Làm thế nào bạn có thể làm sạch giày màu trắng bẩn và làm cho đôi giày trắng tinh như mới? Dưới đây là một số cách đặc biệt mà ít người biết đến.
Dùng bàn chải đánh răng: Lấy một chiếc bàn chải đánh răng để giặt giày thể thao bằng vải, cao su hay dùng chính bàn chải đánh răng để chải si lên giày da tốt hơn nhiều so với dùng bàn chải giặt quần áo hay bàn chải chuyên để đánh giày. Dùng bàn chải đánh răng sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng đầu bàn chải nhỏ hơn, có thể cọ sạch các khu vực ngóc ngách bị bẩn. Nhúng ẩm bàn chải đánh răng và chà kỹ lên giày, khi bàn chải bẩn lại nhung vào nước làm sạch bàn chải, sau đó vẩy bớt nước. Lặp lại cho đến khi toàn bộ đôi giày sạch và trắng. Bạn cũng có thể thử bằng cách nhúng bàn chải đánh răng vào xà phòng đậm đặc để tẩy các vết ố trên đôi giày của bạn.
Dùng thuốc tẩy: Phương pháp này hoạt động rất tốt nếu được thực hiện một cách chính xác. Đầu tiên, phương pháp này chỉ áp dụng với giày vải. Bạn phải mang một đôi găng tay cao su khi dùng thuốc tẩy. Ngoài ra, không sử dụng thuốc tẩy gần thảm hoặc quần áo vì nó sẽ mất màu các loại vải khác khi dính vào. Bạn có thể chấm thuốc tẩy nhiều nhất lên khu vực bị ố, và chấm nhẹ hơn lên các khu vực khác, đợi một thời gian rồi dùng bàn chải đánh sạch lần nữa. Đừng chỉ chấm thuốc tẩy lên mỗi khu vực bị ố, vì một lát sau khu vực đó lại thành trắng nổi bật so với các khu vực khác.
Kem đánh răng tẩy trắng: Bôi kem đánh răng loại tẩy trắng để bôi vào vết bẩn của bạn, để khoảng 10 phút rồi dùng bàn chải đánh răng chà. Sau đó lấy một chiếc khăn ẩm và lau kem đánh răng sạch trên mặt giày. Lặp lại nhiều lần đến khi đôi giày trắng trở lại như cũ.
Máy rửa bát: Máy rửa bát của bạn không chỉ để rửa bát, mà còn có thể làm sạch đôi giày trắng của bạn. Đầu tiên, bỏ hết bát đĩa trong máy rửa bát và làm sạch máy (nếu bạn tiết kiệm, muốn tranh thủ giặt giày kết hợp với rửa vài cái bát thì rất có thể đôi giày của bạn sẽ càng bẩn hơn). Chạy máy rửa như bình thường. Sau khi hết chu trình tẩy rửa, phơi giày ướt của bạn dưới ánh mặt trời. Nếu không thể, bạn có thể dùng máy sấy. Lưu ý, hãy phủ một chiếc khăn khô lớn quanh đôi giày của bạn để tránh làm giày bị bong, nhăn.
Máy giặt: Ngoài máy rửa bát, bạn còn có thể giặt giày bằng máy giặt quần áo. Hãy ngâm khoảng 10 phút, sau đó giặt bằng chu kỳ giặt ngắn nhất và sử dụng nước nóng. Cho giày vào túi giặt, trước khi thả vào máy giặt để tránh va đập mạnh làm hỏng giày. Tuy nhiên, nếu giặt theo cách này, giày của bạn sẽ co lại một chút.
Tẩy bút chì: Các phương pháp trên đều dùng để làm sạch giày vải, còn với những vết bẩn trên giày da và giả da mà khăn ẩm không thể lau sạch, bạn có thể dùng tẩy bút chì để tẩy vết bẩn đó. Hiệu quả của tẩy bút chì rất đáng ngạc nhiên.
Sơn móng tay: Những vết xước trên giày da và giả da sẽ là nơi bùn đất giắt vào và rất khó làm sạch. Bạn hãy dùng bàn chải đánh răng, đánh sạch hết bùn đất bẩn trong vết xước, bôi si trắng lên vết xước đó, để khô rồi dùng sơn móng tay không màu, quét một lượt thật mỏng (chú ý là phải thật mỏng) lên chỗ đó, rồi để khô qua đêm. Với giày giả da có hiện tượng “nổ da”, bạn cũng có thể dùng sơn móng tay quét vào những chỗ sắp “nổ”, bạn lại có thể tiếp tục sử dụng đôi giày đó thêm một thời gian nữa.
Dùng chanh tươi: Cắt ngang quả chanh rồi chà trực tiếp lên vết bẩn. Chà mạnh miếng chanh tươi để tẩy sạch vết bẩn hoặc vắt trực tiếp nước chanh lên khu vực có vết bẩn cứng đầu rồi dùng bàn chải chà. Sau khi xát đều nước chanh lên mặt giày, bạn nên để 15 - 20 phút để axit trong chanh phát huy hết tác dụng rồi giặt lại bằng nước lạnh.
Dùng dầu chống gỉ WD-40: Với những vết xước bẩn trên phần đế cao su, hoặc giày bằng cao su, xịt trực tiếp một ít dầu chống gỉ lên vết xước, vết bẩn và đánh bóng chỗ đó bằng mút xốp hoặc khăn. Dầu chống gỉ WD-40 có thể đánh bật những vết bẩn cứng đầu trên một số bề mặt. Tuy nhiên, không nên dùng cho bề mặt vải và da, giả da vì WD-40 là một sản phẩm dạng dầu, nó có thể để lại vết ố trên vải và là hóa chất mạnh có thể làm cứng da, “nổ da” đối với giày giả da.
Theo Baomoi.com