Làm gì khi bị sếp mắng, bạn nên biết

Nhiều người vẫn chọn cách “im lặng là vàng” khi bị sếp quát mắng, quở trách kể cả khi biết rõ sếp đang bắt nạt mình một cách vô cớ.

Ứng phó khi bị sếp bắt nạt

Nhiều người vẫn chọn cách “im lặng là vàng” khi bị sếp quát mắng, quở trách kể cả khi biết rõ sếp đang bắt nạt mình một cách vô cớ.

Đôi khi, vì muốn "lên mặt", tìm cách đổ lỗi cho một ai đó khi công việc không thuận lợi, nhiều vị sếp chẳng ngần ngại quát nhân viên ầm ĩ trước mặt các đồng nghiệp. Một lần, hai lần còn có thể bỏ qua, nhưng nếu không phải lỗi của bạn, đừng mãi nhường nhịn như thế. Bởi các cụ vẫn thường nói "được đằng chân lân đằng đầu", nếu không phản ứng gì, bạn có thể mãi trở thành nơi để sếp trút giận mà thôi.

Cam chịu chỉ khiến bạn dễ bị coi thường - (Ảnh minh họa)

Sự cam chịu bất công đó khiến bạn ít nhiều ấm ức trong lòng và chỉ khiến đồng nghiệp nhìn bạn bằng ánh mắt thương hại, thậm chí coi thường mà thôi. Bởi vậy, đối với những vị sếp quen bắt nạt nhân viên, bạn nên tìm cách ứng phó phù hợp. Stacy Harris, giám đốc nhân sự của Bersin & Associates - một công ty nghiên cứu và tư vấn dịch vụ đã chỉ ra những cách giải quyết sau:

- Hiểu rõ bản chất vấn đề

Dù là sếp đang cố tìm cách bào chữa cho chính mình, đổ hết lỗi cho bạn hay vì tức giận mà bắt nạt bạn thì cũng đều gây trở ngại không nhỏ khi bạn muốn tìm cách giải quyết vấn đề trong hòa bình. Lúc đó, bạn đừng vội vàng phản ứng gay gắt mà hãy ngồi lại nhìn nhận vấn đề xem liệu có phải vấn đề đó vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn hay không. Sai đến đâu, bạn hãy nhận lỗi đến đó.

Đôi khi, bạn cần phải phản ứng để sếp biết rằng, bạn không phải là kẻ nhu nhược, dễ bắt nạt - (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hãy đợi đến lúc sếp nguôi giận mới vào gặp sếp để nói chuyện cho rõ ràng. Nếu đó là vị sếp anh minh, chắc chắn, họ sẽ hiểu bạn không phải là người dễ bị lấn lướt.

- Đề cao lòng tự trọng

Thông thường, những người hay bị bắt nạt là những người tạo cho sếp cảm giác họ yếu đuối, ít phản ứng. Với áp lực từ sếp, nếu bạn cứ im lặng chịu đựng thì càng dễ bị tổn thương. Nhưng đề cao lòng tự trọng không có nghĩa là bạn cứ đùng đùng “bật” lại sếp, cãi nhau tay đôi giữa văn phòng hay cao giọng tuyên bố bỏ việc.

Thay vào đó, hãy dành thời gian thư giãn với bạn bè, gia đình hoặc tình nguyện tham gia các dự án mới sếp vừa nhận về. Sự tự tin, niềm lạc quan và tinh thần luôn vui vẻ, phấn chấn của bạn sẽ khiến mọi việc thuận lợi, sếp cũng dần dần nhìn bạn với con mắt khác. Cố gắng khẳng định bản thân và tạo lập vị trí cho mình, để sếp và đồng nghiệp nhận ra chân giá trị của bạn, để rồi dù có muốn, sếp cũng chẳng dễ dàng gì cất lời bắt nạt bạn được nữa.

Thế nhưng, hãy tìm cách phản ứng thật khéo léo, đừng vì những mâu thuẫn nhỏ mà nảy sinh chuyện lớn - (Ảnh minh họa)

- Phản ứng khéo léo

Tất nhiên, chẳng ai muốn phản ứng với sếp, lại càng không ai thích có những bất đồng, mâu thuẫn, nhất là khi người thuộc cấp trên của mình. Thế nhưng, như thế cũng không có nghĩa là bạn cứ phải "nhũn như con chi chi" để giữ hòa khí. Nếu bị "đàn áp" quá mức, bạn cũng nên để sếp thấy bạn không hài lòng với cách đối xử như vậy. Bạn có thể gửi email cho sếp để tránh những ồn ào nơi công sở.

Nếu việc làm đó không mang lại kết quả gì, bạn nên nhờ cấp trên can thiệp bởi những vị sếp cấp cao hơn có thể nhìn rõ và phân loại đúng sai chính xác, biết cách tháo gỡ những rắc rối này. Một khi bạn đã có lời, chắc chắn người ta sẽ để ý và giải quyết giúp bạn.

- Rời bỏ công ty

Đây là giải pháp cuối cùng khi những giải pháp khác không mang lại hiệu quả. Nếu đã làm mọi cách mà sếp vẫn chứng nào tật nấy, bạn cũng đừng cố gắng ở lại và nhẫn nhịn để giữ hòa khí nữa. Một khi sếp đã cố tình không hiểu phải trái, không chịu nhìn nhận những nỗ lực hàn gắn của bạn thì việc rời công ty chẳng có gì phải hối tiếc. Bởi nếu bạn cứ cố gắng bám trụ, sếp sẽ nghĩ rằng bạn đang rất cần việc làm và chẳng biết đi đâu nên họ càng bắt nạt bạn nhiều hơn.