Mách bạn vài mẹo nhỏ giúp mắt không bị tăng cận, thậm chí còn giảm đáng kể

Ngành kinh doanh kính cận có lẽ là 1 thị trường cực kì sôi nổi ở Việt Nam. Nhiều trẻ chỉ 4-5 tuổi cũng đã cận, không biết lớn lên kính của các em sẽ dày đến mức nào? Vậy làm sao để đôi mắt không bị tăng độ kể cả đối với người lớn? Sức khỏe thị giác cũng gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng từ tất cả các cơ quan khác trên cơ thể. Mắt cận thị là mắt có sức khỏe kém hơn bình thường. Do vậy, những người bị cận thị sẽ dễ mỏi mắt, mắt mau mệt hơn người không bị cận thị với cùng một hoạt động.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bệnh cận thị có nguyên nhân chính do yếu tố di truyền hoặc môi trường sống. Tuy nhiên, để ngăn ngừa độ cận tăng hoặc hạn chế phần nào tác hại của bệnh đến khả năng nhìn, bạn cần biết cách phòng, tránh bệnh cho chính mình.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, không nhất thiết phải đeo kính ngay khi bắt đầu cận. Nếu bạn cận dưới 0,75 độ thì không cần phải đeo kính thường xuyên, còn ở ngưỡng 1-2 độ thì chỉ nên đeo khi cần nhìn vật ở xa, hạn chế sự điều tiết của mắt. Đồng thời, việc đeo kính cần phải có sự tư vấn của bác sĩ và được đo khám cẩn thận.

Khi không phải làm việc hoặc làm những việc đơn giản, bạn nên bỏ kính để mắt được thư giãn. Không nên đeo kính cả ngày để tránh sự lệ thuộc vào kính. Đặc biệt, đối với mắt sau khi phẫu thuật, bạn cần lưu ý khi ngồi làm việc trước máy vi tính và màn hình tivi... phải đảm bảo khoảng cách, độ cao.

Ánh sáng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết của mắt, để ánh sáng trực tiếp chiếu vào mắt hoặc không gian quá tối đều gây hại cho mắt. Nếu phải thức thường xuyên, mắt sẽ chịu cường độ và áp lực nhiều hơn, dẫn đến tình trạng mỏi mắt, khô mắt. Do vậy, cần phải có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi đúng quy định để đảm bảo sức khỏe của mắt.

Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt: Ngoài việc đề ra cho đôi mắt một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế một số chất kích thích lẫn thức ăn gây hại cho mắt như đường, thuốc lá… thì việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt cũng là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn nên bổ sung.

Vitamin A: Vitamin A rất quan trọng đối với mắt, đặc biệt là mắt cận. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, sữa, gan động vật, các loại rau củ như mồng tơi, rau dền, rau ngót, cà chua, gấc, đu đủ, cà rốt...

Kẽm: Kẽm có tác dụng giúp máu lưu thông trong mắt dễ dàng, ngăn ngừa mắt bị khô, rát, mệt mỏi, khó chịu. Kẽm có nhiều trong thịt bò, thịt gà, sò, lòng đỏ trứng...

Beta carotene: Là một tiền chất của vitamin A, có vai trò rất quan trọng đối với thị giác, giúp mắt sáng hơn. Beta carotene có nhiều trong rau, củ, quả có màu vàng, cam hay xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ, khoai lang… Beta carotene được hấp thu ở ruột non, vì thế khi chế biến nên kết hợp chúng với các loại dầu, mỡ (vừa đủ) để quá trình hấp thụ tốt hơn.

Crom: Thiếu crom, nhãn cầu mắt sẽ bị lồi ra, mắt sẽ tăng độ cận nhanh hơn. Crom có nhiều trong gan bò, lòng đỏ trứng, nấm, nước ép nho…

Selen: Selen có vai trò đảm bảo sự ổn định của thị lực. Selen có nhiều trong các loại cá, tôm, cua, ốc, các loại hạt..

Các loại vitamin nhóm B: Thiếu vitamin B1 trong một thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng xuất huyết võng mạc giảm thị lực. Thiếu vitamin B2, khả năng hấp thu ánh sáng của mắt sẽ giảm và hay xuất hiện triệu chứng ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc hay đục thủy tinh thể. Thiếu niacin (vitamin B3) sẽ dẫn tới thiếu hụt vitamin C, còi xương, bệnh mù ban đêm… Để bổ sung vitamin B1, B2 và niacin, bạn có thể ăn các loại thực phẩm như thịt nạc, gà, bò, các loại đậu, rau màu đậm, sữa, trứng…

Theo VnMedia