Kinh nghiệm phượt Apa chải cực hữu ích

Kinh nghiệm phượt Apa chải cực hữu ích. Cực Tây APaChai, cách Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Là điểm cực Tây của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào. Apachai thuộc xã Sín Thầu, Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên.


Bạn không nên đi Apachai vào mùa mưa vì có thể gặp suối nước to, đường trơn do có độ dốc cao, đất đồi bám, đi lại khó khăn và nguy hiểm vì vậy bạn cần theo dõi thời tiết kỹ trước khi đi nhé.

Nên theo dõi thời tiết kỹ trước khi khởi hành để tránh trời mưa, rất nguy hiểm vì có suối to, đường trơn trợt và độ dốc cao

Xe máy là phương tiện tốt nhất để khám phá APaChai, có thể đi đến được các khu vực sâu xa, hẻo lánh. Tùy chỉnh tốc độ và dừng bất kỳ nơi nào bạn muốn để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và không quên pose những bức hình với khung hình đẹp long lanh với những núi, đồi, suối… Nếu có nhiều thời gian bạn có thể đi thẳng từ Hà Nội hoặc gửi xe lên tàu đi Lào Cai, hành trình xe máy bắt đầu từ Lào Cai tới APaChai sẽ tiết kiệm sức và thời gian hơn.

Cung đường này khá xa và khó khăn, bạn cần chuẩn bị đầy đủ về thời gian (đi khoảng 4 – 5 ngày là hợp lý), tiền bạc (nhiều nhiều chút nhé) và quan trọng nhất là sức khỏe nữa. Đừng để chuyến đi trở nên nhạt nhẽo vì những chuẩn bị không đầy đủ

Xe máy là phương tiện tốt nhất để khám phá APaChai vì có thể đi đến được các khu vực sâu xa, hẻo lánh

Điện Biên có an ninh rất tốt. Bạn có thể để xe ngoài hiên và đi ngủ mà không sợ mất, đặc biệt là các khu vực như Mường Chà, Mường Nhé và sâu hơn là các bản tại APaChai, Sín Thầu. Dân bản địa ở đây đi ngủ dường như chẳng bao giờ phải đóng cửa. Bản của người Hà Nhì tất cả đều rất hiếu khách và quý người từ xa tới. Bạn có thể xin ở tại các ngôi nhà của dân bản địa.Tuy nhiên nếu đoàn đông bạn nên ở nhiều nhà tránh việc làm phiền cho chủ nhà.

Một nguyên tắc không bao giờ được quên đó là “Hãy tới gặp trưởng bản (chính quyền địa phương) để trình bày và đăng ký tạm trú”. Vì vậy giấy tờ tùy thân là vật bất ly thân khi bạn quyết định khám phá Apachai, ở đây là khu vực biên giới nên các vấn đề về chính trị được kiểm tra rất chặt chẽ. Để lên Cực Tây (Cột mốc số 0), bạn phải xin giấy từ ban chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên, từ ban chỉ huy quân sự sẽ giới thiệu lên đồn biên phòng 317, đồn biên phòng cuối cùng của Cực Tây.

Để trọn vẹn cuộc vui, giúp chuyến đi không bị chi phối và tẻ nhạt vì thế bạn nên chuẩn bị đầy đủ kinh phí cho hành trình

Mới 5 giờ chiều nhưng rừng nhá nhem tối bởi mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Bóng tối đổ xuống rất nhanh kèm theo những cơn gió mạnh, lạnh buốt khiến những chiếc xe chao đảo. Sương buông rơi không níu giữ. Áo quần chúng tôi bị sương neo đậu nặng trĩu. Gương xe mờ đi, những bạn đeo kính cận dường như không thể thấy đường. Nên chống mặc áo mưa bộ phủ kín người để chống lạnh và dễ điều khiển xe, có những lúc nhiệt độ giảm chỉ còn 3 độ C nên bạn nhớ đem đủ áo ấm nhé.

Để chinh phục cực Tây, bạn nên đi vào ban ngày để giảm thiểu độ nguy hiểm và tăng khả năng quan sát. Có ba con đường để đi đến Apachai

Từ Mường Chà lên Mường Nhé đường rất xấu do đang làm, những con đường gồ ghề, sỏi đá ngập lối đi. Những bãi sình, bãi lầy…đầy thách thức với các tay lái và chiến mã. Mường Lay rất đẹp, con suối xanh thẫm, những tảng đá trầm mặc đã hàng trăm năm nay, khung cảnh mê ly và rất tĩnh tại. Mặc dù đường từ Mường Nhé lên đồn 317 đường có đẹp hơn, nhưng vẫn hơn ghồ ghề và nhiều bụi. Tuyệt đối không được lơ là khi đi chuyển những cung đường này. Bạn nên đi vào ban ngày để giảm thiểu độ nguy hiểm và tăng khả năng quan sát. Có ba con đường để đi đến Apachai:

- Thành phố Điện Biên đi Mường Chà - Mường Nhé - Chung Chải - Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 APaChai

- Mường Lay - Mường Tè - Pắc Ma - Mù Cả - Suối Voi - Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 APaChai .     

- Mường Lay - Mường Tè - Pắc Ma - Mù Cả - Sen Thượng - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 APaChai.

Chúng tôi để lại xe máy ở trạm kiểm soát APaChai (để xe máy lại tại chân đồi cỏ tranh )xốc lên vai ba lô lên đường. Lưu ý hạn chế mang theo đồ đạc và nên đi giày cao cổ, đế cao su bám dính để tránh trơn trượt.

Để lên Cực Tây (Cột mốc số 0), bạn phải xin giấy từ ban chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên

Muốn leo lên mốc 0, bạn cần phải có giấy phép ở Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên (đó là lý do bạn cần đăng ký tạm trú ngay khi đặt chân tới đây). Mất khoảng 20 phút làm thủ tục.Thời gian bắt đầu làm việc của Bộ chỉ huy tại Điện Biên là 8h sáng. Hiện nay công việc này đã được cải thiện hơn rất nhiều. Cung leo lên mốc số 0 đã được gói gọn theo gói dịch vụ. Rất nhanh chóng và tiện lợi. Bạn sẽ được một chiến sỹ biên phòng làm hoa tiêu dẫn đường nên rất yên tâm nhé.

Tính theo đường chim bay, từ Đồn Biên phòng 317 đến mốc 0 chỉ vỏn vẹn khoảng 4 km nhưng để đến được ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc chúng tôi đã phải trải qua đoạn đường khoảng hơn 15 km đi bộ vượt núi.

Để lên được mốc 0 phải vượt qua rừng với nhiều dây leo, gai nhọn, sương mù và đồi dốc

Đường lên mốc 0 toàn dốc dựng đứng với cỏ tranh sắc nhọn, gai bụi rậm rịp, nhọn hoắt và rừng già thăm thẳm hệt như gã khổng lồ im lìm ngủ quên trong sương mù mờ mịt.

Đồi cỏ tranh dốc thẳng đứng, leo rất mệt, nếu không khởi động có thể căng cơ, hạ áp, có người còn nôn khi leo được nửa đồi cỏ tranh. Qua đồi cỏ tranh thì đỡ các đoạn dốc đứng hơn, leo qua đồi này hết khoảng từ 3h30p đến 4h.

Càng lên cao dốc càng trơn trượt, con đường mòn nhỏ xíu và khúc khuỷu .Mây mù ngập lối, cảm giác ẩm ướt luôn luôn hiện hữu, bạn nên mặc áo khoác phủ nilon để chống sương lạnh ngấm vào người. Ở đây sóng điện thoại rất chập chờn, mây sà xuống khuất ngang tầm mắt. Cảnh đẹp như lạc vào xứ xở thần tiên.

Nên mặc áo khoác phủ nilon để chống sương lạnh ngấm vào người

Vì đường đi rất khó khăn nên những bạn có thể lực không thực sự tốt nên chuẩn bị thật kỹ hoặc không nên theo cung này. Sự an toàn của bản thân luôn là quan trọng nhất phải không nào?

Cảm giác kiệt sức dường như sắp hạ gục chúng tôi thì Cột mốc biên giới số 0 APaChai hiện lên sừng sững. Cảm giác vỡ òa trong sung sướng, một vài bạn nữ còn thấy khóe mắt cay cay. Cột mốc được xây bằng đá hoa cương, dựng trên một hình lục giác có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy của mỗi nước

Niềm vui của hành trình khi cả nhóm đã chinh phục được cột mốc biên giới số 0 APaChai

Mặt của cột mốc quay về hướng của nước bạn Lào

Cảm giác hạnh phúc dường như lan tỏa, ai cũng cười thật tươi, niềm tự hào dân tộc dâng lên rõ rệt, cái khoảnh khắc của sự chinh phục và bền bỉ, quan trọng hơn là cảm giác vượt qua chính mình. Trên vùng núi cao heo hút và hiểm trở này, nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe. 

Áo và cờ Việt Nam tung bay tại cột mốc biên giới 3 nước cùng những con tim đầy sức trẻ và nhiệt huyết

Áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, cờ tổ quốc tung bay cùng những nụ cười tươi rói. Đặt tay lên tim lắng nghe tiếng con tim mừng rỡ, reo ca hân hoan đầy tự hào. Khoảnh khắc  kỳ diệu này  sẽ sống  mãi trong ký ức của những con người đã từng đặt chân đến nơi đây, không thể quên và sẽ luôn mãi nhớ.

Nào, bạn còn chờ đợi gì nữa? Xách balo lên và đi thôi.

Vì đời người là những chuyến đi...



Chinh phục A Pa Chải

Lên được A Pa Chải, cực Tây Tổ quốc ở Điện Biên, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, xem như ý chí, lòng quyết tâm, thể lực lẫn sự may mắn của người chinh phục được khẳng định.

Từ Hà Nội, có nhiều đường đi Điện Biên để lên A Pa Chải. Mùa khô còn dễ đi, vào mùa mưa, những cung đường Tây Bắc trở nên cực kỳ nguy hiểm. Cung đường này thử thách cả sức khỏe lẫn ý chí của người chinh phục.


Những người chinh phục A Pa Chải vượt qua các đoạn đường nguy hiểm


Nguy hiểm ghê người
Các thành viên trong đoàn chúng tôi đã hai lần đi trong mây mù, dù đã tham khảo bản tin dự báo thời tiết và kinh nghiệm người dân địa phương khá kỹ.
Lần thứ nhất là từ Tú Lệ đi Mù Cang Chải – Yên Bái. Trời mưa nhẹ. Rời khỏi Tú Lệ, chúng tôi gặp ngay những con dốc cao vọi chìm khuất trong mây mù.

Đá lớn, đá nhỏ lổn nhổn, vương vãi trên đường. Không cần chạy quá nhanh, những đoạn đổ dốc nếu xe gặp đá có thể lật ngang như chơi. Một viên đá cỡ cái bát rơi từ độ cao vài chục mét xuống đường có thể chọc thủng mũ bảo hiểm, vậy mà những tảng đá tựa chiếc bàn lại có thể rơi xuống đường chúng tôi đi bất cứ lúc nào! Đôi khi, những chiếc xe máy, xe tải bỗng lù lù hiện ra trước mặt, nơi khúc cua cùi chỏ, khiến chúng tôi giật bắn người.

Lần thứ hai, chúng tôi đi từ Mường Nhé vào Quảng Lâm – Điện Biên. Mới 17 giờ nhưng rừng nhá nhem tối bởi mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Bóng tối đổ xuống rất nhanh kèm theo những cơn gió mạnh, lạnh buốt khiến những chiếc xe máy cứ chao đảo. Áo quần bắt đầu thấm đẫm sương đêm, kính chiếu hậu của xe cũng mờ nhòa. Xe máy khi đi ban đêm ở đây không khác gì rùa bò bởi sương mù dày đặc, lại không có đèn đường. Cách chống lạnh hữu hiệu nhất là mặc áo mưa phủ kín người.

Từ Mường Nhé lên A Pa Chải, đường nhựa ngày càng ít. Có hàng chục đoạn đường sạt lở, bùn lầy trơn trượt ngập đến ngang cẳng chân khiến người đi bộ còn thấy khó khăn. Xe máy muốn qua đây phải huy động 2-3 người vừa kéo vừa đẩy, thậm chí... khiêng. Mặt mũi, quần áo các thành viên trong đoàn chúng tôi dính đầy sình lầy.

Một mối nguy hiểm khác nhưng rất khó đề phòng là vắt rừng. Vắt hút no máu xong tự rơi khỏi người, để lại một vết thương nhỏ nhưng không ngừng chảy máu. Tôi đã bị vắt cắn ngang cổ, máu chảy thấm đẫm cả quần. Vết vắt cắn còn gây ngứa rất lâu.

Bè ngang độc quyền

Cung đường từ trung tâm tỉnh Điện Biên vào A Pa Chải vốn đầy nguy hiểm. Trong đó, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi vào bản Tá Miếu ở xã Sín Thầu rồi lên A Pa Chải, đường có nhiều đoạn nước suối chảy xiết cao đến ngực. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân địa phương và du khách, nghề đẩy bè ngang xuất hiện ở các đoạn đường này.

Cách trung tâm Mường Nhé khoảng 18 km, Chung Chải là con suối to nhất, sâu nhất và giá đi bè qua đây cũng đắt nhất, 10.000 - 50.000 đồng/lần. Qua Chung Chải vào bản Đoàn Kết khoảng 25 km, suối Leng Su Sìn hiện ra, không rộng bằng Chung Chải nhưng cũng khá sâu. Án ngữ trước xã Sín Thầu là con suối lớn Mo Phí. Suối sâu, nước chảy xiết và có khá nhiều mỏm đá lớn, những chiếc bè vượt suối vì thế cũng phải rất vững chãi. Đóng một bè tre tải được 2 người và một xe máy qua suối như thế khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Giá sẽ rẻ hơn nếu các hộ dân chung tiền, chung sức đóng. Thông thường, khoảng 2-3 hộ góp nhau đóng và họ chỉ mất nhiều nhất một buổi để có một chiếc bè vững chắc đủ dùng cho hết mùa mưa lũ.

Ở suối Mo Phí có một chiếc bè tre đặc biệt: Bè công cộng do chính quyền xã Sín Thầu đầu tư kinh phí và khoán giá cố định cho người đẩy. Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, ông Pờ Dần Sinh, cho biết mỗi lần bè qua suối, người đẩy chỉ được lấy giá cố định 20.000 đồng. Với trẻ em đi học, chủ trương của xã là không thu tiền.

Rất nhiều người đã sống bằng nghề đưa bè ngang qua suối. Đó có thể là một hay nhiều hộ gia đình cạnh bờ suối hoặc vài người được chính quyền xã chỉ định đưa bè theo kiểu dịch vụ công cộng. Đa phần những người đẩy bè là thanh niên. Với những đoạn suối sâu nhưng ngắn, người dân địa phương không dùng bè. Xe máy của khách muốn qua suối phải thuê 3-4 thanh niên khiêng, trả công 30.000 - 50.000 đồng.

Người Hà Nhì ở Điện Biên chỉ trồng lúa ruộng bậc thang hoặc trồng ngô trên nương mỗi năm một vụ. Khoản thu nhập sau khi chia đều được 30.000 - 50.000 đồng/ngày/người giúp gia đình người đẩy bè trang trải các chi phí. Bè ngang vốn gần như độc quyền trên những con suối ở vùng cao này. Khi mùa mưa lũ gần hết, bè tre trở thành cầu bắc ngang suối với những chồng đá xếp phía dưới làm trụ. Khi ấy, giá qua cầu là 5.000 đồng/người và 10.000 đồng/xe máy. Hết mùa mưa, bè được gỡ ra để lấy tre làm sào hoặc nhóm bếp.

Pờ Chí Sìn, 23 tuổi, cho biết anh đã đẩy bè hơn 10 năm nay. Không hiếm lần Pờ Chí Sìn gặp cảnh lật bè, đổ xe, rơi người xuống suối. Trên đường vào A Pa Chải, chúng tôi còn gặp Pờ Chí Hùng, 5 tuổi, dân Sín Thầu, tham gia đưa bè cùng các anh, các chú. Hùng chưa đi học, khoản tiền được chia khi đẩy bè đều được cậu mua bánh kẹo.

Chưa lên mốc 0, chưa xong hành trình

Một chiến sĩ Đồn Biên phòng 317 khẳng định với đoàn chinh phục A Pa Chải chúng tôi: “Chưa lên mốc 0, coi như chưa xong hành trình”. Tính theo đường chim bay, từ Đồn Biên phòng 317 đến mốc 0 chỉ vỏn vẹn khoảng 4 km nhưng để đến được ngã ba biên giới VN – Lào – Trung Quốc ấy, chúng tôi phải trải qua đoạn đường khoảng 16-20 km ngoằn ngoèo ôm theo các sườn núi hướng lên “đỉnh trời” Khoang La San - một ngọn núi cao đến 1.865 m so với mực nước biển. Trải qua đoạn đường này, chúng tôi mới thấy đoạn từ Mường Nhé vào Sín Thầu chẳng thấm tháp gì!

Đường lên mốc 0 toàn dốc dựng đứng với cỏ tranh bén ngót, gai mâm xôi nhọn hoắt và sương mù rừng già mờ mịt. Chúng tôi phải vượt qua ngọn đồi dài khoảng 4 km với cỏ mọc cao ngang đầu gối để khởi động. Qua ngọn dốc cỏ tranh là đến phần rừng già nằm chìm trong mây. Vào địa phận rừng già, chúng tôi luôn đối diện những bụi mâm xôi gai tua tủa có thể móc vào da thịt bất cứ lúc nào.

Càng lên cao dốc càng trơn trượt, đường đi trở thành rãnh thoát nước mưa từ bên trên. Đôi khi, anh bộ đội biên phòng dẫn đường còn phải trượt ngã, còn chúng tôi thay phiên nhau “chụp ếch”. “Mây mù có thể làm người đi mất phương hướng và lạc sang tận Lào. Đã có không ít trường hợp lạc lối giữa rừng già như thế. Khi dẫn đường, chúng tôi phải quay lại tìm kiếm bằng cách hú gọi họ. Mỗi cuộc tìm kiếm như thế mất 1-3 giờ, thậm chí 5-6 giờ” – anh bộ đội cho biết.

Leo qua ngọn dốc cao, cột mốc số 0, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” hiện ra. Việc đầu tiên của chúng tôi là... thở. Thở lấy thở để vì mệt và không khí vốn loãng, thiếu ôxy. Chỉ có các chiến sĩ biên phòng vẫn tỉnh rụi. Họ vẫn lội rừng hằng ngày, hằng tuần để trực dọc vùng biên giới ba nước, từng đi những quãng đường dài gấp nhiều lần như thế để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như mọi khi, người lính biên phòng cùng du khách lên mốc 0 hôm ấy không khỏi tự hào - niềm tự hào của những người yêu dải đất hình chữ S và muốn chinh phục những nơi mình chưa biết.

Cờ Tổ quốc được mọi người chuẩn bị sẵn liền đem ra phất lên. Có người quấn cờ lên ngực, để sao vàng nằm ngang ngực trái.Có người quấn quốc kỳ lên trán. “Cảm giác gì đó cứ lâng lâng từ lồng ngực trái lên đến đỉnh đầu, tự hào lắm, sung sướng lắm!”- Hoàng Minh, một tay phượt trong đoàn, xúc động.

Cảnh đẹp say lòng

Chiếc xe máy của chúng tôi luôn phải đi với số 1 hoặc 2 để liên tục lên xuống những con dốc dựng đứng dài hàng chục cây số. Chúng tôi đi trong mây, ngang mây và lên cao hơn cả mây. Cảnh đẹp như tranh vẽ khiến chúng tôi chốc chốc phải dừng lại ngắm nghía, chụp ảnh. Những bản làng dưới thung lũng nằm cạnh các đồi cỏ xanh rượi. Những con suối trong veo. Những mảnh ruộng bậc thang vàng ươm, mây trắng lững lờ điểm tô xung quanh càng tạo cảm giác phiêu bồng, thoát tục.


A Pa Chải chìm khuất trong sương mù dày đặc

Đấy là ban ngày lúc trời nắng đẹp. Vào ban đêm, khi có trăng, những cung đường chúng tôi qua bàng bạc một màu huyền bí. Chúng tôi có cảm tưởng mặt trăng như một cái mâm vàng được ai đó đặt tài tình trên đỉnh núi. Xa xa, tiếng thiếu nữ Hà Nhì đùa nghịch khi tắm suối.


Tham khảo thêm kinh nghiệm phượt bằng xe máy


“Phượt” là thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng dân cư yêu thích du lịch. “Phượt” nghĩa là đi du lịch “bụi”, thử thách bản thân, làm mới chính mình và chinh phục, trải nghiệm, tìm hiểu những miền đất mới lạ... Vác balô một mình hay cùng nhóm bạn sang nước ngoài du lịch bụi cũng gọi là phượt, đi xe khách,ở nhà dân, lang thang đến những nơi xa lạ cũng gọi là phượt. Nhưng khái niệm “phượt” vẫn được dùng phổ biến nhất dành cho dân đi du lịch bụi bằng xe máy.

Cách đây hơn 10 năm, khi những nhóm đầu tiên ở Hà Nội phóng xe máy “diễu hành” qua các con phố, thẳng tiến tới vùng đất xa xôi, nhiều người nhìn họ như những kẻ lập dị, kỳ quặc. Nhưng vài năm gần đây, không còn muốn thu mình sau cửa kính ôtô ngồi tán chuyện tíu tít hoặc ngủ lăn lóc trên xe, ngày càng nhiều bạn trẻ chọn xe máy làm phương tiện du hí.



Lý do hàng đầu để dân phượt chọn xe máy chính là sự tiện lợi bởi xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam. Với xe máy, bạn gần như có thể chạm vào từng nhành cây ngọn cỏ trên đường, cảm nhận rõ từng sự chuyển mình của cảnh vật.

Phạm Thu Hà – một nữ phượt thủ đã có nhiều năm đi phượt bằng xe máy tâm sự: “Cái hay của đi phượt bằng xe máy là khi nhìn thấy một phong cảnh đẹp, dân phượt hoàn toàn có thể tự do dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh, nghỉ ngơi. Thậm chí, thấy một địa điểm thích hợp, còn có thể dừng lại đun nước uống café dọc đường. Bọn em cứ thường đùa với nhau rằng, đây là “một thú vui rất tao nhã”.



Một thành viên của Nhóm phượt Nhà NAT chia sẻ: “Với xe máy, chỉ sau một tiếng đồng hồ di chuyển, bạn đã có thể chuyển từ vùng văn hoá này sang vùng văn hoá khác, từ cảnh sắc này sang cảnh sắc khác. Mặt khác, đi xe máy cũng giúp cảm thấy gần gũi hơn với những người dân trên mảnh đất mình đi qua”.

Vì lẽ đó mà Tấn Anh và Cường Vũ, hai bạn trẻ lặn lội từ Sài Gòn đi xe khách ra Bắc cũng chỉ mong được một lần phượt bằng xe máy. Tấn Anh cho hay: “Đã ấp ủ ý định này từ rất lâu nhưng ở trong đó xa quá nên bọn mình chưa có điều kiện ra Bắc phượt. Mình đã đi gần hết các điểm từ Đà Nẵng trở vào tới Cà Mau nhưng chưa ra núi từng Tây Bắc, chưa leo núi, lội suối ở những cung đường ngoài Bắc thì coi như chưa từng đi phượt”.



“Phượt là phải khó”

Không chọn những cung đường đơn giản với đường quốc lộ thẳng băng, các nhóm phượt xe máy thường chọn điểm đến là những bản làng xa xôi vẫn còn giữ được nếp sống nguyên sơ, nơi ít khách du lịch đặt chân tới.

Ở phía Bắc, có thể kể đến các điểm phượt nổi tiếng khó đi như Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh, Lũng Cú (Hà Giang), Bản Giốc (Cao Bằng), Apachải (Lai Châu), Ý Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Pù Luông (Thanh Hóa)...



Những chuyến đi trèo đèo vượt suối, đôi khi phải “ăn bờ ngủ bụi” ấy trong mắt nhiều người chẳng khác nào “hành xác”, nhưng với dân phượt, đó lại là cơ hội để thử thách và rèn luyện bản thân, để trải nghiệm những điều mà hàng ngày giữa phố xá nhộn nhịp không thể có.

Vũ Hoàng Long (nickname Du Đà Tử) – người đã có gần chục năm “nhẵn mặt” trên các con đường, phượt hàng trăm chuyến cho biết: “Mỗi chuyến đi của mình đều ghi dấu những kỉ niệm, cảm xúc và không chuyến đi nào là không có chuyện. Điểm đến thường là những nơi hẻo lánh khó đi. Đường xấu, bùn lầy, đá tảng do phá mìn dải trên đường nên thường không tránh khỏi tai nạn. Có chăng là chỉ ở mức độ nhẹ hay nặng mà thôi.



Lần đi đáng nhớ của Du Đà Tử là chuyến phượt Quảng Ninh. Anh bị tai nạn ở đoạn dốc 3 tầng (Tiên Yên, Quảng Ninh). Đó là một con dốc nhỏ có 3 khúc cua ngoặt liên tiếp. Qua được 2 khúc cua đầu, anh không ngờ còn khúc cua thứ 3 nên không điều chỉnh tay lái kịp. Chỉ còn cách đâm thẳng vào cột cây số mới khiến anh không lao xuống vực. Xe hỏng, Du Đà Tử bị gãy tay và khâu nhiều mũi ở đầu, vai. Đó là kinh nghiệm quý báu cho anh ở những chuyến đi sau này.

Di chuyển hàng trăm cây số mỗi ngày, nắng rát người mùa hè, lạnh thấu xương mùa đông chẳng khiến cho dân phượt nản lòng. Những sự cố như đường trơn ngã xe, thủng săm, hỏng xe, chết máy đột ngột trên đỉnh đèo vắng ngắt không một bóng người là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đôi khi nó khiến dân phượt lo lắng nhưng cũng là “gia vị” tăng thêm phần kỳ thú cho mỗi chuyến đi.



“Phượt là phải khó. Nếu cứ dễ dàng như đi du lịch theo tour thì đã chẳng gọi là phượt” – Nghĩ vậy, làm vậy, nên dân phượt cứ hứng lên là xách xe lên đường.


Thông tin về những hành trình phượt bằng xe máy:

1. Thời điểm: Với thời tiết miền Bắc, thời điểm đẹp nhất để đi phượt bằng xe máy là ngay sau Tết âm lịch hoặc từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12.

2. Loại xe: Nên sử dụng những loại xe thông dụng như Dream, Viva, Future, Wave, Sirius, Jupiter… Những loại xe này nhẹ, dễ đi và dễ sửa chữa.

3. Chuẩn bị lên đường phượt:

- Quần áo đi xe máy chuyên dụng (bộ five seasons, giá khoảng 200.000đ-400.000đ/bộ): dày dặn, chống mưa gió tốt, có bọc đầu gối, bọc khớp tay, có nhiều lớp để có thể tách ra dễ dàng.

- Giầy đi xe máy chuyên dụng: cổ cao giữ ấm chân, đế cứng để chống chân xuống đường đá, da trơn để không thấm nước.

- Ủng nilon: ngăn nước mưa hoặc nước suối không ngấm vào giầy.

- Mũ bảo hiểm: nên dùng mũ có cằm và có kính chắn gió.

- Bản đồ địa hình: chi tiết tới từng ngõ ngách trong khu vực định tới.

- Đồ nghề sửa xe (giá khoảng 300.000đ/bộ): bơm, bộ tròng mở lốp, săm, miếng vá, cờ - lê, bugi, dây côn, tay côn, keo 502, dây kéo xe…

- Một số vật dụng thiết yếu khác: lều, túi ngủ, bếp ga du lịch nhỏ, đồ ăn, nồi niêu, C sủi (đủ mỗi người uống 1 viên/ngày để tăng cường sức lực), salon gel, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió, bông băng, thuốc sát trùng, thuốc bỏng, thuốc tím, áo mưa, găng tay, dao díp, đèn pin đeo trán…

- Phụ trợ (trang bị nếu có điều kiện): đồng hồ đa năng đo độ cao, huyết áp, khí quyển; GPS; ống nhòm; những món đồ nhỏ để tặng trẻ em dân tộc những vùng đi qua.

4. Một vài kinh nghiệm của dân phượt:

- Số lượng thành viên: Khoảng 10 người, từ 4 – 5 xe là hợp lí vì đi đông rất khó quản lí. Số lượng thành viên nữ luôn nhỏ hơn hoặc bằng số thành viên nam. Trong đoàn nên có một trưởng đoàn để kèm đoàn khi chạy xe cũng như tổ chức chuyến đi. Người trưởng đoàn là tay lái cứng, có kinh nghiệm

- Chạy xe: Chỉ nên chạy tối đa không quá 200km/ngày. Chạy nhiều gây mệt mỏi, bị lì về cảm giác rất nguy hiểm. Luôn làm chủ tốc độ và quyết đoán trên những đoạn đường cua, dốc và khi vượt ôtô. Hạn chế chạy vào ban đêm. Qua suối, ngầm nên để người có kinh nghiêm qua trước. Những đoạn suối sâu, có đá ngầm tốt nhất là làm bè hoặc khiêng xe qua.


Bí quyết hoàn hảo cho chuyến phượt bằng xe máy


Du lịch bằng xe máy không hề khó như bạn nghĩ nếu bạn biết tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhiều bạn rất muốn tự tổ chức một chuyến du lịch bụi bằng xe gắn máy nhưng thiếu thông tin về đường đi, chỗ nghỉ... nên thường băn khoăn ngần ngại. Khuynh hướng "phượt một chuyến" hay "bụi một phen" đã phổ biến đến rất nhiều người cả già lẫn trẻ... và không quá khó khăn như bạn nghĩ.

Du lịch theo cung cách tự tổ chức, nói nôm na là phượt hay du lịch bụi cho bạn cái cảm giác vô cùng thú vị. Bạn sẽ thụ hưởng hoàn toàn sự tự do, muốn đi đâu, ở đâu tùy ý, muốn ngồi trên một mõm đá ngắm trời biển mênh mông trong tiếng gió thổi vi vu hàng giờ cũng không có ai quấy rầy .

Sẽ không có giọng hướng dẫn viên thúc hối trở về xe như các tour thông thường. Cả trong việc ăn uống ngủ nghỉ: tất cả là quyền của bạn khi chọn ở đâu hay ăn gì, khi nào ngủ, giấc nào dậy…

Vậy cách nào để "phượt một chuyến"? Hãy xem bài sau đây, và bạn sẽ thấy đó là chuyện thật nhỏ...


Đi đâu?

Trước tiên: bạn cần xác định mình sẽ đi đâu và thời gian dành cho chuyến lãng du được mấy ngày. Với xe gắn máy cho chuyến đi phượt thì mỗi ngày chỉ nên đi trên cung đường khoảng tầm 200 km thôi. Có vẻ ít? Thật ra thì tùy bạn, tự do mà. Cưỡi xe gắn máy mỗi ngày 300 km hay hơn nữa có thể là chuyện bình thường với nhiều người, nhưng lái xe trên đoạn đường dài sẽ tiêu hao khá nhiều thời gian trong những ngày nghỉ quý giá của bạn đấy.

Vả lại, việc lái xe nhiều sẽ làm bạn mệt mỏi khi đến đích, giảm sự hưng phấn, bớt hứng thú để khám phá những cảnh vật tuyệt đẹp nơi đến. Bạn cũng cần lưu ý rằng trên đường đi cũng sẽ có nhiều nơi mà mình sẽ không thể nào cưỡng lại được việc dừng xe để ngắm cảnh, thăm thú. 

Thời gian của chuyến đi cần tính toán tới những khoảnh khắc tuyệt như mơ này. Vậy nếu bạn có thời gian dành cho chuyến phượt là 2 ngày thì tầm xa sẽ khoảng dưới 400 km, 3 ngày là 600 km... và nhớ cộng thêm thời gian khứ hồi.

Xác định đích đến bằng ý thích hay bạn bè mách bảo. Ví dụ những nơi bạn từng nghe, từng biết đến như Đà Lạt, Vũng Tàu, Mũi Né... Nếu chưa rành thì bạn có thể xem bản đồ hay vào các web du lịch để tìm một địa danh, ví dụ các chuyên trang du lịch trên mạng (các web này rất nhiều nếu bạn search bằng từ khóa "du lịch"). 

Sau khi chọn được một nơi vừa ý trong tầm xa dự tính của số ngày rồi thì bạn sẽ tính toán đường đi.


Tìm đường đi?

Với kỹ thuật bản đồ vệ tinh hiện tại thì xác định đường hoàn toàn không khó nếu bạn dùng máy tính, laptop... để vào các trang bản đồ như Maps.google.com, Wikimapia.org, Worldmapfinder.com... Thậm chí nếu bạn có máy tính xách tay, máy tính bảng hay ĐTDĐ có 3G là bạn sẽ có ngay một bản đồ trực tuyến để xem bất cứ lúc nào trên đường đi. 

Một điều nên nhớ khác là "Đường đi trong miệng", bạn hãy hỏi người dân địa phương khi có thể. Những "cuốn cẩm nang sống" này đôi khi chỉ cho bạn một thác, suối đẹp như mơ hay một phong tục, tập quán là lạ mà chả mấy ai biết tới ngoài những người đã sống tại đó.


Điều kế tiếp mà bạn cần quan tâm là "chọn đường nào". Hiện tại rất nhiều đường mới mở hàng năm kết nối các tỉnh thành, tạo cho bạn thêm nhiều lựa chọn cung đường sẽ đi qua.

Hãy ví dụ là bạn muốn đi biển Lagi: Nếu theo đường truyền thống từ TP HCM ra xa lộ Hà Nội theo QL1A đến QL55 rẽ vào Lagi. Nhưng có một lộ trình khác độc đáo hơn là từ TP HCM qua Cát Lái, quẹo QL51 đến Bà Rịa. Từ nơi này có hai hướng: chọn QL55 để thẳng tiến hay quẹo ra Long Hải, rồi theo đường ven biển với những bãi biển cực kỳ hoang sơ, cuối đường cũng sẽ là đích đến của bạn: thị xã Lagi.

Nếu không có những máy cầm tay có thể truy cập bản đồ trên đường đi thì bạn hãy vào internet điều nghiên trước và ghi chép vào quyển sổ nhỏ, đây sẽ là cẩm nang đường đi của bạn, do chính bạn tự thiết kế.


Xem dự báo thời tiết

Bạn hoàn toàn không muốn gặp cảnh mưa rơi tầm tã trong chuyến phượt? Dĩ nhiên rồi.

Vậy để biết những ngày bạn chọn có thời tiết tốt hay không thì cần theo dõi nhưng tin dự báo thời tiết trên truyền hình, báo đài hay trong các trang web dự báo khí tượng thủy văn, ví dụ như www.nchmf.gov.vn. Xem dự báo và xem cả những ảnh mây vệ tinh. Các ảnh này cùng hướng gió sẽ giúp bạn nắm bắt phần nào về chuyện nắng mưa tại vùng đất mà bạn sẽ thực hiện chuyến du phượt.


Chuẩn bị hành trang, xe cộ


Quần áo mang theo cứ tính mỗi ngày một bộ, bạn có thể thêm một vài quần lửng, quần sóc, áo thun. Thứ này gọn nhưng chỉ dùng khi đến nơi, lê lết đây đó chứ tránh mặc khi chạy xe vì nếu ngã sẽ trầy hết.


Các thứ không thể thiếu như đồ vệ sinh cá nhân, thuốc đặc trị, khăn tắm, đồ bơi (nếu đi biển) soạn đủ và xếp gọn gàng trong một ngăn riêng cùng một ít bao xốp để đựng đồ đã mặc, rác. Cũng không nên quên máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc khó quên trong chuyến đi.

Về phương tiện: nếu chiếc xe dùng làm phương tiện của bạn không có vẻ bề ngoài hào nhoáng thì... càng tốt, bạn sẽ đỡ mất công giữ gìn vì khó tránh việc trầy xướt. Bề ngoài không đẹp nhưng xe phải có vỏ ruột không quá cũ và máy móc ổn định. 

Cả thắng trước sau, đèn và nhớt cần kiểm tra kỹ lưỡng trước chuyến đi để tránh việc hỏng hóc trên đường lãng du. Nếu bạn biết chút ít về kỹ thuật, biết vá xe và có một ít đồ nghề thiết yếu trong cốp thì tuyệt hảo rồi, không ngại gì nữa!

Chuẩn bị đủ giấy tờ cá nhân, giấy tờ xe. Không cần đem theo quá nhiều tiền, nếu có thì đem theo thẻ tín dụng. Xếp gọn gàng vào ba lô, các thứ chưa xài tới dọc đường thì bỏ vào vali rồi rồi ràng chắc chắn lên baga: bây giờ thì bạn có thể lên đường được rồi.


Cách... đi và về


- Nếu bạn thừa sức "dứt điểm" cả chuyện đi và về bằng xe gắn máy? Thật hoàn hảo vì bạn sẽ cảm nhận đầy đủ tất cả những gì tuyệt vời nhất trong chuyến đi. Có điều bạn nên chọn giấc 4 hay 5 giờ sáng, trời lúc này sẽ mát mẻ, không vướng chuyện kẹt xe khi ra khỏi thành phố, chắc chắn là bạn sẽ có đủ tâm trạng phấn khởi.

Cung đường đi nên chọn đường qua nhiều thắng cảnh đẹp cho dù có xa đích đến hơn một tý. Chẳng sao. Bắt đầu chuyến đi bao giờ cũng khỏe khoắn, mọi sự đều dễ dàng.


Trên cung đường về: lúc này bạn đã thỏa thuê rồi. Đây là lúc chọn con đường ngắn và tốt nhất để về nhà, thường là các quốc lộ hay tỉnh lộ.

- Bạn ngại không đủ sức lái xe gắn máy suốt cả chuyến đi? Đừng lo: hãy xác định xem mình sẽ lái tốt trên đường đi hay cung đường về (vậy là bạn chỉ còn lái xe phân nửa cung đường thôi).

a. Nếu bạn muốn lái xe trên đoạn đường đi? Bạn cứ thoải mái chạy la cà các nơi mình muốn đi cho đến đích. Khi tới nơi này: bạn hãy bỏ chút thời gian xác định bến xe của địa phương đó và ghé vào đặt chỗ trước cho chuyến về. Vé sẽ được giữ chỗ cho bạn và những người đi cùng, cả chiếc xe của bạn nữa (xe gắn máy họ sẽ rút xăng ra và đặt nằm dưới hầm xe - do vậy không khuyên bạn đi xe mới).

b. Nếu bạn thích lái xe trên đoạn đường về? Bạn ra bến xe gần nơi mình ở và mua vé (ví dụ ở TP HCM thì ra BX Miền Đông, BX Miền Tây, Bến Phạm Ngũ Lão - nơi đón nhiều khách tây ba lô, BX Lê Hồng Phong...). Trao đổi trước với nhà xe nếu bạn muốn xuống tại một nơi nào đó không phải là bến cuối - nhà xe nào cũng sẵn sàng làm vừa lòng bạn.


Vài lưu ý nhỏ: 

- Tất cả hãng xe đều có thông tin và điện thoại liên lạc trên mạng, bạn cứ tìm qua các công cụ tìm kiếm - ví dụ gõ "xe đi Nha Trang".... Từ số ĐT này, bạn có thể đặt và chọn chỗ trước mà không phải đặt cọc. Đến ngày hẹn: ra bến trả tiền vé và lên xe.

- Cần thăm chừng mức xăng trong xe: làm sao để khi đến bến xe thì xăng trong xe của bạn chỉ còn chừng nửa lít thôi. Nếu còn nhiều nhà xe cũng sẽ hút ra để phòng tránh hỏa hoạn. Khi đến nơi bạn sẽ đổ đầy, các cây xăng trên quốc lộ nhiều lắm, thường họ bán cả ngày đêm.


- Nhà xe thường có nhiều chuyến khởi hành từ ban ngày đến ban đêm. Bạn có thể chọn đi chuyến tối (ví dụ 20h). Các chuyến chạy đêm này thường là các xe 45 chỗ giường nằm, giá cao hơn ghế nằm nhưng không đáng kể. 

Với các chuyến đêm: bạn lên xe: ngủ một giấc, đến sớm mai là thấy đến nơi rồi (ví dụ Nha Trang, Mũi Né...)! Xem ra "tiết kiệm" được một đêm, thú vị chưa?

Chuyện ăn và ở

Nếu không trùng dịp lễ tết hay cao điểm hè thì giá những dịch vụ này thường rẻ. Đã xác định chuyến đi của bạn là "phượt" hay "du lịch bụi" rồi thì cần tránh những khu vực... cao cấp như khu trung tâm, khu bãi biển... 

Đừng ngại xa, bạn có xe gắn máy đem theo mà. Ở không bao nhiêu nhưng đi chơi thì nhiều, vậy nên một phòng tại khách sạn hay nhà nghỉ trong một khu dân cư nếu sạch đẹp, giá cả mềm mại chấp nhận được là ổn rồi. 

Tìm những nơi này hoàn toàn không khó, bạn chạy loanh quanh phố xá vài vòng là sẽ thấy rất nhiều, tha hồ khảo giá rồi lựa chọn. Gặp mùa "thấp điểm" cũng đừng ngần ngại... trả giá nhé, không có gì xấu hổ cả, chủ khách sạn hay nhà nghỉ cũng không muốn bỏ phòng trống trong mùa vắng đâu.


Việc ăn uống ngon và giá chuẩn nhất là tại các chợ địa phương. Không tỏ ra mình là khách du lịch, hãy hòa nhập với cộng đồng và thâm nhập từng ngõ ngách để khám phá những món ăn độc đáo mà khó nơi nào có được. Đôi khi bạn sẽ bỡ ngỡ với cách tính tiền độc đáo: gắp ăn và tự đếm để cuối cùng nói cho người bán biết để người ta... tính tiền - một sự chân chất đến là... dễ thương!

Thỏa mãn mọi kinh nghiệm phượt hay du lịch bụi trong khuôn khổ một bài viết thì không thể. Tuy nhiên mình tin chắc là chỉ sau một chuyến đi thôi là bạn sẽ đúc kết được rất nhiều bí quyết dành cho những chuyến sau và... sau nữa. Mong rằng tất cả các bạn yêu thích du lịch trên mọi miền đất nước sẽ có những chuyến đi thật hoàn hảo.




Kinh nghiệm du lịch bụi Tam Đảo
Kinh nghiệm du lịch bụi Hà Giang
Kinh nghiệm du lịch bụi Sài Gòn
Kinh nghiệm du lịch bụi Đà Nẵng
Kinh nghiệm du lịch bụi Quảng Bình
Kinh nghiệm du lịch bụi Vũng Tàu



(st)