Cách trình bày sáng kiến kinh nghiệm hoàn hảo nhất
Cách viết email xin tài trợ kinh nghiệm của người đã thành công
Làm gì khi con lười học, những kinh nghiệm giáo dục trẻ cho bố mẹ
Kinh nghiệm săn học bổng Úc cho bạn tham khảo. Những chia sẻ dưới đây sẽ là gợi ý cho bạn.
Liên bang Úc - Commonwealth of Australia, thường gọi là Australia, thủ đô Canberra. Ngày độc lập: 01/01/190. Diện tích 7,7 triệu mét vuông. Là Châu Đại Dương, nằm giữa Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Là lục địa nhỏ nhất nhưng là quốc gia lớn thứ 6 trên thế giới. Dân số: 22.466.393 người (theo thống kê năm tháng 9 năm 2010.). Là một nhà nước theo thể chế quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh cũng là Nữ hoàng của Úc. Theo Hiến pháp Úc vai trò của Nữ hoàng hầu như hoàn toàn trên nghi thức, quyền hành của Nữ hoàng chỉ được sử dụng khi được nội các cố vấn. Nội các gồm các bộ trưởng cao cấp của chính quyền và được toàn quyền chỉ định dựa trên cố vấn của Thủ tướng.
Hệ thống lãnh đạo được đảm trách bởi 3 quyền lực liên hệ lẫn nhau:
Lập pháp: Quốc hội Liên bang
Hành pháp: Hội đồng Hành pháp (Toàn quyền, Thủ tướng và các Bộ trưởng)
Tư pháp: Toà án Tối cao Úc và các toà án liên bang.
Tại Úc có 6 bang và 2 vùng lãnh thổ:
Bang New South Wales, thành phố là Sydney : đây là bang lớn nhất về dân số và lâu đời nhất của nước Úc, đồng thới là nơi tập trung nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như : Nhà hát con sò, Cầu cảng Sydney, Bãi biển Bondi, Cảng Darling, phố Tàu,
Bang Queensland, thành phố là Brisbane : đây được xem là bang nổi tiếng về du lịch với thành phố trẻ mới phát triển đồng thời là thành phố lớn thứ ba của Úc. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia với nhiều loại cây và động vật quý hiếm. Các nơi du lịch phổ biến: rạn san hô Great Barrier di sản thế giới, khu bảo tồn gấu Koala, khu thế giới điện ảnh GoldCoast…..
· Bang Nam Úc, thành phố là Adelaide : đây là bang duy nhất của Úc được định cư hoàn toàn bởi người di dân tự do và được biết đến với những công trình kiến trúc bằng đá từ thời thuộc địa, với những công viên rộng lớn, những lễ hội sôi động và một không gian lạ thường.
Bang Victoria, thành phố là Melbourne: đây là nơi có cuộc sống nhộn nhịp đứng sau thành phố Sydney, nơi tập trung nhiều trường đai học tốt của Úc: ĐH Monash, ĐH Melbourne, ĐH Victoria, ĐH Deakin, ĐH Swinburne… Melbourne còn được nhắc đến với biệt danh “thành phố cây xanh” vì nơi đây có rất nhiều công viên và vườn cây trong một khung cảnh tuyệt đẹp; những vỉa hè, những đại lộ rợp bóng cây. Các nơi du lịch phổ biến: Viện Hải Dương Học Melbourne, Quảng trường Liên Đoàn, cầu tàu Mới, Sở Thú Melbourne…..
Bang Tây Úc, thành phố là Perth : đây là bang có diện tích lớn nhất nước Úc và nổi tiếng vì những ngày dài đầy nắng và cảnh thiên nhiên cũng như khí hậu rất đa dạng. Các nơi du lịch : Tháp Chuông Swan, Đảo Rottnest, Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Perth, khu Di Dản Thế Giới Shark Bay….
Bang Tasmania, thành phố là Hobart : đây là bang trẻ nhất và có nhiệt độ trong năm lạnh nhất nước Úc, đồng thời là bang đảo duy nhất của Úc. Vị trí tách biệt của bang có ích cho việc bảo tồn động vật hoang dã. Hơn 1/3 diện tích Tasmania là các công viên quốc gia và những khu bảo tồn di sản thế giới. Thành phố Hobart nhỏ bé xinh đẹp nổi tiếng bởi những toà nhà theo kiến trúc thời Vua George. Các điểm đến du lịch : Quảng Trường Salamanca, Núi Wellington, Nhà thờ giáo phái Anh St. George và Bảo Tàng Dân Gian Van Diemen…
02 vùng lãnh thổ:
Lãnh thổ thủ đô Úc, thủ đô là Canberra: đây là vùng có diện tích nhỏ nhất tại Úc. Các nơi du lịch : Thác Fitzroy và Công Viên Quốc Gia Moreton, Tòa Nhà Quốc Hội Cũ và Tòa Nhà Quốc Hội hiện đại, Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc và Trung Tâm Khoa Học và Công Nghệ Quốc Gia
Lãnh thổ phía Bắc, thành phố là Darwin: đây là vùng có dân số ít nhất và có nhiệt độ trong năm nóng nhất tại Úc. Lãnh Thổ Phía Bắc là nơi giàu truyền thống lịch sử của thổ dân và vẻ đẹp hoang sơ và tự nhiên. Nơi tham quan nổi tiếng gồm : Vườn Bách Thảo George Brown, Công Viên Territory Wildlife, Bảo Tàng Quân Sự East Point, Công Viên Quốc Gia Litchfield…..
10 thành phố đông dân nhất: 1. Sydney – 2. Melbourne – 3. Brisbane – 4. Perth – 5. Adelaide – 6. New Castle – 7. Canberra - 8. Gold Coast – 9. Wollongong – 10. Sunshine Coast
Thời tiết:
Mùa hè: Từ tháng 12 – tháng 2 [18oC - 28oC]
Mùa Thu: Tháng 3 – Tháng 5 [14oC - 22oC]
Mùa Đông: Tháng 6 – Tháng 8 [8oC - 16oC]
Mùa Xuân: Tháng 9 – Tháng 11[13oC - 21oC]
Múi giờ: Úc có 3 múi giờ:
Giờ chuẩn phía Đông: tại các vùng như bang New South Wales, bang Queensland, Lãnh thổ thủ đô Úc, bang Victoria, bang Tasmania. Các khu vực này đi sau VN 3 tiếng đồng hồ
Giờ Trung tâm: gồm miền Nam nước Úc và các vùng lãnh thổ phía Bắc. Các khu vực này đi sau VN 2.5 tiếng đồng hồ
Giờ phía Tây thuộc về miền tây nước Úc. Khu vực này đi sau VN 1 tiếng đồng hồ
Phương tiện giao thong:
Phương tiện giao thông công cộng hơi khác tại mỗi thành phố theo sự điều hành hệ thống của chính quyền mỗi bang.
Xe buýt, tàu hoả và phà là các phương tiện giao thông công cộng hoạt động ở hầu hết các thành phố ở nước Úc và chạy rất đúng giờ.
Đối với du học sinh, sử dụng vé tháng cho các phương tiện giao thông công cộng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với đi vé chuyến. Đặc biệt tại Perth, du học sinh được hỗ trợ giảm giá vé của các phương tiện công cộng.
Các ngày lễ lớn:
Năm mới: 01/01
Ngày quốc gia Úc 26/01
Ngày Anzac 25/04
Sinh nhật Nữ Hoàng: ngày thứ Hai của tuần lễ thứ hai trong tháng Sáu
Lễ Giáng Sinh: 25/12 ( ngoại trừ phía Tây Úc)
Ngày Boxing 26 hoặc 27/12 ( ngoại trừ phía Nam nước Úc)
Thể thao:
Úc là nơi thường đăng cai tổ chức nhiều sự kiện cho những môn thể thao nổi bật của Úc như quần vợt với Giải Quần Vợt Úc Mở Rộng, bóng đá với giải Australia AFL cricket, bóng bầu dục với Cúp Bledisloe, đua xe với giải Grand Prix Công Thức 1 và chạy marathon với cuộc đua Marathon Gold Coast Airport nổi tiếng thu hút hàng ngàn khán giả tập trung trên đường đua.
Chi phí sinh hoạt:
Trung bình là 18.000 đô la Úc/1 năm, tuy nhiên chi phí sinh hoạt theo từng thành phố của Úc cũng có sự chênh lệch:
Sydney : 17.000 – 19.000 đô la Úc/1 năm
Melbourne : 16.000 – 18.000 đô la Úc/1 năm
Brisbane và Perth : 15.000 – 16.000 đô la Úc/1 năm
Một số khoản chi tiêu thông dụng:
Ăn uống: 60-120 đô la Úc/1 tuần
Chỗ ở: 150-300 đô la Úc/1 tháng
Đi lại: 30-50 đô la Úc/1 tuần
Các chi phí tiêu dùng: 20-100 đô la Úc/1 tuần
Kinh tế:
Ngành công nhiệp chủ yếu của Úc là thép, xe, máy móc sản xuất, hóa chất và chế biến thực phẩm.
Ngành du lịch đang mở rộng nên nước Úc đang cung cấp nhiều kinh nghiệm cho ngành du lịch: văn hóa, thể thao, cảnh quang và môi trường.
Úc có một nền kinh tế Phương Tây tư bản tuyệt vời với một GDP bình quân đầu người ngang hàng với cường quốc mạnh. Nền kinh tế Úc chi phối bởi ngành dịch vụ (chiếm 68% GDP), sau đó là nông nghiệp và khai thác mỏ (chiếm 29.9% GDP). Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Australia là nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc và len, các khoáng sản, gồm nhiều kim loại, than đá và khí gas thiên nhiên.
Hệ thống giáo dục:
Bậc tiểu học: từ lớp 1 đến 6 hoặc lớp 7
Bậc trung học:
- Trung học cơ sở: từ lớp 7 hoặc lớp 8 đến lớp 10
- Trung học phổ thông: lớp 11 và lớp 12
Đối với 2 bậc giáo dục này, có 2 hệ thống trường đạo tạo là trường công lập và trường tư thục:
Trường công lập:
- Trường công của Úc được giám sát bởi chính quyền của từng ban. Trường không thu học phí, phần lớn chi phí được hỗ trợ bởi chính quyền của ban và phần còn lại của các quỹ từ thiện.
- Hệ thống trường công có thể chia thành hai loại: mở và chọn lọc. Các trường học mở chấp nhận tất cả học sinh trong ban. Các trường chọn lọc chủ yếu là phục vụ cho học sinh giỏi (top 5 phần trăm). Loại trường này được coi là có uy tín so với các trường mở, đầu vào mang tính cạnh tranh cao và nói chung đạt được kết quả tốt hơn trong các kỳ thi.
- Sinh viện quốc tế và con em của học sinh quốc tế được yêu cầu phải nộp học phí
- Việc tiếp thị và xét nhập học của học sinh được kiểm soát bởi bộ phận giáo dục của bang hay lãnh thổ
Trường tư thục: Hệ thống trường tư được chia thành hai nhóm:
- Hệ thống trường tôn giáo (trường dòng) được tạo ra và vận hành bởi các giáo phái của Úc. Học phí của các trường tôn giáo không nhiều hơn so với trường công.
- Hệ thống trường tư độc lập : Loại trường này thường thu học phí cao và do đó đủ khả năng đầu tư cơ sở vật chất hơn so với các trường công và các trường tôn giáo. Tất cả học sinh ở các trường này thường phải trả học phí như nhau kể cả học sinh Úc và quốc tế. Họ tuyển sinh trực tiếp, do đó các văn phòng đại diện tuyển sinh có thể liên hệ với trường trong tất cả các vấn đề tiếp thị và tuyển sinh.
1 năm học tại Úc trải dài tư tháng 1 đến tháng 12, kì nghỉ tập trung vào các ngày kết thúc các khóa và các học kỳ
Thời khóa biểu học từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 8:45 đến 3:00. Các hoạt động ngoại khóa được thực hiện sau giờ học hoặc sáng thứ Bảy.
Bằng tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của các bang có tên gọi khác nhau:
Bang/lãnh thổ |
Văn băng |
New South Wales |
Bằng phổ thông trung học (HSC) |
Victoria |
Chứng chỉ giáo dục bang Victoria (VCE) và chứng chỉ giáo dục ứng dụng bang Victoria (VCAL) |
Queensland |
Bằng phổ thông trung học |
Nam Úc |
Chứng chỉ giáo dục Nam Úc (SACE) |
Tây Úc |
Chứng chỉ giáo dục Tây Úc (WACE) |
Tasmania |
Chứng chỉ giáo dục Tamina (TCE) |
Lãnh Thổ Thủ Đô |
Chứng chỉ phổ thông khu vực trung tâm nước Úc |
Lãnh Thổ Phía Bắc |
Chứng chỉ giáo dục lãnh thổ phía Bắc (NTCE) |
Bậc Cao Đẳng và Đại học:
- Chứng chỉ: 6-18 tháng
- Cao đẳng: 1.5-3 năm
- Cử nhân: 3-5 năm
Có 4 nhóm chính các trường đại học Úc:
- Nhóm 8 trường đại học hàng đầu : Đại học Adelaide, Đại học quốc gia Úc, Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học New South Wales, Đại học Queensland, Đại học Sydney, Đại học Tây Úc
- Nhóm các trường kĩ thuật công nghệ : Đại học kỹ thuật Curtin, Đại học South of Australia, Đại học RMIT, Đại học công nghệ Sydney, Đại học công nghệ Queensland
- Nhóm các trường đại học nghiên cứu : Đại học Flinders, Đại học Griffith, Đại học La Trobe, Đại học Macquarie, Đại học Murdoch, Đại học Newcastle
- Nhóm các trường đại học thế hệ mới: Đại học Edith Cowan, Đại học Southern Cross, Đại học Victoria, Đại học Ballarat, Đại học Canberra, Đại học Nam Queensland, Đại học Sunshine Coast, Đại học Tây Sydney,
1 năm học ĐH tại Úc thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 12. Hai đợt nhập học chính cho học sinh quốc tế vào ĐH là tháng 2 và tháng 7, một số trường có kì nhập học phụ vào tháng 11.
Bậc Sau Đại Học:
- Chuyển tiếp thạc sĩ : 6 tháng – 1 năm
- Thạc sĩ : 1-2 năm
- Tiến sĩ : 4-5 năm
Học phí tham khảo:
Chương trình |
Học phí |
Tiểu học & trung học cơ sở |
5,000 – 18,000 đô Úc/năm |
Trung học phổ thông |
6,000 – 21,000 đô Úc/năm |
Chứng chỉ I - IV |
5,500 – 18,000 đô Úc / năm |
Cao đẳng |
|
Cao đẳng nâng cao |
|
Cử nhân |
10,000 – 30,000 đô Úc / năm |
Chuyển tiếp thạc sĩ |
10,000 – 16,000 đô Úc / năm |
Thạc sĩ |
11,000 – 25,000 AUD/năm |
Tiến sĩ |
Hệ thống điểm:
Hệ thống chấm điểm hiện nay có cầu trúc như sau, tỷ lệ chỉ mang tính chất gần đúng
A (Xuất sắc) 80% trở lên
B (Tốt) 70-79%
C (Đạt) 50-69%
D (Cần cố gắng) 40-50%
E (không đạt) 39.12% trở xuống
Hầu hết các trường Đại học Úc thay đổi cấu trúc thang điểm như sau:
HD (Ưu tú cao) 85% trở lên
D (Ưu tú 75-84%
Cr (Đạt tín chỉ) 65-74%
P (Đạt) 50-64%
F1 (Rớt cấp độ 1) 45-49%
F2 (Rớt cấp độ 2) dưới 45%
Xếp hạng các trường đại học của Úc:
Theo The Times Higher Education xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2010:
Hạng quốc gia |
Trường đại học |
Hạng thế giới |
1 |
Đại học Melbourne |
36 |
2 |
Đại học quốc gia Úc |
43 |
3 |
Đại học Sydney |
71 |
4 |
Đại học Adelaide |
73 |
5 |
Đại học Queensland |
81 |
6 |
Đại học New South Wales |
152 |
7 |
Đại học Monash |
188 |
Bảo hiểm sức khỏe:
Sinh viên quốc tế học tập tại Úc phải có đầy đủ các thỏa thuận tại Úc cho bảo hiểm y tế. Úc có một hệ thống đặc biệt bao gồm chăm sóc sức khỏe cho học sinh quốc tế. Điều này được gọi là chăm sóc sức khỏe du học sinh (OSHC) và bạn được yêu cầu phải có loại bảo hiểm này trong suốt thời gian thị thực du học tại Úc. Thời gian đóng phí và được hưởng chính sách bảo hiểm tính đến hết thời gian bạn được cấp visa ở lại Úc.
Học bổng:
Sinh viên quốc tế có thể xin học bổng được cung cấp bởi Chính phủ Úc như Học Bổng Phát Triển Úc và Học Bổng Năng Lực Lãnh Đạo Úc, Học Bổng Endeabour. Bậc tiểu học và trung học thường ít có học bổng hơn bậc ĐH và Thạc sĩ. Ngoài học bổng chính phủ, các trường ĐH tại Úc cũng thường xuyên cấp học bổng trực tiếp cho học sinh có thành tích học tập tốt tại VN và vượt qua vòng phỏng vấn của trường hoặc học bổng khuyến học cho học sinh có thành tích học tập tốt tại Úc .
Bí quyết săn học bổng siêu chi tiết
Nhã Lê, tác giả bài viết.
“Tôi đã mãnh liệt ước mơ, mãnh liệt tìm kiếm, và đã được thần May Mắn mỉm cười vào phút thứ 89. Nói vậy là để chia sẻ với các bạn một điều: Đừng bao giờ nản chí vì không có thứ gì trên thế gian này tự động tới với mình cả, và đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã thực sự dùng hết 100% công lực của mình rồi” – Nhã Lê chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình săn tìm học bổng của mình.
Hiện đang chuẩn bị bước vào năm cuối Đại học Y (TP Debrecen, Hungary), Nhã Lê là nickname còn tên thật là Lê Ngọc Hòa Nhã. Chị í khá quen thuộc đối với giới trẻ Việt Nam tại Hungary vì những hoạt động xã hội và văn hóa năng nổ trong khuôn khổ Hội Sinh viên, cũng như trong các sinh hoạt của cộng đồng. Nhã Lê chia sẻ: Với hy vọng giúp ích phần nào cho các bạn trẻ đồng trang lứa trong “cuộc chiến” gian nan để có được vốn kiến thức trên xứ người, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số điều:
Đối với nhiều bạn hiếu học, có lẽ, săn tìm học bổng đã là chuyện khó, đạt được học bổng lại càng cam go hơn nữa. Vả lại, học bổng là gì? Có bao nhiêu loại học bổng? Muốn có học bổng dễ hay khó?
Những câu hỏi này chắc hẳn đã vang lên trong đầu chúng ta, những người đi mưu cầu kiến thức trong và ngoài nước, không biết bao nhiều lần.
Trong những chia sẻ dưới đây, tôi chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm bản thân khi săn tìm gói học bổng cho mình. Thực chất, tôi không hề là người xuất chúng, cũng chẳng phải là một SV ưu tú hay nổi bật. Sau bao nhiêu thăng trầm với việc đem chuông đi đánh… để xin tiền ở xứ người, tôi có thể rút ra vài trải nghiệm chính như sau.
Các loai học bổng
Tôi xin chia học bổng ra thành 2 loại chính: học bổng không hoàn trả, và học bổng có điều kiện hoàn trả đi kèm. Ở loại học bổng không hoàn trả, hiếm khi nào chúng ta gặp được một gói bao trọn hết những năm học đại học. Nhưng ở loại học bổng có điều kiện hoàn trả, việc bao trọn gói những năm học đại học là hoàn toàn khả thi.
Có nhiều bạn trong chúng ta rất hăm hở với vấn đề săn học bổng, lao vào tìm kiếm để rồi thất vọng vì trong muôn vàn những website chỉ dẫn trên mạng, để có được gói học bổng mong muốn phù hợp với ngành nghề lựa chọn là cực kỳ khó khăn và gian khổ. Những bạn đó về sau có cảm giác ám ảnh và không còn ý chí để săn học bổng nữa.
Tuy vậy, cũng có không ít bạn không bao giờ chịu lùi bước cho tới khi tìm được gói học bổng mà mình mong đợi. Vậy thì câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể săn được gói học bổng giá trị, phù hợp với ngành học một cách hiệu quả nhất?
Phải biết mình muốn gì?
Bạn phải thật sự muốn một gói học bổng điên cuồng tới mức bạn sẵn sàng làm mọi thứ để có được nó. Tôi nói ở đây là hằng giờ, ngày, tuần, tháng, thậm chí năm túc trực bên máy vi tính để săn tìm bất cứ gói nào có giá trị của thật nhiều trang hướng dẫn. Nhiều trang ở đây không dừng lại con số dưới 10.
Đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao. Bạn không thể nản chí, vì học bổng không tự nhiên mà có, thậm chí cũng không được quảng cáo rầm rộ. Bạn sẽ cảm thấy mình quay trở lại thời ấu thơ, chơi trò cút bắt. Nhưng lượt chơi của bạn sẽ khá mệt mỏi, khi cái đích mà mình rượt đuổi khá mơ hồ, thậm chí là mất hút nơi khơi xa.
Đầu tiên, bạn có thể vào google gõ từ tìm kiếm “scholarships for international students”. Bước này có lẽ dễ dàng nhất, nhưng biết được trang nào là đúng đắn đòi hỏi sự chọn lọc rất cao.
Phải lên kế hoạch hành động
Bạn không thể đợi đến gần ngày vào học buổi đầu tiên trên giảng đường rồi mới lo lắng đi tìm kiếm nguồn tài trợ. Việc này không thể đạt được nếu bạn chỉ mới vào cuộc vài tháng trước nhập học. Gói học bổng nào cũng có một thời lượng nhất định để đăng ký tham dự và thủ tục giấy tờ nếu bạn may mắn trúng tuyển.
Nếu bạn biết rằng mình sẽ cần một gói học bổng học xa nhà trong tương lai, tốt hơn hết là bạn hãy lên kế hoạch cho chính bản thân khoảng 1-2 năm. Các học bổng do những tổ chức thế giới cấp, đa phần đều nhắm vào cái chân – thiện – mỹ trong con người bạn. Đã là quá lạc hậu nếu các bạn nghĩ rằng riêng chỉ điểm số cao ngất ngưởng trên học bạ sẽ bảo đảm các bạn có được phần lớn chiến thắng.
Giới trẻ hiện nay, đặc biệt là trên thế giới, cực kỳ năng động và việc chuyên tâm dùi mài kinh sử, phó mặc các hoạt động xã hội sẽ không hề giúp ích cho bạn đâu, cho dù điểm số của bạn có cao đến đâu đi chăng nữa.
Thế cho nên, ngoài việc học tập chính ở trường, các bạn nên hoạt động xã hội thật nhiều. Trước hết là bổ sung kiến thức sống cho chính mình, khiến mình lớn hơn, mở rộng nhân sinh quan của mình nhiều hơn. Và sau đó, việc săn tìm học bổng của các bạn phần nào đỡ phải nhọc nhằn hơn.
Kỹ năng viết luận
Bạn nghĩ rằng săn tìm học bổng đồng nghĩa với việc điền vào giấy tờ đăng ký theo mẫu có sẵn? Không đơn giản như vậy đâu. Bất cứ học bổng nào trên thế giới này đều ít nhất đòi hỏi bạn phải có một bài luận về bản thân mình, hay còn gọi là “personal statement”.
Người Việt thường cho rằng nói về bản thân quá nhiều là phô trương, là “thùng rỗng kêu to”, là “chảnh chọe”. Nhưng đối với thế giới, nếu bạn không đủ tự tin để nói lên những ưu điểm của bản thân đối với người khác, thì làm sao bạn có thể là một trong những nhà lãnh đạo trẻ trong tương lai?
Thêm nữa, những tổ chức cấp phát các gói học bổng hấp dẫn đếu muốn nhận biết và tìm kiếm khả năng lãnh đạo của bạn. Nói đúng hơn, họ muốn thấy được rằng, sự đầu tư của họ vào một con người là không uổng phí.
Tôi đã làm sao để có được một bản tự luận tương đối khá? Tôi đã tìm kiếm những bản tự luận mẫu trên mạng, đọc ngấu nghiến các loại tiểu thuyết từ ướt át đến trinh thám và khoa học viễn tưởng. Tôi làm vậy hầu làm giàu khả năng viết lách của bản thân.
Mỗi ngày, tôi đều tự nghĩ mình có những ưu điểm nào cần thiết cho xã hội. Hay, mình có thể làm gì để cải thiện cuộc sống bằng những đóng góp nhỏ nhoi nhất. Tin tôi đi, việc này cần cũng không ít thời gian đâu vì nói đúng theo ngôn ngữ thời đại, các bạn phải bỏ ra không ít phút để có quyền tự kỷ một cách đúng đắn mỗi ngày, phải không nào?
Ngoài bản tự luận về bản thân, một số gói học bổng còn đòi hỏi chúng ta phải viết luận theo chủ đề. Việc này thì đòi hỏi các hoạt động xã hội để bạn có thể tích lũy được một số cách nhìn cuộc sống, vì đa số các chủ đề luận đều liên quan rất mật thiết với môi trường sống quanh chúng ta.
Các hội đồng chấm duyệt đều biết rằng một số bạn có tài luận bẩm sinh rất giỏi. Tuy nhiên, họ cũng rất tinh anh và đầy kinh nghiệm khi nhìn ra được sự khác biệt giữa luận theo kiểu sáo rỗng, sách vở và luận dựa trên kinh nghiệm sống thực tế. Đương nhiên họ chưa đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm dày dặn vì họ rất hiểu rằng thường đối tượng săn tìm đều ở tuổi đời còn rất trẻ.
Làm đơn xin việc
Tôi nêu vấn đề này lên nghe có vẻ… trật đường ray nhỉ? Xin thưa, không hề đâu các bạn à. Vì ngoài những bài luận ra, các bạn còn phải chuẩn bị một bản lý lịch những kinh nghiệm hoạt động của các bạn. Tôi nói một cách chung chung đó chính là CV hay résumé.
Làm cách nào để có một bản lý lịch tương đối bắt mắt và ấn tượng? Các bạn hãy liệt kê theo thứ tự hoạt động gần nhất lên trên, hoạt động xa nhất ở dưới, đính kèm thời gian để chỉ rõ hoạt động của bạn là liên tục và không mệt mỏi. Việc nào bạn đóng góp nhiều, hoặc giữ những vị trí quan trọng được ưu tiên hàng đầu.
Không ai có thời gian để đọc hết trang này qua trang khác những việc bạn đã làm, trong khi mỗi việc thì bé như con kiến, và bạn viết chằng chịt chi chít. Thay vì giúp bạn gây ấn tượng, việc làm này sẽ làm cho bạn mất điểm trước hội đồng xét duyệt. Tốt nhất, theo tôi, các bạn nên chọn MLA format (tiêu chuẩn viết luận của Mỹ) để làm bản CV.
Các bạn chớ lầm tưởng bản luận về bản thân lại mang hơi hướng của một CV thứ hai viết theo kiểu hành văn thay vì theo kiểu gạch đầu hàng. Nếu vậy thì các bạn lầm to.
Ở bản tự luận, hội đồng xét duyệt muốn nhìn rõ nhân sinh quan của các bạn, muốn nhìn thấy được các bạn đã học được gì qua những kinh nghiệm non nớt đầu đời ở xã hội, và các bạn có được ý thức về bản thân cao hay thấp. Những nhà lãnh đạo tiềm năng đều có nhận thức rất sâu sắc về chính con người họ.
Còn ở bản CV, họ tìm kiếm những sự kiện ngắn gọn, súc tích, những hoạt động với tên gọi hợp pháp. Đừng để bản thân mình bị lặp đi lặp lại trong quy trình săn tìm học bổng nhé!
Tôi đã 'săn' học bổng Úc và thành công như thế nào?
Đàm Thị Tuyết, cô bạn có bề dày thành tích trong học tập cũng như giành học bổng thạc sĩ nghiên cứu và học bổng tiến sĩ khoa học- đã có những chia sẻ rất bổ ích
Tốt nghiệp thủ khoa, Khoa Kinh tế quản lý môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành Kinh tế môi trường niên khóa 2002-2006, Đàm Thị Tuyết đã rất xuất sắc nhận được học bổng Endeavour Postgarduate Award năm 2009-2011, thạc sỹ nghiên cứu (masters by research), Đại học Nam Úc (University of South Australia) và học bổng tiến sỹ khoa học (PhD) khóa 2011-2014, Trung tâm Kế toán, Quản trị doanh nghiệp và Phát triển bền vững - the Centre for Accounting, Governance and Sustainability (CAGS), Đại học Nam Úc (University of South Australia).
Sau đây là những kinh nghiệm “săn” học bổng của cô bạn xuất sắc:
Cuộc “phiêu lưu” luyện thi IELTS và tìm học bổng
Lúc quyết định tham gia “trò chơi” (game) xin học bổng và du học, tôi vẫn chưa hình dung ra IELTS hay TOEFL là cái gì? Tôi tưởng tượng chúng là cái gì “rất ghê gớm – cao siêu”. Tôi tự giả định những người có các chứng chỉ này chắc tiếng anh phải “siêu” lắm.
Do đó, tôi suy luận “Với trình độ tiếng anh hiện tại, chắc mình mất 5 năm gì đó để luyện thi tiếng anh”. Tất nhiên chỉ cần chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL là đủ, những tôi vẫn chưa rõ mình sẽ “thử sức” với cái gì?
Tôi quyết định vào các diễn đàn và tìm kiếm trên internet về thi IELTS và TOEFL và các điều kiện cần thiết để xin học bổng. Sau này tôi nghiệm ra cho bản thân mình, sự “đam mê” rất quan trọng để có được thành công sau này.
Những ngày tìm hiểu thông tin về học và thi tiếng anh và học bổng, tôi ăn ngủ với chúng luôn. Gần như mọi thời gian, tiền bạc và tâm huyết đều gắn liền với học bổng và du học.
Tôi tham gia nhiều diễn đàn du học và tham dự rất nhiều hội thảo du học do các công ty tư vấn du học tổ chức ở Hà Nội. Mục tiêu để có thêm thông tin về các trường đại học, học bổng và quen thêm bạn bè cùng chung “lý tưởng”. Thời gian trôi đi, tôi có nhiều thông tin về học hành và thi tiếng anh, cộng với kinh nghiệm của những người đã dành được học bổng.
Tôi tự tin hơn và quyết tâm dành nhiều thời gian hơn vào công việc này. Tôi mất 6 tháng học thi liên tục để đạt IELTS trung bình (overall) 6.5 và không có môn nào (band) dưới 6. Đây là điều kiện tối thiểu để xin nhiều loại học bổng và xin học ở nhiều trường đại học ở cả Australia và các nước khác (như Châu Âu). Tất nhiên phải nói thêm tiêu chuẩn tiếng anh tối thiểu tùy thuộc vào từng ngành và lĩnh vực.
Trong thời gian luyện thi IELTS tôi vẫn tìm và ghi chép rất cẩn thận các loại học bổng phù hợp với chuyên ngành của mình. Sau khi có điểm tiếng anh đầu tiên IELTS 6.5 tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và nộp một số học bổng mà mình đủ điều kiện như học bổng phát triển chính phủ Nhật Bản JDS, học bổng phát triển chính phủ Australia ADS, học bổng Viện Hàn Lâm Đức DAAD và học bổng Endeavour. Mặt khác vẫn tiếp tục tự luyện IELTS để có điểm cao hơn. Vì tôi biết điểm số càng cao thì cơ hội dành học bổng càng lớn.
Kinh nghiệm cá nhân để dành học bổng
Trong số các học bổng JDS, ADS, DAAD và Endeavour mà tôi nộp đơn ở trên, tôi đã “thắng” học bổng Endeavour - học bổng mà tôi đã lựa chọn và học thạc sỹ nghiên cứu (masters by research) ở Đại học Nam Úc (University of South Australia) cùng với 2 học bổng khác làDAAD và JDS. Cả 3 học bổng trên đều là học bổng toàn phần (tức là bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt hàng thàng, vé máy bay khứ hồi, chi phí bảo hiểm y tế bắt buộc đối với học sinh nước ngoài, phí làm hồ sơ visa….).
Tôi chỉ nhớ giá trị học bổng Endeavour khỏang AUD $ 112,500 (đô la Úc) cho toàn khóa học thạc sỹ. Tôi không nhớ giá trị của 2 học bổng DAAD và JDS vì lúc đó tôi đã xác định sang Australia học thạc sỹ với học bổng Endeavour.
Thực ra tìm trên internet, các bạn sẽ thấy rất nhiều kinh nghiệm xin học bổng và du học. Tôi thấy nhiều thông tin rất có ích và bản thân tôi cũng bắt đầu “những bước đi đầu tiên” từ các bài viết đó. Nay tôi cũng muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân và hy vọng sẽ giúp ích được ai đó.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác như xin việc và làm kinh doanh, việc xin học bổng và đi du học khác nhau đối với mỗi cá nhân. Qua đây tôi muốn nói, các bạn nên xác định sự thành công có thể mất vài năm (có khi đến 5 hoặc 10 năm) tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cá nhân, năng lực thực tế của từng người và may mắn (dù may mắn không phải là yếu tố quyết định).
Nói chung các bạn nên xác định xin học bổng là “trường kỳ kháng chiến”. Điều này đặc biệt đúng nếu các bạn muốn xin những học bổng “lớn” chẳng hạn như học bổng do chính phủ cấp hoặc học bổng tòan phần do chính trường đại học tuyển sinh cấp hoặc các tổ chức tài trợ nhất định.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm cá nhân tôi để thành công khi xin học bổng, các bạn cần một số điều kiện sau:
- Sự quyết tâm và kiên trì cao:
Những ai đã quyết tâm xin học bổng đi học nên xác định phương trâm bao giờ “thắng lợi” học bổng mới thôi. Dành học bổng đòi hỏi phải kiên trì vì rất ít người nộp đơn 1, 2 hoặc 3 lần học bổng mà đã thắng lợi ngay. Các bạn cứ cho phép mình “trượt vỏ chuối” 1 vài lần để thoải mái tư tưởng.
Nộp hồ sơ học bổng nhiều lúc rất tốn kém về mặt “tiền bạc”, thời gian và tinh thần. Về sự kiên trì tôi xin kể chuyện khi tôi nộp hồ sơ học bổng Eramus Mundus cuối năm 2006. Tức là lúc tôi còn chưa có chứng chỉ tiếng anh IELTS. Tất nhiên hồ sơ của tôi bị loại ngay từ vòng đầu.
Đăng ký học bổng này phải nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến trường mà bạn đăng ký học (tất nhiên tôi không rõ bây giờ họ đã thay đổi hình thức qua nộp online hay chưa?). Lần đầu tiên tôi tốn mất gần 1 triệu đồng tiền gửi hồ sơ và chẳng có kết quả gì ngoài cái thư thông báo “tôi trượt vỏ chuối rồi”. Sau học bổng Eramus Mundus, tôi cũng gửi hồ sơ trực tiếp qua đường bưu điện đến một số trường ở Châu Âu như University of Birmingham, University of East Anglia, University of Amsterdam, VU University Amsterdam… và một vài trường khác.
Việc gửi hồ sơ trực tiếp như thế thực sự rất tốn kém và không biết “có kết quả” gì không? Nhưng đổi lại, các bạn sẽ rèn thêm cho mình kỹ năng viết hồ sơ. Trong số tất cả những lần nộp hồ sơ như thế, tôi chỉ nhận được “administration acceptance” – tức là chấp nhận vào học mà không được học bổng.
Tôi hy vọng bây giờ các trường đại học không bắt buộc nộp hồ sơ qua đường bưu điện nữa, như vậy các bạn sẽ tiết kiệm được một khỏan tiền. Nhưng nếu các trường vẫn bắt buộc nộp hồ sơ qua đường bưu điện, thì các bạn vẫn nên thử trong khả năng tài chính của mình và tất nhiên thử nhưng vẫn có mục đích.
Câu chuyện thứ 2 về sự quyết tâm của tôi: tôi đã vay Cô ruột tôi 50 triệu đồng để mua máy tính xách tay và luyện thi IELTS. Tôi nói với cả nhà là tôi sẽ lấy tiền học bổng sau này (dù lúc đó tôi chưa biết bao giờ mình mới dành được học bổng) để trả “nợ”.
Bố mẹ tôi có khả năng cho tôi học tiếng anh và tìm kiếm học bổng trong 1 thời gian, nhưng tôi vay tiền trang trải cho việc học nhằm tạo một số áp lực cụ thể cho bản thân. Thực tế, tôi cố gắng nhiều hơn vì món nợ 50 triệu đồng luôn “ám ảnh” mình.
Đa số các học bổng tòan phần như tôi kể trên (ADS, JDS, DAAD, Endeavour) yêu cần kinh nghiệm tối thiểu 2 năm với thạc sỹ và có thể nhiều hơn đối với tiến sỹ. Vì vậy những ai muốn xin học bổng này cũng phải kiên trì chờ đợi ít nhất 2 năm từ ngày các bạn đi làm. Trong thời gian đó các bạn có thể chuẩn bị tiếng anh và làm hồ sơ (form) trước khi mình hội tụ đủ hết mọi điều kiện.
Sự quyết tâm và kiên trì thường bắt nguồn từ sở thích và ước mơ đi du học của các bạn. Nếu các bạn đã xác định con đường mà các bạn thực sự muốn đi trong những năm sắp tới là du học thì các bạn sẽ có thêm quyết tâm và sự kiên trì.
- Tự tin vào bản thân rằng mình có khả năng dành học bổng:
Cái này bản thân tôi đến giờ làm vẫn chưa tốt. Như kể từ phần đầu, tôi thiếu niềm tin nghiêm trọng vào bản thân mình. Đến giờ tôi vẫn chưa khắc phục được hòan tòan, nhưng tôi muốn các bạn không bị mắc “sai lầm” này của tôi.
Kinh nghiệm của tôi vẫn là các bạn hãy tin mình có thể làm bất cứ điều gì mà những người khác đã làm và thành công. Hãy tin tưởng cơ hội thành công cho mọi cá nhân là như nhau dù nỗ lực mà mỗi người phải bỏ ra để có được thành công đó là khác nhau.
- Kết quả học tập ở Việt Nam và chất lượng của bài luận (essay):
Ngoài điều kiện tiếng anh (IELTS và TOEFL) là bắt buộc. Nếu các bạn xin học bổng học sau đại học, thì kết quả học đại học ở Việt Nam phải tốt. Kết quả học tập chủ yếu thể hiện qua điểm tổng kết trung bình cuối khóa/chương trình học (GPA), các học bổng và giải thường mà các bạn đạt được.
Tùy từng chuyên ngành mà điểm tổng kết trung bình GPA khác nhau, tôi tham khảo các bạn bè được học bổng trước đó, GPA của ngành tài chính và ngân hàng khi xin học bổng khỏang 8.0 hoặc hơn, các ngành kỹ thuật thì khoảng 7.5. Nếu các bạn muốn xin học bổng học đại học thì điểm tổng kết phổ thông trung học phải tốt. Nhìn chung có GPA càng cao sẽ là một lợi thế lớn khi xin học bổng.
Thường mỗi học bổng đều có các bài luận có thể dưới dạng các câu hỏi cho thí sinh. Phần này cũng quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Tôi thấy các bài luận thường liên quan đến những vấn đề sau:
+ Kinh nghiệm làm việc trong quá khứ liên quan như thế nào đến ngành học?
+Tại sao bạn lại chọn ngành học này?
+ Lợi ích của ngành học mà bạn đăng ký đối với cá nhân bạn, đất nước bạn và đất nước bạn theo học?
+ Kế hoạch học tập/nghiên cứu cụ thể của bạn trong thời gian nhận học bổng là gì (câu này rất quan trọng và chắc chắn bắt buộc với bạn nào học nghiên cứu – research như thạc sỹ nghiên cứu và tiến sỹ)?
+ Sau khi hoàn thành khóa học bạn sẽ làm gì?
+ Tất nhiên sẽ có một số câu hỏi khác…
- Hãy tìm “đồng đội” cũng muốn xin học bổng và đi du học như bạn và hãy tìm những người có kinh nghiệm giúp đỡ mình
Kết bạn với những người có cùng mục tiêu chí hướng để động viên tinh thần và học hỏi lẫn nhau là cần thiết. Nếu các bạn đã có sẵn những người bạn được học bổng và đi du học thì tốt quá rồi. Nhưng theo tôi tốt nhất vẫn là những người chuẩn bị xin học bổng và du học như các bạn. Cùng trong một “trạng thái” các bạn sẽ hiểu nhau và chia sẽ được nhiều hơn.
Khi tôi nộp hồ sơ xin học bổng, tôi cũng có các anh chị đã đi du học trong cơ quan giúp đỡ nhưng thời kỳ họ xin học bổng (vài năm trước) có một số điều kiện khác với năm tôi xin học bổng. Và lại tôi thấy những người đã qua thời kỳ này họ sẽ cho bạn kinh nghiệm và những lời khuyên về kỹ năng và cả động viên tinh thần nữa… nhưng trong khi bạn trực tiếp “chiến đấu” bạn cần “đồng đội” hơn là những người đã tham gia “chiến đấu”. Hãy đến các lớp học IELTS, TOEFL để có thêm nhiều người bạn cùng chí hướng.
Nếu có những người bạn hoặc người thân đã được học bổng và đi du học rồi, bạn hãy nhờ họ xem giúp hồ sơ xin học bổng trước khi nộp, đặc biệt phần bài luận (essay). Các bạn có thể đọc và học từ trên internet, nhưng nếu có những người đã thành công xem và sửa hồ sơ của các bạn, điều đó không gì so sánh bằng.
Nếu không có sẵn bạn bè và người thân, các bạn hãy đến các công ty du học để “cộng tác” với họ. Tôi biết họ sẽ thu phí của các bạn nhưng thông thường họ có nhiều người có kinh nghiệm trong việc xin học bổng và du học giúp đỡ bạn.
Tóm lại: tôi nghĩ thành công hay không phụ thuộc nhiều nhất vào con người của bạn. Đó là ý chí quyết tâm, sự kiên trì, kiến thức và kinh nghiệm làm việc của các bạn. Nhưng sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm rất quan trọng. Sự may mắn cũng rất quan trọng, nhưng tôi không muốn lạm bàn về “may mắn”.
Theo tôi may mắn là điều chúng ta không thể tác động đến. Nhìn chung, ít người có thể làm mình may mắn hơn. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta hãy luôn tự tin và hi vọng là mình sẽ may mắn. Tôi cũng hi vọng những kinh nghiệm này giúp ích gì đó cho các bạn. Chúc các bạn thành công và may mắn.
Kinh nghiệm phỏng vấn đi du học Mỹ
Kinh nghiệm phỏng vấn du học Nhật Bản
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Úc
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Mext
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng cực hữu ích
Kinh nghiệm phỏng vấn với người nước ngoài
(st)