Kinh nghiệm đi biển Hải Thịnh Nam Định: Địa điểm ăn - chơi - ngủ - nghỉ cần biết cho các bạn than khảo khi đang có ý định đi du lịch Hải Thịnh nhé
Đường đi:
Chỉ cách Hà Nội 160 km về phía đông nam, bãi tắm Thịnh Long - Hải Thịnh thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được coi là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách vào kỳ nghỉ cuối tuần. Sự kỳ thú của bãi biển chính là bãi tắm đẹp, nước trong sạch, hàng phi lao dày, cao, xanh ngát.
Biển Hải Thịnhnằm ở phía Tây tỉnh Nam Định, thuộc thị trấn Thịnh Long xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, là bãi biển sạch, trải dài hơn 3 km với dải cát mịn thoải, không bị bùn lún, an toàn tuyệt đối, êm đềm và thơ mộng. Vẻ đẹp hoang sơ khí hậu mát mẻ hơn hẳn với bãi biển khác vì không có cái nóng nực oi nồng của gió Lào, Hải Thịnh luôn đầy ắp gió cả ngày và đêm, điều thú vị hơn cả là cát biển Hải Thịnh không phải mầu trắng hay vàng mà ánh xanh mịn màng. Nơi đây có Cồn Lu, Cồn Ngạn nằm cách bờ biển khoảng 20 km với nhiều loại động thực vật phong phú, quý hiếm. Do môi trường trong sạch, khí hậu thiên nhiên ưu đãi, thức ăn ở đây tươi ngon nhưng giá cả cũng phải chắng
Khoảng cách từ Hà Nội tới Thịnh Long - Hải Thịnh khoảng 160 km (Nếu đi theo Quốc lộ 21) và khoảng 135 km nếu theo đường tỉnh 490.
Nếu đi bằng xe máy:
Đi theo đường quốc lộ 21 tới đầu thành phố Nam Định, rẽ trái vào Quốc lộ 10, lên cầu vượt theo hướng đi NINH BÌNH. Tuy nhiên các bạn phải đi thẳng theo đường to (tiếp tục qua cầu vượt thứ hai- qua đường sắt,qua cầu vượt thứ thứ 3 - qua sông Nam ĐỊnh) tới ngã tư sẽ có hai đường đi:
- Đi thẳng theo Quốc lộ 21: Xa hơn, đường xấu hơn, nhiều đoạn đang làm đường, bẩn, bụi, đặc biệt đoạn từ Lạc Quần tới Hải Thịnh (khoảng 40km) tuy nhiên không phải qua phà.
- Rẽ phải vào tỉnh lộ 490: Đường ngày gần hơn khoảng 15 km, đường tốt hơn (đoạn đầu khoảng 15 km đường hẹp, tới thị trấn Liễu đường vắng, đi tốt). Tới Km 42 nhớ rẽ trái xuống phà Phú Lễ - khi nhìn thấy nhà máy đóng tàu. Tại đây có hai phà, ô tô 16 chỗ, đi tốt. Tuy nhiên do phà nhỏ các bạnphải lùi xe khi xuống phà (nếu các bạn muốn tiến thẳng lúc lên) hoặc ngược lại.
Nếu đi bằng ô tô
Từ Hà Nội du khách có thể đi bằng xe máy hoặc đi ôtô khách Giáp Bát - Thịnh Long chạy hai chuyến/ngày. Nếu đi bằng xe cá nhân, có thể kết hợp tham quan nhiều di tích lịch sử và điểm du lịch hấp dẫn ở Hải Hậu và Nam Định.
Con đường từ thị trấn Cồn ra bãi tắm Thịnh Long gần 20 km được rải nhựa, uốn lượn qua những hàng thông và những đồng muối trắng. Ở đây có cả một mạng lưới dịch vụ lưu trú qua đêm rất đa dạng với những nhà nghỉ nhỏ hoặc "nhà vườn". Nhà nghỉ Công đoàn nằm cạnh rừng thông nhìn ra biển thu hút khá đông du khách. Ngoài 80 phòng khép kín chất lượng cao, còn có vườn hoa, cây cảnh, sân thể thao..., xen giữa các dãy nhà làm theo kiểu "nhà vườn" phù hợp cho từng gia đình có nhu cầu ở lại qua đêm hoặc nhiều ngày.
Theo đánh giá của một số du khách tới Thịnh Long, giá cả ở đây rất rẻ, kể từ giá phòng cho đến giá các món hải sản tươi sống như cá chim, cá thu, vược, mực, tôm sú, tôm he, ghẹ, cua bể... Ông Vũ Ngọc Bang, Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn, nói: "Giảm giá dịch vụ để thu hút khách du lịch và phục vụ tận tình, chu đáo là mục tiêu số một của chúng tôi". Theo ông Bang, thời gian tới, khu du lịch Thịnh Long sẽ còn được khai thác thêm nhiều tiềm năng độc đáo khác để thu hút du khách, phát huy lợi thế sẵn có. Chẳng hạn như tổ chức cho du khách tham quan đồng muối và cách làm muối của diêm dân; một số ngành nghề như thuyền chài đi biển lưới cá, câu mực, lặn sò, dệt lưới... cũng sẽ được nhân rộng và đưa vào trong chương trình tham quan du lịch. Tuy vậy, theo ý kiến của ông, để khu du lịch này hoàn thiện hơn nữa, tỉnh Nam Định cần có chiến lược quy hoạch, đầu tư "mạnh tay" hơn vào các công trình quan trọng.
Những địa điểm du lịch lân cận:
Từ Khu du lịch Thịnh Long, du khách có thể tham quan cánh đồng muối Văn Lý, đến với phiên chợ chiều ven biển, thăm các nhà thờ, đền chùa ở các vùng lân cận. Tạm biệt Thịnh Long du khách mua về làm quà những mặt hàng hải sản, những chai nước mắm ngon, những gói bánh nhãn đặc sản Hải Hậu.
Gần hơn so với khu du lịch biển Thịnh Long là Khu du lịch biển Quất Lâm thuộc Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thuỷ. Vùng bãi biển Quất Lâm trước đây vốn nổi tiếng với dưa hấu Quất Lâm. Khi mà dưa hấu trồng ở các tỉnh phía Nam chưa chiếm lĩnh thị trường miền Bắc thì dưa hấu Quất Lâm luôn được mọi người ưa chuộng bởi ruột đỏ, mọng nước và ngọt lịm. Từ năm 1997 sau khi quy hoạch Khu du lịch biển Quất Lâm được triển khai thực hiện, những ruộng trồng dưa, trồng lạc, trồng đậu nhường chỗ cho các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng mọc lên bên rừng phi lao vươn mình bên bãi biển cát mịn lộng gió biển Đông. Hệ thống giao thông đến với bãi biển Quất Lâm được nâng cấp nhanh chóng. Con đường 51 nối quốc lộ 21B với Thị trấn Quất Lâm được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Những người xa quê lâu ngày khi trở về không khỏi ngỡ ngàng thấy xe buýt từ Thành phố Nam Định chạy tận ra mép bãi biển Khu du lịch Quất Lâm. Cũng như Thịnh Long, du khách đến với khu du lịch Quất Lâm ngoài việc được thưởng thức bầu không khí mát lành, những món hải sản tươi ngon còn có cơ hội tham quan Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ - Khu du lịch sinh thái, điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ nằm ở khu vực cửa sông Hồng, giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Thái Bình) cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km về phía Đông Nam. Nơi đây, hàng nghìn ha rừng ngập mặn (chủ yếu là cây sú, cây vẹt) và rừng phi lao xen lẫn những cồn cát, những đầm lầy, những lạch nước, tạo nên những sinh cảnh điển hình của vùng đất ngập nước cửa sông ven biển tạo môi sinh cho các loài động thực vật hoang dã cư ngụ.
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ có 120 loài thực vật bậc cao có mạch trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước, cấu thành nên rừng ngập mặn, có tác dụng to lớn trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế tác hại của thiên tai như lũ bão, thuỷ triều, bảo vệ vững chắc đê biển, có ý nghĩa trong việc mở rộng đất lấn ra biển, ngăn mặn thâm nhập sâu vào đất liền. Thực vật nổi có 111 loài, nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao như loài rong câu chỉ vàng. Bên cạnh đó, lớp thú ở Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ cũng có các loài quý hiếm như: Rái cá, cá heo, cá đầu ông sư,… các loài bò sát và lưỡng cư có trên 30 loài. Côn trùng vô cùng phong phú với trên 100 loài. Người dân các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong sú vẹt thơm ngon, bổ dưỡng đang là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng đem lại giá trị kinh tế cao.
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ còn được coi là nơi xem chim lý tưởng đối với du khách. Đã thống kê được 219 loài, thuộc 41 họ và 13 bộ. Trong số 33 loài chim được bảo vệ toàn cầu thì xuất hiện ở Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ tới 9 loài chim nước quý hiếm, được ghi vào sách đỏ quốc tế như: Cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, cò lạo Ấn Độ, choắt chân màng lớn, choắt mỏ thìa, bồ nông, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Đây là điểm dừng chân cho nhiều loài chim di cư. Hàng năm vào mùa đông khoảng từ tháng mười một, mười hai các đàn chim từ phương Bắc (Siberi, Hàn Quốc) di cư xuống phía Nam tránh rét đã chọn Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, kiếm ăn, tích luỹ năng lượng cho hành trình dài hàng ngàn cây số của mình. Bởi vậy, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ được ví như là một ga chim quốc tế quan trọng. Lúc cao điểm có tới ba, bốn mươi ngàn cá thể. Vào mùa xuân (tháng ba, tháng tư) khi tiết trời trở nên ấm áp từng đàn chim lại dừng chân tại đây kiếm ăn, nạp thêm năng lượng trước khi bay trở về phương Bắc. Gần đây, Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ đã xây dựng một số chòi quan sát chim để phục vụ du khách tới tham quan, tìm hiểu và khám phá đời sống các loài chim.
Năm 2004, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ cùng với vùng rừng ngập mặn Đông Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng) và các địa danh khác thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình đã được UNESCO cấp bằng chứng nhận là Khu Dự trữ sinh quyển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Đến với Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ du khách còn có dịp trải nghiệm, khám phá những nét đẹp văn hoá của người dân vùng ven biển từng kiên cường chống chọi với thiên nhiên, quai đê lấn biển, thăm vùng nuôi ngao vạng, thăm mái nhà bổi, nét kiến trúc độc đáo của người dân ven biển, thăm các làng chế biến hải sản, nghe điệu hát chèo ngọt ngào của những cô thôn nữ các xã vùng đệm Vườn Quốc gia.
Ngoài những địa điểm trên đã được ngành Du lịch Nam Định xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, đến với vùng biển Nam Định, du khách có thể ghé thăm vùng rừng ngập mặn Đông Nam Điền (Nghĩa Hưng), thăm vùng đất thuộc nông trường Rạng Đông (địa danh được gắn lên các sản phẩm gia dụng bóng đèn, phích nước Rạng Đông thân quen với từng gia đình Việt Nam). Tới đây du khách được thưởng thức những món đặc sản: gỏi nhệch, món hàu nướng, tôm cua, ngao, vạng vừa đánh bắt dưới đầm lên, xem những người ngư dân Nghĩa Thắng biểu diễn các tiết mục độc đáo trên các đôi cà kheo đi biển cao tới bốn, năm mét…
Trên hành trình đến với các khu du lịch biển, du khách có thể đến thăm nhiều điểm tham quan du lịch của tỉnh Nam Định như Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, làng nghề cây cảnh Vị Khê, ươm tơ Cổ Chất, dệt đũi Cự Trữ, xem những người nông dân chất phác làng Rạch biểu diễn rối nước tại Thuỷ đình giữa ao làng dưới bóng đa cổ thụ.
Từ nhiều năm nay, các sản phẩm du lịch biển của Nam Định đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Nhiều hãng kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế đã tổ chức các chương trình khảo sát xây dựng các tuyến, tour du lịch tham quan các khu du lịch biển tại Nam Định. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với ngành Du lịch một số tỉnh bạn như Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình xây dựng các chương trình hợp tác liên kết khai thác phát huy tiềm năng tài nguyên du lịch biển vùng duyên hải phía Bắc. Với những cố gắng đó, du lịch biển Nam Định đã và đang tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư, với du khách trong nước và quốc tế, mở ra triển vọng to lớn cho du lịch Nam Định phát triển. Đến nay, nhiều doanh nhân trong và ngoài tỉnh đã đầu tư gần một nghìn tỷ đồng tiền vốn cho các công trình xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tập đoàn Bắc Hà đã khởi công và đang khẩn trương thực hiện dự án khu Resort và vui chơi giải trí Bắc Hà tại Khu du lịch Quất Lâm với tổng mức vốn đầu tư lên đến năm trăm tỷ đồng. Khách sạn Công Đoàn Thịnh Long đang được Tổng Công ty khách sạn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nâng cấp đạt tiêu chuẩn ba sao. Tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được thử nghiệm tại xã Giao Xuân và sẽ nhân rộng ra năm xã vùng đệm. Những phụ nữ nông dân đã dần làm quen với loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch thông qua dự án đào tạo nghề do các tổ chức phi Chính phủ thực hiện, giúp người dân hình thành sinh kế mới để giảm nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Các dự án nâng cấp quốc lộ 21B và đường 49 độ C sắp hoàn thành là một tín hiệu vui mở ra triển vọng tươi sáng cho các khu du lịch biển Nam Định vươn dậy, góp phần thúc đẩy vùng kinh tế biển của tỉnh phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây./.
(St)
Kinh nghiệm du lịch Nam Định
Ai đi biển Thịnh Long-Nam Định rồi cho em biết cảm tưởng với
Quần áo đi du lịch biển trong ngày hè năng động
Những cảnh đẹp ở Nam Định mộc mạc, giản dị
Du lịch biển mùa đông tại sao không
Hành trang khi đi du lịch biển trọn bộ đây