Kỹ thuật nuôi cá thia lia hiệu quả và kinh tế

Muốn lai tạo ra cá con thì chúng ta phải có cá giống. Chọn những cha mẹ tương lai mà ta ưng ý nhất. Tùy theo sở thích của mỗi người mà việc chọn 1 cặp cá khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm những điểm sau để có những chú cá con khỏe mạnh: trống thì khỏe mạnh, lanh lẹ, phùn mang, nhả bọt; mái thì khỏe mạnh, lanh lẹ, bụng đầy trứng...

Nếu tình cờ ta bắt gặp một chú cá lia thia đâu đó và bị cuốn hút ngay bởi màu sắc đa dạng, hình dạng, vẫy, hình dạng đuôi,… thì chúng ta luôn muốn sở hữu cho mình những chú lia thia thật đẹp và do chính tay mình lai tạo ra. Bắt đầu với rất nhiều ý tưởng trong đầu sẽ tạo ra chú cá có màu sắc, vẫy đuôi này, hình dạng kia. Và công việc trở thành một chuyên gia lai tạo bắt đầu. Khi sở hữu 1 cặp cá ưng ý, chúng ta bắt tay vào việc lai tạo.Nhưng một bầy, hai bầy, ba bầy…. sao nó chết hết vậy chỉ sau hơn 1 tuần lễ. Hoặc may mắn hơn thì vài con sống sót. Ước mơ 1 bầy cá với 200- 300 con bị phá sản hoàn toàn khi bầy cá mình chết sạch hoặc còn lại vài con. Cố gắng nuôi những còn còn sót lại, nhưng sao nuôi hoài mà nó không chịu lớn. Cá hơn 1 tháng tuổi mà cứ như cá mới nở được vài ngày.

Xét về khía cạnh kinh tế, nếu chúng ta tính trung bình 1 con cá nuôi trưởng thành nếu ăn trùn chỉ thì 1 con cũng tốn vài chục ngàn tiền trùn chỉ, nhưng nhiêu đó với những chú cá thân yêu của mình thì chấp nhận được. 1 bầy cá 200-300 con thì tiền trùn là bao nhiêu? Và nếu bạn nuôi 10, 20, 30,.. bầy như vậy thì sao? Hiệu quả kinh tế lúc này được cân nhấc đến. Với những gì đã từng trãi qua và hôm nay mình viết bài này với mục đích chia sẽ kinh nghiệm nuôi cá lia thia đang áp dụng. Hy vọng sẽ giúp được những bạn mới nuôi cá có thêm kinh nghiệm nuôi cá. Đối với những bạn đã có kinh nghiệm thì có thêm 1 sự lựa chọn khi nuôi.

Chúng ta chia ra những giai đoạn như sau:

Giai đoạn một: Chuẩn bị.

-    Muốn lai tạo ra cá con thì chúng ta phải có cá giống. Chọn những cha mẹ tương lai mà ta ưng ý nhất. Tùy theo sở thích của mỗi người mà việc chọn 1 cặp cá khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm những điểm sau để có những chú cá con khỏe mạnh:

o    Trống: khỏe mạnh, lanh lẹ, phùn mang, nhả bọt,màu sắc cơ thể tốt, không bệnh tật.

o    Mái: khỏe mạnh, lanh lẹ, bụng đầy trứng, có những đường sọc trên bụng.


-    Trước khi bỏ cá trống mái vào chậu/thau ép thì ta có thể cho chúng tắm sơ qua dung dịch nước muối đậm đặc và thuốc abocin (có bán tại cá tiệm cá cảnh) để diệt khuẩn.

-    Chuẩn bị hồ ép. Thau nhựa ép của mình được bố trí như hình sau:


Bố trí thau ép cá.
 

o    1 hộp đựng xôi, cắt 1 phần để quan sát tổ bọt và được dán cố định vào thành thau.

o    1 lá bàng ngâm đến khi nước ngã sang vàng vàng thì có thể bỏ đi, hoặc để luôn vẫn được, nhưng nước sẽ ngã sang màu vàng đậm và khó quan sát cá con. Chúng ta có thể dùng nước cốt lá bàng ngâm sẵn.

o    1 keo nhựa có thể cắt bỏ phần đáy hoặc để nguyên. Công dụng của keo nhựa này là đựng cá mái bên trong, giúp cá trống xung và xây tổ bọt.

o    Thau ép cá nên bỏ 1, 2 giọt dung dịch diệt khuẩn (F - Super Slime , White Spot & Velvet Away) vào để hạn chế cá con bị nấm. Dung dịch này có thể tìm thấy tại 397 Cách Mạng Tháng 8 , P13 , Q.10 , TP.Hồ Chí Minh.

-    Chuẩn bị nuôi con mẻ làm thức ăn cho cá con mới nở.
-    Sau khi bố trí xong, chúng ta tiến hành thả con trống vào thau và mái vào trong hủ keo nhựa. Việc thả trống hay mái thì tùy mỗi bạn. Mình thì thích thả trống trước và mái vào keo nhựa sau đó.

Coi như giai đoạn chuẩn bị hoàn tất.

Giai đoạn 2: Thả cá mái ra khỏi keo nhựa.

Khi ta quan sát cá mái có hiện tượng phùn mang, kè lại cá trống và rất muốn thoát khỏi keo nhựa khi cá trống phùn mang. Đó chính là lúc ta thả cá mái ra. Nếu quan sát kỉ sẽ thấy bụng cá mái có những đường sọc sọc như mô tả phần trên.

Thời gian thích hợp nhất để thả cá mái ra khỏi keo nhựa cho vào thau là khoảng 4h chiều. Khi đó cá trống và mái có 1 khoảng thời gian tìm hiểu nhau ngắn và cũng tránh cho cá mái bị cá trống cắn tả tơi. Thông thường thì thời gian cho cá mái trong keo khoảng 1 ngày trước khi thả. Ta có thể cho cá trống và mái đứng keo 1 thời gian trước khi bỏ vào thau ép. Điều này giúp cho cá trống ít cắn cá mái (áp dụng khá hiệu quả với cá đá) và kích thích trứng cá mái chín hơn. Đối với lia thia kiểng thì việc kè keo này cũng không quá khắc khe. Mình có thể bỏ qua giai đoạn kè keo.

Giai đoạn 3: Qúa trình sinh sản.

Sau đó ta thấy cá trống và mái quấn quít lại với nhau đó chính là biểu hiện đầu tiên của quá trình sinh sản. Cá trống sẽ tìm cách dẫn dụ cá mái vào tổ bọt.

Cá trống sẽ quấn lấy thân của cá mái, ép trứng từ bụng ra và đồng thời cũng tưới tinh trùng vào trứng, giúp trứng thụ tinh.




Tổ bọt với trứng
 

Sau khi quá trình trứng được thụ tinh kết thúc. Lúc này cá trống sẽ đánh và đuổi cá mái ra xa khỏi tổ bọt để bảo vệ trứng.Vào thời điểm này chúng ta nên bắt cá mái ra nuôi dưỡng lại để chuẩn bị cho quá trình lai tạo sau này.

Giai đoạn 4: Nuôi dưỡng cá con.

Trứng thụ tinh thành công khoảng 2 ngày sẽ nở. Ban đầu trứng có màu trắng sữa, sau đó chuyển dần sang màu trắng đục và có những chấm đen đó chính là trứng chuẩn bị nở.

Lúc vừa nở, cá con rất yếu và bơi thẳng đứng. Lúc này cá cha sẽ làm 1 công việc mà gần như không nghỉ đó là đi vớt những con cá con bỏ lại vào tổ bọt. Thoạt đầu ta cứ tưởng là cá cha ngậm và nuốt cá con. Nhưng ít cá cha làm thế, nhưng vẫn có. Khi ta quan sát thấy số lượng cá con vẫn đông đủ tức là cá cha đang thực hiện nhiệm vụ của mình khá tốt. Khi cá cha có những biểu hiện như: lười di chuyển, không xây thêm tổ bọt, tổ bọt hết, cá cha không vớt cá con bơi yếu, đó là những ông cá cha vô trách nhiệm với con mình và chúng ta nên can thiệp để cứu bầy cá con. Nếu cứ để vậy, thì tỉ lệ sống của cá con rất thấp.



 

Cá con 1 ngày tuổi.
 

Khoảng 2-3 ngày sau là cá con có thể bơi ngang được, bước vào giai đoạn bơi lội tự do. Lúc này ta có thể vớt cá cha ra để nuôi dưỡng lại.

Lúc này cá con sẽ đi tìm khắp thau để kiếm thức ăn, giai đoạn này hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không bổ xung thức ăn kịp thời thì cá con sẽ yếu dần và chết. Biểu hiện của cá con đói là sẽ nổi nhiều trên mặt nước và thường bu theo cá cha để tìm thức ăn. Khi đó ta cho con mẻ vào cho cá con ăn.

Dùng ống hút cắt chéo 1 đường và lấy mẻ cho cá con ăn, rãi đều khắp mặt thau để tất cả cá con có thể ăn. Chúng ta cho cá con ăn liên tục 3-4 lần một ngày sẽ giúp tỉ lệ cá sống nhiều hơn.Nhớ là lấy con mẻ - những con nhỏ nhỏ bám trên thành keo như mạng nhện, chứ không lấy cơm trong hũ nuôi mẻ để cho ăn. Nếu lấy cơm có thể gây hư nước và cá con chết hàng loạt.



Ống hút cắt nhọn 1 đầu và hủ keo nuôi mẻ.
 

Nếu bạn có điều kiện kinh tế thì có thể ấp artemia cho cá con ăn thêm.

Cá con được cho ăn bằng con mẻ hoặc artemia trong khoảng 2 tuần thì có thể chuyển sang hồ lớn nuôi . Hồ nuôi được bố trí như sau:



Hồ nuôi cá bột sau 2 tuần tuổi.
 

Hồ nuôi cá bột sau 2 tuần tuổi nên được chuẩn bị trước. Hồ được thả lục bình với mật độ che phủ vừa phải, xử lý nấm trước khi cho cá con vào.Thông thường là khi bắt đầu ép cá trong thau thì cũng là lúc nên chuẩn bị hồ. Việc chuẩn bị sớm này sẽ giúp các vi sinh vật phát triển và là nguồn thức ăn ban đầu cho cá bột khi vào hồ.

Lúc này, nếu có bo bo thì dùng bo bo cho cá con ăn. Nhưng nếu không có bo bo thì chúng ta có thể thay thế bằng cám Tomboy TB0. Ta có thể kết hợp bobo và cám luôn cũng được.



 

Các bạn ở TPHCM có thể mua cám tại địa chỉ sau:

1/ Cửa hàng thức ăn gia súc Ngân Hà, 123 Phạm Văn Hai, F3, Quận Tân Bình

2/ Cửa hàng thức ăn gia súc 14 Cao Xuân Dục13, Q8.

Ban đầu cá con có vẻ không quen lắm với việc ăn cám. Nhưng bạn cứ tập cho chúng ăn từ từ, ít ít từ từ rồi tăng dần, rồi khi thấy cám, chúng ăn rất ngon lành.



Cá tụ tập chờ ăn cám.

 

Chú ý khi xài cám như sau:

-    Nên cho ăn cám nhiều lần trong ngày. Có thể cho ăn sáng, trưa, chiều. Điều này sẽ giúp cá ăn hết cám và tránh dư thừa gây hư nước.

-    Cứ thế mà ta tập cho cá ăn cám cho đến lớn. Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng ta, cá con sẽ tụ lại thành bầy chờ đợi ăn. Nên bỏ ít ít để cá ăn hết rồi hãy bỏ tiếp để tránh lãng phí thức ăn và làm hư nước.

-    Nên áp dụng cho ăn cám đối với lia thia kiểng. Còn đối với cá đá thì ta nên cho ăn lăng quăng.

-    Nếu không dùng hết cám, thì ta hàn miệng bao lại tránh cám bị hư.

Ưu điểm của việc nuôi cá bằng cám:

-    Chi phí thức ăn được giãm xuống đáng kể.

-    Cá phát triển bình thường và cho màu sắc đẹp.

-    Chủ động được thời gian cho cá ăn.

Nhược điểm của việc nuôi bằng cám

-    Nước trong hồ mau dơ. Nên thả thêm cá lau kiếng để ăn chất thải và thường xuyên rút và cho thêm nước mới vào.

Khi cá lớn, trong bầy sẽ có rất nhiều có lớn và con nhỏ. Lúc này ta nên tiến hành tách bầy để cá có thể phát triển tốt nhất về không gian và lượng thức ăn. Con nhỏ nuôi riêng, con lớn nuôi riêng.



Tách bầy cá ra thành 2 hồ: trái nuôi cá nhỏ, phải nuôi cá lớn.
 

Khi cá đã phát triển lớn, ta cho cá trống vào từng keo nuôi riêng, giúp cá phát triển đầy đủ về màu sắc cũng như bộ vây trên cơ thể.



Keo nuôi cá trưởng thành.
 

Với phương pháp này hy vọng sẽ giúp các bạn đạt hiệu quả cao mà giá thành, chi phí thức ăn giãm xuống đáng kể khi nuôi lia thia.