Khi nào bé biết hóng chuyện

Làm mẹ lần đầu hẳn rất nhiều bà mẹ nóng lòng theo dõi từng sự đổi khác của con. Khi bé biết hóng chuyện tức là đã rất khác so với những ngày ban đầu rồi. Mẹ cần theo dõi các mốc phát triển của con để biết cách chăm sóc con tốt nhất nhé!

Hóng chuyện là biểu hiện phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 0-6 tháng:

Còn gì thú vị hơn khi lắng nghe bé yêu của mình bập bẹ, mặc dù những âm thanh đó nghe qua thì tưởng chừng vô nghĩa nhưng đó chính là những tiếng nói đầu tiên của bé, nó thể hiện mối dây tình cảm của bé với cha mẹ và mong muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh…

Bé từ 0 - 1 tháng

Bé sinh ra đã biết hóng chuyện và rất muốn nói chuyện với người khác.

- Từ khi mới sinh, bé đã biết “trả lời” bằng cách nhép miệng nếu bạn nói chuyện với bé ở khoảng cách 20 – 25 cm.

- Từ tuần thứ 2, bé có thể phát ra những âm không rõ ràng.

- Từ tuần thứ 3, bé đã có một số “vốn từ” cho mình.

- Từ tuần thứ 4, bé có thể hiểu ý cuộc nói chuyện và biết cách trả lời khi bạn nói với bé. Từ lúc này trở đi, bé luôn muốn dẫn dắt cuộc trò chuyện với bạn.

Nên bắt đầu nói chuyện với bé thường xuyên ngay từ lúc bé lọt lòng. Bạn thử liên tục gọi tên bé và quan sát ánh mắt bé đáp lại giọng nói của bạn. Trong quá trình giao tiếp bình thường, nhưng lại âu yếm, ngọt ngào này, trẻ đang cảm nhận sự ấm áp, tình yêu thương của cha mẹ.

Bé từ 1 - 2 tháng tuổi

Bé vốn rất thích được nói chuyện với người khác, do đó bé thường:

- Phát ra âm thanh để đáp lại khi có ai đó nói chuyện với bé.

- Đặc biệt thích ứng với những âm cao, tông đều, do đó các bà mẹ nên nói chuyện với con theo ngữ điệu này bất cứ khi nào có cơ hội.

- Ngọ nguậy cả cơ thể chỉ để cố gắng đưa lưỡi về phía bạn khi nghe bạn nói chuyện.

- Phát ra những nguyên âm đơn giản như ê, a, ư, ơ.

- Bé sẽ phản ứng khi nghe bạn trò chuyện ở khoảng cách từ 20 – 25cm

Giờ đây bé đã có thể phát ra những âm thanh để đáp lại lời nói của bạn. Hãy nói chuyện với bé bằng giọng dịu dàng, vừa đi tới đi lui lắc lư, nhún nhảy vừa ca hát hoặc hát ru cho bé nghe. Ngay cả khi bé chẳng hiểu bạn đang nói gì, nhưng chính giọng nói điềm tĩnh, trấn an của bạn giúp bé cảm thấy an toàn.

Đồ chơi thích hợp giúp phát triển ngôn ngữ của bé: Những khúc ca êm ái.

Bé từ 2 – 3 tháng tuổi

Bé đã nhận ra giọng của mình và tận dụng mọi cơ hội để nói. Cụ thể:

- Kêu la đủ kiểu để biểu thị sự vui sướng, bạn sẽ được nghe loại âm thanh từ kêu the thé, nói ríu rít đến la hét hay thì thầm.

- Có những động tác phấn khích (đá chân, vung tay) mỗi khi thích thú điều gì.

- Bắt đầu thêm phụ âm vào câu chữ, phụ âm đầu tiên thường là “m”, kế đến là âm bật hơi - bạn có thể giúp bé bằng trò thở phì phèo.

- Có khuynh hướng dùng âm “p” và “b” mỗi khi không vui và vào khoảng 3 tháng tuổi, bé sẽ dùng thêm những âm như “j” và “k” khi để biểu lộ sự vui sướng.

Hãy nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt, bằng cách lặp lại hoặc lặp lại những tiếng “o, e” của bé. Bé sẽ chăm chú nhìn miệng của bạn và bắt chước theo.

Bé từ 3 – 4 tháng tuổi

Bé bắt đầu cố gắng duy trì cuộc nói chuyện với bạn bằng cách:

- Phát thêm nhiều âm mới.

- Cố gắng bắt chước nói nguyên câu như bạn bằng cách xâu chuỗi các âm lại kiểu như “ma-me” hay “a-bu”.

- Vận dụng vốn âm phong phú, đến tuần thứ 16, bé có thể biểu lộ cảm xúc của mình, chủ yếu là biểu lộ sự hài lòng, bằng cách cười khúc khích, cười lớn hoặc la hét.

- Biết thông qua âm thanh do mình phát ra (như tiếng khóc) để thu hút sự chú ý của mọi người hay để bày tỏ nhu cầu của mình.

- Dùng môi để thổi hơi –bé có thể biểu diễn kỹ năng mới này bằng cách phì phèo ra bong bóng.

Bé từ 4 – 5 tháng tuổi

Trong tháng này, bé cố gắng sử dụng nhiều âm khác nhau, và cả ngôn ngữ không lời để diễn đạt nhu cầu của mình. Ví dụ, bé:

- Đột ngột níu lấy bạn khi không muốn bị đặt xuống.

- Đẩy bạn ra xa khi không vui và không muốn được quan tâm.

- Xoay đầu sang hướng khác khi bé không thích điều gì đó.

 Bé từ 5 – 6 tháng tuổi

Bé biết chờ đến lượt mình nói khi trò chuyện và thử dùng âm tiết mới. Hãy lắng nghe khi bé:

- Cố gắng nói chuyện với chính mình qua gương.

- Cố ý bắt chước cách nói của bạn và dùng lưỡi nhiều bằng cách đánh ra đánh vào giữa hai môi.

- Biểu diễn vốn âm tiết kha khá của mình, nhất là những âm phì phèo mà bé thường xuyên luyện tập.

- Bắt đầu có phản ứng khi nghe gọi tên – hãy gọi tên bé càng nhiều càng tốt để bé phát triển ý thức bản ngã và cảm thấy mình quan trọng.

- Phát ra những âm thanh đặc biệt để làm bé chú ý, thậm chí giả ho.

- Bắt đầu ghép nguyên âm và phụ âm thành những từ đơn giản, như ka, ba, ma.

- Hiểu lõm bõm các câu bạn nói, như “Đây là bình sữa”, “Bố đến kìa”, “Đúng rồi”, “Không được”.

- Bắt đầu bập bẹ - lặp đi lặp lại các âm, lắng nghe sau đó thử lại.

Nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt – luôn nói cho bé biết bạn đang làm gì, và khi đưa bé đi đây đi đó, hãy chỉ cho bé xem những điều thú vị, nhất là các con vật. Lặp lại các câu nói và khen bé mỗi khi bé hiểu ý. Ca hát và đọc vè cho bé nghe. Chơi trò vỗ tay với bé. Cùng bé đọc sách, chỉ và gọi tên, giả tiếng kêu của các con vật.

Đồ chơi thích hợp giúp phát triển ngôn ngữ của bé: Băng nhạc, sách về động vật.

Để tốt nhất cho bé mẹ cần:

Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã nghe được âm thanh bên ngoài. Khi chào đời, càng tiếp cận với ngôn ngữ nhiều, bé càng nhanh biết nói.

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ:

1. Phản hồi với tiếng khóc của bé: Các bé sẽ học giao tiếp thông qua tín hiệu khóc. Trong năm đầu đời, khóc là phần giao tiếp quan trọng ở bé. Bé khóc có thể do mệt mỏi, bị đói, muốn được mẹ chú ý, thích được ra ngoài chơi…

Khi mẹ phản ứng với tiếng khóc của bé, bé sẽ học được cách lắng nghe (nhiều bé chăm chú nhìn vào cử động miệng của mẹ đến quên cả khóc).

2. Tiếp chuyện bé: Bé bắt đầu biết “hóng chuyện” từ rất sớm. Đầu tiên, bé “o,e”, nhìn vào khuôn mặt mẹ và chờ đợi. Nếu bạn “ê, a” đáp lại, bé tiếp tục “o, e” thích thú. Với cách tiếp chuyện đơn giản như thế, cả mẹ và bé sẽ có cơ hội giao tiếp với nhau, đặc biệt, bé sẽ chăm chú để “nhại” theo âm thanh từ mẹ.

3. Coi bé như người bạn: Tức là mẹ dành thời gian giao tiếp với bé một cách tự nhiên và thoải mái. Nên gạt bỏ trong đầu suy nghĩ, bé còn nhỏ, không hiểu gì; thay vào đó, mẹ có thể tâm tình với bé như với một người bạn.

Các bé có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ rất lâu trước khi hiểu ngôn ngữ và biết nói. Càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ, bé càng nhanh biết nói một cách tự nhiên. Khi bạn trò chuyện với bé, bạn nên ngắt quãng hợp lý để xem xét phản ứng quan tâm từ bé.

4. Mô tả và hướng dẫn bé thực hiện: Khi bé chạm tay vào mũi của mẹ, thử nói với bé: “Đây là mũi của mẹ”; khi mở cửa số, bạn nên hỏi bé: “Con nghe thấy tiếng cửa sổ mở không? Cùng mẹ đẩy cửa ra nào”. Khi bé chạm tay vào vật nào đó, bạn có thể mô tả sự vật để bé hiểu và hứng thú.

5. Nói với bé hành động của mẹ: Có thể bé không hiểu bạn nói gì nhưng bé sẽ có kinh nghiệm với một số cụm từ quen thuộc và biết cách phản ứng nhanh với yêu cầu từ mẹ. Trước khi bế bé, bạn nên giang hai tay và nói: “Để mẹ bế con nào”. Trong lúc thay tã cho bé, mẹ nên nói: “Đây là tã khô. Mẹ sẽ bỏ tã ướt và thay tã khô cho con”. Cách này sẽ khiến bé hiểu được hành động nào sẽ xảy đến khi mẹ có cử chỉ như giang rộng tay là sẽ bế bé; đặt bé xuống giường và chuẩn bị tã khô là sẽ thay tã cho bé…

6. Nói với bé dự định của mẹ: Nhất là khi chuẩn bị rời khỏi phòng hay rời khỏi nhà, bạn nên nói: “Mẹ đi chợ đây, con ở nhà chơi với bà nội nhé” hoặc “Mẹ sang phòng bên để lấy áo cho con”.

7. Hát và kể chuyện cho bé: Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Bởi vì, hát và kể chuyện là công việc lặp lại nhiều lần, thông qua đó, bé sẽ ghi nhớ và tập “ê, a” theo. Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, bạn nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy.

8. Đọc sách cho bé: Nên chọn những quyển sách có tranh minh họa rõ nét, nội dung đơn giản và tươi vui. Nhưng không nên chỉ chọn sách có hình đẹp mà nghèo nàn về chi tiết, các bé cần sách có ngôn từ vần điệu (như thơ), dễ hiểu và đa dạng. Bạn cũng có thể sáng tạo những quyển sách với hình hoa lá, cây cỏ cho bé. Nên nhớ bảo quản sách để bé không xé hoặc cắn rách sách.

Tốt cả cho mẹ:

Mẹ chẳng cần chờ đến khi bé biết nói thành lời mới có thể tám chuyện với bé đâu. Mới vài ba tháng tuổi thôi bé đã biết hóng chuyện bằng đôi mắt hau háu, cái miệng toe toe và cả tứ chi khua khoắng loạn xạ nữa.

Thậm chí ngay cả khi vừa chào đời, bé còn đang hoang mang oa oa “nói” về sự hiện diện của mình mà được mẹ thủ thỉ dỗ dành vài câu là bé… trật tự liền.


Dầu chưa nhận thức được, nhưng bé đã biết 'hóng hớt' từ rất sớm. (Ảnh minh họa).

Việc giao lưu bằng ngôn ngữ vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Dù còn đỏ hỏn và chưa thốt ra âm thanh nào ngoài mấy tiếng oe oe nhưng bé đã cần được nghe mọi người trò chuyện rồi. Và bé dễ dàng nhận ra giọng nói của mẹ, vì bé đã quá thân quen với mẹ suốt chín tháng mười ngày ở trong bụng rồi. Những thanh âm do mẹ cất lên sẽ đem lại cho bé sự trấn an đặc biệt, còn ngữ điệu mà mẹ sử dụng sẽ giúp bé nhận biết các cung bậc tình cảm: thương yêu, dịu dàng, quyến luyến, khích lệ và cả tôn trọng nữa. Khi bộc lộ những cảm xúc này qua giọng nói, người mẹ đã cho con trẻ niềm tin rằng mình luôn được bảo trợ trong vòng tay an toàn của cha mẹ, mình luôn được yêu thương và thế giới xung quanh quả là tốt đẹp, thân thiện.

Trẻ cần làm quen với ngôn ngữ ngay từ lúc chào đời và việc bạn thường xuyên tám với con chính là bước chuẩn bị đầu tiên giúp bé nắm được thứ kỹ năng rất quan trọng này. Nhiều người mẹ trẻ bản tính kín đáo không quen tám, thậm chí cảm thấy ngượng khi cất lời huyên thuyên. Nhưng vì con, bạn hãy vượt qua ngại ngần để trò chuyện với bé thật nhiều. Hãy nói với bé đủ thứ chuyện trên trời dưới bể bất luận bé có hiểu hay không. Chẳng hạn, khi thay đồ hay tắm táp cho con, bạn hãy thao thao bình phẩm về cái rốn lồi, đôi giò múp míp, cái cổ đầy ngấn hay điệu bộ nhăn mũi ngộ nghĩnh của bé. Còn khi chuẩn bị đồ ăn cho con, hãy huyên thuyên rằng hôm nay bé sẽ được chiêu đãi món gì: súp gà nấu với rau mầm do tự tay mẹ trồng, hay món cháo lươn đặc sản xứ Nghệ mà bố phải chạy xe “ba quãng đồng” để mua về…

Trong khi tám cùng bé con, bạn hãy dùng giọng điệu thân ái, cử chỉ khoan hòa, ngôn từ trìu mến. Đối với bé, giọng nói của mẹ chính là một thứ âm nhạc diệu kỳ và bạn hãy lưu ý để khúc độc tấu của mình không nhuốm màu bi quan hay “lỗi nhịp” bởi những “nốt” gắt gỏng nhé. Cùng với giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ như thể đang dỗ dành, bạn đừng quên mỉm cười khi trò chuyện cùng con, nụ cười của bạn sẽ truyền cho con thông điệp: “Mọi thứ đều tốt đẹp, cưng à”.


Vì vậy, nói chuyện mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho bé. (Ảnh minh họa).

Giao tiếp với bé sơ sinh thực chất là vấn đề thoả mãn nhu cầu của bé. Hãy luôn hỏi han, vỗ về mỗi khi nghe thấy tiếng khóc của bé. Đừng sợ quan tâm quá sẽ làm bé hư thân, việc bạn đáp lại đúng lúc khi bé cần giao tiếp sẽ cho bé hiểu rằng mình quan trọng thế nào.

Bạn cũng cần tránh những động tác mạnh, đột ngột. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cách mà người lớn bồng bế, đụng chạm vào chúng ra sao hoặc đơn giản là di chuyển như thế nào. Mọi cử chỉ cần uyển chuyển, nhịp nhàng, mọi âm thanh cần từ tốn và đừng quên tuân thủ nguyên tắc có ngữ điệu lên bổng xuống trầm cũng như có cả những chỗ ngưng nghỉ để bé có thể đáp lại bằng một nụ cười toe, những tiếng bập bẹ hay động tác khua chân múa tay.

Ngay từ những tháng đầu tiên, bạn hãy chú ý “âu âu”, “u ơ”, “ú òa”, “ à há” nhiều với bé. Dần dần bé sẽ biết bắt chước lặp lại các âm thanh ấy như những bước đầu tiên trên con đường chinh phục ngôn ngữ của loài người.

Được một tuổi, bé nhạy cảm hơn và hiểu được ý nghĩa của một số từ, biết ghi nhớ chúng và liên hệ đến những ngữ cảnh nhất định. Thời kỳ này, khi giao tiếp với con, bạn nên chọn những từ ngữ đơn giản nhưng thông dụng, liên quan nhiều đến cuộc sống thực tế xung quanh bé (ba, bà, măm, ti, tè, bô…). Đừng nôn nóng dạy bé nhiều từ mới và cũng chẳng cần áp dụng một phương pháp đặc biệt nào ở đây cả. Đơn giản là bạn hãy thường xuyên ở bên con, nói với con những câu chuyện thường ngày gần gũi để từng bước giúp con làm quen với ngôn ngữ. Nhưng bạn đừng quên, việc sử dụng từ ngữ cũng như cách giải thích các khái niệm mới cho bé cần phải chọn những gì thật đơn giản. Khi nói với con về loài chim chẳng hạn, ta chưa nên phân biệt đâu là chim sẻ đâu là chim câu mà chỉ cần giải thích đơn giản rằng chúng là những con vật có cánh và biết bay.

Ai chẳng phấn khích khi lần đầu tiên được nghe con mình bập bẹ thốt ra những lời nói đầu đời. Nhưng đừng vì phấn khích quá mà “được voi đòi tiên” cứ cố nài bé nói thêm nữa, kẻo bé đâm ra sợ hãi, thu mình lại, không chịu nói ngay cả những từ quen thuộc nhất. Mỗi bé có một cách phát triển ngôn ngữ riêng (một số bắt đầu bập bẹ nói vào tháng thứ 9, nhưng rất nhiều trẻ chỉ bắt đầu nói vào tháng thứ 14). Bởi vậy bạn đừng so sánh con mình với em bé nhà hàng xóm rồi vội lo bò trắng răng. Cách hay nhất để giúp bé là hãy cho bé được đắm mình trong môi trường tiếng mẹ đẻ ngay từ những ngày, những tháng đầu tiên của cuộc đời. Vậy thì đơn giản thôi mà, nào mẹ con mình cùng tám, tám và tám!


Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè

Chăm sóc trẻ mọc răng

Chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi

Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa đông

Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào

Chăm sóc bé sau khi ốm dậy

Chăm sóc trẻ sơ sinh

(ST).