Kinh nghiệm nấu cháo ngon cho bé không phải mẹ nào cũng biết

Việc nấu cháo đã quá phổ biến với những mẹ có con nhỏ, tuy nhiên nấu cháo thế nào cho ngon, cung cấp cho con đủ chất dinh dưỡng thì không phải mẹ nào cũng biết.

Vì vậy, thực tế dù rất chăm chút đến hương vị, các chất dinh dưỡng cho món cháo của con nhưng không ít mẹ phải lo lắng khi thấy bé không tăng cân

 
Nấu cháo không đúng cách sẽ khiến con khó tăng cân. ​


Xem lại nhé, có thể các mẹ đã mắc một số sai lầm dưới đây.

1. Lạm dụng nước hầm xương

Đây là sai lầm khá phổ biến của các mẹ khi nấu cháo cho con. Nguyên nhân vì các mẹ nghĩ nước hầm xương chứa nhiều canxi, protein, chất dinh dưỡng nên sẽ giúp con nhận đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, thực tế nước hầm xương chỉ có vị ngọt và tạo mùi thơm. Nếu chỉ dùng nước hầm xương, đặc biệt sử dụng thường xuyên để nấu cháo sẽ dẫn đến bé chán ăn, thiếu chất dinh dưỡng.

Gợi ý: Khi nấu cháo bằng nước hầm xương, nên nấu cho bé ăn cả phần cái (thịt) bằng cách băm nhuyễn, nấu mềm… Một tuần chỉ nên nấu cháo bằng nước hầm xương từ 1-2 lần.

2. Nấu một nồi cháo to dùng nhiều ngày

Có thể vì không có thời gian mà một số mẹ có thói quen nấu một nồi cháo rồi cho bé ăn cả 3 bữa trong ngày hoặc ăn 1, 2 ngày. Điều này sẽ không tốt cho bé bởi sau mỗi lần hâm đi hâm lại, cháo sẽ mất dần chất dinh dưỡng, vitamin, tạo mùi làm bé chán ăn. Ăn cả 3 bữa trong ngày hay 1, 2 ngày với cùng một mùi vị, bé sẽ rất ngán, không ăn được nhiều.
 

Gợi ý: Mẹ nên nấu một nồi cháo trắng, sau đó mỗi bữa ăn múc ra một ít đủ để nấu với thịt, cá, rau củ… cho 1 bữa ăn. Cứ thế, tới bữa nào thì mẹ nấu riêng bữa đó. Khi nấu, nên băm nhỏ thịt, cá, rau củ để bé nhận đủ chất dinh dưỡng, dễ ăn.

3. Xay cháo quá nhuyễn
 

 
Cháo xay nhuyễn chỉ phù hợp với bé dưới 1 tuổi. ​


Vì nghĩ để con dễ ăn, nuốt, tiêu hóa tốt, nhận đầy đủ chất dinh dưỡng nên các mẹ thường xay nhuyễn cháo để cho bé ăn. Tuy nhiên, việc này sẽ làm bé chậm nhai, không biết nhai, làm biếng ăn, kén ăn.

Gợi ý: Cháo xay nhuyễn chỉ phù hợp với bé dưới 1 tuổi. Đối với bé trên 1 tuổi, mẹ nên cho bé ăn cháo còn hột, cháo đặc, các thức ăn mềm như nui, bún, phở… Trẻ từ 2 tuổi trở lên thì nên ăn cơm nhão, cơm hột…

4. Không cho dầu ăn vào cháo

Vì sợ chất béo trong dầu ăn làm con tăng cân, béo phì, đau bụng hoặc vì không biết mà một số mẹ không cho dầu ăn vào cháo của bé. Đây là sai lầm cần tránh bởi dâu ăn (dầu thực vật, dầu cá) giúp cung cấp năng lượng, chất béo, vitamin, hình thành các mô mỡ, giúp cơ thể bé hấp thu các vitamin quan trọng.

Gợi ý: Mẹ nên cho vào cháo khoảng từ 1-2 muỗng cà phê dầu ăn.

5. Thường xuyên nấu cháo hầm củ, quả

Các loại củ như cà rốt, khoai tây, bí ngô… được các mẹ sử dụng để nấu cháo rồi rây mịn hoặc xay nhuyễn cho bé ăn. Cách làm này không chỉ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà còn làm cho con chán ăn vì quen với một mùi vị. Ngoài ra, lớn lên trẻ sẽ dễ trở nên biếng ăn sau này vì không được làm quen với nhiều loại thức ăn từ nhỏ.
 

 
Thường xuyên cho trẻ ăn cháo nấu nhừ với rau củ quả rồi rây mịn sẽ khiến trẻ thiếu chất và thêm biếng ăn. ​


Gợi ý: Các loại củ như trên đều tốt cho bé nhưng các mẹ không nên quá lạm dụng mà nên xen kẽ rau, củ, quả để làm bé không bị ngán, đồng thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho con.

6. Nêm quá nhiều gia vị

Có thể vì không để ý, không biết mà các mẹ vẫn giữ thói quen nêm nếm gia vị giống như khi nấu món ăn cho người lớn. Tuy nhiên, nêm như vậy sẽ làm thức ăn quá mặn, quá ngọt, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Gợi ý: Khi nấu cháo, mẹ nên nêm nhạt hơn so với thức ăn của người lớn. Đồng thời, hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn có sẵn như: thực phẩm đóng hộp, bim bim, thức ăn nhanh… để tránh nạp nhiều muối vào cơ thể.