Làm gì khi con lười học, ham chơi?
Làm gì khi con lười học, những kinh nghiệm dạy con
Làm gì khi con lười học - lời khuyên từ chuyên gia
Trẻ em lười học là nỗi khổ tâm của không ít bậc cha mẹ và thường được các bậc cha mẹ cho là lười biếng. Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề trẻ em lười học một cách đầy đủ và cụ thể hơn. Trẻ em lười biếng tức là trẻ em không làm gì cả, mà chỉ ngồi yên một chỗ, bạc nhược, âu sầu, không thích chơi đùa. Nếu con bạn lâm vào tình trạng đó thì bạn nên đưa nó tới các cơ sở y tế dể khám và điều trị vì chắc rằng nó đã bị ốm đau hoặc đang có vấn đề không bình thường về sức khỏe. Một trẻ em bình thường không có vấn đề về sức khỏe thì không lười biếng.
Trẻ em ham hoạt động bình thường như những đứa trẻ khác nhưng nó lười học là do trong việc học có điều làm cho nó không thích, chán ngán, lo sợ. Nếu trẻ không thích làm thì việc làm đó đối với nó nặng nhọc, không hứng thú hoặc nó không thấy rõ sự cần thiết, ích lợi. Nó ham chơi vì trong trò chơi có những điều hấp dẫn, đáp ứng lại nhu cầu hoạt động, hiểu biết của nó, gợi được niền vui cho nó.
Trẻ em lên ba, lên bốn tuổi thấy anh chị đi học cũng đòi cắp sách tới trường. Đó là một biểu hiện tốt. Nhưng khi đã tới trường một lần rồi thì nó không muốn đi học nữa. Chúng ta thấy nhiều trẻ em đi học với vẻ mặt buồn sầu, nước mắt giàn giụa, vừa đi vừa quay mặt về nhà như để cầu cứu; Nhiều trẻ em khác mỗi lần đi học là một lần phải ăn đòn. Học với tâm trạng đó thì làm sao không lười được. Bước đầu trên con đường học vấn của trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ nên có bước chuẩn bị thật tốt cho cho trẻ khi đến trường để trẻ nếu chưa thấy được bông hoa thì cũng đừng trông thấy quá nhiều gai góc mà chán.
Cha mẹ phải thường xuyên tiếp xúc với trường con học để tìm cách giúp đỡ nó. Về nhà cố gắng giúp nó học bài, làm bài. Điều quan trọng là cha mẹ chỉ nên cho con học những lớp, những trường vừa với khả năng của nó đừng vì tham vọng của người lớn mà bắt trẻ phải đương đầu với những khối kiến thức khổng lồ ngoài sức của nó. Nếu con bạn chưa đủ kiến thức để chuyển lên lớp trên thì nên cho nó ngồi lại lớp cũ còn hơn là lên lớp mà không theo kịp. Một số cha mẹ tìm mọi cách để xin thầy cô cho con được lên lớp hoặc vào những lớp dành cho học sinh năng khiếu để rồi rốt cuộc không theo kịp chúng bạn nên chán nản lười học. Một vấn đề nữa là chúng ta cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc về phương pháp giáo dục, dạy trẻ đã thực sự gây được hứng thú cho trẻ học chưa.
Trẻ em vốn ham hoạt động. Biết đi chập chững trẻ đã hoạt động rồi và thường hoạt động của nó không có mục đích. Nó cần có sự hướng dẫn của cha mẹ. Ví dụ trẻ em vừa bày trò chơi bạn đã bắt nó dẹp đi vì cho là vô ích. Thái độ đó của bạn là không đúng vì bạn đã tiêu diệt ý trí hoạt động của trẻ khi mới chớm nở. Trẻ em thích chơi cứ để nó chơi, chơi đối với trẻ tức là làm việc. Bạn tìm cách hướng dẫn để cho trẻ học qua trò chơi của trẻ, giúp trẻ qua trò chơi để mở mang kiến thức, trí khôn, khả năng tư duy sáng tạo... Bạn nên khéo léo vận dụng những kiến thức của trẻ đã học để vận dụng vào trò chơi . Đó là cách giúp trẻ củng cố kiến thức đồng thời trẻ thấy được để thực hiện tốt trò chơi của mình thì phải học tốt.
Bạn có thể yêu cầu con bạn làm giúp bạn một việc gì đó nhưng đừng ra lệnh cho con. Ví dụ bạn muốn con bạn sửa một cái chân ghế bị hỏng thì bạn nên mang chiếc ghế đó ra và hỏi con bạn xem nên sửa cái chân ghế này như thế nào. Nếu con bạn đưa ra ý kiến chưa đúng thì bạn có thể thêm vào ý kiến của bạn nhưng phải để nó tin rằng đó là ý kiến của nó, như vậy nó thấy được nó cũng làm được những việc có ích chứ không phải nó vô tác dụng. Bạn nên dự đoán xem con bạn có đủ sức và khả năng để làm được việc bạn giao không.
Nếu thấy con bạn bị điểm kém thì không nên rầy la nó vội mà cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao để khắc phục. Từ trước đến nay chúng ta thường dùng biện pháp mạnh để trừng trị trẻ lười học và đối với một số trẻ chúng ta đã thu được một ít thành công nhưng xét cho kỹ thì sự thành công đó không bù lại được sự thất bại bởi vì ta đã rèn luyện cho trẻ làm việc theo mệnh lệnh chứ không không phải do nhận thức được nhiệm vụ hoặc do hứng thú, như vậy không phát huy hết khả năng tự lập, sáng tạo của trẻ. Thực tế cho thấy không phải bạn cứ cho con vào học các trường năng khiếu, có đủ tiện nghi là trẻ học tốt vì đó chỉ là điều kiện học tập còn trẻ có học tốt hay không là do sự cố gắng của trẻ và do cách giáo dục của nhà trường và cha mẹ.
Tóm lại trẻ em lười học không phải là do bản chất nó lười mà chính là do phương pháp dạy dỗ và điều kiện học chứa nhiều yếu tố không phù hợp với trẻ khiến trẻ sợ học và sinh lười học ngay từ lúc đầu. Vì vậy cha mẹ cần thật sự quan tâm một cách thật hợp lý để trẻ không sợ học và có hứng thú với việc học./.