dụng nên tránh các loại sắn có vị đắng, đun nấu cần gọt vỏ sạch, ngâm trong nước một thời gian, luộc thật chín và ăn ngay.

Nấm

Nấm là thực phẩm khá bổ dưỡng cho cơ thể, tuy nhiên nếu không may ăn phải một số loại nấm độc thì hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, chú ý không nên ăn các loại nấm mọc tự nhiên, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhất là những loại có màu sắc sặc sỡ.

Thịt cóc

Nếu không biết chế biến thịt cóc bạn sẽ dễ dàng bị ngộ độc. Vì loại chất độc có tên là Bufotoxin có trong da, gan, mật, trứng cóc gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa và ngộ độc cho người ăn. Tốt nhất, nếu không biết sơ chế thịt cóc thì nhờ người biết sơ chế giúp.

Cá nóc

Độc tố ở cá nóc khá nguy hiểm, chúng không bị phá hủy ở nhiệt độ cao và gây ra các triệu chứng đau bụng, ngộ độc cho người rất nhanh. Tốt nhất để an toàn bà bầu không nên ăn món này