Kỹ năng cần thiết của nhân viên tín dụng
Kỹ năng cần có của nhân viên lễ tân
Thuyết trình là quá trình truyền đạt thông tin nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể: hiểu, tạo dựng quan hệ và thực hiện.
Ngày nay, thuyết trình là một kỹ năng không thể thiếu, dù bạn làm việc trong công ty lớn hay nhỏ. Đặc biệt, khi làm việc ở các công ty nước ngoài, chuyện diễn thuyết bằng ngoại ngữ là điều hiển nhiên. Do đó, bạn cần chế ngự được nỗi sợ hãi này nếu không muốn cơ hội thăng tiến của mình bị cản trở.
Xây dựng một bài thuyết trình gồm 3 bước: Phân tích, Cấu trúc, Thực hiện.
- Thứ nhất , bạn cần xác định mục tiêu của việc thuyết trình, ví dụ cái bạn muốn người nghe hiểu là gì, quan hệ bạn muốn tạo dựng là gì, với ai và cái bạn muốn người nghe thực hiện.
- Thứ hai , bạn cần phân tích người nghe bằng cách hãy suy nghĩ về chủ đề thuyết trình dưới góc độ của người nghe, tập trung vào kiến thức của họ về vấn đề bạn thuyết trình đến đâu, ngôn ngữ sử dụng như thế nào, mối quan tâm của họ là gì, những định kiến, tâm trạng, quan hệ của người nghe…
- Thứ ba , là lúc bạn thực hiện phân tích các ý tưởng và xây dựng mạch ý tưởng.
Về cấu trúc
Nhìn chung, một bài thuyết trình thường được chia làm 3 phần: Mở đầu, nội dung và kết thúc. Tại sao vậy? Cấu trúc này mang lại cho người nghe cảm giác có sự phân tích, luận cứ, có cảm giác của sự chuyển động tiến lên phía trước và lý do thứ ba là dễ nhớ.
Một bài thuyết trình tốt nếu đạt được các mục tiêu cơ bản sau đây:
- Không làm mất thời gian của người nghe
- Hiểu người nghe là ai và tại sao họ tới đây
- Cấu trúc tốt bài thuyết trình
- Thực hiện bài thuyết trình lôi cuốn và hấp dẫn
- Nhấn mạnh những điểm quan trọng trong thông điệp của bạn
- Tạo lập được mối quan hệ thân thiện với người nghe
Theo các chuyên gia tâm lý nhận xét, sự tự tin không biến bạn thành một diễn giả giỏi. Kỹ năng của bạn cần được trau dồi mỗi ngày, đồng thời bạn phải hiểu thật rõ những điều mình cần nói và chuẩn bị kỹ càng. Nhưng nếu bạn thấy những bí quyết này vẫn chưa đủ để giúp bạn giữ vững tâm lý, hãy tham khảo thêm những lời khuyên dưới đây.
1. Không nên quá cầu toàn
Phần lớn những người sợ nói trước đám đông bởi vì họ lo mình sẽ mắc phải những lỗi nào đó và bị người nghe cười chê.
Ngay cả những diễn giả chuyên nghiệp cũng phạm lỗi khi nói nhưng họ không bao giờ xem đây là trở ngại. Không ai hoàn hảo, do đó, nếu bạn lỡ nói nhầm, cứ xem như đây chỉ là “chuyện nhỏ”, sửa lỗi và bình tĩnh, tập trung vào những điều sắp nói và tiếp tục như chưa có gì xảy ra.
Bạn không thể nào làm hài lòng tất cả khán giả của mình. Một số người sẽ cười bạn khi bạn mắc lỗi, một số khác không bận tâm. Và quan trọng hơn cả, sẽ có người nghĩ rằng bài thuyết trình của bạn thật hay! Nói chung, phạm lỗi không phải là điều gì to tát. Vấn đề là hãy biến những sơ suất này thành động cơ phấn đấu để hoàn thiện mình.
2. Tưởng tượng một kết cuộc như mong muốn
Nếu bạn sợ nói trước đám đông, bạn sẽ vẽ trong đầu cảnh mình quên bài giữa chừng, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, và biến mình thành trò cười trước khán giả. Nhưng bạn hãy ngừng ngay trí tưởng tượng đầy phong phú và tiêu cực tại đây! Bất cứ khi nào bạn thấy đầu óc mình bắt đầu vẽ ra những viễn cảnh “đen tối” này, hãy tập trung vào một việc khác như ca hát, huýt sáo, đi dạo hoặc nói chuyện với bạn bè.
Quan trọng hơn cả, bạn hãy hình dung buổi thuyết trình thành công tốt đẹp. Hãy tưởng tượng mình nói thật trôi chảy, cuốn hút và người nghe say sưa “uống” từng lời bạn nói. Khi bạn chuẩn bị tinh thần tích cực, kết quả bạn đạt được cũng sẽ khả quan hơn.
3. Chuẩn bị đề tài cẩn thận
Thay vì cứ ngồi lo sợ, bạn hãy tập trung sự chú ý vào đề tài sắp trình bày. Hãy nghĩ rằng bạn sẽ nói những điều thật hay và khán giả sẽ rất thích. Nếu có thể, hãy chọn một chủ đề mà bạn thích và hiểu rõ. Ngay cả những bảng số liệu khô khan cũng sẽ trở nên sống động hơn nếu bạn biết lồng vào đó những câu nói vui hoặc một câu châm ngôn nào đó. Khi bạn thật sự yêu thích những gì mình nói, khán giả sẽ cũng sẽ cảm nhận được điều này.
4. Hít thở
Khi bạn lo lắng, các cơ ngực và cổ họng thường thắt lại và khiến giọng nói của bạn bị “biến dạng”. Hãy hít thở sâu để tập trung đầu óc và giữ cho tinh thần bình tĩnh.
5. Luyện tập và luyện tập
Bạn không thể tự tin nói năng lưu loát trước nhiều người nếu bạn không luyện tập. Rất ít người có khả năng thuyết trình bẩm sinh. Những diễn giả nổi tiếng đều đã từng lo sợ như bạn nhưng họ đã vượt qua nhờ chăm chỉ tập luyện. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tham gia vào các lớp giao tiếp, qua đó, bạn sẽ dần thấy thoải mái khi nói chuyện với nhiều người.
Cuối cùng, hãy nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các chất gây kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá, v.v và dành chút thời gian chăm chút cho diện mạo của mình. Nếu trước giờ thuyết trình bạn vẫn thấy lo lắng, hãy nhớ một điều: Bạn sẽ thành công nếu bạn tập trung tinh thần vào thành công bạn mong muốn, thay vì cứ chăm chăm nghĩ về những gì khiến bạn lo sợ.
(St)