Làm gì để khắc phục em bé lười bú

Con gái tôi hiện được hơn 4 tháng rồi. Bình thường cháu vẫn bú mẹ và ngủ tốt nhưng mấy tuần gần đây cháu rất lười bú mẹ. Cháu chỉ bú mẹ với một lượng rất ít và khoảng cách giữa các cữ bú là khá thưa nhau. Ban ngày khoảng 4 tiếng cháu mới bú 1 lần, ban đêm cháu không bú cữ nào và ngủ suốt đêm. Hiện giờ tôi cảm thấy rất lo lắng, xin tư vấn giúp tôi!

Trả lời:

Việc bé bỗng dưng chê ti mẹ, lười bú là chuyện “thường ngày ở huyện” và khiến rất nhiều mẹ lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé lười bú mẹ:

  • Bé đang trong giai đoạn mọc răng, lợi của bé bị sưng đau.
  • Bầu ngực của mẹ có mùi vị lạ làm bé sợ như: việc mẹ dùng nước hoa, kem dưỡng da, kem giữ ẩm, kem thoa ngực…
  • Mùi vị sữa bị thay đổi do chế độ dinh dưỡng từ mẹ.
  • Mẹ bị stress kéo dài, làm xáo trộn lịch cho bé bú hàng ngày. Việc không phân biệt thời gian của mỗi cữ bú sẽ làm hệ tiêu hóa của bé hoạt động kém hiệu quả: Bé không phân biệt lúc nào mình đói hoặc cần sữa.
  • Một số chứng bệnh khiến bé bị đau và không thoải mái khi bú bao gồm: bé mắc chứng bệnh về tai, mũi; bé có vết loét hoặc vết xước trong miệng; bé bị tưa lưỡi…
  • Đầu ti của mẹ cứng hoặc tụt sâu khiến bé ngại bú
  • Bé cắn ti mẹ và bị mẹ phản ứng bằng cách la lớn khiến bé bị tâm lý
  • Một phần do bé quen với việc bú sữa bình có dòng sữa chảy mạnh, bé không chịu bú mẹ vì nguồn sữa thất thường.

Sau khi kiểm tra xem nguyên nhân bé “chê” ti mẹ, chị có thể bắt đầu cho bé bú lại. Việc kích thích nguồn sữa mẹ dựa trên nhiều phương pháp: Cho bé bú để kích thích tuyến sữa, xoa bóp ngực, ngủ nghỉ hợp lý (8 – 10 h / ngày), tránh căng thẳng, và kết hợp với chế độ ăn uống của mẹ cùng những lưu ý khi dùng thuốc men.

Để bé bú mẹ hiệu quả

  • Chị cần tạo lại thói quen bú cho bé: Chia các cữ bú rõ ràng về mặt thời gian. Bắt đầu vào lúc bé đã hơi đói (tránh để bé gắt khóc vì quá đói).
  • Đổi cách bế bé khi cho bú, hoặc cho bé bú ở nơi yên tĩnh, hơi tối một chút.
  • Cố gắng xác định nguyên nhân bé không chịu bú. Nên đưa bé đi khám để xem bé có nhiễm khuẩn tai hoặc các bệnh khác hay không. Nên kiểm tra nguồn sữa, đặc biệt nếu bé bú thất thường hoặc ngày càng phụ thuộc vào việc bú bình.
  • Duy trì việc gần gũi và tiếp xúc bé thường xuyên khi không cho bé bú. Cho bé bú mẹ mỗi khi bé buồn ngủ.
  • Chị cũng nên tăng các cữ “ti mẹ” thay vì bú bình cho bé. Nhiều người mẹ quá bận rộn với công việc cơ quan và việc gia đình nên xuất hiện tâm lý để bé bú bình cho tiện. Chính yếu tố này sẽ khiến bé vui thích với việc bú bình hơn là “ti mẹ”.
  • Chị nên tránh sử dụng những loại kem dưỡng da, nhất là gần vùng ngực để bé không khó chịu khi bú.
  • Bên cạnh đó, chị cũng nên tuân thủ một chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì chất lượng sữa, giúp bé thích “ti mẹ”.

Sữa mẹ chứa nhiều vitamin cũng như các chất sắt, đạm cần thiết cho bé. Những chất này đủ cho sự phát triển của bé đến tuổi ăn dặm (khoảng 4-6 tháng tuổi).Bé sẽ hấp thu dưỡng chất tốt hơn nếu bạn tuân thủ chế độ tắm nắng cho bé hàng ngày. Tất nhiên, chị cũng nên tránh để bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời gay gắt.