Kinh nghiệm ôn thi đại học khối A

Chín mươi phần trăm thí sinh vào phòng thi là “ngu” hơn bình thường, chín phần trăm là như bình thường và chỉ một phần trăm là thông minh hơn bình thường. Tại sao như vậy? Lý do chủ yếu là vì yếu tố tâm lý, vì mất bình tĩnh và quá lo lắng về chuyện đậu hay rớt. Kinh nghiệm ôn thi đại học khối A dưới đây sẽ là gới ý hay cho bạn




Để làm tốt một bài thi tuyển sinh, chúng ta cần phải chuẩn bị chu đáo những điều sau đây:

Điều đầu tiên là phải giữ sức khỏe ổn định trong những ngày thi. Do đó, những ngày gần thi, không nên học quá nhiều, phải ăn ngủ điều độ, không được thức quá khuya. Nên nhớ rằng sức khỏe là điều quan trọng số một trong việc thi cử. Không có sức khỏe thì không thể suy nghĩ một cách thông suốt và thấu đáo được. Khi mệt mỏi ta thường làm sai những điều rất đơn giản .

Để làm bài tốt cần phải nắm vững kiến thức của cả 3 năm học cấp 3. Để nắm vững kiến thức thì cần phải học đều và chăm suốt từ đầu năm học. Muốn vận dụng được kiến thức vào bài làm nên tỉnh táo, bình tĩnh, tự tin để chọn phương án giải quyết thật khoa học và chính xác!

Bất cứ ý nghĩ nào cũng tốn năng lượng, do đó nên dẹp đi những ý nghĩ vu vơ, những lo lắng điểm cao hay thấp, đậu hay rớt. Tập trung tất cả sức lực và trí tuệ vào việc phân tích đề thi và làm bài thi.

Trước khi mở đề thi thường có khoảng 45 phút phải chờ đợi, tốt nhất là nhắm mắt thở đều để đầu óc đỡ căng thẳng.

Trước khi làm bài thi phải đọc kỹ đề để tránh hiểu lầm, dẫn đến làm bài lạc đề. Có nhiều em, câu hỏi một đàng trả lời một nẻo, hoặc thế những dữ kiện đã cho không chính xác. Đọc chậm từng câu gạch dưới những câu, chữ quan trọng để không hiểu lầm về đại lượng; dấu của các đại lượng vật lý . Thí dụ: t = 0 lúc vật qua vị trí cân bằng theo chiều dương: tại thời điểm khảo sát, nhìn qua kính lúp, hoặc u nhanh pha hơn i /3.

Thang điểm của hai câu khác nhau đôi khi giống nhau nhưng độ khó của mỗi câu chắc chắn khác nhau, do đó nên chọn câu dễ làm trước. Có những câu chỉ tốn 5 phút là được 1 điểm, có những câu tốn đến 50 phút mà vẫn không điểm vì giải không ra hoặc giải sai.

Có những em sau khi làm nháp xong, chưa kịp chép vào thì hết giờ, nộp luôn từ giấy nháp. Nhưng giám khảo không chấm tờ giấy nháp. Do đó, nên làm nháp ngay trong tờ giấy thi. Nếu sai thì gạch bỏ, giám khảo chỉ chấm đúng hay sai chứ ít khi chấm dơ hay sạch, dài hay ngắn, đẹp hay xấu ....

“Dục tốc bất đạt” khi trình bày bài làm phải chậm rãi, từ tốn. Riêng môn toán lý, nên trình bày đầy đủ các bước trung gian, càng vội vã càng dễ sai. Hơn nữa, nếu trình bày đầy đủ, khi phát hiện sai, dò lại cũng dễ dàng hơn.

Nếu làm bài xong còn dư giờ thì phải kiên nhẫn ngồi đọc đi, đọc lại nhiều lần, đừng ra sớm dù là 1 phút.

* Đối với môn toán:

Trước khi làm bài cần phải tìm miền xác định của những hàm số đã cho và đặt điều kiện để phương trình (hay bất phương trình) đã cho có nghĩa. Khi giải xong, nhớ chọn vài giá trị đặc biệt để thử lại sự chính xác của kết quả.

Trong những bài toán có tham số, khi đặt ẩn phụ thì điều đầu tiên là cần phải xác định chính xác giá trị của ẩn phụ. Nếu xác định sai miền giá trị của ẩn phụ thì câu đó chắc chắn là không điểm.

Trong 1 đề toán, thường có 1 câu rất khó, chỉ có 1 điểm. Đừng nên tập trung nhiều vào câu đó mà nên chăm chút 9 điểm còn lại cho trọn vẹn. 90% những bài toán thi đại học về đại số đều dẫn đến việc sử dụng kiến thức cơ bản của nhị thức bậc nhất và tam thức bậc hai. Do đó, cần phải nắm vững kiến thức về tam thức bậc hai.

Trong môn lý, thường có câu hỏi tìm cực trị của một đại lượng nào đó. Chúng ta thường dùng bất đẳng thức Cauchy hay đặt ẩn phụ để đưa về dạng 1 tam thức bậc 2. Theo kinh nghiệm, cho thấy rằng việc đặt ẩn phụ thường dẫn đến 1 bài toán đơn giản hơn. Khi giải 2 cách khác nhau mà ra 2 đáp số khác nhau thì chắc chắn có ít nhất 1 đáp số là sai. Nếu lưỡng lự thì cứ giữ lại cả 2 cách giải, khi chấm giám khảo sẽ châm chước và chỉ chấm phần giải đúng, bỏ qua cho phần giải sai.

Đối với môn lý ta cần biết vài điều sau đây :

Liệt kê hết số liệu bài thi vào góc bên trái. Đổi ra hệ SI. Phải dẫn dắt khi làm bài: tất cả hình vẽ, lập luận chọn nghiệm đều viết hết vào bài thi. Phân loại câu hỏi thuộc vấn đề nào: xuôi hay ngược ? Nội dung gì: tìm Uh hay Vmax ? Cực trị hay khảo sát?

Nếu là bài toán xuôi thì hãy kết nối các đại lượng liệt kê và đại lượng cần tìm sẽ giúp ta nhớ đến các công thức đã học có chứa các đại lượng nầy. Sau đó phân loại công thức là có thể dùng trực tiếp hay phải chứng minh. Nếu là bài toán ngược thì nhớ xem có bao nhiều cách giải. Ví dụ: Giản đồ Fresnel hay giải các hệ thống phương trình; đạo hàm hay đưa về parabol.... rồi chọn cách quen thuộc nhất. Nhớ ghi đơn vị cho mỗi đáp số.

Các qui tắc cụ thể của môn lý là :

Cơ học: loại viết phương trình dao động nên vẽ trục ox với chiều + theo đề bài. Các bài tập sóng cần xem chiều truyền sóng là chiều nào? Phương trình sóng khi giao thoa và sóng dừng phải chứng minh bằng lượng giác .

Điện xoay chiều: đổi ra đơn vị SI rồi tính sẵn ZL, ZC, ....Gặp bài toán ngược phải nhớ qui ước dấu của AB = (uAB; i), các bài toán viết biểu thức u hoặc i cần biết u/i = AB = pha uAB – pha i . Góc (u1, u2) có thể tìm bằng hoặc giản đồ Fresnel. Các bài tập biến thế, chuyển tải điện năng chỉ là loại đơn giản dùng các công thức trong sách giáo khoa.

Quang hình: các bài toán ngược về thấu kính, kính lúp, kính hiển vi hay thiên văn cần vẽ mô hình vào bài thi để xác định vị trí vật, thấu kính, mắt từ đó lập phương trình nhanh và chính xác. Các công thức tính độ bội giác nên thuộc lòng; kính hiển vi và thiên văn nên lấy 3 số lẻ (thập phân).

Quang vật lý: phải tính chính xác đáp số .Các công thức cần chứng minh nên dẫn dắt rõ ràng: Thí dụ: Tính bán kính R trong từ trường phải xuất phát từ lực Loren là lực hướng tâm. Bài tập về mẫu nguyên tử Bohr cần vẽ giản đồ năng lượng vào bài làm để xác định đúng bước sóng rồi áp dụng tiên đề Bohr.

Vật lý hạt nhân: cần nhớ cấu tạo từng hạt nhân và chất đồng vị (vì sẽ không được phép sử dụng bản phân loại tuần hoàn). Bài tập phóng xạ có thể dùng ngay các công thức của định luật phân rã. Các bài tập phải lấy toàn bộ số lẻ mà đề bài đã cho, không được làm tròn số.

Riêng môn hoá học thí sinh cần lưu ý thêm một số gợi ý sau:

Để thấy được hướng giải quyết bài toán, thì các em nên tóm tắt, phân tích, tổng hợp các dữ kiện trên đề để vẽ sơ đồ lời giải rồi mới giải.

Khi giải cần trình bày thật gắn gọn hoặc có thể viết tắt các từ thông thường hay sử dụng để tiết kiệm thời gian và giảm sự mệt nhọc trong quá trình làm bài chẳng hạn tên gọi các định luật ta có thể viết tắt ( ĐLBTKL: Định luật bảo toàn khối lượng; ĐLBTĐ: Định luật bảo toàn điện tích ; ĐLTPKĐ: Định luật thành phần không đổi; …).

Khi viết phản ứng ta có thể không nên ghi là theo đề ta có phản ứng mà chỉ cần ghi: pứ; không nên dùng các từ chuyển ý dài dòng như: mặt khác; mặt khác ta lại có,… mà ta chỉ cần ghi là: mà; do; nên; có; …

Khi vẽ bảng biện luận ta cũng không cần ghi vào bài làm là ta có bảng biện luận mà chỉ cần vẽ bảng thôi là đủ;… tóm lại các từ chuyển ý hay các điều giải thích mang tính hiển nhiên thì không tính điểm nên ta ghi thật ngắn hoặc không cần ghi cũng được!

Đối với các loại câu hỏi giáo khoa như nêu hiện tượng hoặc giải thích điều gì đó từ phản ứng. Nếu ta chưa thấy hướng trả lời, thì trước tiên ta viết phản ứng rồi cân bằng phản ứng sau đó nhận xét lại các phản ứng thì chắc chắn sẽ có hướng trả lời!

Đối với những câu biện luận tìm chất, thì ta không nên chọn cách giải lý luận để dẫn đến kết luận ( vì các em không khéo lý luận) nên ta chỉ cần kết luận rồi sau đó giải thích bằng cách viết phản ứng (nếu có).

Vì các phản ứng trên bài giải thường là có điểm, do đó các em cố gắng ghi đầy đủ các phản ứng vào bài làm mặc dù không giải được câu hỏi đó. Cần nhớ phản ứng được điểm khi viết đúng và cân bằng chính xác, đồng thời phải ghi điều kiện phản ứng nếu có!

Phải giải hoàn chỉnh đến đáp số mới có điểm cao, dó đó không nên bỏ giữa chừng trừ khi không giải được tiếp !


Để ôn tập và làm bài thi môn Toán hiệu quả


Đặc thù của môn Toán là phải tính toán nhiều, chính vì thế khi ôn tập cần phải có hệ thống và phân phối thời gian hợp lý. Nguyên tắc của việc làm bài thi môn Toán là dễ làm trước, khó làm sau, tránh việc mất nhiều thời gian cho một câu hỏi khó.

Về cách ôn tập môn Toán, thầy Phạm Văn Quốc - giáo viên Toán Trường THPT chuyên
Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Cần ôn đủ các chủ đề chính theo sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay, mặc dù trọng tâm là lớp 12 nhưng với môn Toán, nhiều kiến thức cũ liên quan vẫn luôn sử dụng. Nắm được cấu trúc đề thi, tham khảo các đề thi năm trước để biết dạng cũng như biết cách hỏi các kiến thực liên quan. Khi bắt đầu ôn tập nên học theo từng chủ đề, có kế hoạch phân phối thời gian đến lúc thi cho hợp lý.

Một cách khá hiệu quả để dễ nhớ công thức, hiểu và nắm chắc là làm nhiều bài tập về vấn đề đó, kể cả các bài tưởng chừng là dễ. Nhiều bài toán ta có thể biết cách giải nhưng khi giải cụ thể, ở mỗi bước ta vẫn cần kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý hợp lý.
 

Thí sinh trao đổi sau khi dự thi môn Toán, khối A, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012.

Khi đã ôn các chủ chủ đề thì việc giải và tham khảo đáp án các đề thi những năm trước, hoặc tham khảo thêm các sách khác, cũng rất quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng, tính toán. Sau mỗi lẫn tự giải nên so sánh đáp số và phương pháp của đáp án, qua đó ta có thể biết những chỗ hay sai, những chỗ chưa hay, hoặc học hỏi cách cách giải mới. Khi có vấn đề mới thì nên tự giải lại để hiểu kỹ hơn. Trong quá trình ôn có thể học theo nhóm để bổ sung kiến thức cho nhau.

Cách làm bài
hiệu quả

Theo thầy Quốc, một số lỗi có thể xảy ra khi làm bài thi môn Toán đó là bài toán khảo sát hàm số thiếu bước, bài toán có căn, phân thức, logarit, quên đặt điều kiện và thử lại. Tích phân thì khi đổi biến nhớ đổi cả cân. Một số bài toán phương trình, hệ phương trình, phương trìhh lượng giác có điều kiện nên thử cẩn thận. Các bài
hình học không gian thì có thể tưởng tượng sai dẫn đến vẽ sai hình, hình giải tích thì nhầm trong tính toán.

Nhìn chung các lỗi này hoàn toàn khắc phục được khi ôn tập, trong quá trình tự giải và so sánh đáp án. Chình vì thế việc tập trung giải nhiều bài toán là để lúc thi không còn sai nữa.

Khi bắt đầu cầm đề thi, nên xem lướt qua tất cả các bài, phán đoán sơ bộ bài dễ bài khó, những bài ta chưa biết rõ ràng, những bài đã biết phương pháp… Sau đó viết vắn tắt các ý tưởng để giải một số bài toàn vì lúc này đầu óc minh mẫn và ít bị ảnh hưởng của cách nghĩ các bài toán khác, sau này xem lại khi cần.

Nên bắt đầu làm bằng những bài toán dễ, quen thuộc. Giải được những bài toàn này sẽ cổ vũ tinh thần cho các bài sau. Sau đó mới dần giải bài khó hơn, nên trách các bài tính toán phức tạp làm mất nhiều thời gian. Chú ý là không nhất thiết phải giải theo trình tự các câu hoặc trình tự các ý nhỏ trong một câu.

Trong quá trình làm bài thi nên phân bố thời gian hợp lý, không dành quá nhiều thời gian vào 1 bài, vì thời gian có hạn nên luôn tận dụng đối đa có thể, viết nhanh (đặc biệt trong lúc nháp) cũng là một lợi thế. Luôn giữ bình tĩnh, quyết tâm cao dù chỉ còn ít phút, nhiều trường hợp thí sinh làm thêm được ở những phút cuối cùng. Nếu làm bài xong cần rà soát cẩn thận, thử đáp số kỹ càng và không nên nộp bài sớm.

Khi bắt đầu làm bài cụ thể: Cần chú ý đọc kỹ đề, chỉ cần sơ sẩy một chút cũng có thể làm sai cả bài. Cố gằng nhận dạng và chọn phương án tốt nhất, tránh những phương án nặng về tính toán phức tạp vì chúng rất dễ nhầm lẫn và mất nhiều thời gian. Nếu chẳng may gặp khó khăn trong tính toán, cần bình tĩnh và rà soát lại quy trình giải hoặc cách giải. Trình bày cần rõ ràng, sạch sẽ, đầy đủ các bước, các bước quan trọng cần viết rõ vì khi chấm theo biểu điểm đến 0,25. Cần luôn chú ý đến đặt điều kiện bài toán, thử lại khi làm xong và nên viết kết luận của bài toán. Không nên quá trau chuốt trong trình bày và cũng không làm tắt. Các bài mà đã quen thì vừa viết vừa giải, nháp các phép tính khi cần.


Bí quyết ôn và làm bài thi môn Vật lý



Trong khi các đề thi tự luận thường tập trung vào vấn đề lớn, trọng tâm, có tính hệ thống thì các đề thi trắc nghiệm có thể đề cập, khai thác tất cả chi tiết của bài học trong sách giáo khoa, những điều mà đề thi tự luận rất ít hoặc không đề cập đến. Do vậy học sinh không nên bỏ qua bất kỳ một "tiểu tiết" nào trong sách giáo khoa.

Phải nắm chính xác các định luật Vật lý, các định nghĩa, công thức. Hãy tự tóm tắt thật ngắn gọn, nhưng đầy đủ kiến thức Vật lý cần thiết, đặc biệt là bảng tóm tắt công thức, hằng số Vật lý thường gặp.

Chú ý về đơn vị, thứ nguyên và tính hợp lý của
kết quả

Khi làm xong các phép tính, cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không. Hãy chú ý về đơn vị và cách viết kết quả theo quy tắc khoa học.

Để ý đến các sơ đồ mạch điện và các câu hỏi về đồ thị

Dạng câu hỏi này ít được quan tâm trong các kỳ thi tự luận nhưng sẽ xuất hiện nhiều trong bài thi trắc nghiệm. Do các hiện tượng Vật lý xảy ra theo quy luật nhất định nên có thể tìm thấy bài toán đồ thị ở mọi nội dung của chương trình. Kỹ năng đọc và vẽ đồ thị đối với học sinh phổ thông có lẽ chưa được tốt lắm! Bạn hãy luyện tập với loại bài tập này nhiều hơn.

Chú ý đến các hiện tượng Vật lý và ứng dụng trong thực tế

Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn. Muốn không bị nhầm lẫn, điều quan trọng là phải hiểu bản chất các hiện tượng. Đối với chương trình mới, học sinh phải chú trọng đến bài thí nghiệm thực hành, đọc và tìm hiểu nội dung liên quan thuộc chương cuối cùng từ vĩ mô đến vi mô.

Cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất thời gian tính toán. Môn Vật lý có rất nhiều công thức. Vì vậy việc học thuộc là điều khá khó khăn. Vì vậy để học thuộc được tất cả công thức đó học sinh phải hiểu được bản chất của từng công thức, và gắn nó với thực tế.

Trong phần bài tập học sinh thường tưởng mình nắm chắc các phần cơ, điện, nhưng thực ra những phần đó là khó nhất trong tất các phần của môn Vật lý. Vì vậy, một kinh nghiệm "xương máu" là không bao giờ được chủ quan trong bất kỳ phần thi nào, đặc biệt là phần mình tưởng chừng như nắm vững nhất.

Ăn điểm ở các
phần khó

Đối với các các phần Sóng cơ, Sóng điện từ, Quang lý thường bị học sinh coi là khó. Nhưng thực ra việc giải quyết các bài tập trong phần này sẽ rất dễ nếu bạn nắm vững lý thuyết. Để nhớ lâu và hiểu sâu lý thuyết, bạn phải phải ghi chép, hiểu bản chất, không được học "học vẹt" và phải bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT.



Để làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa học.


Để làm tốt bài thi môn Hóa học, các bạn cần lưu ý: Đặc điểm chung của đề thi trắc nghiệm môn Hóa học là phạm vi ra đề rất rộng. Đối với những nội dung cụ thể để làm bài trắc nghiệm các bạn cần phải nắm vững trọng tâm từng bài, nhận ra sự liên hệ kiến thức giữa các bài để trả lời những câu hỏi loại tổng hợp. Và biết cách giải toán, để có thể giải nhanh, gọn, chọn ra phương án đúng: Cần thuộc công thức tính số mol, cân bằng phương trình để xác định tỷ lệ số mol các chất đề bài cho và hỏi. Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của các dạng bài tập sẽ được ra trong đề thi trắc nghiệm môn Hóa học.

 
Một mẹo nhỏ giúp cho các bạn tìm được nhanh và chính xác phương án đúng trong câu trắc nghiệm môn Hóa học đó chính là: cần nhớ các khái niệm, tính chất và biết cách vận dụng từng trường hợp cụ thể vào bài tập để chọn phương án đúng. Khi nhận đề thi điều đầu tiên các bạn cần đọc thật kỹ từng câu từng chữ nhằm tránh bị sai sót, đồng thời nắm chắc nội dung mà đề thi yêu cầu cần trả lời. Đặc biệt cần chú ý tới các từ có ý phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”… Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn phương án đúng, nếu các bạn thấy mình xác định được phương án đúng thì cũng hãy đọc hết tất cả các phương án được cho đã rồi hãy quyết định chọn. Điều này sẽ tránh sai sót và khẳng định thêm chắc chắn cho phương án bạn đã chọn là đúng.


CẤU TRÚC ĐỀ THI MÔN HÓA HỌC (2010).


(Nguồn Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT)
* Đề thi tốt nghiệp THPT:
I. Phần chung cho tất cả thí sinh 32 câu:
- Este, lipit: 2 câu.
- Cacbonhidrat: 1 câu.
- Amin, Amino Axit, Protein: 3 câu.
- Polime, vật liệu polime: 1 câu.
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá hữu cơ: 6 câu.
- Đại cương về kim loại: 3 câu.
- Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm; các hợp chất của chúng: 6 câu.
- Sắt, Crom; các hợp chất của chúng: 3 câu.
- Hoá học và các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 1 câu.
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học vô cơ: 6 câu.
II: Phần riêng.

Thí sinh chỉ được làm một trong hai phần A hoặc B
A- Theo chương trình Chuẩn (8 câu):
- Este, lipit, chất giặt rửa tổng hợp, Cacbonhidrat: 2 câu.
- Amin, Amino Axit, Protein, Polime, vật liệu polime: 2 câu.
- Đại cương về kim loại; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm; các hợp chất của chúng: 2 câu.
- Sắt, Crom; các hợp chất của chúng. Phân biệt một số chất vô cơ; Hoá học và các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 2 câu.
B- Theo chương trình Nâng cao (8 câu):
- Este, lipit, chất giặt rửa tổng hợp, Cacbonhidrat: 2 câu.
- Amin, Amino Axit, Protein, Polime, vật liệu polime: 2 câu.
- Đại cương về kim loại; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm; các hợp chất của chúng: 2 câu.
- Sắt, Crom; các hợp chất của chúng. Phân biệt một số chất vô cơ; Hoá học và các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 2 câu.

* Đề thi tốt nghiệp THPT- Giáo dục thường xuyên: 40 câu.

- Este, lipit: 3.
- Cacbonhidrat: 2
- Amin, Amino Axit, Protein: 4.
- Polime, vật liệu polime:2
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá hữu cơ: 6.
- Đại cương về kim loại: 4.
- Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm; các hợp chất của chúng: 7.
- Sắt, Crom, đồng, niken, kẽm, chì, thiếc; các hợp chất của chúng: 4.
- Phân biệt một số chất vô cơ: 1.
- Hoá học và các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 1
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học vô cơ: 6.

* Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

I- Phần chung dành cho tất cả thí sinh (40 câu).
- Nguyên tử, bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, liên kết hoá học: 2.
- Phản ứng oxi hoá- khử, tốc độ phản ứng, cân bằng hoá học: 2.
- Sự điện li: 1.
- Cacbon, silic, nitơ, photpho, oxi, lưu huỳnh, các nguyên tố thuộc nhóm halogen; các hợp chất của chúng: 3.
- Đại cương về kim loại: 2.
- Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm; các hợp chất của chúng: 5.
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học vô cơ thuộc chương trình phổ thông: 6.
- Đại cương hoá học hữu cơ, hiđrocacbon: 2.
- Dẫn xuất halogen, ancol, phenol: 2
- Anđehit, xeton, axit cacbonxylic: 2
- Este, lipit: 2
- Amin, amino axit, protein: 3
- Cacbonhidrat: 1
- Polime, vật liệu polime: 1.
- Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học hữu cơ thuộc chương trình phổ thông: 6
II- Phần riêng:
Thí sinh chỉ được làm một trong hai phần (phần A hoặc phần B)
A- Theo chương trình Chuẩn (10 câu):
- Phản ứng oxi hoá- khử, tốc độ phản ứng, cân bằng hoá học, sự điện li: 1
- Anđehit, xeton, axit cacbonxylic: 2
- Đại cương về kim loại:1
- Sắt, Crom, đồng, niken, kẽm, chì, bạc, vàng, thiếc; các hợp chất của chúng: 2
- Phân biệt chất vô cơ, hoá học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 1
- Hidrocacbon, dẫn xuất halogen, phenol, ancol, cacbonhidrat, polime: 2 câu
- Amin, amino axit, protein: 1.

B- Theo chương trình nâng cao (10 câu):
- Phản ứng oxi hoá- khử, tốc độ phản ứng, cân bằng hoá học, sự điện li: 1 câu
- Anđehit, xeton, axit cacbonxylic: 2
- Đại cương về kim loại: 1
- Sắt, Crom, đồng, niken, kẽm, chì, bạc, vàng, thiếc; các hợp chất của chúng: 2
- Phân biệt chất vô cơ, chuẩn độ dung dịch, hoá học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: 1
- Hidrocacbon, dẫn xuất halogen, phenol, ancol, cacbonhidrat, polime: 2 câu
- Amin, amino axit, protein: 1.
Trước mắt, các bạn hãy học thật kỹ môn Hóa vô cơ để làm tốt bài thi học kỳ II. Sau đó, sẽ tiếp tục ôn lại môn Hóa hữu cơ và các môn khác để thi tốt nghiệp và thi ĐH - CĐ.

Chúc các bạn đạt kết quả tốt cho những kỳ thi sắp tới.



Kinh nghiệm thi đại học môn Toán
Kinh nghiệm thi đại học môn Hóa
Kinh nghiệm ôn thi đại học môn lý -
Kinh nghiệm học của thủ khoa khối A -
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Cách chống buồn ngủ khi học




(st)