Kinh nghiệm chụp ảnh hoa cải để có bức hình đẹp lung linh

KInh nghiệm chụp ảnh hoa cải để có bức hình đẹp lung linh. Vậy là mùa cải năm nay đã qua một nửa,lúc này thời tiết cũng không còn được đẹp như những ngày đầu đông,bầu trời lúc nào cũng xám xịt và không khí thì lạnh lẽo vô cùng,thật hiếm hoi để tìm ra được những buổi chiều nắng vàng để các bạn có thể thoải mái tác nghiệp.Thế nhưng các bạn ạ,khi tới giữa mùa,cũng là lúc cải nở rộ nhiều nhất,tươi nhất và cũng là lúc thích hợp nhất để các bạn có những bộ ảnh thật đẹp với cánh đồng đầy hoa vàng



À,vậy là mình chém gió hơi lan man rồi,quay lại vấn đề chính của bài tổng hợp này. Bạn đã từng được biết tới những cánh đồng hoa cải nằm ở ven đô,bạn đã từng được chiêm ngưỡng những bức ảnh đầy màu sắc,bạn muốn rằng mùa cải này mình và bạn bè mình sẽ có mặt ở đó,…? Nhưng,bạn chưa biết phải tới vườn cải nào?bạn chưa biết đường đi ra sao?cũng không rõ cần chuẩn bị những gì và kinh phí liệu có đắt đỏ?
Vâng,để trả lời những thắc mắc đó,nhóm PV của kênh 3 HMU XPRESS đã thực hiện bài tổng hợp này(cũng như đã đi thực địa để kiểm chứng),bài tổng hợp tới từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet,dù có thể chưa thật đầy đủ và chính xác,nhưng hi vọng sẽ là kim chỉ nam ban đầu để các bạn có thể thưởng thức trọn vẹn mùa hoa cải năm nay cũng xin cảm ơn các nguồn rất nhiều này luôn
À,các bạn lưu ý nhé,trong 1 năm hoa cải sẽ nở rộ 2 vụ,1 vụ từ cuối tháng 10 âm tới giữa tháng 12 âm.Và 1 vụ cuối tháng Giêng và tới đầu tháng 3 âm.Vì thế,bạn nào lỡ bỏ qua vụ Đông lần này,có thể chờ ra tết lại được chiêm ngưỡng hoa cải đấy
Bài tổng hợp lần này,chúng mình xin được chia làm các phần như sau để các bạn tiện theo dõi:
Phần 1-1 đoạn tản văn hay về hoa cải(trích từ báo Hoahoctro.vn)
Phần 2-10 địa điểm quen thuộc mà bạn có thể chụp Vườn hoa cải,xếp theo khoảng cách so với nội thành Hà Nội do HMU XPRESS đề cử.
Phần 3-Kinh nghiệm để đi chụp hoa cải đẹp(nguồn từ Blog Akari 3.0).
Phần 4-Vấn đề thu phí ở vườn hoa cải mà bạn cần quan tâm(nguồn từ báo mạng doanhnhandatviet).


Mùa hoa cải vàng...

Những bông cải hoa vàng lạ lắm. Mỏng manh và run rẩy vậy mà lại cứ thích mọc giữa những ngày đông giá. Khi nền trời trở nên xám xịt và lạnh lẽo thì những vệt cải hoa vàng đó lại choán lấy tâm trí người ta, như đón chào, như mời gọi, như ôm ấp, như nhắn nhủ. Em đã đọc ở đâu đó một bài viết về hoa cải, nói rằng cái đẹp của hoa cải là cái đẹp của bầy đàn. Tách một nhánh hoa ra thì thấy bình thường nhưng khi cầm trên tay một chùm hoa mới thấy hết những nét đẹp của nó.

Những triền hoa cải chạy dọc bến sông đã chứng kiến biết bao những giây phút êm đềm của tuổi thơ. Của những bước chân còn chưa nhuốm bụi trần, của những nụ cười còn hồn nhiên thanh thoát. Tháng mà hoa cải nở rộ nhất cũng là dịp trời đất se duyên cho bao đôi lứa, những hạnh phúc được thành đôi.

Tháng cuối năm, khi mà những cơn gió mùa tràn về rét mướt, chẳng còn mấy loài hoa đủ sức mà vươn lên để tỏa hương, khoe sắc thì hoa cải lai mạnh mẽ vượt lên như một cái đẹp thần kỳ. Ngắt một vài nhánh hoa cắm vào một cái lọ nhỏ để nơi góc bàn học, cả một không gian như sáng bừng lên theo cái màu vàng có hương thơm dìu dịu ấy…


Vườn Cải quanh Hà Nội


Sau đây chúng mình xin giới thiệu danh sách 10 vườn hoa cải quen thuộc nhất mà giới trẻ vẫn hay tới chụp ảnh,10 địa điểm này được xếp theo thứ tự khoảng cách từ gần tới xa nhất so với Trường Đại Học Y Hà Nội.Bọn mình sẽ không chỉ dẫn quá chi tiết,mà thay vào đó sẽ là những bản đồ dẫn đường,các bạn cứ theo đó mà đi nhé,có gì không mò thấy cứ hỏi người dân quanh khu vực có vườn cải thôi
Trước tiên,sẽ là bản đồ To với 1 số địa điểm Gần.

1.Vườn hoa Tây Tựu:

Hướng dẫn đi:
Từ Cầu Diễn có 2 cách đi:
- Cầu Diễn - ngã tư Nhổn rẽ phải hỏi đường vào Làng Hoa Tây Tựu
- Cầu Diễn - biển chỉ dẫn khu sinh Thái: rẽ phải tiến vào hỏi đường Làng Hoa Tây Tựu( tớ minh hoa theo cách 2 vì cách này rất phiêu linh đi luồn qua khu sinh Thái rồi ra con đường toàn hoa và hoa cải):

Đặc điểm:
-To,rộng,đẹp,chủ yếu là cải vàng(cải ngồng) và hoa cúc.
-Ngoài ra ở đây còn nhiều nhiều loại hoa khác nữa.Đặc biệt,đây cũng là điểm đến không thể thiếu của những người muốn săn tìm vườn hoa hướng dương
-Cũng không nhiều người tới chụp cải ở đây.

Giá:
Hình như vẫn free nếu ngoan ngoãn và ngoại giao tốt :X

Bản đồ:


2.Vườn hoa Thạch Bàn:

Hướng dẫn đi:
Vườn Hoa Cải Thạch Bàn. Trên đường đi Bát Tràng, cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 500m, bên tay trái theo chiều đi.

Đặc điểm:
-Có đủ cải vàng và cải trắng(cải cúc),số lượng rất nhiều,thân cây cao(trên 1m60),chia thành nhiều luống,nhiều khu,nhiều hộ.
-Background hay bị vướng nhà cửa đằng xa.
-1 số vườn có giới hạn về thời gian chụp và đôi khi hiện tượng cò vườn cải và chặt chém khách vẫn xảy ra.

Giá:
Hầu như đều đã thu phí trừ 1 số ít vườn,giá tầm 15-50K người hoặc 70K-100K/nhóm ko giới hạn số người.

Bản đồ:

3.Vườn hoa ĐH Nông Nghiệp 1:

Hướng dẫn đi:
Rẽ bên phía tay phải trước cổng Trường đại học Nông nghiệp 1 (Trâu Quỳ,huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Đi xe buýt 59 hoặc đi xe máy đến thẳng cổng Đại học Nông nghiệp 1. Ở đây có một ngã ba, bạn rẽ tay phải và đi chừng 2km sẽ thấy những ruộng hoa cải nở bên bờ sông Đuống.

Đặc điểm:
-Ngoài hoa cải ở đây còn có nhiều hoa và cây ăn trái khác(vườn của trường Nông Nghiệp mà lại).
-Vườn rộng,chủ yếu là cải vàng.

Giá:
Chắc chắn là có thu phí,50K/nhóm.

Bản đồ:

4.Vườn hoa Trâu Quỳ:

Hướng dẫn đi:
Tới ngã ba,nếu bạn rẽ phải sẽ vào ĐH Nông Nghiệp,còn rẽ tay trái,thì đi sâu vào trong sẽ tới khi vực trồng hoa của thị trấn Trâu Quỳ.

Đặc điểm:
Chủ yếu là hoa cúc,nói đúng hơn đây là tụ điểm chụp hoa cúc còn hoa cải,tuy cũng có nhưng chỉ là thứ yếu.

Giá:
Miễn phí.

Bản đồ:

5.Vườn hoa phố Keo-chợ Keo:

Hướng dẫn đi:
Cũng lối đường 5 đi khoảng 3km đến ngã ba Sủi( Cây xăng 30/4) rẽ trái đi thẳng vào khoảng 2km nữa là đến.Nó thuộc Chợ Keo - Phố Keo. Phố Sủi vuông góc với Chợ Keo. Nhìn trên biển chỉ dẫn Km bạn sẽ thấy báo: Chợ Keo 1km. Từ đó trở đi 2 bên đường toàn Hoa Cải Cúc. Bạn hỏi đường vào Chợ Keo, sau đó hỏi đường lên đê. Từ đê bạn đi dọc làng Bình Trù sẽ thấy toàn hoa Cải Cúc.

Đặc điểm:
Cánh đồng hoa bạt ngàn,nhưng chủ yếu là hoa cúc và cải vàng,background không bị dính mấy ngôi nhà dân.

Giá:
Miễn phí.

Bản đồ:


6.Vườn hoa chân Cầu Đuống:

Hướng dẫn đi:
Từ trung tâm Hà Nội, bạn qua cầu Chương Dương và đi tiếp qua cầu Đuống gần 200m thì rẽ phải đi theo con đường đê về phía cầu Phù Đổng, từ chỗ ngã rẽ khoảng 3km bạn sẽ gặp vườn cải ngay chân đê.

Đặc điểm:

-Nhiều vườn,nhiều luống và chủ yếu là cải vàng.
-Chiều cao khóm thấp,bé.
-Background tạm được,tuy nhiên hay bị bắt chẹt tiền lệ phí.

Giá:
15K/người hoặc 50K-100K/nhóm.

Bản đồ:

7.Vườn hoa ga Yên Viên:

Hướng dẫn đi:
Qua ga Yên Viên,bạn rẽ trái,đi qua 1 số vườn cải giống(không chụp được,bị rào lại)đi thẳng kịch đường rồi rẽ phải như bản đồ,sẽ thấy 2 bên đều là vườn cải rất rộng(chú ý:cột mốc là 1 nghĩa trang gần đó và trường Tiểu học Yên Viên).

Đặc điểm:
-Đủ cả cải trắng và cải vàng,thân cao,rậm,nở rất đẹp,chia thành nhiều luống.
-Có thể chụp thêm những thân cây già cũng khá ổn ở gần đó.
-Tuy nhiên,chụp ở đây nên giữ ý thức,có thể khiến người dân phát điên và làm bậy nếu bạn dẫm vào hoa của họ nhiều quá.Chú ý:đám thanh niên làng cũng là một mối nguy hại nếu nhóm đi toàn nữ và quá ít người :-SS

Giá:
Miễn phí.

Bản đồ:

8.Vườn hoa Ninh Hiệp:

Hướng dẫn đi:
Mang tiếng là trên đường vào chợ vải Ninh Hiệp.Nhưng thực ra,để đơn giản thì theo như bản đồ,bạn tiếp tục đi thẳng sau khi qua song Đuống,qua 1 đường ray xe lửa cắt ngang,sẽ thấy biển báo kết thúc Yên Viên.Đi tiếp tầm 50m,sẽ thấy 1 Đài tưởng liệm liệt sỹ và nghĩa trang ngay bên phải đường,rẽ vào đó tầm 80m,vườn cải nằm bên tay trái.

Đặc điểm:
-Đủ cả cải trắng và cải vàng,diện tích rộng nhưng chỉ được chụp trong 1 khu vực có giới hạn.
-Nếu chụp vào buổi trưa và buổi tối,bạn nên đề phòng một số người dân có ý gây hấn,nhất là khi bạn dám vượt qua ranh giới mà người ta cho phép bạn chụp(giới hạn bằng rào)

Giá:
Tùy hôm chủ vườn nào trông,thường thì miễn phí nhưng nếu có thu tiền,bạn nên mềm mỏng thương thuyết,giá cao nhất tầm 10K/người.

Bản đồ:

9. Vườn hoa cầu Thanh Trì:

Hướng dẫn đi:
- 1 chỗ là đoạn cầu Thanh Trì giao với đường 5. Giờ cầu Thanh Trì làm xong rồi nhưng phải đi xuống phía dưới sẽ thấy nhiều luống cải Cúc.
- 1 chỗ khác là: bạn đi Tam Trinh - cầu Thanh Trì nhưng gần đến ngã 3 rẽ trái lên cầu Thanh Trì thì bạn đừng rẽ mà đi thẳng. Hỏi phố Thúy Lĩnh. Từ đây bạn lang thang sẽ thấy 2 bên đường trồng toàn rau cải và 4,5 luống Hoa cải cúc, cải cúc ở đây cũng tương đối cao và gần như hoang sơ.

10.Các vườn hoa khác:

Hướng dẫn đi:
- Có một vườn cải trắng khá nhớn và khoảnh vường cải vàng be bé nằm xen lẫn trong các khu vườn quất, đào ở bãi sông Hồng thuộc Nhật Tân, Tứ Liên ( có một số ngõ rẽ vào trên đường Âu Cơ. VD: ngõ 124 Âu Cơ ).
- Vườn hoa Hội Lim, Thực sự là chỗ này tớ chưa tới,nhưng theo giang hồ đồn đại thì quanh khu vực Hội Lim họ cũng trồng rất nhiều hoa cải.Còn đường tới Hội Lim mọi người tự tra trên Google nhé
- Ngoài ra, Bắc Giang và nhiều tỉnh miền núi khác có hoa cải. Tôi còn nghe nói cải ở Mộc Châu nở hoa từ tháng Chín. Nhưng những nơi đó quá xa, khó đi lại trong một ngày nên chúng ta sẽ tạm cho qua.


Nói thêm chuyện chụp ảnh vườn cải


Rắc rối và cách giải quyết


Như tôi đã nói ngay từ lời dẫn của bài này, bạn có thể sẽ gặp vài chuyện phiền toái nho nhỏ. Nhưng hãy cùng nhìn vấn đề một cách thấu đáo trước khi nói tới cách giải quyết.
Cải là rau của nông dân trồng. Đó là một phần nguồn thu nhập của họ và vì vậy, họ trân trọng nó. Một số bạn khi đi chụp ảnh đã tùy tiện đi vào giữa các luống rau và tàn phá không thương tiếc công sức lao động của người nông dân. Khi đó, chủ vườn không thể không nổi giận. Có thể khi bạn đến nơi thì khu vườn đã tan hoang rồi, nhưng bạn vẫn có nguy cơ phải chịu tội thay kẻ khác nếu tùy tiện đi vào mà không xin phép trước.
Nhưng chuyện đó chưa tệ bằng việc sẽ có những kẻ giả danh chủ đất hoặc bảo vệ, chặn đường bạn đòi tiền mãi lộ – đây là chuyện tôi gặp trên đường. Rất có thể kẻ đó sẽ không chỉ đòi tiền, mà còn đòi thu máy ảnh của họ nữa. Khi đó, bạn chịu thiệt, mà người nông dân cũng không được gì.
Cuối cùng, sẽ có vài chủ đất yêu cầu bạn trả phí. Giá hiện nay là 50 ngàn đồng (mức trung bình). Tôi không nghĩ rằng chừng đó là nhiều, nhất là khi bạn đi với bạn bè.
Cách giải quyết những vấn đề này – tôi đoán rằng – chắc các bạn đã tự tìm ra phần nào.
Hãy tìm chủ đất trước, đừng vội vã lao vào chụp ngay – tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp cũng không nhẹ lắm đâu. Nếu họ đòi phí, hãy coi như bạn uống thêm một tách cà phê trên đường đi, không nhiều nhặn gì cả. Nếu không, tôi cho rằng bạn nên chủ động ‘biếu’ người chủ chút ít, coi như cảm ơn họ đã giúp bạn có ngoại cảnh đẹp.
Lưu ý rằng dù bạn có ý định trả tiền thì cũng đừng có ‘sơ ý’ phá phách lung tung. Hãy nhớ rằng, sau bạn, còn rất nhiều người muốn đến chụp ảnh ở vườn cải. Và bản thân người nông dân không hề vui vẻ gì khi cây cối họ mất công chăm sóc bị chà đạp cho một thú vui quá xa xỉ đối với họ – dù họ có được trả bao nhiêu đi chăng nữa.
Phức tạp nhất vẫn là đối phó với những gã ‘chí Phèo’.
Nếu bạn gặp đối tượng kiểu như thế, hãy bình tĩnh và đừng giao nộp gì cả. Trong trường hợp của chúng tôi, một cô bé trong đoàn vì ‘yếu tim’ nên đã ‘nộp’ 60 ngàn cho một kẻ như thế. Sau đó chúng tôi được chụp ảnh thoải mái, nhưng số tiền đó, tôi biết, không đến tay người lao động thực sự.
Tôi không trách cô bé kia, vì bất kỳ ai thiếu kinh nghiệm cũng sẽ làm vậy – nhất là phụ nữ chân yếu tay mềm – và vào dịp năm mới hay lễ hội thì người Việt đặc biệt không thích cãi cọ.
Vậy, hãy giữ bình tĩnh.
Mấy gã đó thích đem cơ quan công quyền, chẳng hạn như ủy ban xã ra dọa bạn. Bạn có thể ‘khè’ lại bằng cách lôi báo chí hoặc một cơ quan công quyền khác. Thử hỏi tên kẻ đòi mãi lộ (và tên các nhân chứng – nếu có ai đó xung quanh). Nếu ‘anh Chí’ đòi đưa bạn ‘lên xã’, hay ủng hộ cách giải quyết đó – chỉ là dọa thôi mà. Đứng trước cơ quan pháp luật, bạn là người có lợi (tôi không tin vào khả năng mấy gã đó dám cùng bạn tới ủy ban nhân dân xã).
Tuyệt đối đừng gây gổ, hãy mềm mỏng, nhưng cho thấy rằng bạn rất tự tin và ‘bắt bài’ được đối phương. Nếu ‘phe địch’ đông hơn thì càng cần khéo léo. Ngay cả khi ‘quân ta’ đông hơn thì ‘địch’ vẫn có ưu thế ‘sân nhà’, đừng chủ quan.
Nếu bạn đã ‘sơ ý’ phá phách gì đó thì hẳn việc nộp tiền đền bù là khó tránh khỏi, nhưng tuyệt đối đừng xử nhũn. 50 ngàn, không hơn. Dù sao thì tôi vẫn khuyên bạn hãy cẩn thận, và nếu trả tiền, hãy cố gắng đảm bảo rằng số tiền đó đến tay người trồng cây, chứ không chui vào túi một gã bất lương nào đó.

Kỹ thuật
Và đây là phần quan trọng nhất.
Nhiều người cầm trong tay bộ máy ảnh vài ngàn Mỹ Kim nhưng rồi ảnh vẫn cứ mờ mờ đục đục, màu sắc không tươi tắn.
Bạn có thể dùng Photoshop để ‘gọt dũa’, nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian. Giải pháp thiết thực nhất vẫn là tinh chỉnh các chế độ ngay từ đầu để có bức ảnh tốt nhất (ít ra là về màu sắc).
Cá nhân tôi khi chụp (xem flash minh họa) đã chọn sẵn kiểu màu (style) phong cảnh (landscape). Nó sẽ làm cho bầu trời xanh hơn; các màu khác rực hơn một chút. Tôi tăng tương phản chút ít (contrast , hoặc +2 là tối đa, tùy trường hợp). Bão hòa màu (saturation) thì +3 hoặc +4. Tôi cho rằng +3 phù hợp hơn, vì ở mức cao nhất (+4), màu rất dễ bị bết, nhất là khi bạn không có ống kính cao cấp.
(chú thích thêm rằng bạn phải tự chỉnh những thông số này, vì các hệ máy khác nhau dùng menu khác nhau – hãy đọc hướng dẫn sử dụng, đừng lười)
Ba thông số gồm độ nhạy, khẩu độ và tốc độ thì không có gì phải bàn. Nhưng cân bằng trắng thì lại rất nhiều người không biết phải dùng ra sao.
Mùa hoa cải nở (từ khoảng tháng 11 đến tháng 2 dương lịch), bầu trời nói chung không trong xanh mà nhiều mây, âm u. Nếu bạn cân bằng trắng tự động ở chế độ Cloudy (nhiều mây – tương đương khoảng 5000 độ K) thì ảnh sẽ vàng khè, không còn thấy sắc xanh của lá nữa.
Ảnh minh họa cho bài này được chụp ở 4500 độ K trong một ngày nhiều mây, và kết quả tương đối sát với những gì tôi thấy bằng mắt thường. Nhưng tôi là người thích màu sắc mạnh mẽ, tươi tắn (nhất là trong những chuyến đi chơi kiểu này) nên khi về nhà, tôi đã chỉnh lại tất cả còn 4000 độ K.
(chú thích thêm rằng tôi chụp định dạng RAW, vì tôi muốn thử nghiệm nhiều thứ với ảnh của mình – bạn có thể chụp thằng file JPEG nếu bạn muốn và thấy đủ tự tin)
Nếu bạn có filter (CPL chẳng hạn) hãy thử dùng vì nó có thể đem lại hiệu ứng rất thú vị mà Photoshop không tạo ra được, hoặc phải mất rất nhiều thời gian để tạo ra.
Nếu chụp người mẫu thì sẽ cần chỉnh lại màu da chút ít, nhưng như thế vẫn tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc phải chỉnh lại màu hoa lá của cả một cánh đồng.
Nếu vườn cải đủ rộng, hãy thử dùng các ống kính untra-wide – 14mm nếu bạn may mắn có một chiếc. Ống kính mắt cá cũng là một lựa chọn không tồi.
Về trang phục, cá nhân tôi thích màu xanh dương hoặc đen trên nền lục-vàng của đồng cải. Nếu trời không quá xanh thì màu xanh dương sẫm là lựa chọn đầu tiên của tôi. Rất dịu mắt! Và tương phản tốt nữa!
Màu đỏ và cam cũng được thôi, nhưng tôi không thực sự thích – quá chói lóa. Nếu bạn định chuyển ảnh sang đen trắng thì cần nhớ thêm rằng đỏ và lục có chung độ sáng và cả hai sẽ cùng biến thành màu xám nhờ nhờ trong ảnh đen trắng. Trừ khi bạn dùng kính lọc – tất nhiên. (Nhưng nếu bạn đã có kính lọc để chụp riêng ảnh đen trắng thì bạn đã không còn ngồi đây đọc những dòng này rồi.)
Nếu buộc phải chọn đỏ hoặc cam, hãy chọn màu sẫm nhất bạn có.
Xanh nõn chuối và vàng đương nhiên là bị loại khỏi danh sách các màu quần áo có thể mặc khi vào vườn cải. Các tông nâu có vẻ cũng không ổn lắm, nhưng tôi cho là màu xám sẽ khá đẹp.
Tóm lại, đây là tất cả những gì tôi biết về chuyện chụp ảnh ở vườn cải. Nếu ai đó định hỏi luôn cả cách ‘trang điểm’ cho người mẫu bằng Photoshop thì tôi e rằng tôi cũng rất dốt phần đó.


Chủ vườn cải kiếm tiền triệu mỗi ngày


Từ cuối tháng 11, hoa cải nở rộ trên khắp các vườn rau ở ngoại thành Hà Nội. Đây cũng chính là điểm thu hút rất nhiều bạn trẻ và nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh. Trong khi có một vài nông dân than vãn vườn bị phá thì hàng loạt chủ vườn cải khác tỏ ra rất thức thời biến vườn cải thành công cụ kiếm tiền rất hiệu quả.
Trồng rau... siêu lãi
Nơi thu hút nhiều bạn trẻ nhất là các vườn cải tại huyện Gia Lâm như thôn An Lạc, Trâu Quỳ hay xã Dương Hà… Tại các vườn hoa này, vào mỗi dịp cuối tuần là nhiều bạn trẻ lại đua nhau đến chụp ảnh. Các nhóm đứng san sát nhau, cứ tầm 5m là có một nhóm đang tạo dáng chụp ảnh. Anh Hùng, chủ một vườn cải cho biết, thời điểm đông nhất có thể lên tới hơn 100 người.Trước đây, các bạn trẻ đến chụp ảnh tại vườn cải đều miễn phí, chỉ cần sự đồng ý của gia chủ. Nhưng trong khoảng hai năm gần đây, khi chụp ảnh ở đồng cải vàng trở thành mốt thì nhiều người đã tranh thủ thu phí để kiếm lời. Muốn vào chụp ảnh, mọi người phải mua vé. Giá "vé” cũng mỗi nơi mỗi khác vì các nhà tự ý "hét". Mức giá phổ biến nhất là 10.000 đồng một người. Tuy nhiên, cũng có nơi “hét” đến 20.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng với lý do vườn của họ hoa đang rộ, đẹp hơn vườn khác. Cũng có nơi không bán vé theo người mà đưa ra mức giá chung: từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng cho mỗi lần chụp.


Những người không muốn bỏ tiền thì đành chụp từ xa hoặc chọn phong cảnh xung quanh như đồng ruộng, lò gạch. Anh Hòa (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Có nơi, chủ vườn thu đến 50.000 đồng một người. Thấy đắt, bọn mình từ chối và đi chụp phong cảnh xung quanh thì họ nổi đóa, không đồng ý, thậm chí đuổi đánh”. Ngược hẳn với mục đích ban đầu của việc trồng cải là để lấy hạt, người dân giờ đây gần như không buồn để ý tới việc có thu hoạch được gì từ những luống cải hay không mà chuyển hết sang kinh doanh dịch vụ thu phí chụp ảnh. Bởi dịch vụ này đem lại lợi nhuận cao hơn cả số tiền mà việc thu hoạch cải đem lại. Chị Liên (ở Hai Bà Trưng) vừa cùng nhóm bạn đi chụp ảnh tại một vườn cải ở xã Trâu Quỳ, Gia Lâm, cho biết, ở đây, các nông dân đón khách đến chụp ảnh rất… chuyên nghiệp. “Chúng tôi vừa dừng xe đã được một số nông dân chào mời xuống ruộng. Có người còn quảng cáo sẽ được chụp ở cả hai vườn cải cúc và cải sen nhà họ”, chị Liên kể.


Anh Quang, chủ một vườn cải ở Trâu Quỳ, cho biết, mảnh vườn nhà anh gồm ba luống cải. Nếu thu hoạch hạt để bán, vườn cải này sẽ cho lãi khoảng 500.000 đồng. Thế nhưng, mỗi sáng, mới chỉ khoảng 9h, vườn cải nhà anh đã đón bốn nhóm đến chụp ảnh. “Mỗi nhóm ít nhất 5 người, chỉ thu mỗi người 10.000 đồng thì đã lãi được 300.000 đồng”, anh Quang tính toán. Vừa nói, anh vừa chỉ tay lên phía trên bờ ruộng, nơi vẫn còn 4, 5 nhóm nữa đang chờ đến lượt.
Anh Quang cũng cho hay, vườn cải nhà anh cũng chỉ mới trồng khoảng hai năm, từ khi thấy người thành phố thích chụp ảnh hoa cải, gia đình anh mới tham gia trồng và bắt đầu thu phí.
Tại các vườn cải, chủ vườn còn dọn sẵn lối đi sao cho người chụp ảnh có thể vừa chụp được những hình ảnh đẹp nhất, vừa đỡ giẫm đạp lên cây, còn mình chỉ việc thu tiền và... đợi nhóm khách khác.
Không chỉ thu phí thuê địa điểm chụp ảnh, hàng loạt các dịch vụ cũng đua nhau "ăn theo". Nhiều bãi trông đỗ xe tự phát cũng mọc lên để thu lời. Giá của các dịch vụ này cũng không hề rẻ với mỗi xe là 10.000 đồng. Chưa kể một số nơi còn bày bán hàng nước, trà đá, hoa quả bánh kẹo... kiếm lời thêm.

Xuất hiện “cò hoa cải"
Sự yêu thích của các bạn trẻ mê chụp ảnh đã khiến các vườn cải “quá tải”, làm xuất hiện đội ngũ "cò hoa cải" chuyên "săn" khách, dịp các chủ vườn thuê để cạnh tranh với nhau.
Thùy Anh (THPT Phan Đình Phùng) và nhóm bạn vừa mới đặt chân tới một vườn cải ở bên kia cầu Đuống thì đã thấy bãi trước, bãi sau đều chật ních người. Cả nhóm đang lo lắng có thể sẽ phải ra về mà chưa kịp chụp được kiểu ảnh nào thì một phụ nữ ra hỏi thăm. "Chưa chụp à, sắp tắt nắng rồi, đi theo chị có bãi đẹp lắm". Đi theo người dẫn đường, nhóm bạn của Tú Anh tới một bãi hoa cải ở xa tít mù, ở đây quả thực có ít người chụp hơn và không gian cũng thoáng đãng hơn.
Mặc dù cách khá xa địa điểm đỗ xe nhưng ở đây hoa cải nhiều và đẹp hơn hẳn các vườn phía ngoài. Tuy nhiên, giá đi kèm cho công “môi giới” cộng thêm cả phí chụp ảnh cũng không hề “mềm”. Sau một hồi mặc cả, nhóm Tú Anh đã phải trả 50.000 đồng cho cò.





Kinh nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại
Kinh nghiệm chụp ảnh dslr
Kinh nghiệm chụp ảnh món ăn bắt mắt, ấn tượng
Kinh nghiệm chụp ảnh cho bé
Kinh nghiệm chụp ảnh áo dài cho cuốn album cưới .
Kinh nghiệm chụp ảnh biển đẹp mê hồn v
Kinh nghiệm chụp ảnh bằng IPhone 4 đẹp mê ly




(st)