Nổi mày đay là bệnh da dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể ở bên trong hoặc bên ngoài cơ thể gây ra như:
- Do thức ăn: trứng, nấm, tôm, cua, sò, ốc…
- Do thuốc: kháng sinh, Quinin…
- Do ký sinh trùng: giun, sán…
- Do côn trùng đốt: muỗi, rệp…
- Do tiếp xúc với cây lá, sâu bọ, phấn hoa, nước, gió lạnh.
- Do điều kiện làm việc mệt nhọc, gắng sức, thay đổi cảm xúc.
Biểu hiện của nổi mày đay là ngứa, đây là triệu chứng chính xuất hiện cùng với các nốt sẩn, phù, kích thước khác nhau, khu trú ở một vùng hoặc rải rác khắp cơ thể. Các tổn thương mày đay có thể xuất hiện ở cả niêm mạc đường hô hấp gây khó thở hoặc ở niêm mạc dạ dày gây đau bụng…
Bệnh mày đay tiến triển thành từng đợt, mỗi đợt không quá vài ba ngày, có nhiều trường hợp bệnh tái phát liên tục trở thành mãn tính.
Điều trị: muốn điều trị dứt điểm phải tìm được nguyên nhân và loại bỏ nguyên nhân đó. Tuy nhiên việc tìm nguyên nhân nhiều khi rất khó vì vậy điều trị thường chia làm 02 giai đoạn.
Giai đoạn tạm thời: dùng các loại thuốc kháng Histamin tổng hợp một đợt 10-15 ngày như Dimedron, Penegan, các thuốc giải mẫn cảm không đặc hiệu như Canxi Clorua, vitamin C.
Trường hợp của bạn ngoài những thuốc như trên trong giai đoạn cấp nên điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu như dùng:
+ Histaglobin tiêm dưới da, mỗi lần 2mg , 3 ngày tiêm 1 lần. Đợt điều trị 6-8 lần tiêm.
+ Thuốc mát gan giải độc như Livcine 94, Hyposunphen.
+ Tránh ăn những chất kích thích và các thức ăn làm tăng bệnh.
Điều trị cơ bản như trên thường đạt kết quả tốt nhưng đòi hỏi phải kiên trì và lâu dài.
Sau khi điều trị tạm thời như trên mà không khỏi thì phải tìm nguyên nhân để có phương pháp loại bỏ nguyên nhân. Trong trường hợp này bắt buộc phải theo hướng dẫn của BS chuyên khoa.
|