Cách trình bày sáng kiến kinh nghiệm hoàn hảo nhất
Cách viết email xin tài trợ kinh nghiệm của người đã thành công
Làm gì khi con lười học, những kinh nghiệm giáo dục trẻ cho bố mẹ
Kinh nghiệm nuôi ba ba lớn nhanh như thổi. Hiện nay nuôi ba ba đang được xem là hướng làm giàu của nhiều bà con nông dân. Xin giới thiệu kỹ thuật nuôi ba ba lớn nhanh để bà con tham khảo.
Chuẩn bị ao nuôi
Môi trường đất, nước có vị trí quyết định quan trọng đến tốc độ lớn, bệnh tật của ba ba nuôi. Đất, nước bạc màu, hàm lượng N, P, K trong đất, nước thấp rất thích hợp với việc nuôi ba ba. Vì vậy, các tỉnh miền núi, trung du nuôi ba ba tốt hơn các tỉnh đồng bằng.
Muốn nuôi ba ba có kết quả tốt, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được ao nuôi phù hợp với điều kiện sống của ba ba và quản lý được đàn ba ba nuôi.
Xây dựng ao nuôi ba ba cần phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chủ yếu sau:
- Nên xây dựng ao nuôi ở nơi yên tĩnh, kín đáo, không bị cớm rợp, dễ thoát nước, không bị úng ngập, có nguồn nước cấp độc lập để bảo đảm cấp nước sạch.
- Diện tích ao rộng hẹp vừa phải. Ao nuôi ba ba bố mẹ từ 100-200m2/ao, lớn nhất không nên quá 400m2. Ao nuôi ba ba thịt từ 100-200m2/ao, lớn nhất không quá 1.000m2.
- Độ sâu thích hợp (tính từ đáy ao lên đỉnh bờ): Ao nuôi ba ba bố mẹ từ 1,5-2m, có mức nước chứa thường xuyên từ 1,2-1,5m, thời gian nắng nóng và mùa rét cho nước sâu thêm 20-30cm. Ao nuôi ba ba thịt từ 1,5-2m, có mức nước chứa thường xuyên 1-1,2m. Thời gian nắng nóng và mùa rét cho nước sâu thêm 20-30cm.
- Có chỗ cho ba ba nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ; có chỗ cố định cho ba ba ăn để tiện theo dõi. Xung quanh phải xây bờ cạo để tránh ba ba vượt ra ngoài.
Thời vụ nuôi
Thời vụ nuôi bắt đầu vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 12. Từ giữa tháng 12 đến hết tháng 2 thời tiết lạnh nhiệt độ nước dưới 18°C, có khi dưới 15°C ba ba không ăn và không lớn. Các tháng ba ba sinh trưởng nhanh nhất là từ tháng 5 đến tháng 10.
Ba ba hoa nuôi ở các tỉnh miền Trung và phía Nam: hầu như ăn mồi quanh năm, sinh trưởng liên tục và đẻ quanh năm, do khí hậu ấm áp quanh năm không có mùa đông lạnh như các tỉnh phía Bắc. Trong vùng này, nhiệt độ nước các ao nuôi ba ba trong năm dao động chủ yếu trong phạm vi từ 24-32°C, ít khi dưới 22°C hoặc trên 33°C. Những nơi có điều kiện cấp nước tốt có thể khống chế được nhiệt độ nước trong phạm vi thích hợp nhất từ 26-30°C.
Thức ăn
Ba ba ăn động vật, bắt mồi tĩnh, không phải động vật đuổi bắt mồi. Các loại cá, tôm băm thái cho ăn phải được rửa sạch nhớt, máu mới thả xuống bãi hoặc giàn cho ăn, tránh làm thối, nhiễm bẩn nước trong ao nuôi.
Tập trung cho ăn tích cực đối với ba ba bố mẹ từ tháng 6,7,8,9 cho ba ba béo, hình thành trứng, qua đông vỗ tiếp ba ba đẻ vào tháng 4, chất lượng sẽ tốt, tỷ lệ nở cao. Loại thức ăn hiện nay tốt nhất vẫn là cá biển tươi băm thái cho ăn, các loại cá tạp chất lượng kém hơn. Ngoài ra phải bổ sung trùn quế, ốc. Riêng ba ba giống, thức ăn tốt nhất là trùn, cá mè luộc, cho ăn ngày 2 lần.
Kỹ thuật sản xuất ba ba giống
Sản xuất ba ba giống gồm 3 khâu kỹ thuật chủ yếu: nuôi vỗ ba ba bố mẹ sinh sản, thu trứng và ấp trứng, ương nuôi ba ba giống.
Nuôi vỗ ba ba bố mẹ. Chỉ tiêu chính đánh giá trình độ kỹ thuật của khâu này là năng suất đẻ trứng và tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Muốn đạt các chỉ tiêu cao cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Xây dựng ao nuôi phù hợp với các yêu cầu sinh sản của ba ba.
- Làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi. Ao, bể mới xây cần ngâm rữa nhiều lần, thứ nước đảm bảo độ pH thích hợp (từ 7 -8) mới thả ba ba vào. Ao nuôi sau một vụ, trước khi nuôi vụ mới cần tẩy dọn sạch để diệt mầm bệnh. Khi thấy cần thiết, phải thay lớp bùn cát đã bị thối bẩn nặng.
- Nuôi đúng thời vụ. Các tỉnh phía Bắc phải bắt đầu nuôi vỗ từ tháng 8, tháng 9 để đến khi bắt đầu rét, ba ba bố mẹ đã béo khoẻ, sang Xuân chuyển hoá tuyến sinh dục nhanh, đẻ sớm. Sau khi đẻ xong lứa thứ nhất, tiếp tục nuôi vỗ để ba ba đẻ các lứa thứ 2,3,4…
Các tỉnh phía Nam có thể nuôi vỗ cho đẻ quanh năm, nhưng nên nuôi vỗ sớm để ba ba đẻ tập trung các tháng từ tháng 1 đến tháng 2.
- Chọn ba ba bố mẹ có tác tiêu chuẩn tốt về hình dạng, sức khỏe và qui cỡ, cỡ chọn nuôi nên 1kg trở lên với ba ba hoa, 2 kg trở lên với ba ba gai. Số lượng nuôi 1 ao cần thả đủ 1 lần, không thả rải rác.
- Phối ghép tỷ lệ đực/ cái thích hợp. Hiện nay nhiều người cho rằng tỷ lệ thích hợp nhất là 1/2,5-3 (một con đực ghép với 2,5 đến 3 con cái).
Báo Hải Dương, 02/05/2010
Kinh nghiệm nuôi ba ba ở Singapore
Từ những năm 70, Singapore đã nhập giống ba ba trơn (Trionyx Sinensis) từ Ðài Loan đến nuôi thử nghiệm và tiến hành nghiên cứu về đặc điểm sinh học của ba ba, ảnh hưởng của lớp cát, tầng nước, mật độ nuôi lên sức lớn của ba ba.
Quá trình nuôi được phân làm 3 giai đoạn:
- Ba ba con dưới 3 tháng tuổi.
- Ba ba sinh sản từ 2 năm tuổi.
- Ba ba thịt nuôi từ ba ba con đến 12 tháng tuổi thì thu hoạch, cỡ trung bình đạt 600g,
chiều dài mai đạt 16 cm.
1. Ao nuôi, bể xây bê tông.
Tường bao quanh ao, xây thẳng đứng để ngăn ba ba trốn thoát, ao thả những khúc gỗ nổi để ba ba lên sưởi ấm, giúp chúng điều chỉnh nhiệt độ và làm khô mai, tránh tạo thành lớp tảo nhớt dễ sinh bệnh.
Ðáy bể trải một lớp cát xốp, tốt nhất là cát trộn với bùn để nó vùi mình vào đó, chiều dài lớp cát phụ thuộc vào cỡ ba ba.
Ba ba thích nước nông vì chỉ cần nghển cổ lên là tới mặt nước để đớp hít không khí, nếu nước sâu quá buộc chúng phải bơi ngoi lên mặt nước sẽ tốn năng lượng.
ánh sáng mặt trời cũng giúp ba ba điều chỉnh thân nhiệt hiệu quả hơn và hạn chế bớt sự nhiễm bẩn nước.
Nguồn nước lấy từ giếng và máy bơm, có ống chống tràn giữ cho mức nước không thay đổi, nhất là vào mùa mưa.
Nơi ba ba đẻ. Mỗi bể nuôi có chỗ đẻ rộng khoảng 0,5 - 1,5m2, cát lót dầy : 15 - 25 cm. Ngoài ra có bể ấp trứng rộng 9 - 18m2, trứng phủ lớp cát dày 5 cm được tưới nước hằng ngày (vào buổi sáng trừ những ngày mưa), nơi ấp trứng có mái che để tránh mưa, nắng. Trứng ba ba ấp trong thời gian 60 ngày thì nở, ao cho ba ba sinh sản được nuôi với mật độ : 8 - 10 con/m2, tỉ lệ 1 đực, 2 - 3 cái, chúng thường đẻ trứng quanh năm.
Ao nuôi ba ba con.
Ba ba mới nở nuôi trong bể xây rộng : 1 - 22m2, nước sâu 20 cm, mật độ : 1con/100cm2 con, đáy cát dày 2 - 3 cm, xung quanh trồng cây lan dạ hương để ba ba tránh nắng hay ẩn nấp, có lưới chắn bên trên phòng chim dữ đến ăn ba ba.
Ao nuôi ba ba thịt
Diện tích 90 - 1.700 m2, nước sâu : 45 - 60 cm.
Bờ bê tông cao 45 cm.
Ao 1.700 m2 nuôi 6.800 con.
Thay nước từ 2 ngày/lần đến 1 tháng/lần, chất lượng nước được xác định bằng mắt thường dựa vào mầu nước và hành vi của ba ba. Trong ao thả cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis) để tiêu diệt ấu trùng muỗi đẻ, có thể nuôi thêm cá quả (chana striatus) để ăn thức ăn thừa dưới đáy bể nuôi.
2. Thức ăn : Dùng các loại cá đáy kém chất lượng làm thức ăn chính, bổ sung thêm bằng gà con kém phẩm chất, ruột gia cầm, phổi lợn. Ba ba sinh sản được nuôi bằng cá đáy sẽ đẻ ra trứng có vỏ cứng hơn, cho ăn 1 lần/1 ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối bằng cách ném thức ăn vào bể.
3. Thu hoạch : Khi thu hoạch có thể bắt ba ba bằng tay hoặc bằng lưới, sau mỗi đợt thu, cần để ao nuôi nghỉ khoảng 1 tháng, ngâm nước khoảng vài cm, thả cây rau muống dại (Ipomeae sp) để làm giảm vi sinh vật phát triển.
Gần đây có gia đình ở Cần Thơ đã sản xuất được 3000 con ba ba con (giống ba ba trơn chuyển từ miền Bắc vào) có khả năng sinh sản quanh năm. Hy vọng kinh nghiệm nuôi ba ba ở Xingapo sẽ phần nào giúp cho phong trào nuôi ba ba ở nước ta.
KỸ THUẬT NUÔI BA BA THỊT
Ba ba thịt còn gọi là ba ba thương phẩm, quy cỡ xuất bán từ 0,4kg trở lên, chủ yếu từ 0,5-0,8kg/con. Hiện thị trường trong nước nhu cầu còn ít, sản phẩm nuôi được chủ yếu để xuất khẩu. Mùa tiêu thụ rải rác quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm.
Muốn nuôi ba ba thịt lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, lãi nhiều, cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau:
a) Trước khi thả giống cần chuẩn bị ao bể nuôi đảm bảo chất nước và chất đáy sạch.
b) Cần thả giống sớm để tranh thủ nuôi được hết các tháng có nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất. Các tỉnh phía Bắc thả từ tháng 3, tháng 4, các tỉnh phía Nam thả từ tháng 1, tháng 2 nuôi đến cuối năm thu hoạch.
c) Cỡ giống thả từ 100-200g/con. Trong một ao thả cùng cỡ chọn ba ba giống khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh. Người mua ba ba để nuôi nên tìm hiểu kỹ, mua từ các cơ sở dịch vụ giống đáng tin cậy.
d) Mật độ nuôi từ 1-5 con/m2, tối đa 1kg/m2. Điều kiện thay nước chủ động, khả năng cấp thức ăn thoã mãn, nuôi mật độ cao Điều kiện khó thay nước, khả năng đầu từ về giống có hạn, không có điều kiện cho ăn hàng ngày.... nuôi mật độ thưa.
e) Cho ăn, quản lý chăm sóc và phòng bệnh tốt, sau 8-10 tháng nuôi, ba ba thịt có thể đạt quy cỡ 0,6-1,2kg/con, tỷ lệ sống 90-100%. Nhiều cơ sở nuôi ở phía Nam nuôi lớn nhanh hơn ở phía Bắc, mức tăng trọng trung bình mỗi con có thể đạt 100g /tháng. Ở các tỉnh phía Bắc, mức tăng trọng đàn (tổng trọng lượng ba ba thịt khi thu/tổng trọng lượng ba ba giống khi thả) sau một vụ nuôi người đạt thấp từ 2-3 lần, người đạt cao từ 4-5 lần.
THỨC ĂN NUÔI BA BA VÀ KỸ THUẬT CHO BA BA ĂN
1. Loại thức ăn: động vật là thức ăn chính của Ba ba.
Thức ăn nuôi Ba Ba có thể chia 3 loại chủ yếu:
Thức ăn động vật tươi sống.
Thức ăn động vật khô.
Thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp.
Cho đến hiện nay, phần lớn các hộ nuôi Ba Ba đều sử dụng thức ăn động vật tươi sống là chính, một số nơi có điều kiện cho ăn thêm thức ăn khô, nói chung chưa có điều kiện sử dụng thức ăn công nghiệp.
2. Thức ăn tươi sống: Gồm động vật còn nguyên con, còn sống hoặc đã chết nhưng thịt còn tươi. Không dùng thịt động vật đã bị ươn ôi và thịt động vật đã ướp mặn không có khả năng rửa sạch mặn. Các động vật, thịt động vật sử dụng làm thức ăn cho Ba Ba gồm:
Cá tươi: các tỉnh phía Bắc thường sử dụng cá mè trắng, cá tép dầu, cá mương, cá lành canh nước ngọt và các loài cá biển vụn. Các tỉnh phía Nam và vùng hồ chứa nước sử dụng nhiều cá Sơn, cá Linh, cá Chốt chuột, cá biển vụn...
Động vật nhuyễn thể: gồm các động vật nhuyễn thể nước ngọt (ốc vặn, ốc sên, ốc đồng, ốc nhồi, trai, hến) và các động vật nhuyễn thể như don, dắt...
Động vật giáp xác: chủ yếu là các loại tôm, cua rẻ tiền, cả ở nước ngọt và nước mặn.
Côn trùng: chủ yếu là trùn quế, giun đất, nhộng tằm. Trùn quế có thể nuôi số lượng nhiều để chủ động, giun đất có thể nuôi để cho ăn, có thể bắt giun tự nhiên.
Động vật khác: thường là tận dụng thịt của các động vật rẻ tiền không thuộc diện dùng làm thực phẩm cho người, và thịt phế liệu của các xí nghiệp chế biến thực phẩm như cá, tôm, mực, gia súc, gia cầm...
3. Thức ăn khô : Một số nơi có điều kiện có thể sử dụng cá khô nhạt, tôm khô nhạt... loại rẻ tiền để cho ăn kèm thức ăn tươi hàng ngày hoặc dự trữ cho ăn khi thiếu thức ăn tươi.
4. Thức ăn công nghiệp: Nước ta chưa sản xuất thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho Ba Ba. Trên thế giới, một số nước đã sử dụng khá phổ biến, hiệu quả kinh tế cao. Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn rất toàn diện, đặc biệt hàm lượng đạm rất cao, thức ăn nuôi Ba Ba giống có hàm lượng đạm 50-55%, thức ăn nuôi Ba Ba thịt có hàm lượng đạm trên dưới 45%.
5. Cách cho ăn thức ăn tươi sống:
- Cho ăn theo địa điểm qui định để Ba Ba quen ăn, dễ theo dõi thức ăn hàng ngày, dễ làm vệ sinh khu vực cho ăn.
- Động vật cỡ nhỏ Ba Ba ăn vừa miệng, có thể nuốt được cả con thì cho ăn cả con, động vật cỡ lớn cần băm thái thành nhiều miếng cho Ba Ba ăn đều.
- Các phần cứng Ba Ba không ăn được như đầu cá, vây cá, vỏ động vật nhuyễn thể, xương động vật ... nên sử dụng chăn nuôi động vật trên bờ, không bỏ xuống ao làm tăng khả năng ô nhiễm nước ao.
- Rửa sạch thức ăn trước khi cho ăn.
- Ba Ba mới nở ngày cho ăn 3-4 lần, Ba Ba giống 2-3 lần, Ba Ba thịt và Ba Ba bố mẹ 1-2 lần/ ngày, lượng cho ăn buổi tối nhiều hơn buổi sáng.
- Lượng thức ăn cho ăn trong một ngày đêm: Ba Ba mới nở 15-16%, Ba Ba giống 10-12%, Ba Ba thịt và Ba Ba bố mẹ 3-6% so với trọng lượng Ba Ba nuôi trong ao.
- Nên cho ăn nhiều loại thức ăn động vật để bổ sung dinh dưỡng cho nhau. Không nên chỉ cho ăn một thứ duy nhất vì chất dinh dưỡng sẽ không đầy đủ.
- Ba Ba mới nở cho ăn bằng động vật phù du (thuỷ trần), giun nước (trùng chỉ), giun quế. Sau 5-7 ngày nuôi chuyển cho ăn cá, tôm là chính. Nên chọn loại cá nhiều nạc, luộc cá gỡ thịt cho ăn chín tốt hơn cho ăn sống.
- Trong tất cả các giai đoạn ương nuôi, nếu có điều kiện cho Ba Ba ăn giun càng nhiều càng lớn nhanh và béo khoẻ.
- Các ao rộng nuôi Ba Ba với mật độ thưa có thể kết hợp nuôi ốc, nuôi cá tép nhỏ trong ao cho Ba Ba tự bắt ăn dần, không nhất thiết phải cho Ba Ba ăn hàng ngày. Dùng phân chuồng, phân xanh, phân vô cơ để gây nuôi động thực vật làm thức ăn cho ốc, cho cá tép nhỏ, hoặc có thể dùng các loại cám cho cá tép nhỏ ăn trực tiếp. Với cách nuôi này, năng suất Ba Ba nuôi tuy không cao, nhưng Ba Ba lớn nhanh, ít bệnh tật, chi phí thức ăn cho nuôi Ba Ba thấp, hiệu quả kinh tế cao.
QUẢN LÝ AO NUÔI VÀ PHÒNG BỆNH CHO BA BA
1. Quản lý ao nuôi:
Công việc quản lý ao nuôi quyết định rất lớn đến kết quả nuôi, quản lý không tốt thường dẫn đến thiệt hại, có khi thiệt hại rất lớn.
Quản lý ao nuôi gồm những công việc hàng ngày, công việc đột xuất và công việc định kỳ. Tổng hợp kinh nghiệm các nơi, nên chú ý làm tốt những công việc chủ yếu sau:
a) Luôn kiểm tra phát hiện, đề phòng các khả năng mất mát ba ba như hở cống, nước tràn bờ, ba ba leo vượt tường, vượt rào, động vật có hại vào ao phá hoại, trộm cắp...
b) Cho ăn đều đặn, no đủ, thức ăn sạch, theo dõi điều chỉnh mức cho ăn hợp lý hàng ngày. Giữ sạch sẽ khu vực cho ăn, không để có rác bẩn, thức ăn thừa.
c) Không để nước ao và đáy ao bị thối bẩn. Nước ao bẩn cần thay. Đáy ao bẩn cần thay hoặc cần tát cạn rắt vôi khử trùng cải tạo đáy.
d) Khống chế độ sâu, màu nước và chất nước ao nuôi trong phạm vi thích hợp. Nên giữ nước sâu từ 1-1,5m, giữ màu nước xanh lá chuối non, độ trong từ 25-30cm, pH từ 7-8, oxy hoà tan từ 4mg/l trở lên. Ở mức độ các chỉ tiêu trên thực vật phù du quang hợp phát triển tốt, có tác dụng ức chế được sự phát triển của vi sinh vật hiếm khí và vi sinh vật gây bệnh ở đáy ao, làm tăng oxy trong nước vầ giảm sự phát sinh các khí chất độc.
e) Mùa hè nhiệt độ cao cần chống nóng cho ba ba, không để nhiệt độ nước ao, bể nuôi vượt quá 33oC. Các biện pháp thông thường: làm giàn che mát, thả rong, bèo trong ao, giữ nước sâu, thay nước mới...Mùa lạnh cần chống rét cho ba ba (các tỉnh phía Bắc), cố gắng giữ cho nhiệt độ nước ao nuôi luôn trên 15oC. Các biện pháp thông thường: giữ nước ao sâu trên 1,5m, đáy ao có lớp bùn pha cát dày 20-25cm cho ba ba rút nằm, mặt ao thả bèo kín hoặc che chắn đỡ bị gió lạnh làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, nơi có nguồn nước nóng nên tận dụng đưa qua ao nuôi, nâng nhiệt độ nước ao nuôi lên 20-30oC.
f) Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho ba ba.
2. Phòng bệnh cho ba ba:
Nuôi ba ba nếu để chết nhiều sẽ bị lỗ. Kinh nghiệm cho thấy phải làm công tác phòng bệnh là chính. Nhiều gia đình không hiểu biết hoặc coi nhẹ công việc phòng bệnh, đã bị thiệt hại khá lớn. Qua các gia đình nuôi kết quả liên tục nhiều năm đều tốt, một trong những yếu tố quyết định là thực hiện tốt việc phòng bệnh.
Ba ba là một động vật rất khoẻ, sống trong hồ tự nhiên rất ít khi bị bệnh. Ba ba nuôi ở các ao rộng, mật độ thưa cho ăn và chăm sóc quản lý tốt cũng rất ít khi bị bệnh. Ba ba nuôi trong các ao, bể nhỏ, mật độ nuôi dày, điều kiện thay nước kém, cho ăn và chăm sóc quản lý không cẩn thận rất hay sinh bệnh.
Cần thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh sau đây:
1. Cẩn thận khi chọn mua ba ba giống về nuôi, tránh mua phải loại ba ba đang có bệnh. Không để ba ba cắn nhau, cào móng vào lưng nhau, bài tiết nước tiểu lên nhau, đè lên nhau ngạt thở trong lúc bắt và vận chuyển từ nơi mua về nơi nuôi.
2. Ao nuôi cần tẩy dọn sạch sẽ trước khi thả ba ba. Ao, bể mới xây cần ngâm nước thau rửa nhiều lần cho sạch, thử độ pH còn 7-8 hoặc thả thử ba ba vào thấy an toàn mới chính thức thả toàn bộ. Ba ba đưa vào tới nhà nên tắm khử trùng trước khi thả. Dùng nước muối nồng độ 3-4% hoặc dung dịch xanh malachit 1-2ppm (1-2g/m3 nước) tắm 15-20 phút để khử kí sinh trùng và nấm kí sinh. Nếu thấy bị xây sát chảy máu da nên tắm thêm bằng thuốc kháng sinh để phòng bệnh nhiễm trùng gây lỡ loét. Thường dùng Chloramphenicol hoặc Furazolidon liều lượng 20-50ppm (20-50g/m3 nước) tắm trong chậu, bể con từ 30 phút đến 1-2 giờ tuỳ theo vết thương nặng nhẹ và quan sát sức chịu đựng của ba ba.
3. Chú ý thay nước, không để nước ao nuôi có màu đen, không có mùi tanh thối bẩn. Ao nuôi mật độ dày, mùa hè phải thay nước luôn, tốt nhất mỗi ngày thay 20% lượng nước trong ao, nên tháo hoặc hút lớp nước dưới đáy là chính vì lớp nước này bẩn hơn lớp nước trên mặt. Ao nuôi mật độ thưa, nước chứa đầy, màu nước luôn xanh lá chuối non nói chung không cần phải thay nước. Trường hợp nước ao bẩn nhưng khó bơm tát, khó có đủ nước thay thì nên định kỳ 20-30 ngày một lần khử trùng nước ao bằng rắc vôi bột với lượng 1,5-2kg vôi/100m3 nước chia làm 2-3 ngày, mỗi ngày rắc trên một phần ao.
4. Chú ý không để lớp bùn cát đáy ao bị bẩn, cuối mỗi vụ nuôi hoặc trước vụ nuôi cần xử lý lớp bùn cát bẩn ở đáy ao, khử trùng triệt để. Cách thường làm là tháo cạn nước, rắc vôi bột hoặc vôi sống lên mặt bùn với lượng 10-15 kg vôi trên 100m2 đáy ao, đảo đều và phơi nắng 1-2 tuần, sau đó cho nước sạch vào ao, kiểm tra chất nước trước khi thả ba ba. Trường hợp ao, bể nhỏ, khối lượng bùn cát ít, nên thay toàn bộ bùn cát mới.
5. Chủ động phòng bệnh nấm thuỷ mi bằng cách treo túi thuốc xanh malachit ở khu vực cho ba ba ăn, mỗi túi 5-10g, thuốc ngấm dần ra ao, khi hết thay túi khác. Cũng có thể rắc thuốc trực tiếp xuống ao với lượng 5-10g/100m3 nước, 15-30 ngày thực hiện một lần. Quan trọng nhất là thực hiện vào lúc giao thời giữa mùa đông và mùa xuân, giữa mùa thu và mùa đông, có nhiệt độ nước thấp 15-22oC kéo dài.
6. Khi thấy ba ba bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cần bắt nhốt riêng theo dõi, chữa trị, đồng thời có biện pháp tăng cường xử lý vệ sinh môi trường ao để ngăn những con khoẻ không bị lây bệnh.
CÁCH CHỮA CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP CHO BA BA
Ba ba nuôi có nhiều loại bệnh. Công tác nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm chữa bệnh cho ba ba ở nước ta triển khai còn ít.
Bước đầu chúng tôi xin giới thiệu những kết quả đã nghiên cứu và tổng kết được về cách chữa một số bệnh thường gặp và gây hại nhất đối với ba ba là bệnh nấm thuỷ mi, bệnh kí sinh đơn bào và bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn.
1. Chữa bệnh nấm thủy mi và kí sinh đơn bào:
Bệnh nấm thuỷ mi: lúc đầu trên da, cổ, chân của ba ba xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có các sợi nấm mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, để dưới nước nhìn rõ hơn ở trên cạn. Khi ba ba bị viêm loét, trên vết loét có thể do nấm kí sinh phát triển làm cho bệnh nặng thêm, dễ chết hơn. Khả năng lây lan của bệnh này rất nhanh.
Bệnh kí sinh đơn bào: do loại kí sinh trùng có dạng hình chuông hoặc hình phểu lật ngược kí sinh trên da, trên cổ và kẽ chân ba ba. Khi bệnh phát triển nhiều, mắt thường có thể nhìn thấy được như sợi bông, nhưng dễ nhầm với nấm thuỷ mi nếu không kiểm tra qua kính hiển vi. Ba ba con bị bệnh này nhiều hơn ba ba lớn.
Cách chữa chung cho 2 loại bệnh này là:
- Bắt ba ba bệnh thả vào chậu, tắm bằng thuốc xanh malachit nồng độ 2-4ppm (2-4g/m3 nước) trong 1-2 giờ. Nếu cần chữa cho cả đàn ba ba trong ao thì rắc thuốc xanh malachit xuống ao với liều lượng 0,05 – 0,10ppm (0,05 – 0,10g/m3) mỗi tuần rắc 1 lần cho đến khi hết bệnh.
- Nếu xử lý kịp thời, có thể chữa khỏi 100% số ba ba mắc bệnh.
2. Chữa bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn:
Bệnh này có nơi còn gọi là bệnh nấm bã đậu. Ao nuôi bị bẩn thường sinh ra bệnh này. Nguyên nhân sâu xa là do ba ba cắn nhau hoặc bò leo, vận chuyển, đánh bắt bị xây sát da, sau đó vết thương bị cảm nhiễm bởi các vi khuẩn Aeromonas hyhyla và Pseudomonas sp. gây viêm loét. Vết loét không có hình dạng và kích cỡ nhất định, thường thấy ở cổ đầu, lưng, bụng, chân của ba ba. Miệng vết loét bị xuất huyết. Các vết loét sâu bị đóng kén bên trong, khêu miệng vết loét bóp ra những cục trắng như bã đậu, cỡ nhỏ như hạt tấm, cỡ to có thể bằng hạt đậu, hạt ngô.
Ba ba bị bệnh này có màu da không bình thường, tựa khô da, mắt xuất huyết màu đỏ, móng chân hay bị cụt, hay nổi lên mặt ao hoặc bò lên bờ, phản ứng chậm chạp yếu ớt. Sau khi bị bệnh 1-2 tuần có thể chết. Ao bị bệnh nhẹ thỉnh thoảng thấy có 1-2 con bị chết, ao bị bệnh nặng có thể chết tới 30-40% số ba ba trong ao.
Bệnh này có thể chữa khỏi được 70-80% với những cách chữa như sau:
- Tắm cho ba ba bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh như Chloramphenicol, Tetracycline, Furazolidon với liều lượng 20-50ppm từ 6-12 giờ một ngày, tiến hành liên tục 3-5 ngày.
- Dùng đầu kim, đầu panh cậy vẩy các vết loét, bóp sạch kén trắng ra, dùng bông cồn lau sạch miệng vết loét, sau đó rắc một trong các loại thuốc kháng sinh nêu trên vào lỗ thủng, rồi dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi bên ngoài để giữ thuốc bột lại. Một số nơi còn chữa bằng thuốc chống lao Rifamicin có hiệu quả nhanh. Bôi thuốc xong để ba ba vào chỗ yên tĩnh , tách riêng từng con không cho cắn nhau , tốt nhất là để vào cát ẩm. Sau vài ngày khi thấy miệng vết thương đã khô và co lại thì có thể bắt ba ba thả trở lại ao nuôi.
Ngoài ra, khi thấy ba ba có nhiều vết sưng đỏ có thể tiêm thuốc kháng sinh Chloramphenicol với liều lượng 100 – 150 mg/kg hoặc tiêm Streptomycin với liều 50-100mg cho 01 kg ba ba. Cần tiêm liền 2-3 lần trong 01 tuần. Một số người đã chữa khỏi bệnh cho ba ba bằng cách này.
Ba ba là một trong những loài thủy đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Thủy sản Việt Nam giới thiệu cùng bà con kỹ thuật nuôi thương phẩm đối tượng này. Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi thương phẩm có diện tích vừa phải từ 100-200m2, rộng nhất không quá 1.000m2, độ sâu 1,5-2m. Đáy ao là đất pha cát hoặc cát càng tốt, lớp cát đáy lên dày từ 10-15cm. Có chỗ cho ba ba nghỉ ngơi, đẻ trứng (nếu ao dùng để nuôi ba ba sinh sản).
Nguồn nước cho ao nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm, có thể cấp thoát chủ động. Nước cấp vào cho chảy ngầm, tránh xối mạnh ảnh hưởng xấu cho ba ba.
Trước mỗi vụ nuôi cần phải tẩy dọn, sát trùng diệt khuẩn đáy ao. Bờ ao xây và làm nhẵn, trên bờ có thể dùng hàng rào lưới để tránh ba ba bò ra ngoài.
Chọn và thả giống
Ba ba giống phải có ngoại hình đều, mập, da bóng. Đặc biệt là không bị xây xát, dị tật hoặc có dấu hiệu bị bệnh. Ba ba giống tốt hoạt động nhanh nhẹn.
Kích cỡ giống thả có thể là 100-150g/con hoặc to hơn tùy từng điều kiện. Mật độ thả tùy vào điều kiện chăm sóc: thả mật độ thưa (0,5-1 con/m2); thả mật độ trung bình (4-5 con/m2), mật độ dày (7-10 con/m2).
Cho ăn và chăm sóc
Thức ăn cho ba ba có thể là cá tạp, ốc giun, nhái... hoặc thức ăn viên. Khẩu phần ăn (3-6% trọng lượng thân).
Cho ba ba ăn 2 lần/ngày tại những vị trí cố định trong ao. Thức ăn cần được rửa sạch trước khi cho ăn, làm vệ sinh thường xuyên khu vực cho ăn.
Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc giúp ba ba khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tật.
Khi thời tiết quá nóng, hay nhiệt độ thấp ba ba giảm ăn hoặc không ăn. Cần điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Ba ba hay mắc một số bệnh do nấm và ký sinh trùng vì vậy cần phải có chỗ cho ba ba phơi nắng. Có thể dùng một số thuốc hóa chất như KMnO4, Chlorine... để phòng trị bệnh.
Thời vụ và thu hoạch
Ở các tỉnh phía Bắc, thả giống vào tầm tháng 3-4, các tỉnh phía Nam thường thả vào đầu năm và thu hoạch vào cuối năm.
Sau 9-10 tháng nuôi, nếu ba ba đạt cỡ từ 800g/con trở lên thì có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch đồng loạt hoặc thu tỉa tùy theo nhu cầu của thị trường.
>> Ở nước ta, ba ba được nuôi chủ yếu là ba ba gai, ba ba Đài Loan... Tuy nhiên, chất lượng con giống ở nhiều nơi không được đảm bảo do chất lượng ba ba bố mẹ sinh sản chưa đủ tiêu chuẩn, cận huyết... điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nuôi.
Kỹ thuật nuôi cá ngựa cảnh
Kỹ thuật nuôi gà chọi
Bí quyết nuôi chào mào -
Phương pháp nuôi chó cảnh
Bí quyết chọn gà chọi hay -
Bí quyết nuôi cá rồng cho người mới chơi -
(st)