Cách trình bày sáng kiến kinh nghiệm hoàn hảo nhất
Cách viết email xin tài trợ kinh nghiệm của người đã thành công
Làm gì khi con lười học, những kinh nghiệm giáo dục trẻ cho bố mẹ
Kinh nghiệm học lái xe số sàn cực hữu ích. Tham khảo ngay để luôn làm chủ trên đường nhé
Với những người mới tập lái, những người đam mê cảm giác làm chủ thì ôtô số sàn (hay số tay, viết tắt là MT) là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, khác với số tự động, việc lái xe số sàn cần nhiều thao tác thuần thục và dưới đây là một số kinh nghiệm lái xe số sàn vừa giúp tiết kiệm nhiên liệu, vừa an toàn, đỡ mệt mỏi.
Chuyển về số 0 khi khởi động
Với xe số sàn, cần lưu ý trước khi bật khoá khởi động, cần số phải được chuyển về vị trí trung gian (số 0) và côn được nhả hoàn toàn. Trường hợp bắt đầu khởi động vào buổi sáng thì nên để cho động cơ nổ ở chế độ chờ khoảng 1 phút trước khi vận hành vì sau khoảng thời gian dài không vận hành, phần lớn dầu xe đã lắng xuống phía dưới động cơ, hệ thống xi lanh và buồng đốt lúc này gần như chỉ còn một lớp dầu mỏng bám trên bề mặt, vận hành ngay sẽ khiến động cơ dễ bị ăn mòn và hư hỏng.
Sơ đồ chuyển số tùy thuộc vào từng loại xe. Tuy nhiên sơ đồ này thường được vẽ ngay trên cần nắm số. Để việc chuyển số thuần thục mà không cần phải nhìn xuống cần số, bạn nên luyện kỹ năng này bằng cách: Để chìa khóa ở vị trí tắt, thực hành việc chuyển số (kết hợp với chân côn), mắt không nhìn cần số.
Nhịp nhàng côn ra ga vào
Để chuyển số với xe số sàn, côn phải được cắt hoàn toàn, có nghĩa chân côn phải đạp hết. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp sẽ cảm thấy việc vào số rất nặng và khó nhọc do chân côn của xe chưa đạp hết tầm. Khi nhả côn để xe chuyển động, phải phối hợp nhịp nhàng giữa chân ga và chân côn để việc chuyển số diễn ra êm ái. Chỉ khi thực hiện đúng thao tác "côn ra ga vào" (giảm ga và cắt côn nhanh – sang số – nhả côn từ từ kết hợp tăng ga), côn mới không bị mài, máy mới khoẻ, tránh bị ì.
|
Côn ra ga vào, số phù hợp với tốc độ...là những lưu ý quan trọng nhất |
Xe số sàn có nhược điểm so với số tự động là ở chân côn nhưng cũng lại có ưu điểm hơn xe số tự động cũng là nhờ chân côn, bạn hãy sử dụng nó nhiều hơn nếu không nó sẽ chẳng phát huy được ưu điểm của nó. Chỉ đạp chân côn khi thay đổi số là chưa tận dụng được ưu thế của nó. Khi chạy đường xấu bạn nên cắt côn tùy lúc để xe tránh bị giằng – giật. Khi vượt chướng ngại vật trong phố chỗ đông người bạn nên rà côn cho an toàn.
Số phù hợp tốc độ
Trong quá trình lái xe, nếu xe chưa đủ tốc độ mà lái xe đã vào số cao sẽ làm cho xe ì, đạp ga xe không tăng tốc mạnh như mong muốn được, tức là chạy ép số. Vì thế, lái xe cần học cách tạo đà, và khi vận hành cần lưu ý sự tương thích giữa số và tốc độ xe. Cụ thể: số 1 tương ứng với tốc độ 510km/h, số 2: 1015km/h, số 3: 1530km/h, số 4: 3540km/h, số 5: trên 45km/h.
Không đạp côn trước khi phanh
Các chuyên gia kỹ thuật ôtô cho hay, khi xe đã chuyển bánh và việc chuyển số hoàn tất, hãy bỏ hoàn toàn chân ra khỏi chân côn. Nếu cứ giữ chân trên chân côn (thói quen này thường ở thời gian đầu của người mới lái xe) sẽ làm giảm tuổi thọ của các lá côn. Đặc biệt khi phanh, tránh đạp côn sớm trước khi xe chuẩn bị dừng; lái xe cần dạp phanh trước, sau đó mới đạp côn. Tương tự khi vào cua, lái xe không đạp côn và đảm bảo số phù hợp tốc độ, tránh xe chết máy hoặc gằn máy.
Dùng phanh tay đúng cách
Trong quá trình học lái xe và vận hành trên đường, chúng ta có thể sử dụng hoặc phanh chân, hoặc phanh tay để thực hiện đềpa ngang dốc. Tuy nhiên lái xe cần lưu ý phanh tay không được thiết kế để dừng xe khi đang chạy, mà chỉ giữ xe đứng yên khi đã dừng. Vì vậy, nếu xe tụt dốc mà chỉ kéo phanh tay là một sai lầm nguy hiểm. Ngược lại, nếu vô tình quên không nhả hết phanh tay (do nhả không dứt khoát), phanh sẽ bị mòn và nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng.
|
Sơ đồ số có thể khác nhau nhưng thường hiển thị ngay trên cần số. Một số trường hợp về số lùi R cần phải kéo gờ cũng nằm trên cần số. |
Kinh nghiệm đềpa
Khi đềpa, lưu ý không nhả chân côn hết cỡ, thường dẫn tới chết máy. Trước khi nhả côn, phải ga thốc lên tầm vòng tua máy 1.5002.000 vòng/phút nhưng trong quá trình nhả côn phải giữ đều chân ga giúp xe di chuyển về phía trước. Sau khi cắt phanh tay, cần giữ nguyên chân côn, chân ga lúc bắt đầu cắt phanh tay.
Không nên lạm dụng số 0
Việc đưa cần số về số trung gian (số 0 hay số mo) khi đang vận hành hay chuẩn bị dừng đèn đỏ không giúp tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại khiến quán tính của xe tăng lên đột ngột, khó kiểm soát tốc độ. Đặc biệt một số lái xe có thói quen nguy hiểm là về số 0 khi xuống dốc; khi đó tốc độ xe tăng theo gia tốc, cả phanh chân và phanh tay sẽ không thể phát huy hết hiệu quả, nguy cơ tai nạn rất cao.
Lái xe số sàn đúng kiểu rất phiêu
Mệt mỏi, ngao ngán mỗi khi đánh vật với số sàn khó tính, ấy vậy mà khi đã bén duyên nhiều bác tài lại "nghiện" và chẳng muốn lên đời, độc giả Bảo An chia sẻ kinh nghiệm đi xe ô tô số sàn
Có lẽ mơ ước “máy làm thay người” luôn là động lực của mọi phát minh, ngay cả cái điều khiển tivi từ xa cũng là từ lười biếng mà ra, số tự động cũng không ngoại lệ. Nó là thành quả của bao nhiêu bàn tay và khối óc tài hoa, không chê vào đâu được.
Tuy nhiên, trong thời buổi “thắt lưng buộc bụng” mỗi đồng tiền đều là mồ hôi, nước mắt. Nhiều chị em và cả các anh em nữa dù biết "Lái số tự động đúng cách rất sướng" cũng đành cầm lòng vậy mà vật lộn với số sàn.
Ấy là với những "tài nhà" còn non. Người viết bài này xin chia sẻ một vài kinh nghiệm, hy vọng những người chưa biết sẽ thêm tự tin khi ngồi sau vô-lăng.
Những kỹ năng cần thiết khi đi số sàn
Tập "ru ga"
Bất cứ khi nào trong đầu nghĩ cần "ru", chân chỉ cần tựa vào bàn đạp ga, vòng tua máy đạt 1.000 - 1.200 vòng/phút là đạt. Đó là mức tối thiểu để đi các số mà xe không giật. Nếu đường đông, không cần “mức đấy hoặc hơn thế nữa” thì chuyển sang chờ ở chân thắng là vừa.
Nhận biết điểm sang số
Tùy vào đời xe với thiết kế động cơ và hộp số mà có ngưỡng chuyển khác nhau. "Mẫu số chung" khi leo lên xe lạ thường là tua máy.
Depa từ số 1: chả cần lên ga, cho côn bắt chầm chậm. Khi xe lăn bánh thì đệm ga là vừa. Đấy gọi là "đi côn trước", khởi động dịu dàng. Đối với người chân côn chưa chuẩn, chỉ cần “đi ga trước” bằng cách cho ga tua lên 1.000 vòng/phút rồi mới nhả côn, xe sẽ không chết máy.
|
Từ số 1 - 2: tua máy khoảng 1.400 - 1.800 vòng/phút chuyển sẽ được. Từ 2 - 3 tua khoảng 1.300 - 1.700. Khi ở số 2 nếu không khéo các bác tài sẽ cho những người đồng hành gật gù. Từ 3-4, 4-5 nói chung lên số khá êm, vòng tua để khoảng 1.200 - 1.600 vòng/phút.
Sau bước làm quen giúp tìm được điểm sang số thích hợp cho mỗi xe. Chỉ cần nhớ “vận tốc ở 1.000 vòng/phút của số lớn sẽ là điểm êm ái tiếp nhận số nhỏ”. Ví dụ, khi xe bạn chạy trên đường bằng, ru ga 1.000 vòng/phút ở số 2, bạn thấy nó chạy khoảng 10-12 km/h. Chuyển về số 1, vòng tua máy đạt 1.500 vòng/phút. Vậy khi đi số 1 mà vòng tua đến 1.500 vòng/phút ta chuyển sang số 2. Thực hiện các tương tự để tìm điểm rơi cho các số 3, 4...
Về số là khi chạy xe cao xe bị phanh lại, ga xuống 1.000 vòng/phút. Nếu đường đông, vẫn phải tiếp tục giảm tốc, bạn cần rà thắng, nhả côn để nó bắt êm ái. Nếu đường cho phép duy trì tốc độ ấy chứ không giảm hơn nhiều thì bỏ thắng giữ ga cao một tí (khoảng 1.200 vòng/phút) mới bắt côn để xe không khựng lại. Khi tăng tốc cũng thế, nhưng nếu lỡ “rú” ga cao hơn so với mức cần thiết, thì vê côn để việc tăng số được êm ái.
Chân côn linh hoạt - thách thức tài non
Nổ máy, vào số và nhả côn, bạn sẽ thấy nó có 3 khoảng khác nhau. Khoảng đầu từ khi chân côn kịch sàn tới khoảng 1/4 hành trình, côn chưa bắt nên có thể chuyển số. Đây là khoảng “chết” của côn, nếu với dân mê tốc độ, cái khoảng này rất lợi hại. Khoảng dài 1/2 hành trình tiếp theo, côn bắt tăng dần, xe tăng tốc theo mức tăng ga.
1/4 hành trình còn lại, dù nhả chân côn hay không thì xe vẫn thế. Đó là khoảng trượt dùng để “đỡ côn” khi qua đường xấu hoặc lỡ đi số cao mà vận tốc hơi thấp nhưng không tiện về số vì tăng tốc ngay sau đó. Nếu đỡ quá khoảng này vào cùng hoạt động của côn thì xe sẽ giảm tốc. Nguyên tắc khi nhả côn là nhanh dần đều. Khi đang nhả chân côn mà cần cắt ngay thì đạp dứt khoát rồi sau đó tiếp côn lại chứ đừng ngập ngừng xe sẽ giật.
Ấn ga thay vì đạp ga
Cư xử dịu dàng với chân ga, xe sẽ tăng tốc mượt mà. Một số bác xe tải quen vù ga dồn số khiến em nó gầm nên nghe chả dịu dàng chút nào. Bản thân mình chỉ dùng cạnh giày để đi ga trong phố chứ hiếm khi để bàn đạp ga ở giữa bàn chân.
Rà phanh để tránh phải rửa nội thất
Trừ trường hợp có sự cố, còn bình thường nên “rà” thắng và cảm nhận sự giảm tốc chứ đừng đạp hứ hự. Vì bạn sẽ có nguy cơ rửa nội thất xe đấy! Rà cho đến khi nào gần đứng hẳn thì nhả ra một tí cho xe tự dừng chứ đừng “cầm cự đến phút cuối”. Bạn cứ thử và cảm nhận sự khác biệt, làm thế nào mà hành khách trong xe không hề biết xe đã dừng là đạt.
Tăng ga, nhả côn và “nghe” xe tăng tốc
Ấn ga làm sao khi nhả côn đến khoảng chừng 1/2 hành trình là xe đạt ngưỡng chuyển số tiếp theo, đạp nhẹ côn nhưng dứt khoát chỉ cần vào khoảng chết là tiếp tục sang số và lại nhả côn.
Nếu bạn nhả hết rồi lại đạp côn kịch sàn, bạn sẽ nghe tiếng “khục” khi bắt côn số mới. Cảm giác khi chân côn khi ấy giống như lúc "nhồi bóng rổ". Bóng đi lên, tay vừa chạm vào bóng, vừa nương theo nó lên đỉnh rồi mới nhấn xuống.
Nguyên tắc 10 giây trong phố
Đi trong phố, tài xế cần dựa vào tính huống giao thông và dự đoán tốc độ tối đa sẽ đi. Bạn chỉ có 10 giây để đạt tốc độ này. Sau đó bỏ hẳn chân côn, "bây giờ ai bảo số sàn không bằng số tự động"! Đường thoáng, có thể đi số 3 hoặc 4, đệm ga khoảng 1.500 vòng/phút.
Tham khảo thêm kinh nghiệm lái xe ô tô số tự động
Một số người quan niệm sử dụng ôtô số tự động tốn nhiên liệu, dễ gây tai nạn do dễ chuyển số nhầm hoặc đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh. Thực tế, nếu biết cách sử dụng đúng, lái xe số tự động vừa nhàn, vừa không tốn nhiên liệu và vẫn đảm bảo an toàn...
Xe ôtô hộp số tự động được viết tắt là AT (Automatic Transmission), giúp lái xe khá thoải mái trong vận hành xe, đặc biệt là trong khu đô thị đông đúc nhờ bỏ nhiều thao tác sang số của tay phải và bỏ hoàn toàn thao tác đạp côn của chân trái cũng như sự phối hợp nhịp nhàng “côn ra - ga vào” với chân ga. Tuy nhiên, cần phải hiểu số tự động không có nghĩa là không có số nào, mà loại trừ hộp số AT vô cấp thì hộp số AT thông thường vẫn có nhiều cấp số và được hiển thị trên màn hình trung tâm.
Ngoài việc loại bỏ hàng loạt thao tác vận hành, xe số tự động còn có ưu điểm như khó chết máy, dễ dàng khởi động giữa dốc, tăng ga không bị giật...Vì thế, tỷ lệ người sử dụng xe số tự động ngày càng cao và trở thành xu hướng hiện nay. Tuy vậy, cũng khá nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trong thời gian qua do người lái xe số tự động không vận hành đúng cách, thuần thục và bị mất bình tĩnh. Dưới đây là một số kinh nghiệm lái xe số tự động vừa an toàn, vừa tiết kiệm nhiên liệu được các chuyên gia ôtô khuyến cáo:
Lái xe tạo đà, số cao vòng tua thấp: Chúng ta cần lợi dụng quán tính của xe để không nhấn ga thừa ở những nút giao thông, đèn đỏ rồi lại phanh. Bạn cũng đừng nghĩ rằng chỉ có xe số sàn mới áp dụng quy luật số cao, vòng tua thấp bởi như đã nói ở trên, đa số xe tự động thường có các cấp số hiển thị trên màn hình trung tâm.
Điểm khác biệt cơ bản về thao tác chân ở xe số tự động là không còn chân côn, chân phải đảm nhận luôn cả chân ga và chân phanh, chân trái chỉ để dưới sàn. Chính thói quen sai lầm dùng chân trái phanh và chân phải ga của một số người chuyển từ lái số sàn sang số tự động là nguyên nhân gây tai nạn.
Khi bắt đầu lên xe, cần chỉnh gương, chỉnh ghế ngồi thoải mái, thắt dây an toàn, kiểm tra tay số ở vị trí P chưa trước khi bật công tắc khởi động máy. Ở các xe đời cao, bắt buộc bạn phải nhấn nhẹ chân phanh thì xe mới nổ, trong khi ở xe đời thấp hơn không cần thao tác này.
Chuyển tay số về D, OD hoặc R , nhả phanh tay. Lưu ý, cả phanh tay và cần số của xe số tự động có một điểm chung là cần phải nhấn nút mở khóa thường nằm ngay ở đầu tay số, đầu tay phanh. Việc nhả phanh tay hoặc chuyển số cần được thực hiện dứt khoát, tránh lửng lơ. Cũng như xe số sàn khi đang cài số, việc nhấc nhẹ chân phải ra khỏi chân phanh đã khiến xe từ từ chuyển bánh, chưa cần tới nhấn ga. Nếu xe không chuyển động hoặc quá chậm, cần nhấn nhẹ chân ga để tăng tốc.
Khi cần giảm tốc: Nhấp nhẹ chân phanh và giữ liên tục như vậy. Trong trường hợp đỗ dừng đèn đỏ, tài xế có thể về số N (số mo) và kéo phanh tay hoặc nhấp phanh chân. Nếu cần dừng xe cố định lâu hơn, nên chuyển tay số về vị trí P, kéo phanh tay để giúp chân phải “thư giãn” đôi chút...
Đây cũng là thao tác cần thực hiện khi đỗ xe, trước khi tắt máy và rời chân phải khỏi pedal phanh. Cần lưu ý là một số tài xế trước khi dừng đèn đỏ hoặc trôi dốc thường về số N để xe trôi tự do nhằm giảm mức tiêu hao nhiên liệu. Tuy nhiên, cách này rất nguy hiểm do xe thiếu khả năng giảm tốc bằng số mà chỉ giảm tốc bằng phanh, lái xe khó xử lý trong các trường hợp gặp chướng ngại vật hoặc cần thay đổi hướng di chuyển, chưa kể tới việc phanh sẽ hư hại rất nhanh.
Trong mọi trường hợp, các chuyên gia ôtô khuyên lái xe phải thao tác thuần thục với xe trước khi tham gia giao thông trên đường.
Kinh nghiệm lái xe an toàn cho phái đẹp
Từ lâu, việc ngồi sau vô lăng đã không còn là đặc quyền của nam giới. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là khi lái ô tô, phụ nữ cần thận trọng gấp đôi nam giới để có thể “đi đến nơi, về đến chốn”.
Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, hãy cùng chia sẻ một vài kinh nghiệm lái xe an toàn dành cho phái đẹp.
Ngoài những kinh nghiệm chung dành cho các tài xế, cả nam và nữ, như bảo dưỡng xe định kỳ, thường xuyên kiểm tra áp suất lốp, nghiên cứu đường đi cẩn thận trước khi xuất phát..., thì phái đẹp cần đặc biệt lưu tâm một số vấn đề sau:
Tập trung
Phần đông phụ nữ vốn tính lơ đãng, trong khi việc mất tập trung lúc lái xe cực kỳ nguy hiểm, “sai một li, đi một dặm”. Vì thế, các chị em phụ nữ hãy lưu ý tập trung khi lái xe. Hãy chỉnh dàn âm thanh ở mức vừa đủ nghe và không nhắn tin hay đọc tin nhắn trong lúc lái xe để bạn có thể quan sát và lắng nghe mọi sự xung quanh.
Khoá cửa xe
Phụ nữ thường đặc biệt nhớ chuyện khoá cửa ra vào, đóng cửa sổ ở nhà. Hãy làm như vậy cả với ô tô! Hãy luôn nhớ khoá cửa và nâng hết cửa kính lên sau khi vào xe. Nếu có ai đó gõ cửa kính ô tô để hỏi đường hoặc nhờ giúp đỡ lúc xe bạn đang chạy chậm hoặc dừng, hãy lập tức đảo mắt quan sát xung quanh xe xem liệu chỉ có một hay nhiều người "khả nghi". Dù thấy có vẻ an toàn, bạn cũng chỉ nên mở hé cửa sổ để trao đổi với một người lạ.
Cảnh giác ở bãi đậu xe
Hãy tìm chỗ sáng sủa để đậu xe (dù là trong hầm hay bãi đậu xe ngoài trời), cũng đừng đậu xe ở chỗ quá vắng vẻ. Khoá xe và ghi nhớ vị trí đậu xe để lúc quay lại không phải mất thời gian đi loanh quanh tìm chỗ.
Nếu bạn đi mua sắm thì nhớ lưu ý cất gọn tiền, ví và các tài sản có giá trị khác trong túi xách trước khi ra bãi đậu xe và đừng nhận bất kỳ sự “giúp đỡ” bất chợt nào của người lạ khi tình huống không có vẻ gì là cần kíp.
Nếu chìa khoá điều khiển từ xa của bạn có chức năng chỉ mở cánh cửa bên ghế lái thì hãy sử dụng. Cân nhắc cầm theo hoặc gài luôn một lọ nước hoa nhỏ dạng xịt vào chìa khoá xe, phòng trường hợp bạn cần tự vệ, nó cũng có tác dụng tương tự bình xịt hơi cay.
Hãy cầm sẵn chìa khoá trong tay để có thể nhanh chóng mở cửa, vào xe, đóng cửa và khoá lại, rồi lái xe đi luôn.
Nếu bạn có cảm giác bất an khi đứng trước bãi xe quá vắng thì hãy nhờ một nhân viên bảo vệ của trung tâm thương mại hoặc bãi đậu xe đi cùng ra xe.
Lưu ý khi lái xe buổi tối
Phụ nữ không nên lái xe quá khuya, hoặc lái xe đường dài vào buổi tối. Trong trường hợp bất khả kháng, hãy cố gắng không lái xe một mình, và tránh những nơi chưa từng đến, vì khả năng lạc đường rất cao do trời tối, khả năng quan sát bị hạn chế. Thêm vào đó, hầu hết các loại hình tội phạm đối với phụ nữ thường xảy ra lúc tối trời. Nếu có thời gian chuẩn bị, bạn hãy thu xếp đi vào ban ngày, còn nếu không được chủ động về thời gian thì hãy cố gắng tìm bạn đường.
Việc lái xe một mình khá rủi ro cho phụ nữ, vì nếu có gì khẩn cấp bất chợt xảy ra, bạn sẽ khó kiểm soát được tình hình.
Trong trường hợp xe trục trặc giữa đường, nếu có thể, hãy lái xe tới chỗ sáng và đông người qua lại trước khi gọi trợ giúp, sau đó ngồi trong xe, khoá cửa và chờ đợi. Hãy cẩn thận xác minh đúng là thợ sửa xe rồi mới mở cửa.
Nhỏ mà không nhỏ
Có những việc tưởng như vặt vãnh, nhưng đến lúc khẩn cấp, các chị em mới thấy hết tầm quan trọng:
Thứ nhất, hãy luôn giữ điện thoại di động còn kha khá pin trong xe để có thể gọi điện "cầu cứu" sự trợ giúp của trung tâm dịch vụ, sửa chữa xe hoặc bạn bè, người thân trong trường hợp không may xe bị hỏng giữa đường. Hãy nhớ lưu số điện thoại của các trung tâm dịch vụ có uy tín và luôn mang bên mình.
Thứ hai, luôn trữ đồ sơ cứu, đồ ăn nhẹ và nước uống trong xe. Nếu xe không may trục trặc giữa đường, những thứ này sẽ rất hữu ích, để bạn không cần phải ra khỏi xe đi tìm mua chúng.
Thứ ba, sẽ không thừa nếu bạn “lận lưng” vài kỹ thuật cơ bản, như thay lốp, đấu nối ắc quy để khởi động xe...
Thứ tư, hãy mặc quần áo thoải mái một chút, để việc cử động không quá khó khăn, từ đó, bạn có thể tập trung cho việc lái xe, hoặc dễ dàng thoát khỏi xe trong trường hợp khẩn cấp. Váy ôm quá sát và giày cao gót không phải là "bạn đồng hành" đáng tin cậy của phụ nữ khi lái xe, nhất là với quãng đường dài.
Hy vọng những lưu ý trên đây sẽ hữu ích cho em phụ nữ đang hoặc sẽ cầm vô lăng, và cũng không thừa đối với cánh mày râu!
Kinh nghiệm học lái xe ở Mỹ
Kinh nghiệm học và thi lái xe ô tô
Kinh nghiệm học lái xe ở Úc
Kinh nghiệm thuê xe cưới
Phong thủy khi mua xe
Cách chống say xe hiệu quả
(st)