Tiếng khóc của trẻ nhất là trẻ chưa biết nói, là một loại ngôn ngữ đặc biệt, mỗi một kiểu khóc khác nhau biểu thị một yêu cầu khác nhau. Do đó, các bậc cha mẹ cũng cần phải biết ý nghĩa một số tiếng khóc của trẻ, để xử trí cho trẻ hoặc đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời nếu đó là biểu hiện của tiếng khóc bệnh lý.
Tiếng khóc sinh lý
Tiếng khóc sinh lý biểu thị phản ứng khó chịu đối với môi trường như nóng lạnh, đối với trạng thái cơ thể như đói, khát, buồn ngủ… là một vận động có ích cho toàn bộ cơ thể, làm hoạt động của phổi tăng lên, vận động cơ bắp tay chân phát triển. Một số tiếng khóc sinh lý thường gặp ở trẻ:
1. Khi đói, trẻ khóc với tiếng khóc này gần như gắn chặt với tiếng khóc kia, hoặc trẻ khóc rồi dừng lại, rồi lại tiếp tục khóc, xen giữa là những động tác mút tay. Nếu sau khi cho bú, một thời gian ngắn trẻ lại khóc thì có thể mẹ thiếu sữa, hoặc bú chưa no, hoặc sữa pha nhạt quá.
2. Khi khát trẻ khóc không to như khi đói, nếu dùng bình sữa cho trẻ ăn, trẻ sẽ không quay đầu đi, mà mút lấy đầu vú sữa, hoặc há miệng ra chờ đợi. Nếu không cho bú kịp thời thì trẻ mới khóc trở lại.
3. Khi buồn ngủ, trẻ khóc ban đầu tương đối thấp, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được thì trẻ sẽ khóc to hơn, liên tục. Chỉ cần ôm ấp vỗ về trẻ sẽ ngừng khóc và ngủ.
4. Khi trẻ làm nũng, trẻ khóc lúc cao, lúc thấp, có thể không có nước mắt, chân tay múa máy lung tung, mắt nhìn sang trái sang phải. Khi đó bế ẵm và vỗ về trẻ.
5. Khi trẻ hoảng sợ, do tiếng động, ánh sáng, đêm tối… trẻ khóc thét lên, toàn thân dãy dụa lung tung. Trẻ bị kẹp cũng khóc thét và dãy dụa như vậy.
6. Khi đái dầm, nách bẹn bị hăm… trẻ khóc bình thường, không có gì đặc biệt, đôi khi thét to lên, nước mắt dàn dụa.
7. Ngoài ra trẻ còn khóc, làm nũng về đêm, có thể về đêm trẻ đói, khát, hoặc nhiệt độ trong phòng nóng lạnh quá, hoặc ban ngày trẻ đùa nghịch quá mức bị hưng phấn làm giấc ngủ xáo trộn, hoặc bực bội khó chịu, ngứa ngáy, đã gây quấy khóc.
Tiếng khóc bệnh lý
Tiếng khóc bệnh lý là tiếng khóc khi trẻ đau đớn hay trong người có gì trục trặc, rối loạn khó chịu, có thể phân biệt như sau:
1. Trẻ khóc từng cơn, kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột.
2. Trẻ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa là trẻ có khả năng có bệnh ở não hay màng não.
3. Trẻ khóc thét, không nhanh, không chậm, đều đều, sắc mặt trắng nhợt, vã mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu sờ vào thì khóc to hơn là trẻ có khả năng viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun) hoành hành.
4. Trẻ khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, khó thở, kèm theo sốt bỏ bú là trẻ có khả năng bị viêm amidan cấp.
5. Trẻ khóc với âm điệu bình thường, trẻ ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín, đó là trẻ bị đau đầu, ngạt mũi, cảm cúm.
6. Trẻ khóc xong lại thở khò khè là trẻ có khả năng viêm phổi.
7. Trẻ khóc yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng là trẻ có khả năng viêm phổi và suy tim, phải theo dõi sát sao.
8. Trẻ khóc không yên, kèm theo sốt, lắc đầu, vò tai, lấy tay ép vào vành tai lại càng khóc dữ dội là trẻ có khả năng viêm tai giữa.
9. Trẻ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều là trẻ có khả năng bị còi xương giai đoạn đầu.
10. Trẻ khóc trước khi ngủ là thường trẻ bị giun kim, ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu.
11. Trẻ khóc khi đi tiểu tiện thường là trẻ bị viêm đường tiểu, có thể thấy miệng niệu đạo nhiễm trùng, tấy đỏ.
12. Trẻ khóc, không chịu bú, hễ ngậm vú thì khóc là trẻ có khả năng niêm mạc lợi bị sưng, viêm miệng, nên không bú được.
13. Trẻ khóc dữ dội, luôn tay quờ quạng, vơ nắm mọi vật để ôm vào người là trẻ có khả năng bị mọc mụn, do ẩm nóng, gây ngứa ngáy, khó chịu.
14. Trẻ khóc sau khi đi đại tiện thường là trẻ bị rạn nứt hậu môn.
Thời gian khóc thường kéo dài từ 5 đến 30 phút và có thể lặp lại hằng đêm. Ban ngày trẻ vẫn ăn và ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường, chứng khóc đêm sẽ hết.
Tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt khóc dạ đề và khi khóc vì có một triệu chứng bất thường ở trẻ, nếu cơn khóc của trẻ kéo dài hơn hoặc kèm theo biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề khóc do bệnh lý. Trẻ khóc nhiều, dai dẳng về đêm do nguyên nhân bệnh lý thường là do trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, sữa mẹ không đủ cho nhu cầu của bé hoặc bé được nuôi trong phòng kín, không đủ ánh sáng. Nhiều bậc phụ huynh lo sợ trẻ dưới 6 tháng tuổi gặp gió, nắng sẽ ốm. Điều này hoàn toàn sai lầm, khiến trẻ bị thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. Chứng còi xương làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu, sinh ra quấy khóc trong thời gian dài.
Ngoài ra, đó cũng có thể là biểu hiện trẻ bị lồng ruột. Khi bị lồng ruột, trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo triệu chứng như : nôn, khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi tiêu ra máu.
Trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Vì vậy, cha mẹ cần phân biệt hiện tượng khóc đêm với khóc do bệnh lý ở trẻ. Ngoài cơn khóc, trẻ vẫn khỏe mạnh, ăn, ngủ bình thường thì cha mẹ không cần quá hoảng hốt. Khi dỗ cần bế ở tư thế trẻ ưa thích, đu đưa nhẹ nhàng để trẻ dễ ngủ lại. Không nên tập trung nhiều người dỗ trẻ cùng một lúc vì có thể khiến trẻ hoảng sợ. Nên đặt con ngủ ở căn phòng yên tĩnh Nếu thấy trẻ có kèm theo các dấu hiệu biếng ắn, vã mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi trộm….cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh, không nên quá chủ quan đến khi đưa trẻ đến bệnh viện thì đã quá muộn. Đề phòng thiếu vitamin D bằng cách không cho trẻ nằm trong phòng kín, thiếu ánh sáng.
Chữa chứng khóc đêm ở trẻ
Khóc đêm, hay còn gọi là khóc dạ đề thường là do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ, ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hoặc trước lúc ngủ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh.
Khóc đêm là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, khiến cho các bậc cha mẹ rất vất vả, phiền lòng. Tuy nhiên, chứng này không có trong danh mục Bệnh nhi khoa trong y học hiện đại, mà chỉ được đề cập trong y học cổ truyền.
Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi. Da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.
Cách trị
- Gừng tươi 5 g, đường đỏ 15 g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.
- Hành 5-10 củ, để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn, gạo tẻ 25 g, gừng tươi 3 lát. Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được. Chia ra cho trẻ ăn trong ngày.
- Bạch truật (sao vàng) 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm)
Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần làm mát tạng Tâm và giải nhiệt.
Cách trị
- Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
- Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15 g, sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt. Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.
- Lá tre 5 g, gạo tẻ 25 g. Cách chế và sử dụng: Sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.
Dạng lo sợ bất an (khóc đêm do sợ hãi)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.
Cách trị
- Hạt sen khoảng 20 hạt, để cả tâm, sắc lấy nước, chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.
- Xác ve sầu ( “thiền thoái”, “thiền y”) 3-5 g, bỏ đầu và chân, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần. Tối đến, lấy mươi ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3 g bột xác ve sầu vào, cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.
Một số cách dùng thuốc đắp bên ngoài
- Lá trầu không đặt lên bếp hơ cho ấm, ấp vào rốn trẻ, rồi bế vào lòng, ấp bụng con vào bụng mẹ, để hơi ấm của mẹ truyền sang cho con, một lát sau trẻ sẽ đỡ khóc và ngủ yên. Có tác dụng rất tốt đối với trường hợp trẻ khóc đêm thuộc dạng tỳ vị hư hàn.
- Hạt bìm bìm 7-9 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão. Trước khi cho trẻ nằm ngủ, lấy bột thuốc đắp lên rốn, dùng băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề. Nếu không kiếm được hạt bìm bìm ở quanh nhà, có thể mua ở cửa hàng Đông dược.
- Tại những nơi nuôi tằm, nên nhặt lấy những con tằm tự nhiên bị chết cứng (do bị nhiễm một loại khuẩn), cong queo, màu trắng nhờ hay hơi lốm đốm trắng, đem sấy khô, cất vào lọ nút kín dùng dần.
Khi trẻ mắc chứng khóc đêm, trước khi đi ngủ, lấy mấy con tằm, cho vào bát giã nát, hòa với chút rượu, hơ cho ấm, đắp vào hai gan bàn chân của trẻ, rồi dùng băng hoặc băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề.
(St)