Làm gì khi bị sếp mắng mà không phải lỗi của mình

Cả công ty hình như chẳng còn ai là chưa từng nếm mùi "chửi" của sếp. Chửi dường như trở thành thói quen, thành "đam mê" của sếp đến nỗi nhân viên vẫn đùa với nhau rằng: "Ngày nào không chửi ai, chắc sếp phát điên ngày đó".

Stress vì sếp hay... chửi

Cả công ty hình như chẳng còn ai là chưa từng nếm mùi "chửi" của sếp. Chửi dường như trở thành thói quen, thành "đam mê" của sếp đến nỗi nhân viên vẫn đùa với nhau rằng: "Ngày nào không chửi ai, chắc sếp phát điên ngày đó".

Cao ráo, đẹp trai và năng lực tốt chẳng biết có phải thích thể hiện, lên mặt với nhân viên hay không mà Hoàng thường xuyên chửi nhân viên lút mày lút mặt. Sai nhiều chửi đã đành, sai ít cũng chửi, thậm chí mới thấy ló ra cái ý tưởng hơi sai là đã bị Hoàng chửi cho không ra gì. Điển hình là Thành. Vào công ty bao nhiêu năm, là kế toán kỳ cựu nhưng Thành cũng chẳng được sếp nể nang gì.

Chưa kịp đòi tiền khách hàng, sếp cũng mắng té tát. Nhiều việc quá, chưa thanh lý hết hợp đồng, sếp cũng nói. Mà có phải nói bình thường, nhẹ nhàng gì đâu. Nếu là quên, Hoàng sẽ nhắc lại điệp khúc: “Sao làm ăn ngu thế, đã không thông minh thì phải ghi lại, notes vào mà làm chứ. Đã ngu lại còn chảnh, làm ăn chả biết đường nào”. Chẳng may có chút sai sót về tên, địa chỉ, sếp cũng nổi đóa lên: “Lần sau mà còn làm ăn kiểu này thì đi ăn cám thay cho lợn”…

Chửi dường như trở thành thói quen, thành "đam mê" của sếp đến nỗi nhân viên vẫn đùa với nhau rằng: "Ngày nào không chửi ai, chắc sếp phát điên ngày đó". (Ảnh minh họa)

Nhiều lần ức chế, Thành bật lại, ngay lập tức bị sếp ca thêm cho trận nữa vì cái tội “Đã ngu lại còn hay cãi”. Được cái, công việc ở đây cũng nhàn, thu nhập khá lại gần nhà, có thời gian chăm sóc con cái nên dù bực bội với sếp, Thành vẫn cố gắng làm thêm một thời gian nữa, khi con cái lớn rồi sẽ tìm việc chỗ khác. Vả lại, ngoài nhược điểm hay chửi quá lời, Hoàng cũng là người biết quan tâm đến mọi người và luôn đánh giá đúng năng lực, trách nhiệm của từng người.

Thế nhưng, làm việc lâu năm như Thành còn đỡ vì dù sao cũng đã quá quen với sự trái nắng trở trời của sếp mỗi ngày. Chỉ khổ những nhân viên mới vào, cứ nghe Hoàng chửi mà nhiều phen khiếp vía. Có lần cô bé Thu mới vào công ty chưa được một tuần, chỉ vì lên cái format chương trình không trúng ý Hoàng, thế là Hoàng cũng mắng té tát. “Cô đã biết làm format là như thế nào chưa hả, không biết thì cũng phải dùng cái óc mà suy nghĩ chứ. Óc cô làm bằng bã đậu hay là đất sét mà nói mãi vẫn không sáng ra”. Mới đi làm, chưa quen với kiểu bị sếp chửi thẳng mặt, Thu chỉ biết đứng nép vào một góc, mặt cắt không còn giọt máu. Dù Thu đã hứa là về sửa lại và gửi luôn cho sếp trong ngày nhưng vẫn không tránh khỏi trận mắng tơi bời. Chưa lấy lại bình tĩnh, Hoàng đã vứt toẹt tập giấy trước mặt “Còn chường mặt ra đấy làm gì, cút về phòng mà làm cho tử tế đi”. Ra khỏi phòng sếp, Thu òa khóc, các chị trong phòng có an ủi bao nhiêu cũng không thể làm cho Thu nín được. Một tháng sau, Thu xin nghỉ vì không thể chịu nổi cái thói “chửi nhân viên như hát hay” suốt ngày của sếp.

So với Tài thì những nhân viên làm việc “dưới tướng” Hoàng vẫn còn là may mắn chán. Bất kể nam hay nữ, nhân viên cũ hay mới, hễ sai là Tài chửi, kể cả cái sự sai ấy có thể sửa nhanh chóng và không hề ảnh hưởng gì đến công ty. Mà giọng tài vốn đã oang oang, lúc bực lên, cái giọng ấy càng trở nên kinh khủng với volume cực độ, có đóng cửa trên tầng 5 lại mà chửi thì ở tầng 1 vẫn nghe thấy rành rành. Đã hay chửi, Tài lại nhớ rất dai. Không phải nói xong là quên, hôm sau Tài còn lôi ra nói tiếp. Nếu không có mặt ở công ty, Tài sẵn sàng gọi điện chửi nhưng hôm sau đến công ty, tài vẫn không quên ca thêm một bài chói cả tai. Có lần, cô bé thủ quỹ chuyển bản quyết toán sang cho Tài ký cũng bị chửi một bài dài chỉ vì quên chưa xin xác nhận của trưởng phòng kế toán. “Cô đi học lại quy trình cho tôi ngay, ai có cái kiểu kế toán trưởng chưa ký đã chuyển cho sếp thế này không? Làm ăn ngu như bò”.

Đừng để nhân viên bị stress chỉ vỉ sếp hay... chửi. (Ảnh minh họa)

Phòng quảng cáo được coi là phòng phải chịu trận nhiều nhất vì thường xuyên giáp mặt sếp, mà đâu phải lúc nào công việc cũng trôi chảy, vừa lòng sếp. Viết bài PR, Tài cũng phải xem đi xem lại kỹ càng, bắt sửa đi sửa lại, chẳng may cô nào làm chưa đúng ý sếp hoặc có lời tranh luận, góp ý, ngay lập tức bị Tài mắng cho ra ngô ra khoai. Gọi điện ra mà chẳng may máy đổ 3, 4 hồi chuông mà chưa nhấc máy, Thành xông thẳng ra phòng quảng cáo, gặp ai chửi luôn người đó vì cái tội “thấy điện thoại đổ chuông mà không nghe.Có phải là tai lòi, hay là voi nằm trong tai mà điện thoại réo thế vẫn không trả lời”.

Chả ai dám cãi lời Tài vì biết có cãi chỉ chuốc thêm rắc rối mà thôi. Có lần, nhân ngày khai trương chi nhánh mới, đã thống nhất là phòng quảng cáo lên giúp đỡ chi nhánh một ngày, lo liệu mọi việc cho ngày khai trương được trọn vẹn. Thế mà đến giữa buổi, tự nhiên Tài lại gọi điện về văn phòng hỏi han công việc vì theo Tài nói “đối tác gọi điện thúc giục”. Đương nhiên, chẳng có ai nghe máy. Chẳng cần đợi đến cuối buổi, Tài gọi điện luôn cho trưởng phòng, chửi thằng: “Cô làm ăn kiểu gì đấy, đối tác gọi điện nhắc nhở tôi. Cô có về mà làm ngay đi không. Sao mà ngu thế, nói đi cái là cả phòng đú đởn đi theo, ít nhất cũng có đứa ở nhà còn việc nọ việc kia chứ. Ngu thế thì bốc c… mà cho vào mồm”. Thế là ngay lập tức, trưởng phòng quảng cáo phải phi xe về công ty, hùng hục hoàn thiện nốt cho đối tác trước khi sếp về đến công ty và chửi thêm bài nữa.