Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể, nó báo động cho bạn thấy có một tác nhân có hại nào đó xâm nhập. Chỉ một hiện tượng ngứa mà biết bao nhiêu nguyên nhân khác nhau gồm 2 loại: "ngoại xâm" và "nội địch".
Ở một nơi nào đó trên da có thứ cảm giác rất khó chịu, rất bức xúc, không cho ta yên nhưng cách “chữa” thì đơn giản lạ lùng, chỉ việc đưa móng tay cào cào là đủ giải tỏa. Ấy là cảm giác ngứa.
Trên 2 mét vuông da của một người, bất cứ chỗ nào cũng có thể ngứa. Nó xuất hiện do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Ngứa không trực tiếp gây chết người nhưng nhiều khi là biểu hiện của các loại bệnh tiềm ẩn.
Ngứa cũng có thể làm bạn "phát điên", chẳng hạn như khi đứng trúng vào một tổ kiến lửa, khi hàng nghìn con kiến hung hãn đồng tâm hiệp lực cắn ngập da để tiêm vào một chất kích thích cực mạnh là axit formic.
Cơ chế gây ngứa
Cơ chế ngứa mới được phát hiện vào năm 2001. Thủ phạm gây ngứa là một hóa chất tên là histamin, có sẵn trong dưỡng bào dưới da. Nó liên kết với đầu mút của dây thần kinh trên những thụ quan đặc biệt. Khi bị viêm hay dị ứng, dưỡng bào lập tức tiết ra histamin, tạo ra cảm giác ngứa ngáy và làm vùng da quanh đó bị đỏ lên. Cảm giác này truyền lên não và não lập tức ứng phó bằng cách ra lệnh cho tay gãi hoặc cọ sát vào chính nơi đang ngứa.
Song gãi chỉ là một phản ứng tự nhiên có thể giải quyết được cái ngứa nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Gãi có thể tạo ra những vết thương mới như nhiễm trùng, khi đó thì “hơn chẳng bõ hao”.
Nguyên nhân
Chỉ một hiện tượng ngứa mà biết bao nhiêu nguyên nhân khác nhau gồm 2 loại: ngoại xâm và nội xâm. Giặc ngoại xâm khá nhiều. Chúng có thể là côn trùng tí hon (nhất là những con ghẻ) hoặc các loại muỗi, kiến, sâu róm... Chúng còn là vi khuẩn, nấm... sinh sôi, bám rễ trên da, nhất là tại nơi kín đáo; hay là tia cực tím trong ánh nắng gắt.
Một bộ quần áo mới mà da "không thích" rất có thể phản đối bạn bằng cách gây ngứa. Đồ nữ trang lung linh trên cổ, trên tai, trên cổ tay, ngón tay của các quý bà quý cô cũng có thể là thủ phạm, nhất là vàng tây chứa nickel. Ác một nỗi, chúng không gây ngứa ngay nơi đeo mà có khi chui lủi, “đánh tập hậu” ở vị trí khác, khiến ta khó xác định nguyên nhân.
Rồi còn bao nhiêu thứ giặc ngoại xâm nữa: hóa chất tẩy rửa, chất nhựa trên củ khoai sọ chưa nấu chín, những chiếc lá có lông nhỏ li ti, mỹ phẩm thơm tho bạn đang dùng... Cuối cùng là bầu không khí bụi bặm hoặc khí lạnh cũng có thể gây cơn ngứa ghê gớm.
Giặc nội xâm nhiều không kém. Những thức ăn không hợp cơ địa, nhất là tôm, cua, ốc, ba ba, cá ngừ rồi thịt bò, rượu... dễ gây nổi mẩn, kéo theo cơn ngứa vô cùng khó chịu.
Có những bệnh tật “mai phục” trong cơ thể mà ngứa là hình thức thể hiện như vàng da do máu có quá nhiều sắc tố mật, bệnh tăng hồng cầu, bệnh thận, tiểu đường, ung thư. Thậm chí cả sự mang thai cũng gây ngứa. Khi vết thương sâu trên da bắt đầu lên da non cũng là lúc những đầu mút thần kinh được cấu tạo lại, bị kích thích, làm ta ngứa ngáy không yên. Những cơn ngứa có nguyên nhân “nội xâm” thường kéo dài, có thể là mãn tính, đòi hỏi phải xác định đúng nơi xuất phát mới có thể chữa tận gốc.
Cuối cùng, phải kể đến nguyên nhân tâm lý.
Làm sao cho khỏi ngứa?
Câu trả lời lập tức đến, rất tự nhiên: Gãi! Nhưng các thày thuốc khuyên đừng gãi mạnh. Cũng như mọi bệnh khác, ngứa cũng có phòng và có chữa.
Phòng là loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa: diệt côn trùng, ăn ở sạch sẽ... Trong những chuyến du lịch bụi, nên mang theo thuốc bôi tránh côn trùng.
Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch khỏi các chất tẩy rửa.
Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm vào ban đêm.
Cố gắng không ăn uống những thứ không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng...
Đã bị ngứa thì phải chữa. Nếu là bệnh ngoài da, trước hết hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da thông thường, ví dụ crotamiton dạng mỡ, có tác dụng giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm. Thuốc phức tạp hơn, cần lời khuyên của bác sĩ. Vài loại phổ biến nên biết là:
- Thuốc chứa corticosterod: Uống, tiêm hay xoa lên chỗ ngứa, có tác dụng làm giảm viêm. Sử dụng thận trọng và không kéo dài.
- Thuốc chống histamin: Giảm các triệu chứng của dị ứng, chẳng hạn như điphenyliamin (Benadryl) nhưng gây buồn ngủ. Người làm việc tập trung điều khiển xe không nên dùng.
- Thuốc giảm đau: Giúp làm dịu cơn ngứa ví dụ acetominophen (Tylenil) hoặc aspirin
Khi ngứa là biểu hiện của một bệnh bên trong cơ thể (gan, mật, máu, tiểu đường...) thì phải chữa khỏi hoặc kìm hãm các bệnh này thì những cơn ngứa mới mất gốc, biệt tăm.
Và một biện pháp nữa: Khi ngứa, cứ bình tĩnh, làm như không hề có nó, để toàn bộ tinh thần tập trung vào điều mình đang suy nghĩ, cơn ngứa sẽ tiêu tan.
Làm gì khi bị dị ứng
Đôi khi dị ứng chỉ là những vết mày đay khó chịu trên da nhưng cũng có lúc gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng
Theo đông y, dị ứng xảy ra ở những người ít ăn rau, thích các món cay và nóng. Nguyên nhân sâu xa gây dị ứng là chức năng tiêu độc của gan và bài tiết ở thận suy giảm
Dễ dị ứng khi gan, thận suy
Khi ăn chất đạm, chất béo và đường, bộ máy tiêu hóa phân hủy các chất này thành acid amin cơ bản rồi tổng hợp lại để duy trì hoạt động cơ thể. Trong quá trình này, cơ thể sinh ra độc tố khiến gan phải hoạt động để làm vô hại chất độc, đẩy chúng ra ngoài theo đường đại tiện, tiểu tiện và mồ hôi
Nếu chức năng gan kém, thận sẽ làm việc hết công suất để bài tiết chất độc. Khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của gan, thận suy yếu cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước); gây ngứa dị ứng, mày đay như: mụn nhọt, trứng cá, u bã đậu, lở ngứa…
Biểu hiện đa dạng
Mỗi cơ thể sẽ phản ứng với một số dị nguyên nhất định nên chất dị ứng ở người này chưa chắc gây dị ứng với người khác. Khi dị ứng với một chất nào đó, không phải độc chất từ chất đó ảnh hưởng lên cơ thể mà chỉ do hệ miễn dịch cảm thấy lạ nên kích hoạt đáp ứng miễn dịch dị ứng. Những người có cha, mẹ hoặc cả hai cùng bị dị ứng thì nguy cơ dị ứng rất cao
Biểu hiện dị ứng rất đa dạng. Ở thể nhẹ và vừa, da nổi mày đay, đỏ bừng, phù mạch; nôn mửa, quặn bụng, đau bụng, tiêu chảy; hen phế quản, phù thanh quản. Ở thể nặng, cơ thể phản ứng sốc phản vệ ngay sau khi dị ứng
Tân dược khó trị dứt điểm
Dùng thuốc bôi ngoài da cũng như uống tân dược chỉ hết dị ứng tạm thời, sau một thời gian bệnh sẽ tái phát nên cần điều trị bằng các món ăn có tính thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan
- Để trị mày đay thì dùng đu đủ 100 g, gừng tươi 6 g, giấm gạo 100 ml. Đu đủ gọt bỏ vỏ, thái miếng cho gừng và giấm vào nấu lên, đun nhỏ lửa cho đến khi giấm cạn, lấy đu đủ ra ăn. Dùng 2 lần vào sáng và tối. Một bài thuốc khác nữa dùng nguyên liệu là sơn tra 30 g, mạch nha 15 g, lá tre tươi 15 g, cam thảo 3 g; tất cả cho vào ấm, đổ 500 ml nước sạch vào sắc; bỏ bã lấy nước uống; chia uống 3 lần trong ngày
Ngoài ra, có thể dùng mướp tươi 1 quả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước bôi vào chỗ mày đay, nổi ban hoặc lấy lá hẹ tươi (100 g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đun nóng lên. Chia làm 2 phần: Một phần uống, một phần bôi vào chỗ mày đay, phát ban. Nếu viêm mũi dị ứng thì dùng món ăn sau đây để trị sẽ rất hiệu nghiệm: Thịt bò 100 g rửa sạch, thái miếng; rau thơm 15 g cắt nhỏ, gạo tẻ và tỏi tươi (bóc vỏ, đập dập) mỗi thứ 60 g, gia vị vừa đủ. Gạo tẻ vo sạch, đem ninh thành cháo. Khi cháo chín, cho thịt bò và tỏi vào đun sôi thêm một lát nữa rồi cho rau thơm và gia vị vào, ăn nóng trong ngày. Món này giúp trừ hàn, làm giảm xuất tiết và thông mũi.
8 cách cắt nhanh cơn ngứa dị ứng, mề đay
Loại trừ các tác nhân gây dị ứng, mề đay, chườm khăn lạnh, bôi kem, dùng siro thảo dược… là những cách cần áp dụng để giảm nhanh chóng những cơn ngứa do dị ứng, mề đay cấp tính.
Xác định tác nhân gây dị ứng
Tác nhân gây nên tình trạng dị ứng ở mỗi người lại khác nhau. Do đó điều quan trọng cần xác định nguyên nhân gây dị ứng và loại trừ ngay. Ví dụ nếu nguồn gốc của dị ứng là do bị ong đốt, bạn cần cẩn thận tháo ngòi ong với nhíp; hay nếu bị dị ứng do ăn hải sản bạn nên ngừng ăn ngay.
Chườm mát bằng khăn lạnh, ẩm
Độ ẩm và nhiệt độ thấp có thể làm dịu nhanh làn da và ngăn ngừa hình thành thêm các nốt mẩn ngứa. Bởi vậy, khi bị nổi các nốt mề đay, mẩn ngứa bạn nên ngâm khăn mềm trong nước lạnh, sau đó vắt ráo nước (chú ý khăn ẩm, chứ không ướt sũng) và áp lên vị trí của da khoảng 30 phút. Nên làm mỗi ngày 3 lần cho đến khi những nốt mẩn ngứa biến mất.
Tắm rửa vệ sinh sạch sẽ
Nhiều người nghĩ rằng khi bị dị ứng cần phải kiêng nước. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ việc tắm rửa vệ sinh hàng ngày sẽ giúp bỏ những tác nhân gây dị ứng trên da và giúp da thoáng mát hơn.
Lưu ý không nên tắm bằng nước nóng và sử dụng các loại xà phòng tẩy rửa để tắm.
Mặc quần áo cotton, mềm
Quần áo bó chật, chất vải nóng là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng mẩn ngứa, mẩn đỏ. Do đó, tốt nhất bạn nên chọn quần áo có chất liệu mềm mại, nhẹ nhàng và thoáng mát.
Lựa chọn thực phẩm có tính mát
Khi bị mẩn ngứa, một vài món ăn đơn giản sẽ giúp làm dịu làn da như sau: mướp 30g rửa sạch thêm chút muối, nấu chín ăn cả bã và nước. Rau sam, rau muống mỗi thứ 30g phối hợp cùng nấu canh để uống. Hay rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10g, nấu canh ăn.
Cầu kỳ hơn bạn có thể kết hợp sinh ý dĩ nhân, bột mã thầy, mỗi thứ 30g, cùng nghiền bột mịn nấu cháo; Xích đậu, bí xanh lấy vỏ, mỗi thứ 30g, sắc uống thay trà, có thể uống thường xuyên.
Dùng kem bôi ngoài da
Nhóm hoạt chất corticoid có tác dụng giảm ngứa, giảm mẩn đỏ rất nhanh trong các trường hợp dị ứng, mề đay. Tuy nhiên, corticoid gây ức chế hệ miễn dịch, làm mỏng da và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tại da. Không nên lạm dụng kem bôi này, đặc biệt trên nhóm đối tượng trẻ em.
Học theo kinh nghiệm dân gian
Những vị thảo dược giúp thanh nhiệt, giải độc nhanh như lá khế, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, rau má… đều được sử dụng trong các bài thuốc dân gian chữa trị mẩn ngứa.
Lá khế lấy một nắm, rửa sạch với nước muối loãng rồi cho vào nồi đun sôi để tắm cho con chừng 3 lần một tuần. Lá khế không chỉ giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu mà còn thổi bay rôm sảy, mụn nhọt.
Hay bài thuốc kết hợp các vị dược liệu như kinh giới, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, liên kiều… giúp cắt nhanh cơn ngứa khó chịu.
Dùng các dạng Siro thảo dược
Thay vì cầu cứu tới các loại thuốc tân dược, bạn hoàn toàn có thể xóa bỏ những vết tích của mẩn ngứa, mề đay bằng chính những phương pháp tự nhiên mà không phải lo lắng tới những tác dụng phụ của nó tới sức khỏe.
Được chiết xuất từ các thảo dược với hàm lượng cao; cộng thêm dạng bào chế siro nên những sản phẩm này hấp thu và cho hiệu quả nhanh.
(st)