Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Mext (Học bổng chính phủ Nhật)

Học bổng của Chính phủ Nhật Bản (Monbukagakusho -MEXT Scholarship) được lập ra và cung cấp cho sinh viên nước ngoài từ năm 1954. Đây là loại học bổng toàn phần phổ biến nhất mà sinh viên có thể xin được. Sinh viên có thể nộp đơn xin học bổng



Những thông tin cần biết về học bổng MEXT

MEXT qua Đại sứ quán hay Lãnh sự quán của Nhật tại Việt Nam, hoặc cũng có thể nộp đơn xin trực tiếp qua trường dự định theo học.

Các loại học bổng và cấp học

Yêu cầu và thông tin cụ thể về các cấp và ngành học như sau:

1. Học bổng cho các nhà lãnh đạo trẻ (YLP)

Tuổi hạn chế: dưới 40 tuổi đối với các ngành quản trị công (public administration) và luật (law); dưới 35 tuổi đối với ngành quản trị kinh doanh.

Ngành học: quản trị công, luật và quản trị kinh doanh.

Các yêu cầu khác: bằng tốt nghiệp đại học.

Tiền hỗ trợ nghiên cứu từng năm: không cố định

Đào tạo tiếng Nhật: không cần thiết

Các khoản hỗ trợ khác: tiền vé máy bay một chiều đến và rời Nhật, tiền học phí, tiền nhập học, tiền hỗ trợ ổn định ban đầu: 25.000 yên, hỗ trợ 80% chi phí y tế.

2. Học bổng nghiên cứu sinh

Tuổi hạn chế: dưới 35 tuổi

Ngành học: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên

Các yêu cầu khác: bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận sẽ tốt nghiệp đại học

Đào tạo tiếng Nhật: 6 tháng (miễn học đối với các đối tượng có trình độ tiếng Nhật khá)

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

3. Học bổng đào tạo giáo viên

Tuổi hạn chế: dưới 35

Ngành học: giáo dục

Các yêu cầu khác: tốt nghiệp đại học hoặc các trường sư phạm, có 5 năm kinh nghiệm ở một trong các vị trí sau: (1) giáo viên tiểu học, trung học hoặc (2) giáo viên các trường sư phạm hoặc (3) nhân viên quản lý giáo dục

Đào tạo tiếng Nhật: 6 tháng (miễn học đối với các đối tượng có trình độ tiếng Nhật khá)

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

4. Học bổng dành cho sinh viên đại học

Tuổi hạn chế: dưới 22 tuổi

Ngành học: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, y tế, nha khoa và thú y.

Các yêu cầu khác: tốt nghiệp trung học và đã thi đỗ vào một trường đại học Việt Nam

Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

5. Học bổng dành cho sinh viên cao đẳng kỹ thuật

Tuổi hạn chế: dưới 22

Ngành học: kỹ thuật vật liệu, cơ khí, điều khiển, điện tử, điện, công nghệ thông tin, kiến trúc, thương mại, hàng hải

Các yêu cầu khác: tốt nghiệp hoặc sẽ tốt nghiệp phổ thông trung học

Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

6. Học bổng dành cho sinh viên trung cấp

Tuổi hạn chế: dưới 22

Ngành học: xây dựng, kiến trúc, điện, điện tử, viễn thông, dinh dưỡng, giáo dục nhà trẻ-mẫu giáo, thư ký, du lịch, quản trị khách sạn, thời trang, thiết kế, nhiếp ảnh

Các yêu cầu khác: tốt nghiệp phổ thông trung học

Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

7. Học bổng dành cho sinh viên học về Nhật Bản

Tuổi hạn chế: dưới 30

Ngành học: tiếng Nhật, cuộc sống và văn hóa Nhật Bản.

Các yêu cầu khác: sinh viên đang học đại học

Đào tạo tiếng Nhật: không

Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP

Cách nộp đơn xin học bổng

Học bổng MEXT có thể nộp đơn xin qua Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán (LSQ) Nhật ở Việt Nam (gọi tắt là tiến cử của ÐSQ) hay qua một trường đại học ở Nhật (tiến cử của trường đại học).

Đối với học bổng do ÐSQ tiến cử, việc sơ tuyển và xét duyệt hồ sơ được ÐSQ hay LSQ Nhật ở nước ngoài hợp tác với chính phủ và cơ quan của nước sở tại. Ở Việt Nam việc thông báo, sơ tuyển hồ sơ trước khi chuyển đến ĐSQ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo Việt Nam thực hiện.

Đối với học bổng do các trường đại học tiến cử, người nộp đơn có thể nộp trực tiếp đến các Phòng Quản lý du học sinh của trường có nguyện vọng. Ngoài đối tượng là sinh viên nước ngoài có nguyện vọng đến học tập tại trường, hằng năm các trường còn xem xét đề cử một số du học sinh tư phí đang theo học tại trường đạt được kết quả học tốt để tiến cử lên Bộ Giáo dục Nhật Bản nhận học bổng này.

Quy trình xét duyệt hồ sơ và tiến cử của ĐSQ và trường đại học như sau:

Tiến cử của ÐSQ

Vào khoảng đầu tháng 4 hằng năm, thông tin về học bổng Monbukagakusho sẽ được niêm yết công khai tại ĐSQ hay LSQ Nhật Bản, Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và trên các báo lớn của Việt Nam (Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ). Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có công văn thông báo gửi đến các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, bộ, ngành… Các thí sinh có đầy đủ tiêu chuẩn như trong thông báo đều có thể nộp đơn xin học bổng này. Quy trình xét duyệt hồ sơ, thi tuyển và phỏng vấn gồm các bước chính sau (qui trình này có thể thay đổi hằng năm):

1. Thông báo học bổng

2. Làm hồ sơ và xin giấy giới thiệu của trường, cơ quan đang học tập, công tác

3. Nộp hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào tạo

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt hồ sơ và công bố danh sách sơ tuyển

5. Chuyển danh sách sơ tuyển sang ĐSQ hoặc LSQ Nhật tại Việt Nam

6. ĐSQ và LSQ Nhật công bố ngày thi, môn thi hoặc phỏng vấn

7. Thí sinh tiến hành thi hoặc phỏng vấn

8. ĐSQ và LSQ Nhật chuyển hồ sơ tiến cử lên Bộ Giáo dục Nhật Bản (MEXT).

9. Công bố danh sách trúng tuyển và phát giấy gọi trúng tuyển

10. Chuẩn bị làm hồ sơ đi học

11. Đến Nhật Bản và tham gia học tập

Các môn thi tuyển và nội dung phỏng vấn có thể thay đổi theo từng đối tượng và theo từng năm. Đối với đối tượng nghiên cứu sinh thí sinh thường phải trải qua một kỳ phỏng vấn về lý do, nguyện vọng du học tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật, dự định sau khi tốt nghiệp khóa học nếu được cấp học bổng. Với đối tượng thí sinh đi học đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp ngoài phỏng vấn với nội dung tương tự như đối tượng nghiên cứu sinh các thí sinh còn phải thực hiện các bài thi viết. Số lượng và các môn thi tùy theo quy định từng năm. Thi sinh cần theo dõi kỹ thông báo để biết thêm chi tiết.

Trên cơ sở kết quả các bài thi và phỏng vấn, ÐSQ Nhật ở các nước tiến hành xét duyệt và tiến cử lên Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (MEXT). MEXT hội ý với ủy ban tuyển chọn, trao đổi với trường đại học chỉ định và tiến hành tuyển chọn lần cuối cùng. Người dự tuyển có thể trình bày nguyện vọng ưu tiên của mình về trường học chuyên môn, tuy nhiên việc phân bổ sinh viên về trường học vẫn do MEXT quyết định.

Tiến cử của trường đại học

Học bổng MEXT do trường đại học tiến cử dành cho 2 đối tượng: (1) sinh viên nước ngoài muốn đến học tại trường và nộp đơn xin trước khi đến Nhật (2) du học sinh đang học tại trường theo dạng tư phí.

Đối với đối tượng (1) sinh viên có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Quản lý sinh viên quốc tế của các trường có nguyện vọng theo học. Tuy các điều kiện, chi tiết và thời hạn học bổng giống như học bổng do ĐSQ Nhật Bản tiến cử, nhưng việc sơ tuyển và xét duyệt hồ sơ không phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam. Các trường sẽ trực tiếp xem xét hồ sơ và tiến cử lên MEXT để tuyển chọn.

Các điểm lưu ý đối với du học sinh Việt Nam

Ở trên là những thủ tục xin học bổng chung, trường hợp xin học bổng qua Ðại sứ quán Nhật Bản, đối với du học sinh Việt Nam thì học bổng MEXT được thỏa thuận giữa Ðại sứ quán Nhật ở Việt Nam với Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Việc lựa chọn sinh viên để cấp học bổng và phân phối đều các suất học bổng sẽ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiến hành. Thông thường Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ phân phối các suất học bổng đồng đều giữa các khu vực, giữa các ngành và các trường đại học, sau đó sẽ thông báo cho từng cơ quan chủ quản cử người đi học. Trước khi nộp hồ sơ xét duyệt cuối cùng cho Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đạo tạo thí sinh sẽ phải qua kỳ thi tuyển chọn của phía Việt Nam. Kỳ thi này thông thường là kỳ thi kiểm tra ngoại ngữ (tiếng Anh) và chuyên môn đối với các nghiên cứu sinh, và thi kiểm tra năng lực học tập của sinh viên đại học. Những chi tiết về kỳ thi này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chi tiết.

Khi thí sinh dự đã qua được kỳ thi sơ tuyển này thì hồ sơ tiếp theo sẽ được gửi lên Vụ Hợp tác quốc tế để chuyển qua gia đoạn thẩm tra và xét duyệt của Ðại sứ quán Nhật Bản. Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tiến hành tổ chức thi và phỏng vấn lần cuối cùng trước khi tiến cử lên MEXT.

Thời gian nhận được thông báo kết quả sẽ mất khoảng vài tháng kể từ ngày dự kỳ thi và phỏng vấn lần cuối cùng ở Ðại sứ quán Nhật Bản. Sau khi vượt qua vòng này, gần như bạn sẽ chắc chắn nhận được học bổng.

Các giấy tờ cần thiết

1. Ðơn xin học (theo mẫu) (2 bản)

2. Ðơn xin tóm tắt (theo mẫu)

3. 2 ảnh hộ chiếu được chụp trong vòng 6 tháng trước ngày nộp đơn (được dán vào đơn xin)

4. Học bạ có chứng nhận của trường mình đã học (do trường cấp)

5. Giấy giới thiệu của hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa hay giáo sư hướng dẫn

6. Giấy giới thiệu của giám đốc (thêm vào mục (4) ở trên nếu là người đang đi làm)

7. Giấy chứng nhận khám sức khỏe theo mẫu (do cơ quan y tế được ÐSQ Nhật Bản chỉ định khám và cấp giấy)

8. Bản sao các bằng cấp chứng chỉ

9. Bản sao thể hiện các tác phẩm nghệ thuật hay băng ghi hình trình diễn ca nhạc của chính người xin học

Lưu ý:

1. Các giấy tờ này phải được viết bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh, hay kèm theo bản dịch sang tiếng Nhật hoặc tiếng Anh (các giấy tờ sao phải có công chứng của nhà nước).

2. Các giấy tờ ở mục 4) & 5) phải được niêm phong.

3. Ðơn xin sẽ không được chấp nhận nếu không đủ các giấy tờ kể trên và không được điền đầy đủ chính xác.

4. Người xin học phải nộp một đơn tiếp nhận (Letter of Acceptance) của một giáo sư ở Nhật mà người xin học phải liên lạc trong quá trình làm hồ sơ xin học. Trong trường hợp nếu người xin học không thể liên hệ được (thông thường khá khó khăn trong việc liên hệ và có được thư tiếp nhận này) với một giáo sư nào ở Nhật thì cũng có thể MEXT sẽ dàn xếp giúp. Nếu tìm cách liên lạc được với một giáo sư ở Nhật Bản và nhận được thư tiếp nhận là tốt nhất.


Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng MEXT


Tình hình là Gakutomo vừa liên hệ được với 2 bạn vừa nhận được học bổng MEXT 2013 (bậc ĐH, sắp sang Tokyo vào tháng 4/2013 tới đây) và được 2 bạn ấy rất nhiệt tình giúp trả lời các câu hỏi của các bạn.

Dưới đây là phần chia sẻ kinh nghiệm thực tế của 2 bạn ấy dựa trên danh sách các câu hỏi mà Gakutomo gửi nhờ trả lời ^^

Bạn thứ nhất: là một bạn nam, hiện là SV năm 3, khoa CNTT, BK Tp.HCM. Bạn này xin học bổng cùng ngành mà bạn đang học.

Điểm trung bình HK1 (hoặc năm 1/năm 2) ở ĐH của em là mấy điểm?
Điểm trung bình so với các bạn thì chắc em thấp nhất, chỉ tầm 8 – 8.2 (HK1 năm I chỉ hơn 7.0). Thậm chí có những môn đại cương quan trọng bị fail (môn tự nhiên, dưới 5). Nhưng điểm chuyên ngành của em trong khoảng trên 9-10 nên em nghĩ điểm TB cũng không quá quan trọng bằng điểm phản ánh khả năng của bản thân (đối với khối tự nhiên). Không việc gì phải tự giới hạn cơ hội của mình.

Em có bằng tiếng Anh gì không? Bao nhiêu điểm?
Em có bằng Toefl ibt, khoảng 80. Khi nộp hồ sơ thì bằng còn chưa về tới nên em in điểm trên web ra nộp đại rồi cung cấp pass Vied tự check.

Em có bằng tiếng Nhật gì không?
Không biết tiếng Nhật (thực ra có đăng ký N5 nhưng học không kịp nên bỏ). Em nghĩ cũng không quan trọng lắm.

Về bộ hồ sơ tiếng Việt, trong bản hướng dẫn làm hồ sơ của bộ có yêu cầu “Công văn cử dự tuyển của cơ sở đào tạo nơi sinh viên đang học trong đó ghi rõ bậc học và ngành học đăng ký dự tuyển (Mỗi sinh viên dự tuyển có 01 công văn riêng. Nhà trường cần làm văn bản do lãnh đạo nhà trường ký giới thiệu sinh viên của trường mình tham gia dự tuyển. Không sử dụng mẫu giấy giới thiệu dùng trong nội bộ)”. Cái này là gì?

Giấy này liên hệ trực tiếp với cán bộ ở phòng quan hệ đối ngoại hoặc CTCT SV (bằng lá đơn kiểu như “xin công văn đề cử dự tuyển HB Mext”). Họ sẽ viết đơn lên hiệu trưởng cấp giấy cho mình. Đại loại là “trường … cử sv …tham dự…” chứ không phải là sinh viên tự viết. Khá đơn giản đối với BK hay FTU, còn các trường còn lại có lẽ ít có tiền lệ nên phải giải thích nhiều hơn.

Em có thể hướng dẫn cách đánh dấu ABCD vào các bộ hồ sơ để nộp không?
Em đánh dấu bằng bút chì khoanh tròn lên góc trên, nếu thấy mất thẩm mĩ thì các cán bộ VIED có thể sửa lại được trước khi gửi qua ĐSQ.

Em khám sức khỏe ở đâu? Mất bao nhiêu tiền? Có phải gọi điện thoại trước khi đến không? Chỗ đó người ta có điền vào form tiếng Anh mình đem đến không? hay phải làm sao?
HCM thì khám ở Chợ Rẫy theo form Mext cung cấp. Khoảng 400, 500 ngàn đồng. Hỏi khám sức khỏe du học ở đâu họ chỉ ngay. Nên đi thật sớm (chỉ mất khoảng 2,3 h). Em đi 8h tới 4h chiều mới xong (BV có nghỉ trưa).

Mẫu thư giới thiệu của các thầy cô thì sao?
Mẫu thư giới thiệu có sẵn của Mext (bắt buộc). Xin thầy cô chuyên ngành, có mấy cái Dr,… thì tốt. Trường hợp thầy cô bận thì mình tự điền rồi mail chờ được kí. Như em thì thầy edit lại còn hơn mấy cái em tự ghi nữa.

Em có gì muốn chia sẻ về kinh nghiệm để ôn thi cho tốt, làm bài & trả lời phỏng vấn cho tốt không?
Ôn thi thì làm đề và ôn kiến thức trong đề là khỏe rồi. Làm bài thì nên bỏ phần tiếng Nhật buổi sáng (đối với khối tự nhiên) vì phần khi buổi chiều khá dài, nhiều môn hơn bên XH và tốn sức, tốt nhất nên ở nhà chơi rồi chiều lên thi. Toán rất dễ (lưu ý phần biến đổi đồ thị thôi). Hóa tương đối dễ (nhớ tên mấy chất hữu cơ rồi chuỗi pư là xong). Lý khá rộng nhưng đoán được khi không biết làm. Tiếng Anh thì chỉ hơi rắc rối phần tìm lỗi sai, phần này có thể luyện tập bằng ôn thi ĐH.

Phần phỏng vấn thì không cần chuẩn bị nhiều cho căng thẳng, vì chỉ là một buổi nói chuyện đơn giản thôi. Nếu chuẩn bị thì nên nói về đam mê của mình, những kế hoạch mình đã, đang và sẽ thực hiện. Quan trọng nhất là trung thực và tự tin, vì họ tìm hiểu về thí sinh khá kĩ. Nên đi các buổi tư vấn du học Nhật Bản nếu có cơ hội, sẽ được gặp trước người phỏng vấn và có những thông tin quan trọng về ngành học của mình ở NB (có thể trao đổi trực tiếp) giúp ích nhiều trong buổi PV (kinh nghiệm bản thân, vì các phần khác em trả lời rất chuối, tự giới thiệu chỉ khoảng hơn 10s :)) ). Nên tránh thái độ rụt rè hoặc nói mấy cái chung chung kiểu thích anime, manga, yêu NB. Nói chung là tự tin là được, có mấy bạn ở Nepal còn không biết cả One piece hay pokemon mà vẫn được nhận (dù tỉ lệ chọi cao hơn VN).

Quan trọng là làm hồ sơ và ôn thi từ sớm, vì quá trình apply kéo dài, lại trúng kì thi cuối kì nên khá áp lực và mệt mỏi.

Bạn thứ 2: cũng là một bạn nam, học ngành Điều khiển tự động ở Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn “định xin học tiếp ngành mình đã học hoặc một ngành có liên quan tý: có thể là Điện điện tử, Cơ điện tử…”

Điểm trung bình HK1 (hoặc năm 1/năm 2) ở ĐH của em là mấy điểm?
3.46

Em có bằng tiếng Anh gì không? Bao nhiêu điểm?
Không.

Em có bằng tiếng Nhật gì không?
Không. Đến nay vẫn không :D

Về bộ hồ sơ tiếng Việt, trong bản hướng dẫn làm hồ sơ của bộ có yêu cầu “Công văn cử dự tuyển của cơ sở đào tạo nơi sinh viên đang học trong đó ghi rõ bậc học và ngành học đăng ký dự tuyển (Mỗi sinh viên dự tuyển có 01 công văn riêng. Nhà trường cần làm văn bản do lãnh đạo nhà trường ký giới thiệu sinh viên của trường mình tham gia dự tuyển. Không sử dụng mẫu giấy giới thiệu dùng trong nội bộ)”. Cái này là gì?

Để xin giấy này, các em nên lên phòng Hợp tác quốc tế (hoặc phòng khác tùy trường) nếu cần có thể in thông báo của bộ ra trình lên họ. Thường thì sẽ phải thông qua khoa, viện trước rồi Hiệu trưởng (hoặc Hiệu phó ) mới ký (cái này cũng tùy trường nốt).

Em có thể hướng dẫn cách đánh dấu ABCD vào các bộ hồ sơ để nộp không?
Em quên mất rồi. Không biết thế nào nhưng em theo một kiểu, bạn em theo một kiểu nhưng cả hai vẫn ok. Nói chung là cứ làm theo cách mà mình cảm thấy yên tâm với yêu cầu của họ nhất.

Em khám sức khỏe ở đâu? Mất bao nhiêu tiền? Có phải gọi điện thoại trước khi đến không? Chỗ đó người ta có điền vào form tiếng Anh mình đem đến không? hay phải làm sao?

Em khám ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tiền thì em không nhớ nữa. Mấy trăm ấy. Không cần phải gọi điện thoại trước gì cả. Vào chỗ khám theo yêu cầu hỏi. Hôm đó em tưởng mất 1 ngày nhưng khi đi buổi sáng, họ hẹn sang buổi chiều, và xong trong buổi chiều ấy luôn. Họ sẽ điền thẳng vào form Tiếng Anh mình đem đến. Sau 1 tuần thì có.

Mẫu thư giới thi��u của các thầy cô thì sao?
Cái này em điền theo mẫu họ cho. Vì thầy bên em bảo cứ điền rồi tôi ký cho.

Em có gì muốn chia sẻ về kinh nghiệm để ôn thi cho tốt, làm bài & trả lời phỏng vấn cho tốt không?
Về thi viết: kinh nghiệm là nên làm đề và nắm từ. Với Toán, Hóa nếu ai chắc kiến thức phổ thông (thi đại học) thì không phải lo mấy. Lý sẽ cần thêm một số kiến thức lên ĐH mới dạy. Cơ bản vẫn là nắm từ.

Về thi phỏng vấn: quan trọng nhất là nên giữ tâm lý thoải mái, chuẩn bị đầy đủ theo các kiểu câu hỏi mà Gakutomo có nói. Với cá nhân hôm em phỏng vấn trong số những cái mà mình chuẩn bị chỉ có cái “tell me something about you” là họ hỏi. Còn lại là hơi thiên sang ngoài lề, toàn phải tùy cơ ứng biến. Khi đấy thì cứ thoải mái mà trả lời theo ý mình đừng căng thẳng làm gì.




Hỏi đáp – thi viết và thi vấn đáp học bổng MEXT



Sau khi vượt qua được vòng sơ khảo của Bộ GDĐT, bạn sẽ phải tham dự kỳ thi viết và thi vấn đáp do Đại sứ quán tổ chức. Mình thấy nhiều bạn có cùng thắc mắc về phần thi viết và thi vấn đáp (phỏng vấn) này nên mình trả lời các câu hỏi của các bạn ở đây luôn để mọi người có thể cùng tham khảo nha.

Thi viết:

1. Thi những môn gì?

Bậc Đại học:

Các môn thi của mỗi ngành học là khác nhau. Cụ thể các môn thi cho các khối ngành học như sau:

Khối KHXH: thi 3 môn: Toán, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.

Khối KHTN: khối này được chia thành 02 khối nhỏ: KHTN 1 và KHTN 2.

KHTN 1: thi 5 môn: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.

KHTN 2: thi 5 môn: Toán, Hóa, Sinh, tiếng Anh, tiếng Nhật. Mỗi môn 60 phút.

Bậc Sau đại học:

Các bạn sẽ thi viết 2 môn là tiếng Anh và tiếng Nhật, mỗi môn thi 60 phút.

2. Tài liệu ôn thi?

- Tham khảo & làm thử các bài thi viết của những năm trước. Làm càng nhiều càng tốt, giống như giải đề luyện thi đại học vậy!

- Lưu ý ghi nhớ những từ khóa bằng tiếng Anh trong khi giải các đề thi (vì nhiều khi đọc đề mà không hiểu từ vựng thì không biết giải cách nào cho đúng!). Tốt nhất là nên ghi note vào một quyển sổ tay nhỏ bỏ túi để lúc nào cũng có thể ôn luyện được.

3. Không biết tiếng Nhật có sao không?

Tất cả các bạn xin học bổng đều phải thi tiếng Nhật. Tuy nhiên, phần thi này không mang tính quyết định nên cho dù bạn không biết một chữ tiếng Nhật nào cũng không sao. Bạn cứ mạnh dạn đăng ký đi nhé!

Thi vấn đáp:

1. Phỏng vấn: sẽ hỏi những vấn đề gì? mục đích là kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh của bạn thôi (để chắc chắn là bạn có thể sống & học tập được ở Nhật bằng tiếng Anh trong thời gian chưa biết tiếng Nhật) chứ không hỏi đánh đố gì. Vì mục đích chỉ là kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh của bạn nên bạn không nên quá lo lắng. Nên xem vòng vấn đáp này như một buổi trò chuyện vậy. Các câu hỏi cũng chỉ xoay quanh những thông tin liên quan đến cá nhân bạn mà thôi. Để chuẩn bị tốt cho vòng này, bạn nên chuẩn bị trước những việc sau:

- Viết một đoạn giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Anh –> nhờ người kiểm tra ngữ pháp giùm, hoặc tự mình kiểm tra xem đã viết đúng cấu trúc chưa –> luyện nói bằng cách đọc đi đọc lại đoạn giới thiệu, ghi nhớ được thì càng tốt! (tuy nhiên lưu ý luyện theo kiểu như đang chuyện trò với một người khác, chứ không phải là tập đọc trả bài!) Lưu ý đây chính là phần để bạn PR cá nhân mình trực tiếp với người phỏng vấn nên giới thiệu gì về bản thân mình là key point giúp bạn nổi bật hơn người khác ;) Làm sao để khoe thành tích mà lại đơn giản, không quá phô trương. Hãy chân thành chia sẻ! Đừng xem nhẹ những “chiến tích” như tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt nhóm, đoàn đội vì điều này cho thấy khả năng hòa nhập, làm việc theo nhóm của bạn! Cũng đừng quên nhắc đến những kỷ nệm liên quan đến nước Nhật, người Nhật, món ăn Nhật… (nếu có) vì điều này sẽ làm cho người phỏng vấn hào hứng hơn khi nghe bạn nói ;)

- Ngoài phần giới thiệu bản thân thì bạn cũng nên chuẩn bị (viết sẵn ra trước & luyện nói/học thuộc lòng) cho các nội dung như: kế hoạch học tập, đề tài nghiên cứu, vì sao muốn du học ở Nhật mà không phải là một nước nào khác, dự định sau khi học xong (nên cho thấy là bạn mong muốn quay về VN & làm việc ở lĩnh vực liên quan đến quá trình học tập ở Nhật).

- Hãy cho thấy bạn muốn học thêm tiếng Nhật, tìm hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Nhật.

- Cố gắng đừng quá căng thẳng. Cần nghiêm túc trả lời nhưng cũng cần làm cho buổi phỏng vấn nhẹ nhàng & thú vị ;)

Đối với Bậc Sau đại học:

Bạn cần phải cho người phỏng vấn thấy bạn đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ về dự định du học của mình.

2. Thời gian phỏng vấn?

Bậc Đại học: khoảng 10 phút.

Bậc Sau đại học: khoảng 15 phút.



Kế hoạch luyện thi TOEFL cực chuẩn
Kế hoạch học Tiếng Anh hiệu quả
Kinh nghiệm phỏng vấn bằng tiếng anh
Kinh nghiệm phỏng vấn đi Mỹ diện vợ chồng
Có nên cho con đi du học?
Kế hoạch luyện thi TOEFL cực chuẩn



(st)