Kinh nghiệm làm thủ tục ở sân bay nhanh chóng

Đối với nhiều người thì chuyện đi máy bay còn rất xa lạ, có rất nhiều điều ngỡ ngàng khi bước lên một chiếc máy bay mà không chuẩn bị đầy đủ thủ tục, vì chỉ cần thiếu sót một chút về giấy tờ là bạn có thể bỏ lỡ một chuyến bay, nhất là trong những chuyến bay đi nước ngoài.

Không phải mọi thông tin trong này đều đúng với mọi trường hợp, vì vậy bạn nên kiểm tra lại với trường hợp của bạn nếu thấy có điều chưa rõ ràng.

1. Thủ tục đi máy bay

1.1. Chuẩn bị

Trước khi đi máy bay bạn phải có trong tay:

• vé máy bay
• Chứng minh thư nếu đi trong nước hoặc hộ chiếu nếu đi nước ngoài.
• Visa nếu nước cần đến yêu cầu. Hiện nay một số nước và Việt Nam đã ký hiệp định miễn visa đối với công dân của hai nước mang hộ chiếu phổ thông nếu ở lại trong vòng 30 ngày. Ví dụ,  Thái Lan, Indonesia, Singapore … như vậy khi đến các nước này trong vòng 30 ngày bạn không cần visa. Một số nước yêu cầu phải có Visa Transit nếu tuyến bay của bạn transit qua sân bay tại nước đó, ví dụ bạn bay từ Hà Nội đến Amsterdam (Hà Lan) transit tại sân bay Heathrow ở London (Anh): HAN – LHR – AMS, bạn phải có thêm visa transit tại Anh bên cạnh visa vào Hà Lan.

Thủ tục đi máy bay với người người bắt đầu, P.1

• Tiền mặt để đóng thuế sân bay khi đi: một số sân bay châu Á như Nội Bài (Hà Nội), Don Muang (Bangkok)… thu lệ phí sân bay khi bạn đi máy bay từ nơi đó (trong khi các sân bay ở nơi khác gộp thuế đó vào luôn giá vé máy bay), thông thường lệ phí này thu bằng đơn vị tiền của nước sở tại, để tránh phải đổi tiền tại sân bay (nơi mà tỉ giá thường thấp) bạn nên chuẩn bị sẵn số tiền này. Ngoài ra, bạn cũng nên có trước một ít tiền của nước đến để có thể tiêu ngay mà không cần phải đổi ở sân bay.

Bên cạnh đó là các đồ dùng mà bạn muốn mang theo, chia làm hai loại:

• Đồ xách tay (hand/cabin luggage) là đồ mà bạn mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ để đồ này lên giá phía trên ghế ngồi hoặc dưới gầm ghế hoặc giữ bên mình. Hành lý dạng này thường có giới hạn về kích thước, cân nặng, số lượng túi được mang theo … tùy theo quy định của từng Hãng Hàng không. Do vấn đề về an ninh, bạn không được phép mang theo các vật dụng có ý sát thương như dao, kéo …
• Đồ gửi (checked luggage) thường là đồ nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục check-in, đồ này vẫn đi cùng chuyến bay với bạn nhưng được để ở khoang hành lý riêng, bạn ch��� có thể lấy đồ khi đến nơi. Tùy theo loại vé máy bay, Hãng Hàng không mà số lượng đồ gửi (tính theo kiện/bao/gói) hay cân nặng được quy định khác nhau, nếu bạn gửi quá mức qui định thì phải đóng thêm tiền. Các hãng đều qui định danh mục các mặt hàng không được phép mang theo, bạn phải tuân thủ quy định này.

1.2. Vé máy bay

Bạn có thể mua vé máy bay trực tiếp qua các hãng hàng không hoặc qua các đại lý, thường mua qua đại lý hay mua trước khi đi một thời gian thì giá sẽ rẻ hơn. Một số Hãng Hàng không hiện nay bán vé qua internet, do không phải trả thêm tiền thuê nhân viên, địa điểm… nên giá vé cũng ngang với giá của đại lý. Ở châu Âu còn có các hãng hàng không giá rẻ (low cost Airline), những hãng này thường có các tuyến bay từ các thành phố lớn đến các điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu, chuyến bay thường kéo dài khoảng 1 - 4 tiếng, không phục vụ ăn miễn phí nên giá vé rất rẻ.

Đôi khi có những đợt khuyến mại thì giá vé cũng thấp hơn so với bình thường, đổi lại sẽ có một số hạn chế ví dụ số kg đồ gửi thấp, thời gian hợp lệ của vé ngắn, không được trả lại vé một khi đã mua hoặc số tiền trả lại sẽ thấp so với vé không khuyến mại …

Các thông tin liên quan đến vé máy bay:


• Hạng vé (class): Tùy theo phân loại của từng hãng mà có thể có nhiều hạng khác nhau, phổ biến có Economy, Bussiness và First class, trong đó hạng Economy là rẻ nhất.
• Tình trạng vé (status):

- OK/Confirmed: Ngày giờ bay là chính thức.

- Wait Listed: Ngày giờ bay mà bạn đã đăng ký chưa được chắc chắn do đã hết chỗ và bạn được cho vào danh sách đợi. Nếu có người bỏ chỗ mà bạn đứng đầu danh sách đợi thì bạn sẽ được đi vào chuyến đã đăng ký, khi đó status của bạn chuyển thành OK.

- Open Dated: bạn chưa đăng ký ngày, giờ bay. Bạn có thể đăng ký bất cứ lúc nào miễn là trước khi vé hết hạn sử dụng.

• Chuyến bay (flight): Ký hiệu chuyến bay, ví dụ VN188, bạn có thể tìm thông tin về chuyến bay trên các bảng điện tử qua ký hiệu này.
• Ngày giờ bay (date/time): Ngày/giờ máy bay cất cánh ở nơi đi và hạ cánh ở nơi đến, giờ địa phương.
• Bay thẳng (non-stop) hay quá cảnh (transit): Bay thẳng là chuyến bay đi thẳng từ điểm bạn cần đi đến nơi bạn cần đến, transit là chuyến bay dừng tại một hoặc vài nơi khác trước khi đến điểm bạn cần đến.

Các điều kiện ràng buộc:

• Trọng lượng hành lý gửi: Tùy theo loại vé, hãng hàng không mà số kg hành lý có giới hạn khác nhau. Thông thường đi đường dài được gửi 30kg/người, đi nhiều người với nhau có thể gộp lại để chung tải. Nếu gửi quá mức qui định thì phải đóng thêm tiền, lệ phí cao.
• Thời hạn hợp lệ của vé: Tính từ lúc mua hoặc từ lúc bắt đầu bay, có loại 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… tùy theo từng hãng. Thời hạn càng dài thì giá càng cao.
• Refundable: Vé có thể trả lại hay không khi bạn không thể tiếp tục chuyến bay, tùy theo qui định mà bạn được trả lại một phần tiền hoặc không.

Mua vé:

• Đặt chỗ: Bạn thông báo cho nơi bán địa điểm đi và đến, ngày giờ bay nếu đã xác định, hạng vé, một chiều hay hai chiều. Bên bán vé sẽ cho bạn biết: chuyến bay tương ứng còn chỗ hay không, nếu hết chỗ của hạng vé đăng ký thì bạn có muốn vào danh sách đợi hay không, giá vé, các điều kiện ràng buộc của vé, thời hạn phải trả tiền lấy vé. Hai bên thỏa thuận với nhau. Khi chưa trả tiền, bạn có thể thay đổi lại các thông tin đặt chỗ hoặc hủy bỏ mà không phải trả lệ phí.
• Trả tiền, lấy vé: Tùy theo loại vé, qui định của từng đại lý, hãng hàng không mà bạn sẽ phải trả thêm tiền nếu muốn thay đổi lại các thông tin đã ghi trên mặt vé một khi đã nhận vé. Đối với loại vé chưa xác định ngày giờ bay (Open Dated), bạn có thể trả tiền lấy vé rồi đặt chỗ sau mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, nếu sau đó bạn muốn thay đổi ngày giờ bay thì việc có áp dụng mức phí hay không lại tùy thuộc vào loại vé bạn đã mua, đại lý, hãng hàng không. Các hãng hàng không đều có địa chỉ liên lạc tại thành phố nơi bạn sẽ đi, bạn có thể gọi đến địa chỉ này để liên lạc thay vì phải gọi về nơi đã mua vé.

1.3. Sân bay

Các sân bay thường nằm cách trung tâm thành phố từ vài km đến vài chục km, các thành phố phát triển thường có các phương tiện giao thông công cộng (bus, metro, tram, train) nối sân bay với trung tâm, bên cạnh các phương tiện khác đắt tiền hơn như taxi, express bus.

Sân bay bao giờ cũng chia làm 2 khu tách biệt:

• Khu đến (arrival): Nơi mà hành khách từ nơi khác bay đến sẽ đi ra ở khu vực này.
• Khu đi (departure): Nơi mà hành khách làm thủ tục để đi máy bay đến nơi khác.

Trong mỗi khu có thể chia làm hai: nội địa (dành cho các chuyến bay nội địa) và quốc tế (dành cho các chuyến bay quốc tế).

Với các sân bay lớn, từng khu nói trên còn chia làm bến (terminal) (ví dụ ở sân bay Bangkok, Singapore), mỗi terminal có một số hãng hàng không nhất định hoạt động, bạn đi hãng nào hoặc đón người thân đi hãng nào thì đến terminal tương ứng của khu tương ứng.

Các biển báo ở sân bay đều ghi rất rõ bằng hai thứ tiếng: Tiếng địa phương và tiếng Anh. Sân bay luôn có các trạm thông tin (information point) để giúp đỡ hành khách. Các sân bay lớn thậm chí còn cho in sơ đồ sân bay.

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, toilet đều có ở sân bay. Bạn nên mang đồ ăn từ nhà theo nếu muốn tiết kiệm, thông thường khi đi máy bay, bạn phải đến trước giờ cất cánh 2 – 3 tiếng để làm các thủ tục.

Các bảng điện tử nằm rải rác trong sân bay thông báo các chuyến bay đến và đi, bạn xem thông tin ở đây và để ý loa thông báo. Cần chú ý để không nhầm giữa thông tin đi (departure) và đến (arrival), các chuyến bay của terminal nào.

Thông tin về chuyến bay đi gồm có: Tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, bắt đầu check-in, bắt đầu vào phòng đợi, chuẩn bị cất cánh …).
Thông tin về chuyến bay đến gồm có: Tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, sắp đến, đã đến …).

1.4. Check-in

Ở khu departure, bạn tìm đến các quầy của hãng hàng không mà bạn đi, thường có hai hoặc nhiều quầy. Nếu đã đến giờ check-in, các quầy sẽ có nhân viên phục vụ. Nếu vé của bạn chưa ghi chỗ ngồi (seat) mà bạn muốn chọn chỗ thì nên đến sớm để xếp hàng. Tùy theo hạng vé mà bạn xếp hàng vào quầy tương ứng. Hạng Bussiness hay First class có quầy riêng, chỉ khi nào không có khách đi hạng này mà có đông khách đợi ở các hạng khác thì các nhân viên mới linh động làm thủ tục cho khách các hạng khác ở quầy này.

Trước khi đi vào các quầy để làm thủ tục, bạn có thể phải đi qua trạm kiểm soát đồ, bạn chỉ phải đưa hành lý gửi lên để scan, đồ xách tay sẽ kiểm tra ở các bước sau.

Bạn phải đưa vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/visa cho nhân viên tại quầy kiểm tra, nếu có đồ gửi bạn đưa lên bàn cân, nhân viên có thể kiểm tra luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lệ không. Nếu đi một nhóm, bạn có thể làm thủ tục cùng lúc với họ. Bạn có thể đề nghị được ngồi cạnh cửa sổ hay cạnh lối đi, nếu còn chỗ trong hạng tương ứng nhân viên sẽ xếp cho bạn theo yêu cầu. Ngồi cạnh cửa sổ thích hợp với những chuyến bay ngắn, bạn không bị quấy rầy bởi người ngồi phía trong khi họ muốn ra ngoài, hoặc bạn có thể ngắm cảnh khi máy bay cất/hạ cánh. Nếu bạn không muốn làm phiền người khác khi hay phải đi toilet thì bạn có thể xin ngồi cạnh lối đi.

Sau khi xong thủ tục, bạn sẽ nhận lại vé máy bay (đã bị xé đi trang tương ứng với chuyến bay đang làm thủ tục), giấy tờ đưa lúc trước, thẻ lên máy bay (Boarding Pass) và cuống vé tương ứng với hành lý gửi. Có bao nhiêu kiện hành lý gửi thì có bấy nhiêu cuống vé, bạn phải giữ cuống vé cho đến khi ra khỏi sân bay.

Từ lúc này đến lúc lên máy bay, bạn sẽ dùng Boarding Pass thay thế cho vé máy bay. Trên thẻ này ghi địa chỉ phòng đợi tức là cổng (gate) mà bạn sẽ phải có mặt trước khi lên máy bay, thời gian phòng đợi mở cửa, số ghế (seat) trên máy bay của bạn.

Trong trường hợp bạn đi transit, nhân viên có thể sẽ làm luôn Boarding Pass cho (các) chặng tiếp theo của bạn, bạn chú ý không nhầm giữa các Boarding Pass với nhau. Tùy theo tình hình họ sẽ thông báo cho bạn biết hành lý gửi của bạn sẽ được tự động chuyển giữa các chuyến bay và bạn sẽ lấy đồ ở đích cuối cùng hay phải tự lo ở từng địa điểm.

Sau khi làm thủ tục check-in xong bạn có thể đi thẳng vào các khu vực bên trong hoặc chưa vào ngay nếu còn nhiều thời gian. Lưu ý, bạn có thể bị tắc trong các hàng đợi ở các bước làm thủ tục xuất cảnh hay kiểm tra an ninh.

Nếu sân bay thu lệ phí, bạn nên mua ngay để tránh mất thời gian sau này.

1.5. Làm thủ tục xuất cảnh

Tùy theo sân bay, bước kiểm tra an ninh có thể diễn ra trước hoặc sau bước làm thủ tục xuất cảnh.

Nếu bạn đi ra nước ngoài, bạn sẽ phải làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, bạn đưa ra hộ chiếu/visa, nhân viên hải quan xem xét và có thể đóng dấu vào hộ chiếu của bạn hay gỡ bỏ visa/giấy tờ liên quan khỏi hộ chiếu của bạn nếu đã hết giá trị.

1.6. Kiểm tra an ninh


Đồ xách tay của bạn sẽ được đưa qua máy quét, và bạn sẽ đi qua một cổng từ, chìa khóa hay các đồ kim loại bạn nên cho ra khay để qua đường máy quét, tránh làm mất thời gian của cả hai bên một cách không cần thiết.

 1.7. Vào phòng đợi

Sau khi xong hai bước trên là bạn đã vào khu vực quốc tế, tại đây có các quầy hàng lưu niệm, đồ ăn… bạn có thể đi dạo nếu còn thời gian hoặc đến thẳng phòng đợi. Các sân bay lớn thường có các khu giải trí giúp hành khách tiêu thời gian nếu phải chờ đợi lâu (như khi đi transit).

Bạn có thể yêu cầu nhân viên sân bay chở đến phòng đợi nếu bị mệt hoặc do sắp đến giờ bay.
Phòng đợi có thể chưa mở cửa, bạn có thể ngồi ở gần đó hoặc đi dạo xung quanh.
Nên để ý các thông báo trên loa hoặc trên các bảng điện tử.
Nếu bạn có vé hạng Bussiness hay First class sẽ có một khu vực riêng dành cho bạn .

Chú ý:
Vặn đồng hồ theo giờ địa phương để tránh bị động, mặc dù bạn sẽ không bị bỏ rơi một khi đã vào đến đây.


Thủ tục đi máy bay với người người bắt đầu, P.2

1.8. Lên máy bay

Khi đến giờ lên máy bay, nhân viên của hãng hàng không sẽ xuất hiện ở phòng đợi. Hành khách có vé hạng cao vào trước, tiếp đó là những người tàn tật, những người có trẻ em đi cùng, những người còn lại xếp hàng lần lượt vào hoặc nhân viên sẽ gọi theo số ghế. Bạn đưa ra Boarding Pass, nhân viên xé một phần và đưa lại cho bạn mảnh nhỏ hơn trên đó có ghi số ghế của bạn, bạn đi theo hành lang nhỏ để lên máy bay hoặc ra xe bus để đến chân máy bay.

Số ghế trên máy bay có dạng 55B, trong đó 55 là hàng ghế, chữ cái đi kèm chỉ vị trí ghế trong hàng. Máy bay nhỏ thường có 6 ghế một hàng, trong khi máy bay lớn có thể có 10 ghế hoặc hơn. Tiếp viên trên máy bay sẽ hướng dẫn bạn đi đúng lối để đến vị trí của bạn. Khi đến đúng hàng ghế của mình, bạn nhìn ký hiệu chữ cái và hình vẽ tương ứng để ngồi đúng chỗ. Hành lý xách tay để trên giá phía trên đầu hoặc dưới ghế ngồi/chân của bạn. Bạn có thể gửi tiếp viên cất hộ áo comple/vest để tránh bị nhàu nát.

Ghế ngồi có thể ngả ra đằng sau cho thoái mái, ở gầm ghế phía trước có thể có cái để chân. Tuy nhiên, lúc máy bay cất/hạ cánh bạn phải để lưng ghế thẳng, không sử dụng cái để chân, không sử dụng các thiết bị điện tử. Mỗi ghế ngồi có một số nút điều khiển riêng như đèn, nút gọi tiếp viên. Các máy bay đường dài có màn hình video, radio và điều khiển cho mỗi chỗ ngồi. Lưng ghế phía trước có bàn ăn gấp lại, phía dưới là một tập thông tin. Bạn có thể cầm theo các tạp chí quảng cáo lúc xuống máy bay, riêng hướng dẫn an toàn trên máy bay thì không được lấy. Phía trên ghế ngồi có biển báo chỉ dẫn khi nào thì phải đeo dây bảo hiểm, được phép hút thuốc hay không. Khi máy bay cất/hạ cánh hoặc khi đi vào vùng xốc (có đèn hiệu thông báo), bạn phải đeo dây bảo hiểm.

Trong khi máy bay cất cánh, tiếp viên sẽ hướng dẫn các bước phải làm khi có sự cố.

Sau đó, mỗi người được phát một khăn mặt để lau mặt và tay. Đồ uống được đem ra, bạn có thể chọn rượu mạnh (alcohol) (tùy tuyến bay), rượu vang (red/white wine), bia, nước ngọt, nước hoa quả, nước khoáng. Đồ ăn thường có một món chính (có thịt), salad, bánh mì tròn nhỏ, tráng miệng. Thường có 2 lựa chọn cho món chính , ví dụ :gà nấu mì và thịt lợn với khoai tây, nếu đến lượt bạn mà vẫn còn đủ hai lựa chọn thì bạn có thể lựa món . Sau khi ăn xong tiếp viên sẽ phục vụ café hoặc chè. Đi đường dài, chuyến bay sẽ có 2 bữa ăn chính và một bữa phụ. Chuyến đi ngắn thường chỉ có 1 bữa ăn, đôi khi không phục vụ rượu miễn phí. Ngoài các bữa ăn bạn có thể xin nước uống bất cứ lúc nào. Khi ăn, bạn phải dựng ghế cho thẳng.

Nếu lạnh, bạn có thể nói tiếp viên cho mượn chăn để đắp.

Khi đi đường dài, thỉnh thoảng bạn nên ra khỏi chỗ đi lại cho đỡ mỏi và tập các động tác để thư giãn cơ thể.

1.9. Xuống máy bay

Trừ trường hợp phải xuống gấp để đi chuyến tiếp theo cho kịp thời gian, hành khách ra khỏi máy bay đầu tiên là những người có vé hạng cao, những người còn lại xếp hàng lần lượt ra. Nếu đông hành khách hoặc máy bay lớn, có thể có thêm đường ra ở phía đuôi máy bay. Các sân bay hiện đại có hành lang dẫn thẳng từ máy bay vào trong, các sân bay khác có thể dùng xe bus đưa khách từ máy bay vào.

Tùy theo chuyến bay của bạn, sân bay đã định sẵn cổng với các hướng dẫn tương ứng. Có các trường hợp sau:

• Bạn đi transit, điểm dừng này hoàn toàn độc lập với điểm đến tiếp theo (không chung visa nhập cảnh), ví dụ đi từ Hà Nội đến Amsterdam transit tại Singapore: HAN – SIN - AMS, khi đó nếu bạn đã có Boarding Pass của chặng tiếp theo (Sing - Ams) bạn có thể đến thẳng phòng đợi hoặc xem trên bảng điện tử, nếu chưa có Boarding Pass bạn có thể tìm đến Transfer desk để hỏi và làm thủ tục check-in cho chặng tiếp theo.
• Bạn đi transit, điểm dừng này và điểm đến tiếp theo có chung visa nhập cảnh. Ví dụ, đi từ Hà Nội đến New York (Mỹ) transit tại Los Angeles (Mỹ): HN – LA – NY, bạn sẽ phải làm thủ tục nhập cảnh ở LA trước khi đi chặng tiếp theo vì chặng tiếp theo LA – NY là tuyến nội địa.
• Nếu đây là điểm cuối của hành trình, bạn để ý các biển báo chỉ hướng Arrival/Exit:

- Nếu tuyến bạn vừa đi là tuyến nội địa bạn sẽ đến thẳng khu lấy đồ.
- Còn nếu đó là tuyến quốc tế bạn sẽ đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh.

1.10. Làm thủ tục nhập cảnh


Có thể có nhiều quầy làm thủ tục nhập cảnh, bạn để ý biển báo, một số quầy dành cho nhân viên ngoại giao/công vụ, một số dành cho người bản địa, số khác dành cho người nước ngoài…

Tại đây bạn trình hộ chiếu/visa, nhân viên hải quan có thể sẽ đóng dấu hoặc dán thêm một số giấy tờ liên quan, tùy theo từng nước bạn có thể phải điền vào một vài mẫu đơn qui định trước (Việt Nam) hoặc phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc nhập cảnh mặc dù giấy tờ của bạn hợp lệ (ví dụ ở các nước phát triển, họ sợ người từ các nước nghèo sang rồi ở lại bất hợp pháp).

Nếu bạn đi transit tuyến nội địa, bạn sẽ được hướng ra cổng tương ứng. Ngược lại, bạn sẽ đi thẳng ra khu lấy đồ.

1.11. Lấy đồ

Hành lý bạn gửi lúc check-in được đưa ra trên các dây chuyền. Có thể có nhiều dây chuyền được đánh số hoặc ghi chỉ dẫn, bạn xem bảng điện tử/bảng thông tin để biết dây chuyền nào tương ứng với chuyến bay của bạn mà lấy đồ.

Xung quanh khu vực này có các xe đẩy (trolley) để giúp bạn chở đồ.

Nếu không tìm thấy đồ của mình bạn phải thông báo ngay đến phòng khai báo mất đồ/thất lạc (Lost and Found) hoặc liên hệ với hãng hàng không của chuyến bay mà bạn vừa đi, nằm xung quanh đó và đưa ra cuống vé tương ứng với hành lý bị thất lạc. Nếu bạn đi ra khỏi khu vực này mà chưa khai báo mất/thất lạc đồ thì bạn không thể vào lại mà khiếu nại được nữa.

Nếu không có hành lý gửi bạn có thể đi thẳng ra luôn.

1.12. Đi ra

Ở các nước phát triển hoặc đề cao tính tự giác, có hai loại cửa để đi ra. Nếu bạn mang theo các mặt hàng thuộc danh mục đánh thuế bạn phải đi ra cửa tương ứng để khai báo và đóng thuế, ngược lại nếu không có các mặt hàng phải đóng thuế bạn đi ra cửa Nothing to declare.

Sân bay Nội Bài (Hà Nội) không chia cửa, bạn phải đưa đồ lên máy soi và khai báo với nhân viên thuế ở đây.

Để biết mặt hàng nào thuộc danh mục phải đóng thuế, bạn có thể tìm hiểu trước qua internet, qua đại sứ quán… hoặc hỏi tại sân bay. Các mặt hàng như thuốc lá, rượu mạnh, nước hoa. Lưu ý, mỗi hành khách chỉ được mang một lượng nhất định, mang quá sẽ phải đóng thuế.

Ra khỏi cửa khai báo thuế là bạn đã đến khu vực chung của nơi đến (Arrival), bạn có thể thuê xe hoặc ra các phương tiện giao thông công cộng để đi tiếp.

Nếu có người ra đón, tốt nhất là bạn nên hẹn và đứng đợi ngay khi ra khỏi cửa khai báo thuế.

Chú ý đồ đạc kẻo mất.

1.13. Transit

Nếu đã có Boarding Pass cho chặng tiếp theo, bạn có thể đi thẳng đến phòng đợi ghi trên thẻ (nếu có) hoặc xem trên bảng điện tử.

Nếu chưa có Boarding Pass, bạn có thể tìm đến các điểm có biển Transfer Desk để hỏi và làm thủ tục check-in cho chặng tiếp theo.

Trong trường hợp hành lý gửi của bạn không được đưa thẳng đến điểm cuối, bạn phải ra lấy đồ và làm lại các thủ tục như ban đầu.

Nếu mọi chuyện tốt đẹp, bạn đang lặp lại các bước, và hiện đang ở bước “Vào phòng đợi”.

Nhớ chỉnh lại đồng hồ theo giờ địa phương.


Nếu còn nhiều thời gian bạn có thể đi dạo trong khu vực này, một số sân bay có các dịch vụ giúp khách giải trí ví dụ như sân bay Singapore có các tour vào thành phố miễn phí, các show game…

(St)

Kinh nghiệm cho bé đi máy bay
Những điều cần lưu ý khi đi máy bay
Trang phục phù hợp khi đi máy bay
Cách chữa ù tai khi đi máy bay đơn giản
Bà bầu đi máy bay