Kinh nghiệm nuôi bé 3 tháng tuổi tốt nhất cho mẹ

Kinh nghiệm nuôi bé 3 tháng tuổi tốt nhất cho mẹ. Những năm tháng đầu đời (sơ sinh đến 12 tháng tuổi) là một trong những giai đoạn rất quan trọng đối với việc chăm sóc bé. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng.

Phần 1: Giai đoạn đầu đời từ 0-6 tháng

Lần đầu làm mẹ, bạn phát hiện ra mình có thể sống mà không cần đến rất nhiều thứ - ví dụ như giấc ngủ hay rất nhiều thói quen khác; nhưng đồng thời, bạn lại không thể sống thiếu một số thứ trước đây tưởng chừng như xa lạ. Bên cạnh nhu cầu sắm sửa nhiều vật dụng mới, các bà mẹ, nhất là những người làm mẹ lần đầu còn có rất nhiều băn khoăn, lo lắng… Dưới đây là những lời khuyên ngắn gọn và hữu ích giúp mẹ đỡ vất vả hơn trong năm đầu tiên có em bé.

Bé sơ sinh thích được quấn trong chăn

Trẻ sơ sinh vốn quen với sự bao bọc của tử cung người mẹ và chưa kiểm soát được hoạt động của tay chân. Do vậy, việc quấn chăn giúp bé bình tĩnh và kéo dài giấc ngủ của cả hai mẹ con. Thậm chí nhiều bé đến 6 tháng tuổi vẫn còn được quấn tã bông. 

Mẹ cần một chiếc địu tốt cho bé cảm giác an toàn

Dù bạn đã dần quen với việc làm một thứ bằng một tay (vì tay kia còn phải ẵm bé) thì chiếc địu vẫn là một thứ thật tuyệt vời mà bạn không nên thiếu. Một chiếc địu cho phép bạn đưa bé đi bất kỳ nơi đâu, kể cả vào cửa hàng chọn thực phẩm. Ngoài ra, chiếc địu còn giúp ghì chặt bé bên bạn, giúp bé không sợ hãi và có thể ru bé ngủ. 

Bé thích nằm trên tấm thảm êm ái nhiều màu sắc

Một tấm thảm to bằng diện tích của chiếc giường đôi với nhiều hình thù ngộ nghĩnh và màu sắc sặc sỡ là một trong những món đồ yêu thích trong danh mục mua sắm cho bé của nhiều vị phụ huynh. Các bé hai tháng tuổi đều rất thích nằm trên những tấm thảm này và ngắm nhìn những món đồ chơi treo lủng lẳng phía trên. Bé cũng thích khám phá những “người bạn” trên tấm thảm của mình. 

Tắm cho bé sơ sinh đúng cách

Quy trình tắm cho bé sơ sinh theo hướng dẫn của Bệnh viện Nhi đồng 2:
- Pha nước ấm vào thau, thử sức nóng của nước bằng cùi chỏ của bạn, lưu ý dùng nước vừa đủ ấm 36 - 38°C. Nếu trong thời tiết lạnh, mẹ không cảm nhận được chính xác nhiệt độ nước thì có thể dùng sản phẩm "
Đo nhiệt độ tắm";

- Dùng khăn bông to quấn quanh người bé, ôm chặt bé, ngửa đầu;

- Dùng khăn bông nhỏ nhúng nước lau mặt bé theo trình tự: 2 mắt, mũi, mặt, 2 tai. Mẹ có thể lau mắt theo trình tự từ trong khóe mắt kéo khăn ra ngoài hai bên tai, đổi mặt khăn lau mắt còn lại;

- Làm ướt tóc, gội đầu bé bằng xà phòng, xả lại với nước ấm sạch, tốt nhất mẹ nên chọn loại xà phòng không làm cay mắt bé;

- Lau khô tóc bé ngay sau khi xả sạch nước;

- Bỏ khăn bông đang quấn quanh người bé, cho người bé vào thau nước, một tay luôn đỡ đầu bé, tay còn lại tắm từ cổ xuống chân;

- Sau khi tắm xong, bạn nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi thau nước, đặt vào chiếc khăn bông to đã trải sẵn, lau khô người bé rồi mặc quần áo sạch cho bé.

Một số lưu ý khi tắm bé:
- Khi pha nước tắm cho bé, nên cho nước lạnh vào trước rồi từ từ đổ nước nóng vào sau;
- Chú ý bế bé cẩn thận vì khi ướt, bé rất trơn, dễ bị vuột khỏi tay bạn;
- Tắm bé nơi kín gió;
- Khi gội đầu cho bé, cần cẩn thận tránh để xà phòng vào mắt bé;
- Chú ý vệ sinh kỹ bộ phận sinh dục;
- Nếu có thể, các bà mẹ nên có 2 thau nước: 1 thau nước tắm với xà phòng, 1 thau nước sạch. Và nhớ vệ sinh thau sau khi tắm bé xong.

Mẹ nên mua chậu tắm lớn

Đây là một trong những vật dụng đầu tiên mà mẹ cần sắm cho bé. Các mẹ nên chọn mua chậu tắm có kích cỡ lớn để khi bé lớn hơn, chậu tắm vẫn phát huy tác dụng, tránh trường hợp phải đi sắm chậu mới chỉ sau vài tháng. 

Bé cần nhiều loại khăn tắm

Khi tắm cho bé, mẹ cần sử dụng ít nhất 3 chiếc khăn gồm: khăn bông to để quấn người bé sau khi tắm, khăn bông nhỡ để lau đầu bé sau khi gội và 1 khăn nhỏ dùng khi tắm bé. Các mẹ cũng nên sắm dư ra một vài bộ khăn tắm để sử dụng nhiều lần cho bé về sau. 

Có nên dùng miếng lót sơ sinh suốt 24/24?

Miếng lót sơ sinh mang đến cho mẹ sự tiện dụng, bé cũng sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, bạn cần biết cách sử dụng thì mới có thể phát huy được ưu điểm của mỗi loại sản phẩm dành cho bé. Chẳng hạn, mẹ cần tránh lạm dụng miếng lót này 24/24, ngoài ra ghi nhớ những điều sau:

- Giữ cho em bé luôn sạch sẽ và khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên. Điều này có nghĩa là mẹ nên chú ý kiểm tra tã của bé để thay ngay cả vào ban đêm;

- Vệ sinh cho bé kỹ càng mỗi lần thay tã. Mẹ có thể dùng bông gòn hoặc khăn bông mềm để lau khô cho bé, tuyệt đối không chà xát để tránh gây tổn thương cho vùng da của bé!

- Không nên thường xuyên chỉ dùng một loại miếng lót hoặc tã giấy. Mỗi khi trời nóng bức hoặc khi bé không khỏe trong người, mẹ nên cho bé dùng tã vải để bé cảm thấy thoải mái hơn. Tốt nhất là dùng xen kẽ tã vải và tã giấy, mẹ có thể hơi cực một chút trong việc giặt giũ nhưng đó là cách an toàn cho con. Vào ban đêm, bé cần giấc ngủ liên tục nên mẹ có thể đóng bỉm cho bé, nhưng cũng phải thường xuyên kiểm tra để tránh trường hợp bé bị ướt, lâu ngày sẽ bị hăm tã.

Mẹ có nên hút mũi cho bé?

Khi bị sổ mũi, các bé thường quấy khóc, phải dùng miệng cho việc thở nên sẽ biếng bú. Mà miệng lại không có chức năng làm ẩm, làm ấm và chức năng lọc không khí như mũi nên càng làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn. 

Để giúp bé, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi (dạng ống cao su hoặc dây silicone) để loại bỏ dịch mũi. Hút mũi sạch khiến bé thở, ăn và ngủ ngon hơn. Mẹ cũng hãy nhớ dùng nước muối sinh lý trong quá trình hút mũi, tuyệt đối không dùng miệng để hút mũi bé vì có thể truyền bệnh từ miệng người lớn vào cơ thể bé, nhất là khi hệ hô hấp của bé còn non yếu.

Những lưu ý khi cắt móng tay cho bé

Không nên cắt móng tay cho trẻ sơ sinh mà thay vào đó, hãy dùng bao tay hoặc giữ cho tay bé không quờ lên mặt. Khi các móng tay bé đã cứng cáp hơn 1 chút thì hãy cắt và phải hết sức cẩn thận. Bạn nên mua một kéo cắt móng tay dành cho trẻ sơ sinh, và tốt nhất hãy nhờ thêm người hỗ trợ khi cắt móng tay cho bé, người này sẽ giữ không để bé ngọ nguậy. (Bạn cũng có thể làm việc này một mình trong khi cho bé bú hay bé đang ngủ.) Bạn cũng có thể dùng thêm miếng đệm đặt ở phần móng bạn định cắt tới để hạn chế tối đa “sự cố”.

Cách dỗ bé ngủ ngoan

Các bậc cha mẹ cần chú ý những điểm sau trong việc vỗ về giấc ngủ của con: không nên để bé ngủ trong trạng thái quá nóng hoặc quá lạnh, không để bé ngủ gần cửa sổ, lò sưởi hoặc dưới những vật treo lơ lửng. Nhiệt độ nơi bé ngủ lý tưởng nhất là khoảng 20 đến 22 độ C, nên thông gió phòng ngủ của bé 1-2 lần / ngày, nếu đắp chăn cho bé thì chỉ nên đắp đến ngang ngực, nếu chân tay bé hơi lạnh mà phần bụng và ngực ấm thì cũng không có gì đáng lo ngại, không nên cho bé nằm gối, không đắp chăn làm từ lông vũ hay polyester. Tốt nhất nên đặt bé nằm ngửa.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp bé ngủ ngon hơn là chiếc nôi / cũi êm ái hoặc những chiếc địu chắc chắn cho bé.

Cho bé uống loại sữa nào?

Tất cả các chuyên gia đều thống nhất: sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh là trẻ nhỏ. Bé nên được cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; tròn 6 tháng tuổi trở đi thì vừa cho bé bú mẹ vừa ăn dặm bột. Trong chế độ ăn, từ tháng thứ sáu - qua từng giai đoạn bột sệt, bột đặc, cháo đặc - đều cần đủ bốn nhóm thực phẩm, trái cây tươi.

Hiện nay thị trường sữa rất đa dạng nên không ít bậc phụ huynh bị lúng túng khi chọn sữa cho con. Có thể dựa trên một số tiêu chuẩn: phù hợp với nhu cầu về dinh dưỡng của lứa tuổi đang tăng trưởng và khẩu vị của bé; cung ứng đủ lượng canxi cần thiết cho việc tăng trưởng chiều cao của bé, phù hợp với túi tiền của gia đình; công ty sản xuất uy tín, được nhiều người biết đến, sản phẩm còn trong (xa) hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, lon không móp méo, được bày bán ở nơi khô ráo, mát, để trong tủ, ít bụi...

Các mẹ lưu ý, sự hấp thu sữa của mỗi bé là khác nhau nên mẹ nên kiểm tra cân nặng của các bé thường xuyên để đảm bảo rằng sữa đang dùng có tác dụng tốt.

Cẩn trọng khi chọn vật dụng cá nhân

Bên cạnh chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ cho con, những vật dụng cá nhân của bé như bình sữa, núm, quần áo, vớ, nón, giày sơ sinh... cũng là một trong những yếu tố gây đau đầu cho những người lần đầu làm cha mẹ. Đối với những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của bé thì chất liệu là một điểm cần được lưu ý hàng đầu để không gây trầy xước, dị ứng, tổn hại đến làn da còn rất mỏng manh và yếu ớt của các bé. Để chọn được những vật dụng cá nhân thích hợp, các mẹ cần nghiên cứu kỹ thành phần cấu tạo cũng như tham khảo kỹ kinh nghiệm của những mẹ đi trước để có những quyết định phù hợp nhất cho con.

Nên chọn những chiếc mũ có khả năng cách điện và chịu nước. Khả năng cách điện sẽ an toàn hơn vì bé còn nhỏ nên da đầu rất mỏng, tóc thưa hơn, dễ xảy ra sự ma sát hay tích điện khi đội mũ cho bé khi thời tiết lạnh giá. Việc chọn mũ còn cần lưu ý đến chất liệu, với trẻ sơ sinh, tốt nhất bạn không nên chọn những chiếc mũ bị xù lông hay khi chà xát thì có nhiều bụi… chúng rất dễ khiến con bạn bị dị ứng. Hãy chọn những chiếc mũ được làm từ loại sợi mềm, mịn và êm tay. Một cách thử hiệu quả là hãy chà xát mũ lên cổ hay mặt trong cổ tay để kiểm tra độ kích ứng. 

Khi chọn quần áo cho trẻ sơ sinh và bé dưới 1 năm tuổi  cần chú ý những điểm sau: Quần áo nên làm từ chất liệu tự nhiên với độ mềm thích hợp không làm trầy xước da bé. Ngoài ra, nên chọn các loại vải làm từ sợi thiên nhiên có độ thấm tốt không cản trở sự bay hơi của mồ hôi khiến bé luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Nên chọn đồ màu nhạt để tránh các kích thích hóa học của thuốc nhuộm màu từ các trang phục sặc sỡ.  Bên cạnh đó, trang phục cần rộng rãi thoáng mát và bạn cần đặc biệt lưu ý loại bỏ các đường chỉ thừa gây khó chịu và nguy hiểm cho bé.




Đối với bình sữa, khi mua bạn nên lưu ý về nguyên liệu phải tuyệt đối không có chứa chất BPA bởi đây là hóa chất nhân tạo, có thể ngấm vào sữa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé như: có khả năng làm cho não và hệ sinh dục của bé phát triển bất thường. Nên chọn loại núm ti bằng silicone, mặc dù giá thành đắt hơn núm vú cao su thông thường nhưng có ưu điểm là bền và không có mùi. Kích cỡ của bình sữa phụ thuộc vào độ tuổi của bé, bình nhỏ từ 50ml đến 120ml cho bé dưới 3 tháng tuổi, bình trung từ 120ml đến 180ml cho bé dưới 1 tuổi, bình lớn từ 180ml đến 250ml cho bé từ 1 tuổi trở lên. Khi mua bình sữa cho bé nên chú ý tới van thông hơi, điều này cũng quan trọng vì nó giúp bé không bị nuốt không khí vào bụng và tiêu hóa dễ dàng hơn.


Mẫu thời gian biểu chăm bé 3-4 tháng


Chị em dắt lưng một số 'chiến lược' chăm con khi đi làm trở lại nhé!

Chị em đều biết rằng đồng hồ sinh học của mỗi trẻ đều có điểm riêng. Để giúp con tạo dựng thói quen sinh hoạt tốt, các mẹ cần quan sát và hiểu nhu cầu của trẻ từ đó tạo 'luật lệ' hợp lý.

Trước khi đi vào phần chia sẻ các mẫu thời gian biểu chăm trẻ từ 3 - 4 tháng rất hữu ích, các mẹ cùng tìm hiểu những nhu cầu chung nhất của trẻ ở giai đoạn này:

- Một ngày, trung bình trẻ cần 900ml sữa với khoảng 170 – 200ml/ lần. Sang tháng thứ 4, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm.

- Tổng thời gian ngủ của trẻ là khoảng 15 giờ/ ngày, bao gồm hai giấc ngủ dài vào ban đêm và buổi trưa, và ba giấc ngủ ngắn vào buổi sáng, buổi chiều và đầu giờ tối.

- Trẻ bắt đầu có nhu cầu chơi, học hỏi các kỹ năng mới cũng như phát triển cơ bắp vì thế mẹ nên tương tác với trẻ thông qua trò chuyện, đọc sách cho trẻ nghe, massage hoặc đưa trẻ đi dạo bằng xe đẩy.

Sau đây là 4 mẫu thời gian biểu khi chăm bé:


3-4 tháng tuổi, trung bình trẻ cần 900ml sữa với khoảng 170 – 200ml/ lần (Ảnh minh họa).

Mẫu 1: Trẻ 3 tháng tuổi bú mẹ

Đã thành thói quen, bé nhà tôi thường ăn mỗi 2,5 giờ hoặc lâu hơn vào ban ngày và sẽ ngủ thông đêm mà không cần thức dậy ăn.

5h sáng: Bé tỉnh dậy. Tôi bế bé ra khỏi nôi để lên giường nằm cạnh mẹ và ti sữa. Bé thường ngủ tiếp và sẽ dậy khi mẹ ra khỏi giường.

8h30 sáng: Tôi cho bé ăn lần nữa, rửa mặt bằng nước ấm cho con, thoa kem dưỡng da, thay tã và đặt bé nằm để bé tập lẫy.

10h: Tôi vừa chơi với con vừa dọn nhà. Đến 10h30 khi cho con ăn thì tôi ngồi nghe radio.

11h30: Dỗ bé ngủ trưa. Khi con ngủ, tôi ăn trưa, rồi giặt quần áo.

12h30 – 1h chiều: Bé thức dậy và ti sữa. Sau khi bé ăn xong, tôi sẽ đọc vài câu truyện cho con nghe hoặc cho con chơi nếu con hứng thú.

2h30 chiều: Cho bé ăn.

4h30 chiều: Sau khi ti sữa, bé sẽ ngủ ngắn và thường thức dậy không trước 6h chiều. Nếu để bé ngủ nhiều hơn thì đến đêm bé sẽ thức. Lúc con ngủ, tôi tranh thủ sắp sẵn quần áo và dụng cụ tắm và cả đồ ngủ cho con.

6h tối: Hai vợ chồng ăn tối. Tôi và chồng cùng phân chia công việc: khi tôi nấu ăn thì chồng chơi với con, tôi tắm cho bé thì chồng rửa bát.

6h30 – 7h tối: Tôi cho bé ăn nhẹ rồi đi tắm. Đến 8h thì cho bé ăn no. Lúc này chồng tôi sẽ tắt bớt đèn và tắt cả tivi.

8h30 tối: Hai vợ chồng sẽ cùng chơi với con, đọc sách cho con nghe.

9h tối: Chồng tôi sẽ đặt con trong ghế và hát hoặc mở những giai điệu êm dịu cho con nghe.

10h tối: Bé ăn bữa cuối, tôi thay tã cho con và dỗ con ngủ. Tôi đặt con ngủ trong nôi ngay cạnh giường của bố mẹ và cũng đi ngủ ngay sau đó (vào khoảng 10h30). Cả gia đình sẽ thức dậy vào 5h sáng hôm sau.

Mẫu 2: Trẻ 3 tháng tuổi bú bình

Bé nhà tôi thường dậy lúc 5h30 sáng và ăn bữa đầu tiên vào lúc 7h với  150ml sữa. Bé tự nằm chơi trong nôi trong khi mẹ sửa soạn đi làm.

Tôi là một giáo viên mầm non do đó tôi cũng đưa con đến trường luôn nên việc chăm sóc con thật dễ dàng. Bé thường ăn 150ml sữa mỗi 3 – 4 giờ và ngủ hai giấc ngắn khoảng 2 – 3 giờ.

Hai mẹ con về nhà vào khoảng 5 – 6h chiều và bé sẽ ti một bình sữa ngay khi về nhà. Bé sẽ chơi cho đến 7h thì ngủ 1 giấc nữa. Tôi tắm cho con vào khoảng 9h tối và cho con ăn khoảng 150ml sữa nữa thì dỗ con ngủ. Bé thường ngủ qua đêm, nhưng đôi khi bé vẫn thức dậy vì đói. Những đêm như thế, tôi chỉ cần cho con ti xong là bé lại ngủ ngon lành.

Mẫu 3: Trẻ 4 tháng tuổi bú mẹ, mẹ chưa đi làm

5h sáng: Sau khi trẻ thức dậy, mẹ thay tã và cho trẻ ti, trẻ sẽ ngủ tiếp.

7h sáng: Trẻ thức dậy lần 2, bú sữa xong, trẻ lại ngủ tiếp.

9h sáng: Bé dậy hẳn. Mẹ tắm cho bé, thay tã và quần áo mới cho trẻ.

11h trưa: Đặt bé nằm chơi trong xe đẩy, mẹ giặt quần áo và nấu ăn, sau đó cho bé ti sữa.

Buổi trưa: Thời gian bé tập lẫy và chơi đồ chơi.

1h chiều: Sau khi thay tã, chỉ cần mẹ bế bồng là trẻ sẽ ngủ ngay.

2h chiều: Bé ngủ trưa dậy và ăn sữa.

2h30 chiều: Bé nằm chơi trong nôi và mẹ đi tắm.

3h chiều: Mẹ vừa bế bé vừa xem tivi hay vào mạng. Thay tã cho bé.

4h chiều: Bố đi làm về. Trong khi bố chơi với bé thì mẹ nhanh chóng nấu bữa tối.

5h chiều: Cho bé ăn và dỗ bé ngủ ngắn.

6h tối: Thay tã rồi đặt trẻ ngồi trong xe đẩy.

6h30 tối: Chơi cùng bé.

7h tối: Cho bé ăn.

7h30 tối: Đặt trẻ nằm trên giường để trẻ tập lẫy.

8h tối: Thay tã và mặc quần áo ngủ cho trẻ.

8h30 tối: Nằm chơi trong xe đẩy.

9h tối: Ăn bữa cuối.

10h tối : Thay tã và cho bé ngủ đêm.

Mẫu 4: Trẻ 4 tháng tuổi bú bình, mẹ phải đi làm

5h30 đến 6h30 sáng: Bé thức dậy và cười toe khi nhìn thấy mẹ. Tôi ôm bé, vỗ về và cho bé ti sữa. Nhưng thường bé chỉ ăn khoảng 30ml.

Tôi vừa chuẩn bị đi làm vừa nói chuyện với con. Hai mẹ con cùng soi gương và cười. Thời gian này bé cũng hay tập lẫy. Khi tôi xem bản tin thời sự thì bé cũng chăm chú theo dõi mẹ và hướng mắt ra màn hình tivi.

6h30 sáng: Đưa bé đến nhà trẻ. Tôi rất hài lòng vì con không mấy khi quấy khóc, và luôn tự chơi một mình khi nằm trên xe. Nhưng tôi vẫn nhận ra con vô cùng bịn rịn mỗi khị rời mẹ và nằm trong vòng tay của cô giữ trẻ. Các hoạt động của một ngày trẻ ở nhà trẻ đó là: ti sữa, tập lẫy, ngủ rồi dậy chơi với các bé khác.

4h30 chiều: Nghỉ sớm hơn đồng nghiệp 30’, tôi về đón con luôn.

4h30 – 5h30 chiều: Sau khi cho bé ăn, tôi chơi cùng bé. Bé rất thích nghe mẹ hát và cũng thích nằm chơi một mình rồi tập lẫy.

5h30 – 6h30 chiều: Thời gian thích thú nhất đối với bé là được ngâm mình trong bồn tắm. Đây cũng là lúc chồng tôi đi làm về. Với mong muốn dành nhiều thời gian bên con, sau khi bé tắm xong, tôi lại chơi với con một lúc lâu.

6h30 – 7h30 tối: Cho bé ăn (Bé ăn rất nhiều vào khoảng từ 4h30 – 7h30 chiều và ban đêm). Sau khi ăn xong, tôi đọc truyện cho con nghe hoặc nói chuyện với con.

7h30 – 8h tối: là giờ ngủ của bé. Bé thường ngậm núm vú và tự ngủ lúc nào không hay.

11h đêm: Bé thức dậy 1 lần để ti sữa. Về đêm, chồng tôi sẽ giúp cho con ăn và để yên cho tôi ngủ cho đến sáng.


Chăm bé 3 tháng đầu: Nhẹ nhàng nhé!


Nhẹ tay thôi vì 'thiên thần' nhỏ của bạn 3 tháng đầu rất mỏng mảnh đấy!

Bé phụ thuộc vào bạn tới mức những nỗi bất hạnh hay niềm vui dù nhỏ nhất của bé cũng làm bạn bị đảo lộn. Bạn mong muốn làm sao bảo vệ bé được tốt nhất những bước đầu tiên và cả sau này!

Ngày bạn đưa bé từ viện trở về

Vừa từ viện trở về, ẵm bé trên tay, bước vào ngôi nhà thân yêu mà bạn có cảm giác như đã đi vắng lâu ngày quá… nhưng thực ra bạn mới khép cửa ra khỏi nhà có vài ngày thôi. Thường thì sẽ có hai cảm giác đối lập xen lẫn cùng tồn tại: Hạnh phúc vì cuối cùng đã được trở về ngôi nhà thân yêu với thành viên mới trong gia đình và sự e ngại khi không còn có thể gọi hộ lý khi bạn có gì cần giúp đỡ…

Nếu mẹ bạn, hay một người bạn thân có kinh nghiệm giúp bạn trong những ngày đầu đầy hoang mang này thì bạn nhanh chóng cảm thấy được an tâm hơn. Hãy tránh ở một mình, nhưng không có nghĩa là lúc nào nhà cũng đầy người, những đoàn khách đến thăm có thể hoãn lại vào thời gian sau.

Tin nhắn trả lời tự động có thể là một giải pháp hợp lí để không bị làm phiền thường xuyên: Bạn sẽ gọi lại cho họ ngay khi những ngày đầu đi qua.


Nhẹ tay thôi! Thiên thần nhỏ của bạn 3 tháng đầu rất mỏng manh (Ảnh minh họa).

Đừng ôm đồm quá, hãy chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ

Hãy tin tưởng giao phó việc nhà, việc đi chợ cho chồng bạn và mẹ bạn đến chăm sóc. Dẫu bạn không phải là người lười nhác, thì đây cũng là thời điểm bạn nên như thế: Bỏ lại những việc không cần thiết để dành thời gian chăm sóc em bé hoặc ngủ để lấy lại sức.

Hãy chuẩn bị sẵn những bình sữa cho 24 giờ và để vào trong tủ lạnh, khi bé đói bạn chỉ cần hâm nóng lên. Cuối cùng, hãy bắt chước theo chu kì bú của bé. Hãy nghỉ khi bé ngủ trưa và đừng bao giờ lên một lịch trình gì trước. Đó là cách tốt nhất để bạn có thể và không cảm thấy bị thất vọng khi em bé chợt quyết định thay đổi thói quen của mình.

Ngày bạn cho bé tắm lần đầu tiên

Sáng nay là lần đầu tiên với bạn và với bé: Một mình bạn sẽ cho bé tắm. Tất nhiên, khi ở nhà hộ sinh, bạn đã quan sát rất kỹ các hộ lý tắm cho bé sơ sinh như thế nào. Nhưng tự tay tắm cho bé là điều mới mẻ với cả hai mẹ con.

Chạm vào cơ thể nhỏ xíu để trần và xát nhẹ xà phòng, sẽ tạo nên trong lòng người mẹ trẻ một sự ngại ngần rất riêng tư. Nhưng đây chính là lúc thích hợp cho những cuộc trò chuyện của hai mẹ con.

Nhân cơ hội này, bạn sẽ học cách nâng niu bé, trò chuyện với bé, làm cho hai mẹ con gần gũi nhau hơn. Phần lớn các bé thích tắm vì bé có cảm giác được sống lại sự nhẹ nhàng khi ở trong bụng mẹ.

Ngày bé khóc hai giờ liền không nghỉ

Học cách nhận biết tiếng khóc của bé là một trong những trách nhiệm đầu tiên của các bà mẹ. Những cơn khóc vì đói sẽ giảm ngay khi bạn mang bình sữa đến cho bé, hay những tiếng khóc gắt gỏng khi tã bị ướt… Nhưng rồi cũng đến ngày mà cho dù bạn có làm gì đi nữa thì bé vẫn khóc liên tục không ngừng.

Bạn cho bé bú, thay tã cho bé, đưa nôi, hát ru nhẹ nhàng… nhưng tất cả đều không có kết quả. Bé gào khóc hơn một giờ rưỡi rồi mới chịu thôi và ngày hôm sau đúng giờ đó, bé lại như thế. Những lần khóc vào buổi tối thường vào chập tối, khi mặt trời tắt. Có nhiều cách giải thích khác nhau về vấn đề này.

Sự giải thích đầu tiên: Em bé đã chịu rất nhiều tác động bên ngoài vào bộ não vẫn còn non trẻ của mình trong suốt một ngày đầy, bé khóc lên vì nhu cầu muốn thoát ra và thay đổi những áp lực đó. Một lý thuyết khác cho rằng những lần khóc vào lúc hoàng hôn là do lượng không khí cuối ngày nóng hơn, nên nó tạo ra nhiều hơn những chấn động đến các dây thần kinh vẫn còn non nớt trong não bộ của bé và làm cho bé khóc.

Bạn hãy an tâm, những lần khóc như vậy không kéo dài lâu đâu. Vào khoảng ba tháng tuổi, ngay khi bé bắt đầu biết “nói” bập bẹ hay đùa nghịch với những ngón tay là hiện tượng trên sẽ tự biến mất.

Những mẹo cũ lại là những phương thuốc tốt

Làm gì trong khi chờ đợi bé ngừng khóc? Bạn có thể cho bé tắm để dỗ dành bé hoặc đặt bé nằm trên mặt bàn gần cạnh bạn để bạn để mắt được đến bé. Hoặc quyết định để bé khóc một mình trong giường, khoảng mười lăm phút bạn lại vào trông bé, nói chuyện và vỗ về bé.

Đi dạo một vòng nhỏ ra cửa hàng bánh mì đầu phố với xe đẩy cũng là một cách giúp cả hai mẹ con vượt qua những lúc như thế này. Cuối cùng, hãy nghĩ đến việc nhờ cha bé ở bên cạnh bé giúp bạn.

Ngày bạn để bé ở nhà nhờ người khác trông

Chồng bạn đã đề nghị với bạn cuối tuần tới cả hai sẽ cùng nhau đi ăn tối trong một nhà hàng sang trọng, lãng mạn để làm nóng tình yêu của hai người. Tất nhiên, bạn rất sung sướng vì điều này, và đây cũng là cơ hội để những túi sữa dự trữ bạn để dành từ những tuần đầu được phát huy tác dụng.

Vui mừng hòa lẫn với một chút cảm giác tội lỗi: Bạn có quyền đi chơi trong khi bỏ bé ở nhà không? Hoàn toàn có thể. Hãy hít thở thật sâu và sau đó bạn sẽ hạnh phúc để sửa soạn cho buổi tối đó.

Thường thì bạn nên nhờ một trong các bà mẹ của mình đến trông giúp em bé. Lý tưởng nhất là trông bé tại nhà bạn: Ít nhất là đối với bé, bé có thể ngủ được như bình thường, và bạn có thể an tâm tưởng tượng bé đang ngon giấc trong cái giường nhỏ xíu của bé khi mình đi vắng.

Đừng xấu hổ khi thú nhận là bạn rất lo lắng

Khi bạn để em bé lại nhà nhờ cha mẹ trông hộ, đừng ngần ngại gọi điện về nhà thường xuyên để xem em bé ở nhà có ổn không. Bà của bé có cảm thấy khó chịu khi cảm thấy bạn không tin tưởng bà hay không?

Hãy an ủi bà rằng: Bạn hoàn toàn tin tưởng bà, bạn không làm quá mọi chuyện đâu, nhưng thật ra là bạn cần giữ liên lạc thường xuyên với em bé để có một buổi tối hoặc một ngày cuối tuần tốt đẹp khi ở xa bé.






Chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi
Cách chăm sóc em bé 2 tháng tuổi phát triển tốt nhất
Cách chăm sóc em bé 1 tháng tuổi cho bé
Trẻ 4 tháng tuổi biết làm những gì?
Trẻ 5 tháng tuổi ăn uống thế nào
Khẩu phần ăn của trẻ 5 tháng tuổi




(st)