Làm gì khi chồng không đưa tiền cho vợ nuôi con

“Con gì ăn lắm nói nhiều/Mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền”, anh Thân (TP HCM) kể, ngày mới đi làm, nghe mấy anh lớn tuổi trong phòng đố câu này cứ ngẩn tò te không hiểu gì. Đến khi lấy vợ, anh giải được ngay.

Rồi anh phàn nàn chủ nhật tuần trước vợ con rủ đi siêu thị, hai mẹ con chất đầy hàng, đến lúc thanh toán, vợ kêu để quên thẻ ATM và tiền ở nhà, may mà trong túi anh cũng có tiền đủ để trả không thì đến xấu hổ với mọi người xung quanh. Về đến nhà vợ cười bảo coi như chồng tặng quà 8/3 sớm.

Anh kể mỗi tháng đều đưa vợ 2,5 triệu đồng để lo liệu các khoản chi tiêu trong gia đình, thế mà lúc nào vợ cũng kêu thiếu tiền, không hiểu làm gì mà tốn kém thế. Quà sáng, cơm trưa, chồng đã tự ra ngoài ăn, con thì ăn ở lớp, loanh quanh mỗi bữa tối mà lúc nào vợ cũng vòi tiền. Hầu như tháng nào ngoài khoản cố định 2,5 triệu đồng, anh đều bị vợ “lột” thêm bằng cách nhờ mua thứ này thứ kia. “Mình về đòi lại tiền thì ngay lập tức tối đó vợ kêu đau đầu, chốt cửa phòng ngủ hay hai mẹ con ôm nhau về ngoại”.

Nhiều bà vợ dùng chiêu nhờ chồng đi mua hàng để ông xã san sẻ gánh nặng tài chính gia đình – Ảnh:Kim Anh

Thùy Dương (Quận 4, TP HCM) rất ngại nói chuyện tiền nong với chồng vì sợ mang tiếng tham tiền. Lương anh Hoàng cụ thể bao nhiêu, chị không biết chỉ thấy ở công ty anh mọi người có vẻ khá giả. Sau ngày cưới, mỗi tháng anh Hoàng đưa chị 3 triệu đồng để chi tiêu trong nhà. Nhà cửa đã được bố mẹ chồng cho, thu nhập mỗi tháng của Dương 8 triệu, chị cảm thấy thật thoải mái và hạnh phúc.

Thế nhưng chi tiêu ngày càng đắt đỏ, rồi Dương sinh bé Thỏ, anh Hoàng vẫn vô tư với khoản đóng góp ban đầu của mình. Bao nhiêu tiền, anh nướng hết vào những sở thích cá nhân như uống bia sau giờ làm, tham gia hội đua xe phân khối lớn và chạy đua công nghệ. Điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop thế hệ mới xuất hiện anh mua cho bằng được, mấy ngày sau lại chán, đem bán rẻ cho người quen.

Thùy Dương tính toán: Hai hộp sữa ngoại loại 1,8 kg, cháo với những tôm, thịt, rau… được chế biến riêng, bỉm, quần áo của riêng bé Thỏ… tất cả xấp xỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể bé khó nuôi thường xuyên mắc bệnh hô hấp, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm VA… Mỗi lần đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng, chỉ riêng tiền khám và tiền taxi đã tốn hơn 300 nghìn đồng, cộng thêm thuốc men nữa lên đến cả triệu bạc.

Từ ngày sinh con, Dương khôngdành dụm được đồng nào, không những thế bao nhiêu tiền tiết kiệm từ trước cứ đội nón ra đi. Tháng trước, nghe mấy chị kế toán trong công ty khuyên, Dương quyết định mua một cuốn sổ ghi chép cẩn thận các món chi tiêu cho gia đình, để trên bàn, không ngờ chồng đọc được, tự nguyện tăng thêm tiền đưa vợ.

Cô Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) có một chiêu “làm kinh tế hộ gia đình” khá độc: Thỉnh thoảng trong những lần giặt quần áo cho chồng, cô rút ra vài đồng trong ví mua thức ăn cho con cháu. Chồng cô ngoài khoản lương cứng được trả qua thẻ ATM đã đưa cho vợ giữ còn có khoản tiền trách nhiệm lấy bằng tiền mặt. “Trong túi ông ấy thường có một, hai triệu phòng thân do đi ôtô, mình rút ra một, hai trăm nghìn cũng không mấy khi để ý. Mình rút ra cũng chỉ để mua thức ăn cho con cháu, coi như nhặt được một ít tiền. Một tháng chỉ một hai lần thôi nhưng cũng thêm ba, bốn trăm nghìn đồng”, người phụ nữ đã lên chức bà nội, ngoại chia sẻ. “Vợ chồng không nên sĩ hão với nhau làm gì; gia đình mình, mình phải lo. Để tiền đó trong túi các ông cũng vào cà phê, cà pháo hết. Mình lấy ra, con cháu có thêm bữa thịt gà mà ăn”.

Từ ngày ra ở riêng, chị Vân (Từ Liêm, Hà Nội) và chồng thống nhất: Anh đóng tiền học cho con cùng tiền điện nước, điện thoại… nhìn chung là những khoản cố định hàng tháng còn chị lo các khoản ăn uống, tiêu dùng hàng ngày. Chị Vân bảo: Mình thật dại, học phí, giá tiền điện nước theo thời gian có tăng nhưng mức độ không nhanh bằng giá cả thực phẩm và các chi phí hàng ngày. Chị Vân bàn với chồng thay đổi cách đóng góp chi tiêu gia đình nhưng anh cứ ậm ừ. Mấy ngày liền, bữa cơm nhà chị chỉ có trứng, đậu và rau luộc, hai đứa con khóc lóc chê thức ăn. Chị bảo mình cũng ngán đến tận cổ mấy món đó quá, nhưng chờ xem ông xã có trích hầu bao không thì mới thay đổi thực đơn.

Theo một khảo sát trên VnExpress.net với 822 độc giả tham gia ý kiến, 54% thừa nhận trong gia đình chồng đưa toàn bộ lương cho vợ, xin lại một phần để tiêu riêng, 9% ông chồng đưa một nửa tháng lương cho vợ, 4% đưa lại một phần tháng lương cho vợ và giữ lại phần lớn cho mình, 25% gia đình đóng góp theo hạng mục như chồng cho con học phí, vợ lo chi tiêu sinh hoạt gia đình, 2% chồng giữ toàn bộ lương, phát tiền cho vợ đi chợ hàng ngày, 6% vợ chồng không phải đóng góp vì một người đủ khả năng gánh vác kinh tế gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các ông chồng đã đóng góp một khoản tiền cho vợ thường cho rằng mình đã có trách nhiệm và ỷ lại cho vợ, nghĩ rằng vợ tự xoay xở được. Một phần do các bà vợ cũng ngại nói chuyện tiền nong với chồng, vẫn bao bọc chồng và gồng mình chi tiêu trong nhà. Các bà vợ nếu chỉ nói chung chung rằng bây giờ giá cả leo thang, anh góp thêm tiền, các ông thường không để tâm.

Tuy nhiên, nếu chị em có hành động thực sự, như công khai các khoản thu nhập và chi tiêu với chồng, phân tích rạch ròi trước kia mình có khoản này, khoản kia nhưng giờ không còn nữa, đưa chồng đi chợ cùng vài lần để biết giá cả các mặt hàng, thậm chí cắt một số khoản tiêu dùng như không cho bật điều hòa, không dùng bình nóng lạnh để tiết kiệm điện, bớt một số món ăn khoái khẩu mà đắt đỏ trong bữa ăn, giảm chương trình học phụ đạo hay vui chơi của con… các ông sẽ tỉnh ngộ.

Còn đối với những khoản thưởng, những khoản tiền phát sinh so với lương hàng tháng của chồng, chị em nên có kế hoạch chi tiêu trước, gợi ý mua một món lớn cho gia đình thì mới có thể khiến ông xã rút hầu bao.

Chuyên gia tâm lý Hồ Đức Thắng (tổng đài 1088 TP HCM) cho rằng, đàn ông lập gia đình đều mong có chốn bình yên đi về, mong được vợ quan tâm chăm sóc. Nếu chị em biết cách chiều chồng, tăng cường tiếp xúc với chồng từ lời nói ngọt ngào đến những hành động ôm hôn hay quan hệ vợ chồng, biết quan tâm lẫn nhau, thấu hiểu sở thích tâm tư của nhau, biết cách quản lý chi tiêu gia đình thì các ông chồng “chuẩn men” đều sẵn sàng đóng góp cho vợ.