Khi bị cao huyết áp, bạn cần có một chế độ ăn uống riêng và chăm chỉ tập thể dục, giảm lượng natri khi ăn uống.
Mắc bệnh cao huyết áp rất nguy hiểm khi nó khiến trái tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, do đó có thể gây bệnh tim, đột quỵ, suy tim, gây ra bệnh thận và các bệnh khác như xơ vữa động mạch hay xơ cứng động mạch. Hãy thực hiện lối sống dưới đây để cải thiện tình trạng cao huyết áp nhé!
Giảm lượng natri khi ăn uống:
Người bị cao huyết nên ăn uống có lượng natri không quá 2300mg mỗi ngày, tốt nhất nên dưới 1500mg. Để có thể giảm lượng natri trong chế độ ăn uống của mình, bạn có thể dùng các vị khác thay thế, tránh xa các thực phẩm chế biến, đóng gói, thức ăn nhanh.
Tập thể dục:
Chạy, đạp xe, bơi hoặc tập thể dục trong một tiếng đồng hồ mỗi ngày, 3-5 lần một tuần. Tập thể dục thường xuyên là việc cần thiết để giúp kiểm soát huyết áp của bạn. Khi có thể, hãy đi lên đi xuống cầu thang, dùng máy chạy bộ và tìm cách kết hợp việc tập thể dục vào các thói quen hàng ngày của mình.
Thư giãn mỗi ngày:
Lo âu nhiều sẽ dẫn đến huyết áp cao. Căng thẳng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất của bạn, vì vậy bạn cần phải tìm cách dừng ngay những suy nghĩ căng thẳng sau khi trở về nhà và sẵn sàng tìm cho mình không gian thích hợp để thư giãn. Bạn có thể dành ra 15-30 phút mỗi ngày để đóng cửa, tắt điện thoại và dừng tất cả mọi hoạt động nặng nhọc. Chọn một cuốn sách hoặc nghe nhạc trước khi đi ngủ cũng rất hợp lý.
Ăn đủ 4.700 mg kali mỗi ngày:
Kali có thể làm giảm tác động của natri. Bạn có thể ăn các thực phẩm có chứa hàm lượng kali cao như trái cây và rau quả hoặc sử dụng thuốc vitamin và khoáng chất bổ sung. Một số loại thực phẩm giàu kali là: chuối - 422mg, nước cam - 496mg, sữa chua ít chất béo - 540mg.
Bổ sung nhiều vitamin D trong chế độ ăn uống:
Nghiên cứu cho thấy rằng những người có nồng độ cao vitamin D sẽ ít căng thẳng hơn. Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 20 đến 25 phút mỗi ngày. Ăn các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ. Ăn các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua ít béo và sữa.
Uống ít caffeine:
Caffeine có thể làm tăng huyết áp ở những người hiếm khi uống cà phê và đặc biệt ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp. Caffeine làm tăng độ cứng của động mạch, làm cho tim phải bơm mạnh hơn dẫn đến tăng huyết áp.
Uống ít rượu:
Với số lượng rất nhỏ, rượu có thể làm giảm huyết áp của bạn. Tuy nhiên, uống quá nhiều sẽ có thể làm tăng huyết áp và làm giảm hiệu quả của nhiều loại thuốc điều trị huyết áp.
Tránh hút thuốc lá:
Nhiều người thường hút thuốc lá để giảm căng thẳng, tuy nhiên, bạn nên tìm cách khác thay vì “phì phèo” điếu thuốc. Hút thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe tổng thể mà còn là một trong những tác nhân sẽ làm tăng huyết áp của bạn.