Mách ba mẹ cách ứng xử hay khi con thích ném đồ, đập đầu ăn vạ

Ở tuổi lên 2, trẻ thường có những biểu hiện "bạo lực" khi không hài lòng điều gì đó khiến cha mẹ vô cùng bối rối, lo lắng. Điển hình là thói quen ném đồ đạc, hung hăng, đập đầu xuống đất ăn vạ.

 

 

 

1. Vì sao trẻ thích ném đồ, đập đầu ăn vạ?

 

Với những ai lần đầu làm mẹ hẳn sẽ vô cùng lo lắng với tính cách bạo lực, bất cần này của con. Nhiều bà mẹ có thể bị khủng hoảng theo con khi thường xuyên thấy con khóc lóc, đòi hỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là hiện tượng hết sức bình thường mà hầu hết đứa trẻ nào cũng trải qua. Đặc biệt, với những đứa trẻ có cá tính thì biểu hiện này sẽ càng rõ rệt hơn, đứa trẻ ít cá tính thì thường sẽ biểu hiện ít hơn. Vì vậy, không ít cha mẹ hoặc người lớn thường so sánh: "Thằng A này hư hơn thằng B, thằng B nó có bao giờ ăn vạ kiểu này đâu" hay như "Thằng A này bướng bỉnh quá, sau này chắc lì lợm, khó dạy lắm...".

Những lời nói tưởng vô tình từ người ngoài lại làm cho cha mẹ đứa trẻ vô cùng lo lắng, sợ hãi và có thể dẫn tới việc dạy dỗ, giáo dục con sai cách. Một số bà mẹ quyết tâm "dạy con từ thuở còn thơ" vì nếu không "để lớn lên cho nó hư hỏng à". Với tâm lý như vậy, hầu hết các bà mẹ đều tỏ rõ quyền uy "quát nạt" của mình ngay từ khi con còn nhỏ. Hễ mỗi lần con bướng bỉnh, cha mẹ lại quát lớn hơn con... Điều này không những khiến con không ngừng bạo lực mà còn co nguy cơ khiến cha mẹ mất bình tĩnh, khủng hoảng tâm lý.

Ăn vạ là biểu hiện bản năng của trẻ khi muốn điều mình thích

Cha mẹ cần hiểu rằng, khi ở độ tuổi từ 16 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu nhận thức được bản thân, thế giới xung quanh và có xu hướng đối phó với những nguyên tắc của người lớn để bảo vệ suy nghĩ của mình. Ví dụ, trẻ thích ăn kẹo, cha mẹ không cho thì trẻ sẽ khóc, ăn vạ, đập đầu, tìm mọi cách để được ăn kẹo. Hay như, trẻ đang chơi xếp hình, cha mẹ bắt trẻ chơi ô tô thì dĩ nhiên trẻ sẽ ném ngay ô tô đồ chơi ra xa. Những hành vi thể hiện sự không muốn - sự muốn của trẻ đều bị cha mẹ quy kết là trẻ bướng bỉnh, khó bảo, không dạy sau này sẽ hư.

Thực ra, chỉ một vài hành vi như vậy chưa thể kết luận con hư hỏng hay bướng bỉnh được. Cha mẹ nên cảm thấy vui vì đứa trẻ có cá tính, biết thể hiện quan điểm của mình và phát triển tâm sinh lý bình thường ở tuổi đang lớn.

 

2. Cha mẹ nên làm gì khi con thích ăn vạ?

Cha mẹ cần bình tĩnh trước trò mè nheo của con

 

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, bất kỳ hành vi nào của trẻ cũng cần phải phát triển trong mức cho phép. Nghĩa là dù nó thuận với sự phát triển tự nhiên của con, cha mẹ cũng không thể để nó phát triển "hoang dại" được. Mọi hành vi, tính cách của con cần phát triển thuận tự nhiên trong khuôn khổ đạo đức cho phép. Khi con có hành vi bạo lực, cha mẹ cũng không thể làm ngơ để con tiếp tục bạo lực, đập đầu xuống đất, ném đồ khi không ưng ý, la hét. Điều cha mẹ cần làm là trấn tĩnh con, ngăn chặn hành vi này "biến tướng", giúp con hiểu điều gì đúng, điều gì chưa đúng.

- Thăm dò thái độ của trẻ: Cha mẹ cần biết trẻ không hài lòng vì điều gì? Vì con vô cớ thích làm vậy để tạo sự chú ý, vì lỗi của con hay vì lỗi của cha mẹ trước? Rất nhiều cha mẹ không biết rằng, tính cách bướng bỉnh, khó chịu của con một phần đều do cha mẹ/ người lớn mà ra. Nhiều người lớn tự cho mình quyền trêu chọc con, ví dụ, con đang cầm chiếc bánh ăn, người lớn giật chiếc bánh lại và chọc cho con khóc. Sau khi con khóc lóc ăn vạ thì lại bình luận "sao mà nó bướng bỉnh thế!?". Cứ như vậy nhiều lần, một đứa trẻ dù lúc đầu khá "ngoan" nhưng chúng sẽ dần trở nên "cứng đầu, khó chịu" hơn.

- Có thể ngó lơ trẻ trong một số trường hợp nhất định: Đó là trường hợp con sai, con cố tình gây sự chú ý với ba mẹ. Ví dụ, con muốn ăn kẹo trong khi mẹ không muốn cho con ăn kẹo. Mẹ đã cố giải thích ăn kẹo không tốt nhưng trẻ vẫn muốn ăn, nằm ăn vạ, la hét, đập đầu xuống đất để đòi ăn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên nhìn vào mắt trẻ, không nên chú ý đến trẻ, nếu có thể, bạn nên dời đi chỗ khác hoặc làm việc gì đó để trẻ cảm thấy trò mè nheo của mình không có tác dụng. Cha mẹ nên thực hiện cách này sớm để đối phó với trẻ khi con đi siêu thị hoặc những nơi công cộng khác. Rất nhiều đứa trẻ lạm dụng nơi đông người, lạm dụng sự mềm lòng và xấu hổ của cha mẹ mà chiều chuộng theo ý thích của chúng ở nơi công cộng. Do đó, khi ở nhà, cha mẹ cần cứng rắn để trị dứt điểm tính mè nheo của con khi ra ngoài.

- Không mặc cả với con trong mọi tình huống: Việc cha mẹ mặc cả với con có nguy cơ bị đứa trẻ "lật đổ" và lợi dụng sự mặc cả của người lớn. Đừng nghĩ trẻ nhỏ không biết gì, chúng rất "khôn" trong việc mặc cả để đòi được thứ mà chúng thực sự thích. Do đó, khi trẻ khóc lóc, la hét, điều cha mẹ cần làm là nói thật ít, giọng trầm và dứt khoát.

- Không nhặt lại đồ vật trẻ đã ném đi: Rất nhiều cha mẹ thấy con ném đồ vật thì nhặt lên cho trẻ, sau đó trẻ lại khó chịu ném tiếp. Cứ như vậy, trẻ sẽ không chịu cầm đồ vật đó và cứ ném khi cha mẹ đưa. Tốt nhất, cha mẹ không nên đưa lại cho trẻ nữa, nếu trẻ không thích thì con sẽ không có đồ chơi/ đồ ăn.

- Cần bình tĩnh và kiên trì trong việc giảm tính cách "bạo lực" của trẻ và giúp con hiểu được điều gì đúng, điều gì sai. Chúng ta không thể mong đợi rằng trẻ sẽ hiểu ngay được mọi chuyện, chấm dứt tính cách bạo lực ngay sau một đêm ngủ dậy hoặc sau khi cha mẹ giảng giải. Có thể chuyện này sẽ diễn ra cả 1 tuần, 1 tháng và đòi hỏi cha mẹ cần kiên trì, thống nhất trong cách dạy dỗ con.