'Mặt trái' đáng sợ của món trứng vịt lộn bổ dưỡng

Không thể phủ nhận những công dụng của trứng vịt lộn, nhưng khi sử dụng thực phẩm này, bạn cần có hiểu biết đầy đủ về cái lợi và hại để có cách dùng, cách ăn sao cho có lợi nhất.



Trứng vịt lộn được coi là món ăn bổ dưỡng có tác dụng “vàng”. Không chỉ là thực phẩm, trứng vịt lộn còn được coi là vị thuốc bồi bổ cơ thể.

Không thể phủ nhận những công dụng của trứng vịt lộn, nhưng khi sử dụng thực phẩm này, bạn cần có hiểu biết đầy đủ về cái lợi và hại để có cách dùng, cách ăn sao cho có lợi nhất.


 

1. Những lợi ích của trứng vịt lộn:


Theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng.
Khi dùng chung với gia vị như rau răm, gừng tươi, trứng vịt lộn trở thành một bài thuốc chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt, yếu sinh lý…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng hiện đại, trong trứng vịt lộn có chứa 13,6g protein , 12,4g lipit, 82mg canxi , 212mg phốtpho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng…


Ngoài ra, trong mỗi quả trứng còn chứa rất nhiều vitamin A, tiền vitamin A, chất sắt, gluxit, vitamin B1 và C.

Để phát huy hết công dụng của trứng vịt lộn, người ta thường ăn kèm với rau răm, gừng tươi và 1 chút muối. Đây cũng chính là những vị thuốc Đông y giàu dược tính.

Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc thực phẩm, tăng cường chức năng tình dục. Trong khi đó, rau răm tính ấm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ích trí, mạnh gân cốt, chữa lạnh bụng, say nắng…

 


2. Tác hại khi ăn nhiều trứng vịt lộn:


Nhiều người chỉ hiểu đơn giản là ăn trứng vịt lộn quá nhiều không tốt, nhưng cụ thể không tốt thế nào thì lại không rõ. Thực ra, nếu lạm dụng món ăn này và sử dụng không đúng cách, thì tác hại của nó không chỉ là không tốt mà rất có hại cho sức khỏe.

Gây thừa vitamin A: Ăn nhiều trứng vịt lộn và ăn một cách thường xuyên cũng khiến cơ thể bị dư thừa vitamin A, lượng vitamin A dư thừa này sẽ tích lũy dưới da, gan và làm vàng da, bong tróc da, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành xương.

Nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm: Trứng vịt lộn tuy giàu đạm nhưng cũng chứa nhiều cholesterol, nhất là những cholesterol xấu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, bệnh gút…

Những người đã có sẵn bệnh cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, tim mạch, viêm gan… thì càng nên hạn chế ăn trứng vịt lộn. Nếu ăn quá nhiều sẽ dần đến tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ảnh hưởng đến sinh lý: Bản thân trứng vịt lộn không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của người ăn nhưng nếu ăn nhiều trứng vịt lộn cũng có nghĩa bạn đã tiêu thụ nhiều rau răm – loại gia vị được cho rằng làm suy yếu khả năng sinh lý của quý ông.

Đông y cho rằng ăn nhiều rau răm sẽ sinh nóng rét, giảm khả năng tình dục của nam giới. Các nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy rau răm chứa 1 số loại tinh dầu có khả năng ức chế dục tính.

Không tốt cho người tỳ vị hư, yếu: Theo Đông y, trứng vịt lộn tính lạnh, mát, người có tỳ vị hư ăn vào dễ gây đầy trệ, không tiêu, gây báng bụng, ảnh hưởng không tốt đến gan, thậm chí dẫn đến nguy cơ xơ gan.

 


3. Ăn sao cho đúng?


– Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng để dạ dày có thời gian tiêu hóa hết chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này. Không nên ăn vào buổi chiều hoặc tối dễ gây đầy bụng, khó chịu, không tiêu hóa được.

– Ăn bao nhiêu cho đủ?
Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến tình trạng không tiêu hóa được, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trẻ trên 5 tuổi nên ăn 1/2 quả trứng 1 lần, tuần ăn từ 1 – 2 lần.

Bà bầu nên ăn mỗi tuần 2 quả và khi ăn hạn chế hoặc không ăn rau răm.

Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút… cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn.

Người gầy yếu muốn tăng cân nên ăn nhiều trứng vịt lộn, khi ăn nhớ kèm theo đĩa lạc hoặc một chút dầu ăn để giúp hấp thu dưỡng chất có trong trứng vịt lộn tốt hơn.