Mẹo chữa bệnh cao huyết áp hiệu quả


Để điều trị cao huyết áp, y học hiện đại căn cứ vào nguyên nhân và cơ địa của người bệnh mà có các phương cách chữa trị thích hợp. Bên cạnh đó cũng có những bài thuốc cổ truyền dễ áp dụng. Chúng ta cùng tham khảo các mẹo chữa bệnh cao huyết áp hiệu quả nhé!

Bài thuốc cho người huyết áp cao

Cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp, được xác định khi huyết áp tâm thu (tim co lại) lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương (tim giãn ra) lớn hơn 90 mgHg. Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp có nhiều (bệnh ở thận, vỏ thượng thận do xơ vữa động mạch, do thai nghén hoặc dùng thuốc...). Tuy nhiên, có trên 90% trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (vô căn).
 
Theo y học cổ truyền, bệnh cao huyết áp thuộc chứng “huyễn vựng”, hoặc “can dương vượng”. Nguyên nhân có thể là do tình chí căng thẳng lâu ngày khiến can khí nội uất, hóa hỏa làm hao tổn can âm, can dương nhiễu loạn, bốc hỏa. Can và thận có quan hệ mật thiết với nhau, hỏa nung đốt phần âm của can thận, dẫn tới can thận âm hư, can dương vượng. Hoặc do ăn uống quá nhiều chất béo, chất ngọt làm tổn thương tỳ vị, dẫn đến chức năng vận hóa của tỳ suy giảm rồi dẫn tới đàm thấp nội sinh, và đưa đến thanh dương bất thăng, trọc âm bất giáng mà gây nên bệnh huyết áp cao.
Tùy theo thể bệnh (can hỏa thịnh, can thận âm hư, âm dương đều hư...) mà y học cổ truyền có những bài thuốc điều trị hiệu quả. Điều đặc biệt là có một số vị thuốc chỉ dùng độc vị (một vị), hoặc kết hợp vài ba vị để điều trị cao huyết áp ở thể nhẹ, hoặc ở giai đoạn đầu rất tốt như: cúc hoa, đỗ trọng, câu đằng, phòng kỹ, hòe hoa, mướp đắng, rau má, cải xoong, cam thảo đất, hạ khô thảo, lá liễu... Dưới đây là một số cách ứng dụng đơn giản chữa cao huyết áp bằng cây cỏ mà người dân ở quê cũng có thể áp dụng.
 
- Rau cần nửa kg, rửa sạch, xay (hoặc giã nhuyễn) để vắt lấy nước uống.
- Lạc nhân (hạt đậu phộng) 200 gr, để cả vỏ lụa đem ngâm vào nửa lít giấm ăn, mỗi tối trước khi đi ngủ nhai 10 hạt và nuốt.

- Lá liễu tươi 250 gr, cho vào cùng 1 lít nước, rồi sắc (nấu) kỹ, uống trong ngày.

- Hoa cúc, hòe hoa, hoa đề thái (mỗi loại 10 gr) cho vào nửa lít nước, sắc uống trong ngày.

- Hạ khô thảo 15 gr, long đởm thảo 6 gr, ích mẫu 30 gr, bạch thược 12 gr, cam thảo 6 gr. Tất cả cho vào nồi cùng 3 chén nước (750 ml) sắc uống trong ngày.

- Sinh địa 15 gr, sơn thù 10 gr, trạch tả 10 gr, quế chi 10 gr, ngưu tất 10 gr cho vào cùng 3 chén nước, sắc uống trong ngày.

Lưu ý, cần tham khảo ý kiến nhà chuyên môn và cần theo dõi huyết áp, nếu thấy bất thường phải đi khám, kiểm tra sớm.

 

Người cao huyết áp nên ăn uống như thế nào?



Huyết áp cao là khi chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn mức bình thường. Có 3 trường hợp đều được coi là cao huyết áp, gồm: Chỉ số huyết áp của tâm thu và tâm trương đều cao hơn 140/90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm thu cao hơn 140 mmHg và chỉ số huyết áp của tâm trương bằng hoặc nhỏ hơn 90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm trương cao hơn 90 mmHg và chỉ số của huyết áp tâm thu bằng hoặc nhỏ hơn 140 mmHg.
 
Tuy nhiên, việc kết luận là có bị cao huyết áp hay không thì cần dựa vào kỹ thuật đo và ý kiến của thầy thuốc.
 
Nếu bạn bị cao huyết áp và có trọng lượng cơ thể ở mức trung bình thì hằng ngày chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm với tỉ lệ như sau:


Người bị cao huyết áp nên cân nhắc sử dụng các loại thịt hộp
- Với chất đạm, chất béo: Mỗi ngày chỉ cần 60 g - 70 g chất đạm; 25 g - 30 g chất béo từ dầu thực vật (ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ); 300 g - 320 g chất bột đường; dưới 6 g muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm...); 30 g - 40 g chất xơ từ rau, củ, quả... (tương đương 300 g - 500 g rau).

Một thực đơn sẽ rất an toàn nếu được chế biến bởi thịt nạc (tốt nhất là cá), dầu thực vật (đậu nành, đậu phụng, mè, ôliu, hướng dương) và nhiều rau xanh, củ, quả, đậu, hạt.
 
- Với cholesterol: Mỗi ngày không nên dùng hơn 250 mg cholesterol trong các loại thực phẩm. Nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn giàu cholesterol, ngọt, béo, quá mặn (hơn 6 g muối mỗi ngày).
 
Các thực phẩm thuộc nhóm có chứa hơn 50 mg cholesterol/100 g thực phẩm, gồm: Cá trích, thịt bò, thịt heo hộp, chân giò heo, thịt thỏ, sườn heo, heo xay hộp, cá chép, giăm bông heo, thịt bê béo, thịt ngựa, thịt vịt, thịt cừu, thịt ngỗng, thịt gà tây, thịt bò hộp, mỡ heo, dạ dày bò, sữa bột toàn phần chưa tách béo, thịt gà hộp, tim heo, bầu dục heo, phô mai, gan gà, lưỡi bò; đặc biệt cholesterol rất cao ở trong lòng đỏ trứng gà, não bò, não heo.
 
Như vậy, tốt nhất là nên loại bỏ thức ăn chế biến từ nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, mỡ động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm đóng hộp, một số thủy hải sản (tôm đồng, tôm biển, cua biển, mực...); các loại giăm bông, thịt nguội, da của gia súc, gia cầm, các sản phẩm làm từ sữa béo, từ sô-cô-la, khoai tây chiên...
 
- Với thực phẩm ngọt: Cần hạn chế các thức ăn quá ngọt, như: kẹo, bánh, mật, kem, chè, sô-cô-la, trái cây ngọt (sầu riêng, mít, xoài chín, nhãn, vải...). Mỗi ngày, lượng glucose sử dụng tối đa chỉ 10 g - 20 g.

- Với thực phẩm chứa nhiều natri: Hạn chế các thực phẩm có hàm lượng natri từ 100 mg – 1.000 mg (tương ứng với 250 mg – 2.500 mg muối ăn)/100 g thực phẩm.
 
Đó là: trứng, cá hộp, ốc, sò, bánh mì, xúc xích... Các thực phẩm có hàm lượng natri rất cao (tương đương với 2.500 mg – 240.000 mg muối ăn) gồm: thịt hộp, các loại dưa muối (cà, cải, giá đậu, dưa chuột...), mắm cá, mắm ruốc, giăm bông, thịt hoặc cá xông khói, thịt hoặc cá chà bông, các loại nước chấm (tương, chao, xì dầu, nước mắm...).
 
- Với các thức uống từ chè: Dù các thức uống này rất có ích cho sức khỏe nhưng khi uống nhiều và uống vào buổi chiều tối cũng không tốt cho người cao huyết áp. Một số thức uống có tính kích thích như cà phê, rượu, bia đều có thể làm tăng huyết áp nên lưu ý không uống vào buổi chiều tối. Vitamin C liều cao (hơn 1.000 mg/ngày) có trong các viên vitamin C sủi bọt cũng có thể tạo điều kiện tăng huyết áp.

Lưu ý

Các loại thức ăn có nguyên liệu từ cam thảo, nhân sâm, huỳnh kỳ, nhục quế, đại hồi, đinh hương... cũng không có lợi cho người bệnh cao huyết áp.

Trong trường hợp bệnh cao huyết áp có thêm biến chứng suy tim, suy chức năng thận, tai biến mạch máu não thì còn cần phải tuân thủ chế độ kiêng muối chặt chẽ (1 - 4 g/ngày) và có sự theo dõi của thầy thuốc.

6 thực phẩm chống cao huyết áp hiệu quả


1. Cây atisô

Sử dụng của atisô giúp hạ thấp mức cholesterol trong máu. Tăng cholesterol trong máu là một trong những yếu tố nguy cơ cao huyết áp. Bạn có thể dùng atisô trong ăn uống, đặc biệt là dùng trà atisô. Atisô còn giàu kali, là một chất dinh dưỡng quan trọng trong “cuộc chiến” chống tăng huyết áp. Ngoài ra, atisô còn có chứa axit folic, có lợi cho tim của chúng ta. Atisô là thuốc lợi tiểu tự nhiên và nguồn cung cấp chất xơ có giá trị trong việc hỗ trợ điều trị cao huyết áp.

2. Chuối

Chuối rất giàu kali, chất này rất cần thiết cho hoạt động của tim và thận. Nó kết hợp hoạt động với natri để duy trì sự cân bằng chất lỏng của cơ thể, một yếu tố quan trọng trong quy định huyết áp.

3. Củ cải đường

Nước ép củ cải đường có tác dụng giảm mức huyết áp cao. Một nghiên cứu nghiên cứu cho biết việc tiêu thụ nitrate trong chế độ ăn uống có củ cải đường giúp hạ cao huyết áp trong vòng 24 giờ.

4. Ca cao

Flavonoid, đặc biệt procyanids có trong cacao rất tốt cho sức khỏe của tim. Cách tốt nhất để sử dụng lợi ích sức khỏe từ ca cao là dùng cacao tươi vì nó là tốt cho tim, não và gan, bên cạnh giúp đỡ trong việc duy trì huyết áp khỏe mạnh.

5. Tỏi

Tỏi đã được biết đến trên toàn thế giới như một loại thảo mộc rất quan trọng, đặc biệt là khả năng bảo vệ tim. Nó giúp hạ thấp cholesterol trong máu và ngăn ngừa máu đông, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Kỷ yếu của Viện Hàn Lâm Khoa học Mỹ đã công bố kết quả của một thử nghiệm cho thấy nước ép tỏi có thể giúp giảm huyết áp. Trong thời hạn hai tháng dùng nước ép tỏi, người bệnh giảm đáng kể ở cả tâm thu và huyết áp tâm trương. Cholesterol và triglycerides trong máu cũng giảm đáng kể sau 8-10 tuần điều trị.

6. Hạt lanh

Hạt lanh là một nguồn axit Alpha Linolenic dồi dào. Một loại cây trồng có chứa omega 3 axit béo. Bên cạnh đó, hạt lanh còn chứa Lignan, một chất chống oxy hóa và chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterone xấu.



Mẹo chữa hóc xương cá
Mẹo chữa dị ứng thời tiết
Mẹo chữa rát cổ họng không cần dùng thuốc Tây
Mẹo chữa ho cho bà bầu
Mẹo chữa hen phế quản đơn giản hiệu quả



(ST)