Cách trình bày sáng kiến kinh nghiệm hoàn hảo nhất
Cách viết email xin tài trợ kinh nghiệm của người đã thành công
Làm gì khi con lười học, những kinh nghiệm giáo dục trẻ cho bố mẹ
Vật lý là một môn khoa học quan trọng, có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, hỗ trợ đa số nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của con người. Hơn nữa, nó còn giúp cho con người hiểu biết thêm về vũ trụ vốn nhiều bí ẩn. Vật lý trong nhà trường là một môn hoc lý thú, giúp ta bước đầu nhập môn khoa học này.
KINH NGHIỆM HỌC TỐT MÔN VẬT LÝ
Để học giỏi môn Vật lý trong nhà trường, theo tôi cần có phương pháp học tập sao cho khoa học, hợp lý :
- Đọc và soạn bài kỹ trước khi đến lớp. Chú ý ghi lại những từ ngữ quan trọng, những vấn đề còn chưa rõ trong bài để khi đến lớp nghe thầy cô giảng bài ta sẽ tiếp thu nhanh hơn. Phải mạnh dạn hỏi ngay những gì còn chưa hiểu với thầy cô, bạn bè…
- Về nhà làm tất cả các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Muốn vậy phải học đều tất cả các môn, đặc biệt là môn Toán - vì đây là môn học giúp ta có được tư duy logic và tính toán chính xác, rất cần trong việc giải các bài tập Vật lý.
Nhân đây, tôi cũng xin được chia sẻ cùng các bạn một số kinh nghiệm học tập môn Vật lý như sau:
1/. Trước hết, cần xây dựng cho chúng ta lòng yêu thích môn học - có yêu thích mới có hứng thú trong học tập. Đây là một trong những yếu tố rất cần thiết để học tốt môn này. Bằng cách nào? Bạn hãy thường xuyên đọc sách Vật lý vui, tham gia các hoạt động liên quan đến Vật lý như tham gia câu lạc bộ Vật lý ở trường, trên Internet,… Luôn đặt câu hỏi "Tại sao?" trước những vấn đề, những tình huống thuộc môn vật lý dù là đơn giản để từ đó khơi gợi tính tò mò, đòi hỏi phải được lý giải - và như vậy dần dần bạn sẽ tìm thấy được những cái hay, cái đẹp của bộ môn này mà yêu thích nó.
2/. Rèn luyện cho chúng ta một trí nhớ tốt vì có như thế chúng ta mới nắm bắt được bài mới ở lớp cũng như các kiến thức đã học trước đó. Rèn luyện như thế nào? Đó là : trước khi học bài mới chúng ta nên xem lại các bài học cũ. Như thế sẽ mất nhiều thời gian chăng? Câu trả lời là "Không" vì những bài đó chúng ta đã học, đã biết, đã nhớ nên xem lại sẽ rất nhanh. Khi được tái hiện lần nữa, ta sẽ nhớ được lâu hơn, chắc hơn. Thực tế đã cho thấy, trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, chỉ cần ta quên (hoặc không hiểu) một thuật ngữ nào đó thôi là mất điểm ngay.
3/ Luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Chương trình trong sách giáo khoa vốn là kiến thức chuẩn, căn bản nhưng không thể giải thích cặn kẽ hết mọi vấn đề vì thời lượng chương trình không cho phép. Cho nên, để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa chúng ta cũng cần tìm đọc thêm sách tham khảo (chứ không phải là sách giải bài tập). Đồng thời, nên làm bài tập thật nhiều, bắt đầu từ những bài đơn giản rồi đến những bài tập khó…Việc làm bài tập nhiều sẽ giúp ta rèn luyện tư duy nhanh, tích luỹ thêm kiến thức bổ sung cho lý thuyết; đọc thêm nhiều sách chúng ta mới nắm chắc và hiểu đúng, sâu sắc hơn những kiến thức trong sách giáo khoa.
4/ Nếu có điều kiện, các bạn nên thành lập nhóm học tập từ 03 đến 05 học sinh. Khi có được sự phân công hợp lý trong nhóm thì việc học sẽ đạt được hiệu quả cao - không chỉ riêng môn vật lý mà các môn khác cũng vậy.
Kinh nghiệm làm bài thi môn Vật lý
Chuyên gia giải đề thi của trung tâm Bachkhoa – Aptech, thầy giáo Phạm Khánh Hội - Giảng viên khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đưa ra những kinh nghiệm cho các thí sinh làm bài thi môn Lý.
Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý
Kinh nghiệm 1: Đọc kỹ đề
Mặc dù đề thi trắc nghiệm khá dài, thời gian làm bài lại ngắn nhưng không phải vì thế mà chúng ta coi nhẹ công việc đọc đề bài.
Trong rất nhiều bài toán Vật lý, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thậm chí thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Nếu đọc đề bài một cách sơ sài chúng ta không thể nào phát hiện ra nhưng yếu tố khác biệt đó vì thế sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc.
Thí sinh cần bình tĩnh trước khi điền vào đáp án (Ảnh minh họa)
Kinh nghiệm 2: Nháp thẳng vào đề thi
Để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm các bạn nên tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến đáp án. Nếu làm được như vậy thì khoảng trống trên tờ đề bài đủ chỗ để cho các bạn làm nháp. Làm như vậy các bạn đỡ mất công chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ nháp.
Thêm nữa sau khi các bạn trả lời xong câu hỏi nào thì các bạn ghi ngay đáp án ở đầu câu hỏi đó. Ở những câu các bạn chưa chắc chắn được đáp án thì tốt nhất là gạch bỏ toàn bộ đáp án sai, để nếu có thời gian kiểm tra lại các bạn không phải tư duy chúng từ đầu. Ở những câu này tốt nhất các bạn ghi dấu hỏi ở ngay đầu câu để đánh dấu.
Kinh nghiệm 3: Nên phân phối thời gian hợp lý
Chúng ta nên làm bài một cách từ tốn không hấp tấp, chú ý rằng chúng ta phải trả lời 50 câu hỏi trong vòng 90 phút và các câu hỏi dù khó hay dễ đề có điểm số bằng nhau. Vì thế nếu như đọc đề và suy nghĩ đến 2 phút mà không có ý tưởng trả lời thì tốt nhất xếp chúng vào loại câu hỏi mình chưa chắc chắn đáp án.
Đồng thời phải thật cẩn thận ở những câu hỏi dễ, không phải vì nhìn thấy dễ mà chỉ lướt qua vài giây rồi trả lời ngay, vẫn phải đọc câu hỏi một cách cẩn thận rồi mới trả lời, tuyệt đối tránh tình trạng "khó thì không trả lời được còn dễ thì trả lời sai".
Kinh nghiệm 4: Không vội ghi đáp án vào phiếu trả lời
Việc ghi đáp án vào phiếu trả lời tốn khoảng thời gian từ 5 - 10 phút. Chúng ta nên để dành khoảng 10 phút cuối giờ để điền đáp án vào phiếu trả lời, như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với điền từng câu.
Đến khi làm xong bài các bạn điền lần lượt các đáp án vào tờ giấy thi. Chú ý rằng ngay cả các câu hỏi mà bạn không trả lời được thì vẫn phải điền đáp án, làm như thế này chúng ta sẽ hạn chế tối đa việc điền nhầm đáp án.
Các bạn nên nhớ rằng với việc phải làm 50 câu hỏi trắc nghiệm thì dù các bạn có thừa tới 15 phút (1/6 thời gian làm bài) thì các bạn cũng không kiểm tra hết được các đáp án đâu vì thế tốt nhất là căn chỉnh thời gian làm bài cho hợp lý, khi làm xong bài cũng là lúc gần hết giờ chứ không nên cố làm nhanh để có dư thời gian kiểm tra lại.
Kinh nghiệm 5: Chọn bút chì và tẩy
Tốt nhất là sử dụng bút 2B, các bút cứng hơn như 1B, HB... thì khó tô còn các bút mềm hơn như 3B, 4B... thì dễ tô nhưng hay nhòe. Và vì chúng ta dùng bút 2B nên chúng ta cũng chọn loại tẩy cho loại bút 2B.
Những người giỏi dùng bút chì nhất là những sinh viên trường Kiến trúc, Mỹ thuật... Ở gần các trường này chắc chắn có nhiều hiệu bút chì và tẩy tốt, hãy đến và nhờ họ tư vấn.
Đành rằng là trả lời bằng bút chì thì có thể tẩy đi nếu sai nhưng cũng không nên lạm dụng thái quá. Việc tẩy đi tô lại rất mất thời gian và cũng làm cho tờ phiếu trả lời không còn đủ sạch sẽ.
Những yếu tố cần thiết để đạt điểm cao
1. Nắm vững kiến thức Vật lý 12 và các kiến thức Vật lý 10 và 11 có liên quan.
2. Có tinh thần thật thoải mái khi làm bài. Các em làm bài thi môn Vật lý vào buổi chiều. Sau khi thi xong môn Toán vào buổi sáng, nên nhanh chóng rời khỏi hội đồng thi, chọn chỗ nào yên tĩnh mà ăn uống và nghỉ ngơi.
Nếu tranh thủ ngủ trưa được là tốt nhất, không nên đem sách vở ra ôn bài lúc này, đề thi trắc nghiệm rất dài, ôn trúng được một vài câu ngay trước lúc thi không những không giải quyết được gì nhiều mà chỉ khiến mình thêm mệt mỏi và mất tinh thần mà thôi.
Không nên đặt cho mình chỉ tiêu là phải làm được bao nhiêu vì làm được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào đề thi dễ hay khó, những gì mình không làm được cũng không dễ dàng với người khác nên không việc gì phải sợ.
3. Không nên đến trường thi quá sớm hoặc quá muộn, không trao đổi bài thi môn trước với các bạn khác tránh mất tập trung.
4. Phân phối thời gian hợp lý, cẩn thận trong từng câu hỏi làm thế nào để lúc xong bài là lúc hết giờ là đẹp nhất.
Chuẩn bị cho việc làm bài thi trắc nghiệm.
Khi đã nắm vững kiến thức, các em cần phải chuẩn bị sẵn những đồ dùng học tập được phép mang vào phòng thi như bút mực, bút chì mềm, thước kẻ, com – pa, tẩy chì, ... và tất nhiên đều có thể sử dụng tốt. Riêng về bút chì, công cụ chính để làm bài trắc nghiệm, các em nên chọn loại chì từ 2B đến 6B (tốt nhất nên chọn loại 2B), nên chuẩn bị từ hai hoặc nhiều hơn hai chiếc được gọt sẵn, đồng thời cũng cần dự phòng thêm một chiếc gọt bút chì. Các em không nên gọt đầu bút chì quá nhọn đặc biệt không nên sử dụng bút chì kim, mà nên gọt hơi tà tà (đầu bằng hơn), có như thế mới giúp việc tô các phương án trả lời được nhanh và không làm rách phiếu trả lời trắc nghiệm. Có như vậy, các Em mới tiết kiệm được vài ba giây hoặc hơn thế nữa 5 đến 7 giây cho một câu, và như thế, cứ 15 câu các Em có thể có thêm thời gian làm được 1 hoặc 2 câu nữa. Nên nhớ rằng, khi đi thi, thời gian là tối quan trọng. Để tiết kiệm thời gian, em nên chuẩn bị nhiều bút chì đã gọt sẵn, hạn chế tối đa việc phải gọt lại chì trong khi đang làm bài, không nên sử dụng tẩy liền với bút chì mà nên sử dụng gôm tẩy rời. Nếu có thể, các Em nên tập tô thử các ô ở nhà.
Kĩ năng khi làm bài thi trắc nghiệm.
Đề thi gồm có nhiều câu, mỗi câu có 04 phương án lựa chọn, trong đó chỉ có một phương án duy nhất đúng. Toàn bài được đánh giá theo thang điểm 10, chia đều cho các câu trắc nghiệm, không phân biệt mức độ khó, dễ (với đề thi Đại học, mỗi câu được 0,2 điểm, thời gian làm bài thi Đại học là 90 phút). Các em hãy rèn luyện cho
mình những kĩ năng sau đây:
• Nắm chắc các qui định của Bộ về thi trắc nghiệm: Điều này đã được hướng dẫn kĩ càng trong các tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành, trong đó có qui chế thi.
• Làm bài theo lượt:
* Đọc trước toàn bộ đề: Đọc thật nhanh qua toàn bộ và làm những câu dễ trước; Đánh dấu những câu mà Em cho rằng theo một cách nào đó thì Em có thể trả lời chính xác được câu hỏi đó.
* Đọc lại toàn bộ bài kiểm tra lần thứ hai và trả lời những câu hỏi khó hơn...: Em có thể thu thập được
một số gợi ý từ lần đọc trước, hoặc cảm thấy thoải mái hơn trong phòng thi.
* Nếu có thời gian, hãy đọc lại toàn bộ câu hỏi và phương án chọn: Rất có thể Em đã hiểu sai ý của đề bài
từ lần đọc trước, hãy fix các câu đó bằng cách sử dụng tẩy đồng thời kiểm tra xem các ô được tô có lấp đầy diện tích chì và đủ đậm hay không, nếu quá mờ thì khi chấm máy sẽ báo lỗi.
* Mẹo: Nên đọc đề từ đầu đến cuối và làm ngay những câu mà mình cho là chắc chắn sẽ làm đúng, đánh dấu (trong đề) những câu chưa làm được, sau đó lặp lại lượt thứ hai, rồi lượt thứ ba... Các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu trắc nghiệm, sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn, mà điểm số thì được chia đều.
• Sử dụng chì và tẩy (gôm):
Thời gian tính trung bình cho việc trả lời mỗi câu trắc nghiệm là 1,8 phút (dĩ nhiên câu dễ sẽ cần ít thời gian hơn, còn câu khó sẽ cần nhiều hơn). Khi làm bài, tay phải em cầm bút chì để tô các phương án trả lời, tay trái cầm tẩy để có thể nhanh chóng tẩy và sửa phương án trả lời sai. Phải nhớ rằng, tẩy thật sạch ô chọn nhầm, bởi vì nếu không, khi chấm, máy sẽ báo lỗi
• Sử dụng phương pháp loại trừ trên cơ sở suy luận có lí.
Có thể các em sẽ gặp một vài câu mà bản thân còn phân vân chưa biết phương án nào chắc chắn đúng. Khi đó, các em có thể sử dụng phương pháp loại trừ để có được phương án trả lời phù hợp với yêu cầu của đề. Trong nhiều trường hợp, các em tính một đại lượng nào đó thì có thể loại trừ 50:50 hoặc loại chỉ còn 01 phương án đúng! (chẳng hạn, ở đề thi tốt nghiệp THPT 2009, có câu hạt nhân nào bền vững nhất trong các hạt nhân U, Cs, Fe và He?
Nếu nắm được những hạt nhân có số khối A trong khoảng từ 50 đến 70 thì chọn ngay Fe, song nếu không nhớ, chúng ta thấy Fe trong đời sống hằng ngày là khá bền vững, vậy ta loại trừ các hạt nhân kia!)
• Trả lời tất cả các câu (“tô” may mắn!): Mỗi câu đều có điểm, vậy nên, bỏ qua câu nào là mất điểm câu đó. Khi đã gần hết thời gian làm bài, nếu còn một số câu trắc nghiệm chưa tìm được phương án trả lời đúng, các em không nên bỏ trống, mà nên lựa chọn ngẫu nhiên phương án trả lời (cái này nếu nói bình dân là “tô lụi” nhưng có “cơ sở khoa học”! hay tô theo “linh cảm”). Cách làm này sẽ giúp các em tăng được cơ hội có thêm điểm số, nếu may mắn phương án trả lời là đúng, còn nếu sai cũng không bị trừ điểm (ngoại trừ trường hợp bị trừ điểm âm, mà ở Việt
Nam ta, chưa áp dụng!). Song, các Em không nên lạm dụng cách làm này, vì tỉ lệ may mắn là rất thấp.
Cách để trả lời những câu hỏi khó (câu hỏi dạng “đỉnh”)
• Loại trừ những phương án mà Em biết là sai: Nếu được phép, Em đánh dấu chỗ sai hay bổ sung những phần cần thiết vào phương án đó để chỉ rõ vì sao nó sai.
• Hãy kiểm tra tính đúng/sai của mỗi phương án: Bằng cách này, Em có thể giảm bớt các lựa chọn của Em và tiến đến lựa chọn chính xác nhất.
• Phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn tìm bước sóng của ánh sáng khả kiến thì giá trị phải trong khoảng 0,40 (μm) đến 0,76 (μm). Hay tính giá trị lực ma sát trượt thì hãy nhớ là lực ma sát trượt luôn vào khoảng trên dưới chục phần trăm của áp lực.
• Những phương án bao gồm những từ phủ định hay mang tính tuyệt đối.
• “Tất cả những ý trên”: Nếu Em thấy có tới ba phương án có vẻ đúng thì tất cả những ý trên đều có khả năng là đáp án chính xác!
• Mỗi đại lượng vật lí còn cần có đơn vị đo phù hợp nữa: Đừng vội vàng “tô vòng tròn” khi con số Em tính được trùng khớp với con số của một phương án trả lời nào đấy.
• Những phương án trông “giông giống”: Có lẽ một trong số đó là đáp án chính xác; chọn đáp án tốt nhất nhưng loại ngay những đáp án mang nghĩa giống hệt.
• Hai lần phủ định: Tạo ra một câu khẳng định có chung nghĩa với câu có hai lần phủ định rồi xem xét nó.
• Những phương án ngược nhau: Khi trong 4 phương án trả lời, nếu hai phương án mà hoàn toàn trái ngược nhau, có lẽ một trong hai phương án đó là đáp án chính xác!
• Ưu tiên những phương án có những từ hạn định: Kết quả sẽ dài hơn, bao gồm nhiều yếu tố thích hợp hơn cho một câu trả lời.
• Nếu như cả hai đáp án đều có vẻ đúng: So sánh xem chúng khác nhau ở điểm gì. Rồi dựa vào câu gốc ở đề bài để xem phương án nào phù hợp hơn.
• Em phải cảnh giác với những câu hỏi yêu cầu nhận định phát biểu là đúng hay sai. Làm ơn đọc cho hết câu hỏi. Thực tế có Em chẳng đọc hết câu đã vội trả lời rồi!
• Các Em có 2 cách để tìm đáp án đúng:
* Cách thứ nhất: Giải bài toán đầu bài đưa ra tìm đáp số xem có đúng với đáp án thì đáp án đó dùng được
* Cách thứ hai: Ta dùng đáp án đó đưa vào công thức mà các em biết thì đáp án nào đưa vào công thức có kết quả hợp lý là đáp án đúng.
* Lưu ý rằng, nhược điểm lớn nhất của các Em khi làm bài là các em thường hiểu sai hiện tượng Vật lí, vì vậy dẫn đến chọn phương án trả lời sai. Vật lí khác với Toán học và chỉ có mối liên hệ với toán học bằng các phương thức của phương trình nhưng có những đề thuộc bản chất của Vật lí không nằm trong phương trình toán. Phần lớn các em không để ý đến bản chất Vật lí
Khắc phục được điều này các em phải chịu khó nghe Thầy cô giáo giảng bài, khi vận dụng kiến thức hiểu bản chất của vấn đề thì các em mới làm tốt được bài. Khi làm bài trắc nghiệm Vật Lí, trước hết Em cần đặt câu hỏi và đạt được các mục tiêu sau sau đây: Chuẩn xác – cách giải/hướng đi/phán đoán đúng + Nhanh – Hoàn thành từng câu trong thời gian ngắn nhất để dành thời gian nhiều nhất cho các câu khác + Hoàn thiện – Phải biết cách trình bày đầy đủ từ điều kiện xác định của đề để việc loại bỏ nghiệm lạ hay giải thích đầy đủ câu trả lời của mình. Nhanh – Hoàn thiện thường đi song hành với nhau trong khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm (trong đó bao gồm cả khâu tô vào trong phiếu trả lời).
Trình tự làm một bài toán vật lý
Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào
Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.
Về việc tóm tắt đề bài, tôi thấy một số học sinh không làm bước này mà tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Điều này dễ làm rối học sinh vì trong đề có rất nhiều chữ và những con số cần thiết thì không nhiều. Việc tóm tắt sẽ làm học sinh biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để học sinh có hướng giải cho bài toán.
Cách học tốt môn vật lý trong trường phổ thông
Đối với một số học sinh, môn lý rất khó để học tốt. Nhưng đối với tôi, môn lý rất thú vị. Cũng đã đạt được nhiều thành tích tốt với môn này như học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, tôi muốn chia sẻ với các em học sinh những kinh ngiệm học tập của tôi.
Môn vật lý là môn nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; học sinh có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai.
Trước tiên, để có thể hiểu rõ những vấn đề trong môn vật lý, học sinh phải chăm chú nghe giảng. Những hiện tượng chỉ tuân theo một số nghuyên tắc nhất định, và để hiểu rõ những hiện tượng đó thì học sinh có thể hỏi thầy cô trên lớp, những bạn giỏi về môn này để giải thích giúp. Học sinh có thể lên mạng để tìm những hình ảnh minh họa, những đoạn phim mô phỏng những thí nghiệm học trên lớp. Trên mạng có rất nhiều tư liệu và minh họa dễ hiểu. Chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là học sinh đã phần nào làm được những câu lý thuyết.
Sau đó là công thức tính toán, môn lý có hai phần: thứ nhất là phần lý thuyết, thứ hai là phần bài tập. Việc nhớ rõ công thức là điều rất quan trọng. Vì nếu học sinh nhớ sai công thức thì kết quả bài làm sẽ sai. Lúc học những công thức mới, tôi cũng cảm thấy rất khó nhớ. Nhưng tôi không cố gắng học công thức ngay từ đầu mà lấy bài tập ra làm. Trong lúc làm vẫn lấy công thức ra xem. Nhưng rồi làm nhiều bài như vậy, khoảng 10 bài là đã nhớ công thức. Như vậy vừa hiểu rõ công thức, vừa biết áp dụng đúng và nhớ công thức lâu.
|
Ảnh minh họa |
Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà học sinh phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối học sinh.
Theo tôi thì nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu học sinh nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng theo tôi số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi học sinh nhớ không rõ công thức, và việc nhớ một công thức tổng quát sẽ làm học sinh cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều học sinh sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu.
Tôi để ý thấy một số học sinh sau khi đọc xong đề thì tưởng tượng trong đầu hiện tượng rồi viết công thức tính toán ngay. Tôi nghĩ nên vẽ hình minh họa hiện tượng trước rồi hãy tính toán. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hiện tượng hơn và ít bị rối hay làm sai bài toán.
Với những bài phức tạp thì việc vẽ hình còn quan trọng hơn nữa, nhưng tôi thấy một số học sinh vẽ hình minh họa rất sơ sài hay vẽ rất nhỏ. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ nên vẽ hình lớn một chút, vì sau đó ta còn viết hay vẽ thêm nhiều dữ kiện khác. Điều này giúp cho hình minh họa dễ nhìn hơn và có thể viết những dữ kiện đề bài cho ngay trên hình vẽ. Nó sẽ giúp việc tính toán chính xác và nhanh hơn.
Trình tự làm một bài toán vật lý mà tôi đã làm là:
Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.
Về việc tóm tắt đề bài, tôi thấy một số học sinh không làm bước này mà tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Điều này dễ làm rối học sinh vì trong đề có rất nhiều chữ và những con số cần thiết thì không nhiều. Việc tóm tắt sẽ làm học sinh biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để học sinh có hướng giải cho bài toán.
Còn một điều nữa là thông thường tôi thấy học sinh hay than vãn về một môn nào đó mà chúng không giỏi. Và tại vì không giỏi nên làm thế nào cũng không giỏi, không chịu dành thời gian nhiều hơn cho môn đó. Học sinh thường tập trung cho những môn chúng giỏi, dành nhiều thời gian hơn cho những môn đó và ít dành thời gian cho những môn chúng không giỏi. Vậy là môn giỏi thì càng giỏi và môn không giỏi thì càng không giỏi.
Với môn lý cũng vậy. Nếu học sinh muốn giỏi thì bỏ thời gian ra làm bài tập, hỏi thầy cô, bạn bè, hay đi học thêm cũng được. Nhưng điều quan trọng là phải có cách học hợp lý và dành thời gian đúng mức cho môn đó. Tôi cũng vậy, mỗi lần học xong một chương sách mới, tôi cảm thấy rất khó hiểu. Nhưng vì tôi cố gắng dành thời gian giải bài tập và mua sách đọc thêm. Và cũng nhờ vậy mà tôi thấy môn lý không quá khó như các bạn tôi than vãn. Tôi cũng dành nhiều thời gian cho môn toán, và kết quả môn toán của tôi cũng rất tốt.
Luyện thi đại học môn Lý – kinh nghiệm của Lê Anh Quân – Thủ khoa Đại Học Xây dựng đạt 30 điểm trong kỳ thi đại học 2009
Trong chia sẻ về cách học tốt môn Vật lý, tôi sẽ chia ra làm 2 phần như sau: Phần nguyên tắc chung và nguyên tắc riêng.
+ Phần nguyên tắc chung sẽ đưa ra phương pháp học cốt lõi cho việc học và luyện thi đại học.
+ Phần nguyên tắc riêng sẽ nói cụ thể về cách học và mẹo của từng chương trong chương trình lớp 12
• Nguyên tắc chung:
+ Muốn thi đại học được tốt thì các bạn cần tự tin và có một kiến thức vững vàng. Để có được như vậy chúng ta chỉ có một cách là rèn luyện rất nhiều và rèn luyện đúng cách. Sau đây, tôi sẽ đưa ra một số kinh nghiệm cụ thể trong việc ôn luyện thi đại học môn Vật lý:
+ Môn Vật lý là một môn khá đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh đại học bởi kiến thức hầu hết chỉ nằm trong chương trình lớp 12, một số công thức có liên quan đến lớp 10 và lớp 11 nhưng với bất cứ quyển sách nào viết về các dạng bài thi chúng ta đều có lại các công thức và được chỉ rõ là khi nào thì ta dùng đến và dùng trong dạng nào. Ở đây tôi xin đề cập đến việc rèn luyện như thế nào cho hiệu quả.
+ Để rèn luyện hiệu quả chúng ta cần nắm vững các nguyên tắc: Cơ bản (nắm vững kiến thức sách giáo khoa) -> Chắc (sử dụng kiến thức làm các bài tập cơ bản một cách thuần thục) -> Nâng cao (tìm tòi làm bài tập trong các sách nâng cao)-> khả năng tự tổng hợp (tổng hợp kiến thức cho riêng mình-> biến kiến thức sách vở mình học thành nguồn của mình, bạn làm được điều này chỉ khi bạn có thể giảng giải lại cho bạn bè một cách lưu loát không cần dùng sách vở)-> Tư duy (khả năng làm các bài tập khó, không có dạng nhất định).
+ Chia ra làm 2 quá trình rõ rệt : Quá trình học và Quá trình luyện đề. Để cho kỳ thi thật tốt và tâm lý tự tin khi đi thi, chúng ta cần phải thực hiện tốt 2 quá trình trên, Quá trình tự học chúng ta làm theo các nguyên tắc nêu trên. Sau khi học hết chương trình các bạn bắt đầu luyện đề. Ban đầu khi luyện đề, có thể các bạn sẽ làm khá là chậm và sai khá là nhiều. Để luyện đề được tốt, các bạn phải chọn lọc những đề hay và sát với chương trình thi đại học, đặc biệt là phải có đáp án. Nguyên tắc luyện đề: Cần phải làm kỹ từng đề một và phải biết cách khai thác đề mình làm. Như thế nào là biết cách khai thác đề ?.
Lần đầu tiên: Bạn bấm giờ và bắt đầu làm, trong khi thi đại học thì thời gian cho môn Vật lý là 90 phút, ở nhà bạn chỉ làm trong 60 – 75 phút. Để làm được thời gian gấp như vậy, trong khi làm gặp câu nào vướng mà nghĩ không ra, bạn bỏ qua và làm các câu khác, tích vào những câu mà mình chưa làm được. Sau khoảng thời gian trên, bạn nên dừng lại và bắt đầu khai thác đề. So đáp án xem làm sai những câu nào và những câu nào chưa làm được và tích đáp án đúng vào. Nguyên nhân chưa làm được bài có thể có rất nhiều nguyên nhân: bạn cảm thấy dạng đấy chưa bao giờ học, cảm thấy quên công thức, hiểu sai bản chất… Bạn cần phải giải quyết nguyên nhân của chính bạn: ví dụ nếu bạn quên công thức, tốt nhất là bạn nên học cách thiết lập nó cộng với việc làm nhiều bài tập, bạn sẽ hiểu và nhớ lâu hơn.
“Bỏ túi” kinh nghiệm đạt điểm cao môn Vật lí
|
Để được điểm cao môn Vật lí trong kỳ thi Đại học thì việc chăm chỉ ôn luyện thôi thì chưa đủ, mà còn phải có bí quyết làm bài riêng thì bài thi của bạn mới đạt điểm xuất sắc.
Bạn Lê Trung Hiếu – Thủ khoa đại học Hàng hải với số điểm 30/30, giải ba chung kết Olympia cũng từng chia sẻ: “ Mình đạt điểm cao như thế ngoài kiến thức sẵn có cũng là nhờ có mẹo riêng”. Vậy tại sao chúng mình không “bỏ túi” vài mẹo nhỏ cho mình nhỉ? Cùng nghe thầy Đoàn Công Thạo – giáo viên Vật lí trường chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ với thành viên Hocmai.vn chúng mình về những bí quyết để làm tốt môn Vật lí nhé!
Thầy Đoàn Công Thạo, Giáo viên Vật lí trường Hà Nội - Amsterdam
1. Nắm vững lý thuyết cơ bản trong toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình học sinh đã chọn: Trong khi các đề thi tự luận thường tập trung vào các vấn đề lớn, trọng tâm, có tính hệ thống thì các đề thi trắc nghiệm có thể đề cập, khai thác tất cả các chi tiết của bài học trong sách giáo khoa, những điều mà đề thi tự luận rất ít hoặc không đề cập đến. Do vậy các bạn học sinh không nên bỏ qua bất kỳ một “tiểu tiết” nào trong sách giáo khoa.
Các bạn phải nắm chính xác các định luật Vật lí, các định nghĩa, công thức. Hãy tự tóm tắt thật ngắn gọn, nhưng đầy đủ các kiến thức Vật lí cần thiết, đặc biệt là bảng tóm tắt các công thức, các hằng số Vật lí thường gặp.
2. Chú ý về đơn vị, thứ nguyên và tính hợp lý của kết quả: Khi làm xong các phép tính, bạn cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, bạn hãy cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không. Bạn hãy chú ý về đơn vị và cách viết kết quả theo quy tắc khoa học, ví dụ nên viết: 2,3.10-3 m thay vì 0,0012 m…
3. Để ý đến các sơ đồ mạch điện và các câu hỏi về đồ thị: Dạng câu hỏi này ít được quan tâm trong các kỳ thi tự luận nhưng sẽ xuất hiện nhiều trong bài thi trắc nghiệm. Do các hiện tượng Vật lí xảy ra theo những quy luật nhất định nên có thể tìm thấy bài toán đồ thị ở mọi nội dung của chương trình. Kỹ năng đọc và vẽ đồ thị đối với học sinh phổ thông có lẽ chưa được tốt lắm! Bạn hãy luyện tập với loại bài tập này nhiều hơn.
4. Chú ý đến các hiện tượng Vật lí và ứng dụng trong thực tế: Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn. Muốn không bị nhầm lẫn, điều quan trọng là phải hiểu bản chất các hiện tượng. Đối với chương trình mới, học sinh phải chú trọng đến các bài thí nghiệm thực hành, đọc và tìm hiểu các nội dung liên quan thuộc chương cuối cùng từ Vĩ mô đến Vi mô.
5. Cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất thời gian tính toán.
6. Môn Vật lí có rất nhiều công thức, vì vậy việc học thuộc là điều khá khó khăn. Vì vậy để học thuộc được tất cả các công thức đó học sinh phải hiểu được bản chất của từng công thức ấy, và gắn nó với thực tế.
7. Trong phần bài tập học sinh thường tưởng mình nắm chắc các phần Cơ, Điện, nhưng thực ra những phần đó là khó nhất trong tất cả các phần của môn Vật lí. Vì vậy, một kinh nghiệm “xương máu” là không bao giờ được chủ quan trong bất kỳ phần thi nào, đặc biệt là các phần mình tưởng chừng như nắm vững nhất.
8. Ăn điểm ở các phần khó: Đối với các Các phần Sóng cơ, Sóng điện từ, Quang lý thường bị học sinh coi là khó. Nhưng thực ra việc giải quyết các bài tập trong các phần này sẽ rất dễ nếu bạn nắm vững lý thuyết.
9. Để nhớ lâu và hiểu sâu lý thuyết thì bạn phải phải ghi chép, hiểu bản chất, không được học “học vẹt” và phải bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT.
Trên đây là 9 bí quyết làm bài tốt môn Vật lí mà Hocmai.vn dành tặng cho các bạn “bỏ túi” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học sắp tới. Hy vọng với những bí quyết trên bài thi Vật lí của các bạn sẽ đạt điểm cao nhất.
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học anh văn hiệu quả bạn không ngờ
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học và thi IELTS hữu ích
Kinh nghiệm học Anh văn giao tiếp cực kì hiệu quả
Kế hoạch học tiếng Nhật hiệu quả
Kinh nghiệm phỏng vấn đi du học Mỹ
(st)